Nhà văn Trần Nhã Thụy:
Quan niệm của chị thế nào về truyện cực ngắn, và vì sao chị chọn truyện cực ngắn?
Nguyễn Thị Hậu:
Truyện cực ngắn là truyện… cực ít chữ, và giản dị. Bằng một hai chi tiết, hình ảnh “gợi” nhiều hơn là “kể”, truyện cực ngắn thường “ý tại ngôn ngoại”.
Tôi thích viết ngắn vì nó như một thách đố: Càng ngắn gọn càng chính xác thì càng đạt đến sự giản dị. Viết truyện cực ngắn cũng rất thú vị vì thường mang lại bất ngờ: định viết thế này mà khi hoàn chỉnh lại ra một truyện hoàn toàn khác hẳn.
(Báo Tuổi trẻ ngày 7/11/2011)
Tiến sĩ khảo cổ học, từng “công tác bảo tàng” nhiều năm, hiện là Viện phó Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, Phó Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, chừng ấy thứ để khó hiểu về việc viết văn của Nguyễn Thị Hậu.
Nhưng nếu đọc loạt truyện cực ngắn này, không cần nghĩ ngợi đến những chức tước, học hàm học vị, sẽ thấy một cái nhìn nhạy cảm rất đàn bà, một kết cấu truyện gọn sắc như những cú đâm của dao găm, và cả tiếng cười như sắp phá bung ra đằng sau sự lạnh lùng của con chữ.
Nhà văn Lê Anh Hoài (báo Tiền Phong cuối tuần, ngày 8/5/2009)
Nhìn đâu cũng thấy đồng hồ.
Trên tường nhà, trên bàn làm việc, trên màn hình máy tính, trên điện thọai…
Trong phòng làm việc, phòng họp, phòng của sếp, phòng của lính…
Đi công tác: Trong xe hơi, trong khách sạn từ sảnh đến phòng ngủ…
Nhưng tất cả đồng hồ đều chậm nhanh vài phút khác nhau, khi xem giờ chị luôn tự hỏi: đồng hồ nào đúng?
Vì vậy, chị không đeo đồng hồ. Bởi không muốn nghi ngờ chính mình.
Mời các bạn đón đọc 101 Truyện 100 Chữ của tác giả Nguyễn Thị Hậu.