🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook 100 Năm Khoa Học Hình Sự Thế Giới - Jürgen Thorwald full mobi pdf epub azw3 [Chuyên Ngành] Ebooks Nhóm Zalo JÜRGEN THORWALD 100 NĂM KHOA HỌC HÌNH SỰ THẾ GIỚI (SÁCH THAM KHẢO CỦA LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN) Người dịch: DƯƠNG VĂN NGỮ PHẠM VĂN BA NGUYỄN THỊ GIỚI NHÀ XUẤT BẢN CÔNG AN NHÂN DÂN LỜI GIỚI THIỆU Môn khoa học hình sự đã ra đời từ hàng nghìn năm nay. Từ những thế kỷ trước công nguyên, người ta đã phẫu thuật tử thi để xác nhận nguyên nhân những cái chết bất ngờ. Nhưng phải đến thế kỷ XIX và cho đến nay khoa học hình sự mới phát triển đến trình độ cao và có giá trị thực tiễn rất lớn. Lịch sử ngành khoa học hình sự đã phải trải qua một thời kỳ dài đầy gian khổ: Từ lúc sơ khai như việc đo ghi kích thước một vài bộ phận cơ thể con người làm cơ sở cho khoa nhận dạng, việc phát hiện dấu tay người cổ xưa, việc lấy vân tay, lập hồ sơ lăn tay và cách sắp xếp hồ sơ lưu trữ sao cho việc tra cứu được nhanh chóng, chính xác đến những thành tựu mới nhất đã được áp dụng vào việc truy tìm tội phạm. Khoa học càng tiến bộ, xã hội càng phát triển thì những âm mưu, thủ đoạn, phương tiện giết người của bọn tội phạm càng tinh vi, xảo quyệt. Do đó, đòi hỏi ngành khoa học hình sự không thể dừng chân tại chỗ mà phải phát triển ngang hàng với các ngành khoa học khác. Các môn khoa học hình sự như nhận dạng, dấu vết pháp y, chất độc học, đường đạn... càng phát triển thì càng giúp đỡ đắc lực việc truy tìm thủ phạm và phương tiện chúng gây tội ác. Trong quá trình đấu tranh không mệt mỏi giữa khoa học và tội phạm đã xuất hiện rất nhiều nhà khoa học làm việc tận tuỵ, quên mình cho ngành khoa học mới mẻ này. Mỗi khó khăn vượt qua, mỗi tiến bộ khoa học đạt được đã đưa ra ánh sáng thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm, góp phần tích cực ngăn chặn tội ác, bảo đảm cuộc sống hạnh phúc của những người dân lương thiện. Từ khi ngành khoa học hình sự ra đời, không chỉ những nhà khoa học chuyên tâm nghiên cứu mà nhiều nhà văn, nhà báo, điện ảnh... đã giành thời gian, thậm chí giành cả cuộc đời cho việc ghi lại những thành tựu của ngành khoa học này. Jürgen Thorwald, người Đức, là một trong những người đầu tiên trên thế giới đã trình bày một cách hệ thống những giai đoạn lịch sử sôi động của ngành khoa học hình sự thế giới. Jürgen Thorwald đã nổi tiếng ngay từ cuốn sách đầu tiên của ông “Sự bại trận của nước Đức”. Quyển sách này tả lại những sự kiện xảy ra trong những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II (1939-1945). Quyển “Lịch sử ngành phẫu thuật” của ông được nhiều nhà khoa học trên thế giới khen ngợi. Năm 1960, ông cho xuất bản cuốn: “Sự kết thúc của một nhà phẫu thuật lớn”. Cuốn sách này được coi là một tài liệu có giá trị cao về lịch sử y học. Ngay từ khi viết những cuốn sách trên, Jürgen Thorwald đã sưu tầm tài liệu viết cuốn “Trăm năm khoa học hình sự thế giới” hay “Những chặng đường lớn của khoa học nghiên cứu về tội phạm”. Khoa học hình sự có nhiều bộ môn, liên quan đến nhiều ngành. Nhưng trong cuốn “Trăm năm khoa học hình sự thế giới” tác giả chỉ trình bày một cách hệ thống lịch sử phát triển, hoạt động của bốn bộ môn chính: dấu vết, pháp y, thuốc độc và đường đạn. Trong cuốn sách này tác giả khẳng định: dấu vết không thể nào xoá được. Trong 46 tỷ trường hợp hoạ may mới có hai người có vân tay giống nhau. Có nghĩa là, với số người trên thế giới hiện nay, không thể gặp trường hợp hai người có vân tay trùng hợp: những người công an hình sự có thể biết được nhiều điều bí mật qua khám nghiệm tử thi, từ đó xác định đúng hướng truy tìm thủ phạm, khi một người chết chưa rõ nguyên nhân vì ngộ độc hay do kẻ sát nhân ám hại bằng thuốc độc thì các nhà khoa học đã cho biết: chất độc không còn là điều bí mật nữa. Bằng phương pháp hoá nghiệm một số chất trong cơ thể người chết, các nhà hình sự sớm xác định được nguyên nhân chết. Còn một khi người nào đó bị bắn chết thì khoa học xác định hướng đạn bắn, vết đạn xé... sẽ giúp đắc lực cho công an hình sự tìm ra được chủ nhân của những khẩu súng giết người. Như thế, tất cả những thủ đoạn, phương tiện gây tội ác của bọn sát nhân dù tinh vi, xảo quyệt đến đâu, dù vụ án xảy ra từ lâu hay mới xảy ra thì ngành khoa học hình sự cũng có thể giúp công an xác định được thủ phạm. Khoa học hình sự gắn liền với công việc công an như hình với bóng, đòi hỏi, người chiến sĩ công an phải không ngừng học tập, nâng cao tri thức về ngành khoa học này. Đối với nhiều vụ án xảy ra, công tác điều tra bị bế tắc chính là do trình sát của ta chưa nắm vững khoa học hình sự, chưa xuất phát từ thực tế khách quan của hiện trường, của dấu vết mà làm theo suy diễn chủ quan. Cho dịch và xuất bản cuốn “100 năm khoa học hình sự thế giới” chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc một tài liệu tham khảo về khoa học hình sự, nhằm nâng cao hiểu biết của bạn đọc nhất là bạn đọc trong lực lượng công an nhân dân từ đó mà áp dụng vào việc phòng ngừa và truy tìm tội phạm, đấu tranh làm giảm bớt tội phạm trong tình hình hiện nay, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trong qua trình biên tập cuốn sách này chúng tôi thấy có đoạn tác giả khéo léo lồng quan điểm của mình vào để xuyên tạc chế độ cộng sản, có đoạn tác giả quá sa đà vào việc tường thuật vụ án một cách ly kỳ, rùng rợn, thoả tính tò mò của người đọc, chúng tôi đã cắt bỏ. Tuy thế có thể vẫn còn nhiều thiếu sót. Vì vậy khi đọc sách, mong các bạn đọc chú ý tới tình hình trên. NHÀ XUẤT BẢN CÔNG AN NHÂN DÂN CHƯƠNG I DẤU VẾT KHÓ XOÁ 1-01 Năm 1879, Alphonse Bertillon, 26 tuổi, nhân viên sơ cấp, phòng một, Sở Cảnh sát Paris, lừng danh vì có công mở đường cho sự phát triển của ngành cảnh sát hình sự hiện đại. Ngành cảnh sát hình sự của Pháp đã thành lập được gần 70 năm. Ngành “mật thám” (tên thường dùng để chỉ ngành cảnh sát hình sự, hay cơ quan an ninh) của Pháp, nổi tiếng ra đời sớm nhất, có nhiều lệnh nghiêm nhất trong ngành cảnh sát hình sự thế giới và được coi là tổ tiên của ngành này. Bảy mươi năm tồn tại cho ta thấy mật thám Pháp được thành lập từ thời vua Napoléon. Trước đó, ở Pháp vẫn có tổ chức cảnh sát, nhưng tổ chức này được thành lập với mục đích theo dõi, bắt bớ các đối thủ của vua, quan và các tên lưu manh. Cuối triều đại Napoléon. Henry, trưởng “phòng một”, Sở Cảnh sát Paris có nhiệm vụ điều tra và trừng trị các tội phạm. Hồi đó phòng này chỉ có 28 biện lý và vài thanh tra cảnh sát, đó là một điều thuận lợi cho bọn cướp, trộm cắp tha hồ tung hoành tại các phố xá thủ đô Paris. Nhưng cho mãi đến năm 1810, khi các cuộc chiến tranh dưới thời Napoléon làm cho các quan hệ xã hội bị buông lỏng, khi mà nạn cướp bóc có nguy cơ lan rộng ra khắp thủ đô thì lúc đó Sở Cảnh sát mới thật sự ra tay. Một nhân vật mới xuất hiện: ông Eugène-François Vidocq, người sáng lập ra tổ chức mật thám ở Pháp. Và những hành động của ông, dù xấu hay tốt, vẫn để lại ảnh hưởng tới 70 năm sau. Cuộc đời của Vidocq; cho đến năm 53 tuổi đã trải qua nhiều sóng gió, thăng trầm kì lạ. Ông là người làm bánh mì Arras1[*], lần lượt đã trải qua đủ nghề: bán hàng ở các phiên chợ, đi lính, làm thuỷ thủ, biểu diễn múa rối, bị tù vì can tội đánh một sỹ quan đã quyến rũ bạn gái của ông và đã từng vượt ngục. Muốn trốn khỏi nhà tù, ông mặc bộ quân phục lấy cắp được của tên coi ngục hoặc nhảy từ tháp canh của nhà tù xuống sông nhưng lần nào cũng bị bắt lại, và sau cùng bị kết án 20 năm tù khổ sai, bị xích và giam trong nhà tù. Do đó, trong nhiều năm ông sống chung với bọn lưu manh côn đồ thuộc loại nguy hiểm nhất, trong số đó có anh em gia đình tên Cornus. Tất cả bọn chúng đều là những tên phạm trọng tội. Ngay từ khi nhỏ, gia đình Cornus đã huấn luyện cho con cái chúng cách giết người bằng cách cho bọn trẻ đùa giỡn với những đầu lâu các nạn nhân mà chúng vừa giết. Năm 1799, Vidocq vượt ngục lần thứ 3 và cũng là lần cuối cùng. Ông sống ở Paris và suốt trong 10 năm sau đó làm nghề bán quần áo. Trong thời gian này, các bạn tù cũ của ông cho ông đã phản bội họ, trách móc ông mãnh liệt đến mức ông thấy căm thù và ghê tởm họ và đã đi đến một quyết định quan trọng nhất trong đời: ra đầu thú với Sở Cảnh sát Paris, đề nghị làm việc cho họ, giúp họ, vì ông biết rất rõ bọn lưu manh, tội phạm cùng các hành động, thủ đoạn, mánh lới của chúng... với một điều kiện: tha, đừng tống giam ông vào ngục xà lim nữa. Bảy mươi năm sau, mỗi khi người ta nói đến Vidocq và việc ra đời của cơ quan mật thám Pháp, thì các nhà lãnh đạo cơ quan đó vẫn còn cảm thấy lúng túng, ngượng ngùng... Cho đến năm 1810, cuộc đời của Vidocq không có gì là đối lập với nghề nghiệp và quá khứ của một cảnh sát viên và ngay cả đối với một cảnh sát trưởng tư pháp. Tuy nhiên, người ta không thấy những khó khăn lớn mà hai người là Henry và Nam tước Pasquier cảnh sát trưởng Paris phải đương đầu khi họ giao cho Vidocq, vào năm 1810 đảm nhiệm việc đấu tranh chống các hoạt động tội phạm. Để đánh lừa bọn đạo tặc về vai trò thực sự của Vidocq, họ bố trí bắt và tha Vidocq bằng cách dựng ra chuyện ông trốn khỏi nhà giam. Vidocq đặt bản doanh để hoạt động trong một ngôi nhà kín đáo, âm u ở phố Sainte-Anne gần Sở Cảnh sát Paris. Với nguyên tắc chỉ đạo của riêng ông là: “Chỉ có những tội phạm mới có thể đấu tranh chống lại có hiệu quả bọn tội phạm”. Vidocq đã đích thân tuyển chọn những cộng sự viên của ông. Lúc đầu ông tuyển dụng được 4 người, sau đó 12 và cuối cùng là 20 người đều là những phạm nhân cũ. Ông dùng quỹ bí mật để đài thọ và buộc họ tuân thủ những quy định, kỷ luật chặt chẽ. Chỉ trong một năm, với 12 cộng sự viên trên, ông đã giúp Sở Cảnh sát bắt được 812 tên giết người đều là những phạm nhân cũ phạm tội giết người, cướp của, trộm cắp, lừa đảo, và phạm tội khác... Có những khu phố mà trước kia không một biện lý hay thanh tra cảnh sát nào dám lui tới một mình thì đến nay bọn tội phạm đã bị quét sạch. Mặc dù tổ chức mà Vidocq lập nên, sau này được gọi là “mật thám”, bị chỉ trích, phê phán, nhưng từng bước được thay đổi, và 20 năm sau đã trở thành hạt nhân của ngành cảnh sát tư pháp nước Cộng hòa Pháp. Nhờ có những thủ đoạn: cải trang các kiểu, trà trộn vào những ổ lưu manh hoạt động, tổ chức những vụ bắt bớ trá hình, đưa chỉ điểm vào các nhà tù và sau khi hoàn thành nhiệm vụ bố trí cho họ trốn khỏi nhà giam hoặc dựng chuyện họ đã chết... tất cả những việc đó giúp cho Vidocq thu thập được rất nhiều tin tức. Vidocq có những điều kiện quý báu cần thiết cho nghiệp vụ của mình: biết rõ bọn lưu manh, các thành viên trong băng của chúng, các thủ đoạn quen thuộc và phương pháp tiến hành của chúng, sự kiên trì và khả năng nhận dạng kẻ mà mình đang tìm, nhìn, tiếp xúc trực tiếp để không bao giờ quên “mặt mũi tên tội phạm”; luyện trí nhớ qua thị giác; lập những hồ sơ về các tên lưu manh mà mình đã gặp, ghi các hoạt động và các đặc điểm nhận dạng của chúng. Tất cả những điều trên, Vidocq tiến hành rất kỹ và công phu. Vidocq luôn luôn giữ nguyên tắc “phải ghi trong trí nhớ những đặc điểm của các tên tội phạm” nếu không thể dấu được vai trò chánh “mật thám” của mình thì đến tận các nhà tù để trực tiếp quan sát các tội phạm. Năm 1823, Vidocq vừa rời bỏ chức vụ để về nghỉ thì cảnh sát trưởng mới của Paris là Henry Gisquet không chấp nhận việc sử dụng những phạm nhân đã bị bắt lâu làm tai mắt cho ngành cảnh sát tư pháp. Về phần mình, Vidocq trở thành chủ một hãng “thám tử tư” (rất có thể là hãng đầu tiên loại này trên thế giới), và làm ăn phát đạt. Vidocq vừa là nhà văn vừa là người cung cấp ý cho các quyển truyện của nhà văn lớn Balzac và nhờ vậy cuộc sống của ông cũng dư dật. Ông mất năm 1857. Allard, Canler, Claude vào năm 1879, Gustave Macé, cả 4 người đều là tư sản lần lượt thay Vidocq cầm đầu Sở mật thám. Sở mật thám này tồn tại qua 4 cuộc thay đổi chính trị: Triều đại Bourbon sau Napoléon; Đế chế tháng 7 của Louis Philippe xứ Orléans; sự phục hồi nền quân chủ với Napoléon III, và sự ra đời của Đệ tam Cộng hòa. Trụ sở được chuyển từ phố Sainte-Anne sang phố “Bến đồng hồ” (Quai de l’Horloge) rồi sau đó rời đến Sở công an thành phố Paris ở phố “Bến thợ kim hoàn” (Quai des Orfèvres). Hai mươi tám cộng tác viên trước đây của Vidocq, ai cũng có một quá khứ tội lỗi đều được thay thế, và đội ngũ mới gồm hàng nghìn thanh tra mật thám, đa số là gốc tư sản thành thị, có ít nhiều uy tín. Nhưng không một người lãnh đạo nào của Sở mật thám dù là Allard, Canler, Claude, hay Macé lại hủy bỏ những phương pháp mà Vidocq đã từng áp dụng: sử dụng và trả thù lao một số lượng ngày càng tăng những bọn lưu manh bị quản thúc, không được lưu trú ở Paris lén lút trở về đây bị bắt trở lại, thì chỉ có hai cách lựa chọn: hoặc hợp tác với Sở mật thám hoặc vào lại nhà tù, Sở mật thám sử dụng trong các trại giam các tên chỉ điểm khiêu khích (mà chúng gọi là những “con cừu”). Mục đích của bọn này là gây được lòng tin của phạm nhân khác và qua đó moi được các tin tức. Cũng theo cách làm của Vidocq, các thanh tra mật thám định kỳ đến các trại giam để luyện tập nhận dạng các tên tội phạm bằng mắt. Họ bắt bọn tội phạm đi vòng quanh trong sân trại giam và quan sát kỹ từng tên một. Nhờ vậy mà tình cờ họ nhận dạng được bọn tái phạm và những tên bị truy nã. Tài liệu của Vidocq trở thành kho lưu trữ lớn các hồ sơ nhận dạng nằm trong những phòng lớn của Sở mật thám, thắp sáng bằng hơi đốt, đầy bụi bặm. Khi vào đó để tra cứu tìm hồ sơ cũng chẳng thú vị hấp dẫn gì. Nhưng chính ở đây đã lưu trữ được 5 triệu hồ sơ cá nhân, và mỗi tên lưu manh đã qua Sở mật thám đều có hồ sơ trong đó ghi rõ tên tuổi, điểm, nhận dạng, tiền sự, tiền án và những chỉ dẫn khác về quá khứ của hắn. Khối lượng hồ sơ không ngừng tăng lên vì tất cả những ai vào khách sạn, quán trọ, những người ngoại quốc nhập cảnh vào Pháp đều phải được kiểm tra và khai báo. Trong những năm 1846, nhờ phát minh ra máy ảnh, lần đầu tiên trong các nhà giam ở Brussels (Bỉ), người ta chụp ảnh và ghi những đặc điểm nhận dạng của tù nhân. Paris cho áp dụng ngay phương pháp này, giúp cho việc đăng ký và nhận dạng các phạm nhân được dễ dàng hơn. Và Sở mật thám lưu trữ được 8 vạn ảnh. Mặc dù nhiều người ngoại quốc phải ngạc nhiên thán phục trước việc những tội phạm là người nước họ trốn sang Paris bị bắt giữ ngay, tạo cho uy tín của mật thám Pháp tăng lên rất nhiều, song ngành cảnh sát vẫn phải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc vào năm 1879. 1-02 Lịch sử lựa chọn những người trở thành anh hùng hay người mở đường theo những quy tắc và tiêu chuẩn khó mà đoán trước được. Như trường hợp của Alphonse Bertillon cũng khá đặc biệt. Lịch sử đã giao phó cho ông ta sứ mệnh vượt qua sự khủng hoảng đang trầm trọng làm cho khoa học hình sự vươn lên đỉnh vinh quang mới”. Alphonse Bertillon 2[*], khi đó còn trẻ, xanh xao, gầy gò, nét mặt lúc nào cũng lạnh lùng và đượm vẻ buồn, cử chỉ chậm chạp, giọng trầm và đều đều. Ngoài ra, ông lại bị đau thực quản, thỉnh thoảng bị chảy máu cam và đau đầu dữ dội. Tính tình không cởi mở, khó gần, nên mọi người đều phật ý với ông. Ngoài ra, ông lại lầm lỳ ít nói, đa nghi, hay châm chọc, hay thù oán người mình không ưa, hay phô trương kiến thức bản thân một cách thái quá, hoàn toàn không có óc thẩm mỹ, không thưởng thức nổi cái hay, cái đẹp. Khi còn tại ngũ, ông không phân biệt nổi hiệu trống báo thức và hiệu trống tập trung. Để phân biệt chúng, ông phải đếm hồi trống mỗi loại bao nhiêu tiếng. Một trong những bạn thân của ông đã phải thừa nhận “tính tình của Bertillon rất khó chịu”. Đầu năm 1879, một khách đến thăm Sở Cảnh sát Paris đã ngạc nhiên khi được giới thiệu Alphonse Bertillon chính là con trai của bác sĩ Louis Adolphe Bertillon, một thầy thuốc được mọi người quý mến, một nhà thống kê và là Phó chủ tịch Hội các nhà nhân loại học, Alphonse còn là cháu ông Achille Guillard, một nhà tự nhiên học kiêm toán học. Thật khó mà hình dung một con người như ông ta lại là con và cháu của những nhà thông thái nổi tiếng, bị đuổi học tới ba lần vì quá dốt và hạnh kiểm xấu, và từng bị một ngân hàng thải hồi chỉ sau 3 tuần tập sự tại đó; ông cũng không làm nổi một giáo sư tại Anh và cuối cùng, nhờ sự quen biết của bố mới kiếm được một chân phụ việc tại Sở Cảnh sát Paris, chuyên ghi chép phiếu hồ sơ những chi tiết mà người ta gửi đến. Nơi làm việc của Bertillon ở một phòng lớn, đầy hồ sơ của các tội phạm người Pháp. Ở đây, mùa hè thì oi bức, ngột ngạt, mùa đông thì rét cóng chân. Bertillon ghi chép vào hồ sơ tội phạm các chi tiết mà thanh tra mật thám đã thu lượm được khi thẩm vấn tên tội phạm. Ông làm việc gần như một mình, vì mọi người, ít nhiều đều có ác cảm và không thích gần ông. Suốt cả mùa xuân năm 1879, tay bị rét cóng, nhưng ông vẫn tiếp tục cái công việc đơn điệu này mà người ta đã áp dụng từ lâu: đó là việc ghi vào hồ sơ các chi tiết nhận dạng kẻ tội phạm Bertillon thấy các chi tiết này gần giống nhau về tầm vóc, hình dáng như: “cao lớn”, “nhỏ bé”, “trung bình”, “khuôn mặt bình thường”, “không có nét gì đặc biệt”. Đó chỉ là những đặc điểm cho hàng nghìn, hàng vạn người. Trong hồ sơ cũng có ảnh của kẻ tội phạm do những thợ chuyên môn chụp và in. Họ tự coi mình như những nhà “nghệ sĩ” và nhấn mạnh mặt “nghệ thuật” hơn là rõ ràng, vì vậy nhiều nét đặc điểm của người thật đã bị thay đổi so với ảnh; thêm vào đó, bọn tội phạm không muốn để họ chụp chúng dễ dàng, chính xác. Những chi tiết về nhận dạng mà Bertillon hiện có trong tay hầu hết là những chi tiết đó, chứng tỏ ngành Cảnh sát hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng trong việc nhận dạng. Từ khi Vidocq 3[*] đem áp dụng các phương pháp nhận dạng của mình thắng lợi thì tính chất, thái độ đối phó của bọn tội phạm trong xã hội cũng thay đổi. Nhưng công chúng thì ít người biết đến những thay đổi đó. Cho mãi đến năm 1879 mới có một số người quan tâm nghiên cứu sâu sắc vấn đề này để thấy rõ hơn cơ sở xã hội, sinh lý, tâm lý của bọn tội phạm và những lý do của việc phát triển các vụ phạm tội. Trong số ít nhà bác học nghiên cứu về vấn đề này có Adolphe Quételet, nhà thiên văn và thống kê Bỉ. Trong những năm cuối thế kỷ 19, ông tìm cách thống kê số tội phạm, xác định tỷ lệ phần trăm của số này so với dân số toàn nhân loại. Một bác sĩ khoa tâm thần người Ý, ông Cesare Lombroso, đã tiến hành những công trình nghiên cứu quan trọng để xác định tâm, sinh lý bọn tội phạm. Trong những nhà tù và trại cải tạo Paris, ông tiến hành đo sọ não của tù nhân và đi đến kết luận là có thể nhận ra phạm nhân qua những dị dạng trong cấu trúc sọ não của họ. Những dị dạng này làm cho họ không giống người khác và họ xích gần hơn với thú vật. Lombroso khẳng định bọn tội phạm là sản phẩm của sự “lại giống” của nhân loại và chúng chỉ là sự “thụt lùi” so với tiến bộ của nhân loại. Nguồn gốc đó là nguyên nhân cho sự phạm tội của chúng. Từ năm 1876 tức là sau 3 năm, quyển sách của Lombroso 4[*] viết về vấn đề đó, cũng gây một phần nào chấn động, và làm cho vài nhà bác học quan tâm đến hiện tượng phạm trọng tội. Nhưng dù vậy, việc phạm trọng tội vẫn là tập hợp của những hành động cụ thể mà pháp luật phải trừng trị, là cả một thế giới chưa được khai phá. Và nghiêm trọng hơn là năm 1879, thế giới này đã mang màu sắc khác với hồi đầu thế kỷ. Đặc điểm của nó là số phận kẻ phạm tội tăng theo tỷ lệ của đà tăng dân số và sự phát triển của công nghiệp. Khả năng phi thường của Vidocq nhớ mặt bọn tội phạm thật có một không hai, nhưng dù có hàng trăm Vidocq đi chăng nữa, thì cũng không đủ để nhận mặt tất cả bọn tội phạm cũng như những đặc điểm của chúng. Vì, trong những năm 1880, bọn cặn bã của xã hội này đã tăng lên gấp bội. Chúng đã phạm đủ mọi tội, nặng hoặc nhẹ, và phạm vi hoạt động của chúng càng tăng dần. Song song với việc nâng cao trình độ, kiến thức nghiệp vụ của ngành công an, thì trình độ kiến thức của bọn tội phạm cũng nâng lên. Số lượng “con cừu” 5[*] không nhiều lắm, không làm sao khai thác hết được các điều tâm sự của các tù nhân cùng giam, hoặc cũng không thể nào tìm cách phát hiện được trong bọn này ai là kẻ đã đổi tên, thay hình đổi dạng để che giấu tiền án, tiền sự. Chúng lại có thể tránh không bị mắc bẫy khi công an vờ là bạn cũ chào và gọi tên thật chúng. Những khoản tiền để thưởng cho những ai nhận dạng ra những kẻ tái phạm cũng không tác dụng. Nhiều thanh tra mật thám, thông đồng với bọn tù cũng tuyên bố trắng trợn là đã nhận ra một người nào đó đúng là một tội phạm đã có tiền án, tiền sự để cùng chia nhau tiền thưởng. Điều này dẫn đến chỗ lạm dụng, thiếu trách nhiệm và những sai lầm thật tai hại. Trước kia, hồ sơ lưu trữ đối với Vidocq chỉ như một bản tóm tắt để ghi nhớ, dần dần sau đó trở thành một thứ vũ khí rất lợi hại để nhận dạng bọn tội phạm. Nhưng đã từ lâu, hồ sơ ngày càng lớn làm giảm sự sáng sủa, nhanh chóng trong việc nhận dạng. Hồ sơ xếp theo thứ tự A, B, C... không ích gì vì bọn ăn cắp, phạm pháp, giả mạo giấy tờ, lừa đảo giết người thường hay đổi tên. Sắp xếp hồ sơ bọn tội phạm theo tuổi, loại tội, cách làm ăn phi pháp cũng không thể có bộ phiếu đơn giản dễ tra cứu hơn. Các ảnh chụp ngày càng tỏ ra ít tác dụng hơn vì hồ sơ lưu trữ lúc đó có tới 8 vạn ảnh, không dễ gì mà mỗi lúc so sánh được ảnh của một người mới bị bắt giữ với 8 vạn ảnh của bọn tội phạm cũ đã bị kết án. Như vậy bản liệt kê danh sách cũng trở nên ít tác dụng như toàn bộ các phiếu nhận dạng ghi kiểu như trên. Trong trường hợp nghiêm trọng, có khi các thanh tra và nhân viên Sở mật thám mất nhiều ngày chỉ để lục tìm ảnh của một kẻ tái phạm. Chính trong bối cảnh này, những điều nghi vấn, không chắc chắn xảy ra liên tục đã đập vào mắt Alphonse Bertillon. 1-03 Ngày 15 tháng 3 năm 1879, bắt đầu chỉ là một nhân viên phụ việc cho Sở Cảnh sát Paris, chưa đầy 4 tháng sau, một sự may mắn kỳ lạ của lịch sử đến với Bertillon, khi ông được giao phó làm việc ghi hồ sơ nhận dạng tại một góc nhỏ, đầy bụi bặm của Sở Cảnh sát Paris. Nếu giả sử Bertillon, tính tình có khó chịu, không thích giao du, chỉ quanh quẩn ở nhà, thì điều này không hề cản trở việc trưởng thành của ông (và việc này là một sự kiện quan trọng vào lúc đó) nhất là ông ở trong một gia đình luôn luôn có dịp đón tiếp những nhân vật đã có nhiều đóng góp để làm cho thế kỷ XIX trở thành thế kỷ của khoa học tự nhiên. Trong gia đình này, lúc nào cũng bao trùm tính tò mò tìm hiểu các định luật của thiên nhiên, và ý thức đó, trong vài chục năm đã giúp họ phá vỡ những trở ngại truyền thống về tín ngưỡng và quan niệm về thế giới quan. Ngay khi còn là một chú bé, Bertillon đã biết tên ông Charles Darwin6[*] qua quyển sách nổi tiếng của ông “Nguồn gốc các loài qua việc sàng lọc tự nhiên” đã làm rung chuyển thuyết của thánh kinh về lịch sử sáng tạo muôn loài. Ông Darwin đã chứng minh rằng mọi sinh vật đều phải trải qua một quá trình dài về sinh lý của sự phát triển. Bertillon cũng được nghe kể về Pasteur7[*] phát hiện ra vi khuẩn và do đó đã cách mạng hóa nền y học và về các nhà bác học như Dalton8[*]. Gay-Lussac9[*], Berzelius10[*] là những nhà bác học đã mở ra những con đường mới cho sự phát triển của hóa học. Đối với Bertillon, tên tuổi các nhà giải phẫu, các nhà sinh lý học, các nhà sinh học không lạ gì. Chú bé thường ngồi dưới chân ông mình, mỗi khi ông của chú bé xếp các loại cây theo loài và họ, rồi sau đó xếp theo vần của tên từng cây. Chú bé Bertillon cũng theo dõi bố và ông lấy kích thước của vô số sọ người, đủ mọi giống người để xem giữa hình dạng của họ và sự phát triển về tư tưởng của họ có mối liên quan gì không. Việc lấy kích thước đó đã trở thành như một “tập tục thiêng liêng” không thể bỏ qua được. Nhiều lần, cậu bé Bertillon đã thấy nêu tên bác học Quételet11[*] và được biết rằng nhà thống kê học trên không những quan tâm đến khoa “tội phạm học” mà còn muốn chứng minh rằng việc phát triển có thể tuân theo những quy luật chặt chẽ. Cùng với bố và ông, Bertillon quan sát những biểu đồ, “các đường biểu diễn Quételet” để thấy con người có thể chia thành những nhóm xác định tuỳ theo các kích thước của cơ thể, và nó còn cho thấy khối lượng ngang nhau giữa người lùn và người khổng lồ, giữa người lớn và rất bé, giữa người to và người nhỏ... Tuy nhiên, số lượng người có tầm vóc trung bình vẫn chiếm đa số. Trong nhiều năm ròng, ông thấy cha và ông mình tiến hành lấy kích thước các bộ phận cơ thể của nhiều người để kiểm tra lại các thuyết của Quételet và khẳng định rằng trên trái đất, không thể nào có hai người mà kích thước của các bộ phận của cơ thể lại hoàn toàn giống nhau. Cũng theo thuyết của Quételet, tỷ lệ tìm thấy hai người cùng chiều cao là 1/4. Bertillon hoàn toàn không có hứng thú gì khi học môn tiếng la-tinh, hoặc các bộ môn khác được giảng dạy tại các trường học ở Pháp. Nhưng trái lại ông ghi nhớ rất kỹ những công trình về dân số học mà bố ông và các nhà bác học khác đã nghiên cứu. Giữa những ngày hè oi bức ở Paris, vào tháng 7 năm 1879, trong khi ghi chép các chi tiết nhận dạng vào các phiếu nhận dạng, Bertillon nảy ra một ý mới. Ý nghĩ này (sau này ông xác nhận) được nảy sinh trong đầu óc ông vì thấy những chi tiết mình ghi vào phiếu thật phi lý, vô bổ và ông nhớ lại thời thiếu niên đã quan sát công việc của cha ông. Bertillon tự hỏi, làm sao người ta lại có thể phung phí tiền của, thời giờ và sức lực vào những công việc nghiên cứu nhận dạng bọn tội phạm, khi những cách nghiên cứu như vậy ngày càng ít hiệu quả hơn? Tại sao lại cứ phải bám vào các phương pháp cũ, quá thô sơ, và còn sai sót, trong khi dựa vào sự phát triển các môn khoa học tự nhiên, người ta đã biết lấy các kích thước của các sọ não và nhờ các kích thước đó ta có thể phân biệt rõ ràng giữa người này với người khác, tức là xác định được “dấu vết của Cain”12[*]. Bertillon, không biết rằng trước đó mười chín năm, năm 1860, giám đốc nhà tù Louvain (Bỉ) là Stevens rất quan tâm đến những phát hiện của Quételet và ông đề nghị lấy những kích thước cơ thể người đã trưởng thành không thay đổi nữa; nhưng đề nghị của ông không được cấp trên chấp nhận cho áp dụng. Theo Stevens, cần lấy những kích thước sau: vòng đầu, vòng ngực, độ dài của tay và của chân. Ông tin tưởng là những số liệu này không thể nào thay đổi dù tên tội phạm có đổi tên, thay hình đổi dạng như thế nào đi chăng nữa. Đối với Bertillon, những lời mỉa mai châm biếm hay vẻ ngỡ ngàng của các bạn đồng nghiệp lại càng thúc đẩy ông nghiên cứu. Vào hạ tuần tháng 7 năm 1870, ông bắt đầu quan sát tỉ mỉ ảnh các phạm nhân, đặt các ảnh sát nhau và so sánh hình dạng của mũi và của tai. Sau đó, ông đề nghị được lấy kích thước những can phạm khi chúng bị dẫn đến phòng nhận dạng. Lúc đầu có nhiều người chế nhạo cười mỉa, nhưng Bertillon vẫn kiên trì đề nghị và cuối cùng ý kiến này được chấp nhận. Bực mình, ông miệt mài lao vào công việc và trong vài tuần đã thu thập được khá nhiều số liệu về các kích thước đã đo được. Ông đo chiều cao các phạm nhân, chiều dài và chu vi sọ não, chiều dài các ngón tay, tay, chân. Ông thấy rằng một số kích thước trên có thể giống nhau giữa người này và người khác nhưng không thể nào mà tất cả các kích thước của người này lại giống hệt các kích thước của người khác được. Trong suốt cả tháng tám nóng bức ngột ngạt, Bertillon thường bị đau đầu và chảy máu cam. Tuy nhiên, nhìn bề ngoài không phát hiện thấy ông là một con người có tham vọng gì, mục tiêu cuộc sống cũng không rõ ràng, thế mà ông thật sự bị “tư tưởng” đó của bản thân thu hút. Giữa tháng tám, ông viết bản tường trình để báo cáo cho cấp trên, trong đó ông nêu lên những cách để nhận dạng bọn tội phạm. Theo ý ông, vấn đề nhận dạng như vậy sẽ được coi như giải quyết xong. Ông gửi bản báo cáo đó lên cho ông Louis Andrieux, là người lãnh đạo Sở Cảnh sát Paris từ tháng ba năm 1879. Bản báo cáo đó không được phúc đáp. Nhưng Bertillon ông không hề nản chí. Sáng nào cũng vậy, khi bàn giấy bắt đầu mở cửa, là ông đến nhà tù La Santé, để lấy kích thước của tù nhân mặc cho bọn cai ngục châm biếm, cười mỉa. Ngày 1 tháng 8 năm 1879, ông lại gửi bản báo cáo thứ hai lên Giám đốc Sở Cảnh sát. Theo định luật của Quételet, hai người cùng chiều cao chỉ chiếm tỷ lệ một trên bốn. Bertillon cũng nhận xét, đối với người lớn, xương ngừng phát triển, nếu lấy thêm một kích thước thứ hai, ví dụ vòng ngực, thì tỷ lệ hai người có hai kích thước giống nhau (chiều cao và vòng ngực) chỉ còn là 1 trên 6, tức là trong 6 trường hợp chỉ có 1 trường hợp. Nếu lấy 11 kích thước của mỗi người, thì khả năng tìm thấy hai người có cùng 11 kích thước giống nhau rất hiếm, và theo phép tính xác suất, tỷ lệ đó chỉ còn là 1 trên 4.191.304. Nếu lấy 14 kích thước ở cơ thể mỗi người, thì tỷ lệ gặp hai người cùng kích thước chỉ còn là 1 trên 286.435.456. Còn chọn những bộ phận nào trong cơ thể để đo và lấy kích thước, thì chả có gì khó khăn: ngoài việc đo chiều cao, chiều dài và rộng của sọ não, ta có thể đo độ dài của cẳng tay, ngón tay, và bàn chân. Theo Bertillon, những phương pháp nhận dạng trước đây thường làm cho ta bị sai lầm. Việc nhận dạng theo bề ngoài không thỏa đáng. Ảnh chụp cũng có thể dẫn đến sai sót số lượng lớn hồ sơ làm cho công việc kiểm tra muốn có hiệu quả phải tốn rất nhiều công phu. Trái lại, phép đo người đảm bảo sự chính xác tuyệt đối, loại trừ mọi lúng túng, hiểu lầm. Ngoài ra, Bertillon còn tìm ra cách xếp loại các hồ sơ, nhờ đó chỉ cần vài phút, có thể kiểm tra biết ngay một người nào đó chưa có kích thước ghi trong hồ sơ. Bertillon đã biết tranh thủ kinh nghiệm của bố ông trong việc xếp hồ sơ làm 3 loại có tầm vóc: lớn, vừa và nhỏ bé. Theo Bertillon, áp dụng cách xếp loại trên, ta có thể lập được “một tập” hồ sơ gồm 9 vạn phiếu và chỉ cần một thời gian tối thiểu là có thể rút ra hồ sơ cần tra cứu. Rồi đến kích thước độ dài của sọ não cũng xếp thành 3 nhóm: lớn, vừa, và ngắn. Mỗi nhóm có 3 vạn thẻ hồ sơ. Cũng theo cách sắp xếp như trên và lấy thêm kích thước thứ hai, chiều ngang của sọ não, ta chia thành 9 nhóm mỗi nhóm khoảng một vạn thẻ. Với việc lấy 11 kích thước khác nhau, và cũng theo cách sắp xếp như trên, ta chia nhỏ thành nhiều nhóm hồ sơ, mỗi nhóm chỉ có khoảng từ 3 đến 20 thẻ của từng cá nhân. Đối với Bertillon, thì thật rõ, nhưng đối với một số người thì thật khó hiểu; ngoài ra, bản báo cáo của ông lại càng làm cho việc trình bày càng thêm khó hiểu. Trình độ kiến thức khi ở trường còn nhiều lỗ hổng thiếu sót lớn. Ông chưa bao giờ tập diễn đạt một cách rõ ràng mạch lạc. Thói phô trương kiến thức làm ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần ý mình. Bertillon rất sốt ruột chờ đợi ý kiến trả lời của Giám đốc cảnh sát Paris. Và, đột nhiên ông có cảm tưởng đã tìm thấy được ý nghĩa cuộc sống. Ông sẽ cho mọi người hiểu rõ ông không phải là con người không có tương lai, và cũng không phải người xấu, bỏ đi trong gia đình. Sau mười lăm ngày căng thẳng chờ đợi, Giám đốc cảnh sát mời ông đến gặp. Ông vô cùng lúng túng, rụt rè, mặt tái nhợt vì quá cảm động. Ông bước vào phòng Giám đốc Sở Cảnh sát Louis Andrieux, để chuốc lấy một thất vọng chua cay. Louis Andrieux một chính trị gia, có chân trong Đảng Cộng hoà, do quen biết nhiều và do những mánh khoé khôn khéo mà được cử giữ chức vụ Cảnh sát trưởng Paris (Giám đốc Sở Cảnh sát). Ông ta không bao giờ quan tâm đến thống kê hay khoa học toán học. Sự hiểu biết của ông ta về nghiệp vụ cảnh sát còn hạn chế. Lúng túng trước những ý kiến đề nghị của Bertillon, ông chuyển báo cáo cho Gustave Macé, Giám đốc Nha An ninh, vào thời kỳ đó. Mặc dù Macé là một công an có nhiều kinh nghiệm, nhưng có tính nghi ngờ mọi lý thuyết cũng như mọi lý thuyết gia. Nhưng ông là một người rất có đầu óc thực tiễn, nhờ đó đã lần lượt trải qua mọi cấp bậc từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất của ngành an ninh. Năm 1869, khi còn là thanh tra mật thám, ông đã vạch mặt được tên thủ phạm vụ giết người ở Paris (vụ án Voirbo) và từ đó ông được nổi tiếng. Người ta phát hiện trong một cái giếng, thi thể một nạn nhân đã bị băm nhỏ, bọc trong một tấm vải được khâu kín. Việc này gây xúc động cả Paris. Nhờ có cách quan sát rất nhạy bén và tinh tường. Từ tử thi bị băm nát Macé đã tìm ra thủ phạm tên là Voirbo, làm nghề thợ may, đồng thời xác định được hắn đã băm tử thi tại chính nhà hắn. Việc tìm ra bằng chứng vụ giết người này đã cho thấy khả năng tư duy xuất sắc của ông. Theo ông, giết người mà chặt ra từng khúc thì nhất định phải chảy nhiều máu, vì vậy ông chú ý quan sát sàn nhà, nơi nghi đã xảy ra án mạng. Sàn nhà rõ ràng là mới được rửa, lau chùi sạch sẽ không thấy dấu vết gì khả nghi. Thanh tra Macé thấy sàn gỗ của nền nhà không phẳng phiu mà gồ ghề, và ông hiểu ngay là nơi nào mà Voirbo dội nước rửa vết máu, thì nơi đó nước thấm vào sàn gỗ làm gỗ nở ra; và như vậy chỉ cần lật ván sàn gỗ lên là phát hiện được nhiều vết máu đông lại. Trước bằng chứng rõ ràng được phát hiện, Voirbo đành phải cúi đầu thú nhận. Hắn đã ăn cắp tiền và giết chết một người bạn tên là Bodasse, và sau đó băm xác thành nhiều mảnh. Phương pháp trên, dựa vào suy diễn, đã giúp Macé tìm ra nhiều vụ án thật bí ẩn, vẫn giữ một vai trò quan trọng của ngành hình sự. Nhưng rõ ràng Macé, vì quá tin tưởng vào kinh nghiệm bản thân, vào đầu óc thực tiễn, vào trí nhớ bằng mắt, của mình, nên ông không quan tâm lắm đến những đề nghị của Bertillon. Trong công văn gửi cho Andrieux, ông lưu ý Andrieux rằng, công việc của ngành cảnh sát không phù hợp đơn thuần với kinh nghiệm của các nhà lý luận. Về phần mình. Andrieux rất hài lòng về ý kiến trên, coi đó như sự thừa nhận đúng sự bất lực của ông để có thể hiểu được dự kiến của Bertillon. Hôm tiếp Bertillon, giám đốc Sở Cảnh sát Andrieux đã nói với Bertillon, nhân viên dưới quyền mình, câu nổi tiếng sau: “Này Bertillon, theo tôi biết, ông chỉ mới là nhân viên ngạch bậc thứ 20 và ông mới vào làm việc ở đây chưa đầy tám tháng... ấy vậy mà ông đã muốn có ý kiến? Báo cáo của ông có vẻ như một chuyện khôi hài...” Lúng túng, Bertillon nói ấp a ấp úng: “Thưa ông Giám đốc cho phép tôi...” Andrieux cho phép Bertillon trình bày ý kiến của mình. Bình thường đã không thể diễn đạt sáng sủa ý kiến của mình, thì trong dịp này ông càng hoảng lên, càng ấp a ấp úng trình bày một cách lộn xộn và chẳng giải thích được gì. Một lúc sau. Andrieux ngắt lời của Bertillon và nói thẳng: “Nếu một lần nữa, ông có ý định làm cho Sở Cảnh sát chấp nhận ý kiến của mình, thì việc thải hồi ông sẽ được thực hiện ngay”. Bertillon thất vọng, giận dữ và ngoan cố hơn bao giờ hết, trở lại với công việc trong “góc phòng” đầy bụi bậm của mình, Andrieux báo cho bố của Bertillon về tai hại có thể xảy ra do thái độ đó của con ông và đề nghị với ông lưu tâm để từ nay con ông chỉ cần làm công việc được giao, chứ đừng dính vào những lĩnh vực không thuộc chuyên môn của mình. Nếu không, ông sẽ buộc cậu thanh niên Bertillon này phải thôi việc. Bác sĩ Louis Adolphe Bertillon đã nhiều lần thất vọng vì con, nên rất bực tức gọi con đến. Vừa bực mình, ông vừa liếc vào bản sao báo cáo mà con ông đã gửi cho Andrieux. Nhưng khi đọc xong, ông dịu hẳn lại. Một người có mặt lúc đó đã kể lại rằng ông rất cảm động và nói với con: “Con tha lỗi cho bố! Trước đây, bố không mảy may hy vọng là con sẽ tìm được con đường đi cho mình và đây mới thật là con đường mà chính con đã tìm ra. Đó thật là một khoa học tinh vi và nó sẽ cách mạng hóa các phương pháp hiện áp dụng trong ngành công an. Bố sẽ giải thích cho Andrieux... Ông ta cần phải biết điều này, cần phải thế.” Louis Adolphe Bertillon đến Sở Cảnh sát xin gặp giám đốc nhưng không sao gặp được, đã đến gặp nghị sĩ Gustave Hubbard, chánh văn phòng Bộ Tài chính và thuyết phục ông ta ủng hộ ý kiến của mình. Do quen biết, Hubbard cố gắng thuyết phục Andrieux nhưng vẫn không được. Tuy Andrieux đã phần nào hiểu quyết định của mình chưa thật đúng, chưa vững vàng, nhưng vì uy tín cá nhân nên ông ta không muốn thay đổi điều mình đã quyết định. Vậy chỉ còn một hy vọng độc nhất: Andrieux không thể cứ giữ mãi chức vụ giảm đốc Sở Cảnh sát. Alphonse Bertillon chỉ còn có cách là kiên trì chờ đợi. Dù sao, việc này cũng không thể kéo dài. Đợi lâu ư? Điều này nói lên cái gì đối với Bertillon? Một năm? Hai năm hay mười năm chăng? Ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, Bertillon đã phải làm công việc sao chép mà ông đã thấy rõ là vô ích? Từ nhiều năm nay ông vẫn nghĩ rằng đã tìm thấy con đường đi đến thắng lợi nhưng ý kiến đó vẫn bị khước từ. Bertillon vừa nhẫn nhục vừa cảm thấy lãnh đạm đối với mọi người, một sự lãnh đạm đã từng làm ông nhiều lần thất vọng trong nhà trường cũng như trong cuộc sống. Nhưng bố của ông vẫn lưu ý đến điều này và khuyên ông đừng nôn nóng, và nói: “Con sẽ thấy là nhờ con, mà ngành công an sẽ phải thừa nhận giá trị của khoa học. Con sẽ dạy cho ngành công an Pháp việc sử dụng khoa học vào trong công tác của họ”. Câu nói này có giá trị như một lời tiên tri càng thôi thúc Bertillon tiếp tục nghiên cứu. Louis Adolphe Bertillon không biết là, vào thời kỳ này tại một lục địa khác, cũng có hai người khác quan tâm đến vấn đề mà con trai ông vừa giải quyết, Lịch sử phải chăng đầy sự ngẫu nhiên như vậy? Có thể nói là: ngày một ngày hai, khoa học hình sự sẽ ra đời. 1-04 Đôi khi, các triết gia khẳng định rằng các kiến thức thường từ phương Đông đến với chúng ta. Lời khẳng định như vậy có lý không, hay có một sự ngẫu nhiên bí ẩn trùng hợp chăng? Nhưng dù sao, bức thư do Williams Herschel một viên chức của chính quyền Anh ở Hooghly, thủ phủ quận Hooghly Ấn Độ, đích thân viết năm 1877 để đệ trình lên cấp trên là một bằng chứng. Herschel, gần 40 tuổi, sức khỏe không được tốt lắm: bị bệnh kiết lỵ và sốt rét: da mặt xanh nhạt; râu rậm, má hõm, mắt lờ đờ, giọng nói phều phào. Nhưng trong khoảng thời gian này, ông dốc toàn tâm toàn lực soạn thảo bức thư để gửi đi với niềm tin chắc chắn về ý kiến của mình. Bức thư đề ngày 15 tháng 8 năm 1877 và gửi cho ông Tổng thanh tra các trại giam xứ Bengal. Nội dung như sau: “Tôi trân trọng đệ trình ông việc nghiên cứu về một phương pháp nhận dạng mới. Đó là việc lấy dấu tay của hai ngón tay trỏ và ngón tay giữa của bàn tay phải (để đơn giản công việc, ta mới chỉ giới hạn lấy dấu của hai ngón tay đó mà thôi). Nó đơn giản như đóng dấu vào các công văn, giấy tờ. Mực lấy dấu tay vẫn sử dụng loại mực dấu bình thường... Phương pháp này cũng đơn giản như đóng bất kỳ loại dấu nào. Từ nhiều tháng nay tôi đã tiến hành việc lấy dấu tay các tù nhân, những người đến phòng hộ tịch hay đến lĩnh tiền trợ cấp mà chẳng bị ai than phiên điều gì cả. Tại Hooghly, bất cứ người nào đến xin cấp giấy tờ của cơ quan hành chính đều phải lăn tay. Cho đến nay, không một ai phản đối việc này. Tôi tin rằng nếu khắp nơi đều áp dụng phương pháp mà tôi đề nghị thì chắc chắn ta sẽ chấm dứt mọi căn cước giả mạo. Từ hai mươi năm nay, tôi đã lập hàng vạn hồ sơ, có dấu lăn tay, và do đó hiện nay tôi có thể nhận dạng từng người”. Trên thực tế, hai mươi hay đúng hơn là mười chín năm nay đã trôi qua kể từ ngày mà Herschel, một thư ký rất hoạt bát ở Junipur, quận Hooghly, lần đầu tiên lưu ý đến dấu tay, những dấu ký lạ mà bàn tay, ngón tay của con người để lại trên giấy, gỗ hay thủy tinh. Khi quan sát thấy những dấu đó tạo thành những đường nét giống như các vòng, các vòng cung, các xoắn ốc. Herschel không giải thích được lý do làm ông quan tâm đến hiện tượng về dấu tay. Hồi đó, các nhà buôn Trung Quốc tràn ngập xứ Bengal và ông quan sát thấy là đôi khi họ in ngón tay cái của họ lên giao kèo để thừa nhận giá trị của giao kèo đó. Có thể ông cũng đã được nghe kể lại rằng ở Trung Quốc, trong giấy ly hôn người ta bắt người chồng phải điểm chỉ vào đó thì mới có giá trị. Và trong các dưỡng đường người ta cũng bắt các trẻ em được người ta tìm thấy và nuôi dưỡng ở đó phải điểm chỉ. Năm 1858, lần đầu tiên Herschel áp dụng việc cho lăn tay đối với một nhà thầu người Ấn Độ tên là Rajadar Konai, chuyên cung cấp nguyên vật liệu làm đường. Herschel yêu cầu nhà thầu lăn tay phải vào cuối bản giao kèo mà anh đã thỏa thuận, làm như vậy, ông chỉ muốn cho nhà thầu phải tôn trong giao kèo không được quên những điều khoản đã được thỏa thuận. Mãi sau này ông mới thật sự chú ý đến những đường nét của vết lăn tay. Trong khi ông viết lá thư trên, mắt ông không rời quyển sổ có ghi ở ngoài bìa: “Những đường nét của dấu tay”. Quyển sổ này tập trung các dấu lăn tay mà ông Herschel đã tiến hành đều đặn suốt trong mười chín năm ròng. Khi nghiên cứu các vết lăn tay, ông ngạc nhiên thấy rằng không có trường hợp nào đường nét của ngón tay người này lại giống y hệt đường nét ngón tay của người khác. Dần dần ông tìm cách phân loại và sử dụng chúng để nhận dạng. Sau đó ông được đọc một quyển sách khoa học về môn giải phẫu, ông thấy họ dùng danh từ “các đường gai của tay”. Ông thích thú với từ đó và sử dụng từ này để chỉ các đường nét của tay. Từ gần mười lăm năm nay, Herschel than phiền gặp khó khăn trong việc phân biệt người này với người khác để trả tiền trợ cấp hưu trí cho số lượng binh sĩ người Ấn Độ ngày càng tăng. Dưới con mắt người châu Âu, người Ấn Độ giống nhau kỳ lạ: Từ nét mặt, màu sắc của mắt, của tóc và ngay đến cả tên của họ cũng khó mà phân biệt khi phát âm. Ngoài ra họ lại không biết chữ. Chính vì lợi dụng những điều đó, một số trong bọn họ trở lại lần thứ hai để lĩnh trợ cấp. Đôi khi, họ nhờ một người bà con hay bạn bè đến để đòi tiền trợ cấp với lý do là chưa hề lĩnh gì cả. Herschel, rất bực mình về việc này, buộc mỗi cá nhân khi đến lĩnh phụ cấp hưu, phải lăn tay vào bản danh sách những người được hưởng lương hưu và vào bản thanh toán. Do đó, ông phân biệt ngay ai thật, ai giả, và từ đó, mọi âm mưu lừa lọc như trước kia đều chấm dứt. Năm sau, một điều khẳng định nữa lại khắc sâu thêm vào đầu ông: các đường nét của vết tay không bao giờ bị thay đổi, dù sau năm, mười hay mười lăm năm. Quyển sổ lưu trữ các dấu lăn tay mà ông đang sử dụng là một bằng chứng rõ ràng. Đối với con người, thì nét mặt, dáng dấp có thể bị thay đổi vì tuổi già hay bệnh tật, nhưng tuyệt nhiên các đường nét của các đầu ngón tay vẫn không bị thay đổi. Như vậy là đối với mỗi cá nhân có một đường nét riêng biệt, bất di bất dịch, giúp ta nhận ra người đó, dù họ đã chết và dù xác họ chỉ còn lại một mẩu da con của đầu ngón tay. Phải chăng đó là một điều kỳ lạ? Liệu đó có phải là một sự ngẫu nhiên hay là một việc làm có ý thức của tạo hóa để cho người này có một dấu hiệu hoàn toàn khác với người kia? Herschel không rõ. Nhưng ông không bị lôi kéo vào những suy nghĩ miên man trên, mà đi đến một quyết định quan trọng: ở một nhà tù trong quận của ông, Herschel đã ra lệnh cho các nhân viên dưới quyền, phải lăn tay tất cả các tù nhân vào quyển danh bạ các phạm nhân bên cạnh tên, tuổi của mỗi người tù. Kết quả thật không ngờ: biện pháp này đã biến trại tù là nơi lộn xộn thành nơi rất trật tự. Từ xưa, đã nhiều lần người ta bị bọn lưu manh lừa bịp; đáng lẽ phải giam cầm bọn tội phạm, thì người ta lại giam giữ người vô tội, người ta đã từng tha bổng những tên đáng phải ngồi tù, và rất ít khi nhận dạng được bọn đã có tiền án, tiền sự. Sau khi đã thực hiện thắng lợi việc lăn tay ở Ấn Độ, sự suy nghĩ về vấn đề này của Herschel hướng về nước Anh, về Luân-đôn. Tại tổ quốc của ông, liệu cảnh sát có thể nhận dạng chắc chắn một tên đã có tiền án, tiền sự không, khi nó thay tên, đổi họ? (và việc này thì rất dễ dàng đối với nó). Liệu chính họ có chịu thừa nhận là ảnh chụp có thể làm ta bị lừa? Liệu ở đó, có những người vô tội, vì sự sai lầm của pháp lý, mà bị tù tội hay bị treo cổ oan? Để loại trừ mọi nhầm lẫn, liệu ở đó, người ta đã tìm cách dựa vào dấu vết riêng và không thay đổi của mỗi người để nhận biết cho họ chưa. Herschel chẳng cần vắt óc cũng có thể kể cả hàng loạt thí dụ để dẫn chứng những sự việc trên. Chỉ mới gần đây, tại nước Anh, một âm mưu lừa đảo là nguồn gốc của một vụ tranh chấp gay go, kéo dài để xác định căn cước đích xác của một người đàn ông. Việc này đã làm cả nước Anh phải phải náo động và lan đến tận xứ Bengal. Không ai là không biết những chi tiết vụ kiện của một người tự xưng là Tichborne, đệ đơn nhằm chiếm đoạt được gia tài khổng lồ của nhà triệu phú là huân tước James Tichborne từ năm 1866 đến 1874. Vụ kiện này làm cả Luân-đôn hồi hộp theo dõi. Vì sao vậy? Vì có một tên du thủ du thực, tự mạo nhận mình là Roger Tichborne, con trai độc nhất và là người thừa kế của Huân tước James trong khi Roger bị mất tích từ năm 1854. Lại chuyện này nữa. Một người đẫy đà, tư cách tầm thường và lố bịch tên là Castro (Thomas Castro), người ở vùng Wagga Wagga, nước Úc, cũng tham gia vào vụ lừa bịp này. Hắn đã mưu mô khéo léo đến nỗi đánh lừa được rất nhiều người, từ bà quả phụ, mẹ của Roger (bà hiện bị loà mắt), các người thân của gia đình bày cho đến các thầy thuốc của gia đình, và ngay cả đến các luật sư nổi tiếng nhất ở Luân-đôn hồi đó như Sergeant Ballantine và Edward Kenealy. Vụ kiện này kéo dài nhiều năm trời, tốn kém tới mấy triệu đồng bảng Anh chỉ vì sự mạo nhận của một tên đểu cáng. Cuối cùng hắn bị kết án mười bốn năm tù khi vụ án kết thúc vào năm 1874 Trong suốt cả quá trình diễn biến vụ án, biết bao nhân chứng vẫn tưởng tên vô lại trên là Roger Tichborne thật, và đã tuyên thệ trước tòa án. Cũng không biết bao nhiêu người khác đã ngộ nhận sự giống nhau giữa hai người! Ngược lại, việc này sẽ diễn biến như thế nào (đó là vấn đề mà Herschel vẫn để ý) nếu như người ta biết sử dụng phát hiện của ông về các dấu tay? Roger Tichborne không phải là đã từng tại ngũ đó sao? Nếu ở thời kỳ đó, người ta buộc mọi người khi nhập ngũ phải in dấu tay, thì vụ án trên chỉ cần vài phút là giải quyết xong. Chỉ cần so sánh dấu lăn tay của Roger Tichborne khi nhập ngũ, và dấu lăn tay của tên Castro. Chỉ cần chút mực dấu, hộp dấu và giấy là phát hiện ngay ra tên lừa đảo. Herschel tiếp tục bức thư gửi cấp trên của ông như sau: “Tôi nghĩ rằng chẳng cần nói nhiều về lợi ích việc nhận dạng chính xác bọn tội phạm”. Dấu tay là một bằng chứng không thể nào sai được. Nó giúp ta phát hiện bất cứ sự lừa bịp nào và xác định chính xác xem người bị tòa xử phạt có đúng là người hiện đang bị giam không: chỉ cần lấy dấu tay người tù là rõ ngay. Nếu người tù đã chết hoặc mới được chôn, thì lấy dấu hai ngón tay của thi thể là kết luận được ngay. Cuối bức thư, Herschel kết luận: “Mong ông quan tâm đến vấn đề trên và cho phép tôi được áp dụng lăn tay trong các trại giam khác...”. Kèm theo bức thư này, Herschel đính theo vài phiếu có dấu lăn tay và ghi: “Xin phép cho tôi được gửi kèm với bức thư này vài mẫu lăn tay. Xin gửi ông lời chào kính trọng của nhân viên trung thành của ông. Ký tên: Herschel”. Khi Herschel dán thư và đóng dấu xi vào phong bì, hai tay ông run lên. Trong thâm tâm, ông hy vọng là ông Tổng thanh tra quan tâm đến việc này và tin tưởng chờ đợi sự tán thành của cấp trên. Nhưng Herschel ít để ý đến gì mà số phận thường hay dành cho người có sáng kiến phát minh. Mười ngày sau, ông nhận được thư trả lời của cấp trên. Trong thư tuy đầy những câu nói thân mật, hữu nghị, nhưng nó cũng toát ra ý kiến của ống Tổng thanh tra. Ông này không quan tâm đến tình hình sức khỏe của Herschel. Thư trả lời trên làm Herschel thất vọng rồi sinh bệnh. Trong nhiều năm, ông không chịu lên tiếng để cho người ta thấy được giá trị phát hiện của mình. Tuy nhiên ông vẫn nuôi trong lòng một mong muốn duy nhất: Trở về Anh, với hy vọng là sẽ tìm được ở đó nguồn an ủi, nâng đỡ. Cuối năm 1879, ông lên đường trở về Anh. 1-05 Một lần nữa, cần nêu lên ở đây một sự ngẫu nhiên, một thứ lô-gíc không sao hiểu được của lịch sử. Cũng năm đó, trong khi tại Hooghly, Williams Herschel chuẩn bị lá thư trên để trình lên ông Tổng thanh tra các trại giam xứ Bengal, và mặc dù bức thư quan trọng trên không có kết quả, thì tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, một bác sĩ người xứ Scotland (Anh) tên là Henry Faulds thuyết trình bộ môn sinh lý tại bệnh viện Tsukiji (Tokyo) cho các sinh viên Nhật Bản. Có thể nói tính tình ông hoàn toàn đối lập với tính tình của Herschel. Ông là một tín đồ của giáo phái Calvin, rất thông minh, linh hoạt và rất ngông cuồng; đồng thời ông lại còn nóng tính dễ bị kích động, tính tình bất thường lúc nào cũng coi mình như là trung tâm và do đó có đầu óc hẹp hòi. Ông chưa hề bao giờ gặp Herschel và cũng chưa hề nghe nói đến những thử nghiệm mà Herschel đã tiến hành ở Ấn Độ. Tuy nhiên, đầu năm 2880, trong thư gởi cho tập san “Thiên nhiên” ở Luân-đôn, có một đoạn rất có ý nghĩa: “Năm 1879, trong khi tôi xem xét vài bình bằng đất sét thời tiền sử, đào được ở Nhật, tôi lưu ý đến những vết tay có ở trên các bình đó. Các vết tay này chắc chắn có trên các bình khi đất sét còn dẻo chưa qua lò nung. Việc so sánh các vết tay này với những vết tay mà tôi mới cho lăn tay, đã làm tôi phải lưu ý đến toàn bộ vấn đề trên. Những đường nét trên da tay của một người không bị thay đổi trong đời họ, và do đó nó có thể hữu ích hơn là ảnh chụp trong việc nhận dạng”. Người ta cũng không rõ, có phải lần đầu tiên Faulds tiếp xúc với các dấu tay như đã nói trong thư hay không. Song có một lần ông đã thú nhận là biết việc người Trung Quốc hiểu biết vấn đề các dấu tay và người Nhật Bản cũng không lạ gì với vấn đề này. Dấu tay cổ xưa nhất, với những đường nét của các ngón mà người ta tìm thấy là trong một ngôi đền thờ ở Kyoto. Đó là một bức thư mà chính vua Goshiva in dấu tay của mình vào. Cho đến năm 1860, các công văn, giấy tờ của Nhật Bản thường có điểm chỉ (in dấu tay) ở dưới bằng mực đen hay mực đỏ. Trong các quán trọ ở đó, cũng thường áp dụng việc ở khách hàng lăn tay vào giấy biên nhận (nếu họ không có con dấu riêng) để xác nhận đã nhận đủ tài liệu, giấy tờ gửi cho họ. Cũng vào thời kỳ mà Faulds đang giảng dạy ở Tokyo, thì dân chúng Nhật bản ở nội địa thường hay in dấu tay bằng màu đỏ hay trắng trên cửa ra vào nhà mình. Trong thư gửi cho tạp chí “Thiên nhiên” Faulds còn khẳng định không gì có thể làm thay đổi dấu tay của con người. Nhưng trong lúc mới bắt đầu nghiên cứu vấn đề trên thì điều khẳng định của Faulds vẫn làm cho người ta nghi ngờ về sự xác thực của nó. Thật vậy, không thể nào tin được chưa đầy một năm Faulds đã dám khẳng định như trên, nếu Faulds không dựa vào những kinh nghiệm trước đây của người Trung Quốc và người Nhật. Dù sao, thì từ năm 1879 đến 1880, Faulds đã tập trung được rất nhiều dấu tay và nghiên cứu các đường nét của các dấu tay. Lúc đầu ông chú trọng về khía cạnh dân tộc học của vấn đề trên, và muốn tìm xem, liệu những người cùng một dân tộc có sự sắp xếp giống nhau nào đó trong các đường nét của đầu ngón tay hay không? Sau đó, ông nghiên cứu xem trong các đường nét của dấu tay có vấn đề gia truyền không? Cuối cùng, một sự ngẫu nhiên hoàn toàn đã đưa ông vào một lĩnh vực mà ông không bao giờ rời ra nữa: ở một nhà bên cạnh nơi ông ở, có một tên trộm đột nhập vào bằng cách leo qua tường sơn trắng. Hắn đã để lại trên tường dấu tay có vết bẩn của tro bếp. Được biết là Faulds đến để nghiên cứu, giúp tìm ra thủ phạm. Trong khi ông đang nghiên cứu, họ lại báo cho biết thủ phạm đã bị bắt. Ông yêu cầu cảnh sát lăn tay người bị bắt và gửi cho ông dấu tay. Sau khi so sánh dấu lăn tay này với dấu tay để lại trên tường, ông thấy chúng hoàn toàn khác nhau. Dấu tay để lại trên tường mới đích thật là của têm trộm để lại. Trước khi leo, tên này bước hụt, ngã vào đống than đã tắt nên tay dính tro than, Faulds kết luận là người mới bị bắt hoàn toàn không có liên quan đến vụ trộm. Và ông đã nói đúng. Vài hôm sau, chính tên trộm đã bị bắt. Dấu lăn tay của hắn và dấu tay để lại trên tường hoàn toàn giống nhau. Và từ đó Faulds tự hỏi: Vậy thì những dấu tay để lại ở hiện trường có thể giúp tìm và nhận dạng được thủ phạm không? Liệu có sự nhầm lẫn giữa bọn giết người và bọn trộm cắp chăng? Những câu hỏi mà ông tự đặt ra cho mình đã được giải đáp thỏa đáng trong việc tìm ra tên thủ phạm trong một vụ trộm thứ hai. Được mời đến nghiên cứu hiện trường, ông đã thấy dấu vết của cả một bàn tay để lại trên một cái cốc. Điều này giúp ông phát hiện một hiện tượng khác: Khi để lại dấu tay trên một vật, không nhất thiết tay phải được nhúng trước vào một chất nào đó. Các tuyến mồ hôi ở đầu các ngón tay tiết ra một chất nhớt đủ làm cho ngón tay để lại dấu vết chẳng khác gì khi ta nhúng tay vào chất nước mầu hay nhọ nồi.... Nhưng kết luận trên mà Faulds vừa có được cũng chưa bằng một sự trùng hợp thật đặc biệt giúp Faulds khẳng định kết luận của mình. Ông sưu tầm được nhiều dấu tay để nghiên cứu bằng cách cho lăn tay những người đầy tớ của các gia đình. Ông quyết định so sánh dấu tay để lại trên cốc với các dấu tay trong tập hồ sơ mà ông hiện có. Điều làm ông rất ngạc nhiên, là dấu tay của một người đầy tớ, giống với vết tay để lại trên cốc. Tên bị tình nghi, được thẩm vấn khéo léo đành chịu nhận tội. Như vậy, ông tin chắc, từ nay mình đã tìm ra một phương pháp có những bằng chứng không thể chối cãi được và phương pháp đó sẽ cách mạng hóa toàn bộ công tác của ngành cảnh sát trên thế giới. Về thực tế, ông đã mở đường cho những khả năng mới mà ngay đến Herschel cũng chưa tìm ra. Nghề nghiệp của Faulds thật khác xa với nghề nghiệp của người cảnh sát. Nhưng một sự ngẫu nhiên đã đưa ông, một người thầy thuốc xứ Scotland, đi vào lĩnh vực các hoạt động của ngành cảnh sát. Nhưng cũng không vì thế mà ông phật ý. Ông có thể tự do làm theo sở thích riêng, sử dụng năng lực suy đoán để rút ra những kết luận cũng giống như Herschel ở Hooghly. Trong bức thư gửi cho tạp chí “Thiên nhiên” ông đã nói nhiều về những kinh nghiệm thu lượm và nêu một số điểm gợi ý như sau: “Những dấu tay thu thập được ở hiện trường sẽ giúp cuộc điều tra và cả việc tiến hành bắt giữ tên tội phạm dễ dàng. Bản thân tôi đã có dịp thử nghiệm hai lần. Các bác sĩ pháp y còn rút ra được nhiều điều bổ ích khác nữa; ví dụ như trong khi họ phải khám nghiệm tử thi bị băm nát chỉ còn lại tay và nếu như lấy được dấu tay, thì họ sẽ có được một bằng chứng chắc chắn hơn là những dấu hiệu mà ta thường thấy nêu lên trong những quyển sách “trinh thám giá bốn xu”. Cần lấy dấu tay của mỗi tên lưu manh sau khi bắt chúng và lập hồ sơ về dấu tay. Nếu một tên tội phạm, sau này bị bắt về một tội khác nào đó, và chúng dùng tên giả mạo, ta có thể lật mặt nạ nó bằng cách so dấu tay của nó với hồ sơ. Các đường nét của dấu tay, không thay đổi trong cả đời người. Vì vậy trong việc nhận dạng, dấu tay còn tốt hơn là ảnh chụp”. Tạp chí “Thiên nhiên” đã cho in lá thư đó trong số báo ngày 28 tháng 10 năm 1880. Trong thời gian đó Williams Herschel đang an dưỡng tại Anh, do đó biết được bài báo trên. Như vậy, giữa hai người như có một sợi dây vô hình ràng buộc lại với nhau, vì cả hai đều muốn khai thác dấu tay trong việc nhận dạng, đều muốn đem phát hiện của họ ở Viễn Đông áp dụng ở châu Âu. Nhưng sợi dây đó chỉ là nhất thời. Việc xem bản nghiên cứu của Faulds đăng trên báo đã thúc đẩy Herschel viết một bức thư cho tạp chí “Thiên Nhiên”, trong đó ông có nêu ý kiến sử dụng dấu tay để nhận dạng đã được ông nghiên cứu trước Faulds hai mươi năm, song vì ý kiến cấp trên của ông và vì bệnh tật nên ông không thể công bố được phát hiện của mình. Trong thư đó Herschel đã bỏ qua không nêu lên những nhận xét rất có giá trị của Faulds về ý nghĩa dấu tay thu thập được ở hiện trường nơi xảy ra án mạng. Những nhận xét của Herschel chỉ dựa trên cơ sở có một người chỉ trong một năm đã tìm ra vấn đề mà ông phải để hai mươi năm mới phát hiện ra. Những suy nghĩ đó cũng dễ đoán ra thôi. Khi biết ông ta đang cố hết sức để được công nhận là người đầu tiên khám phá ra và trong cơn bực tức, Herschel đã bỏ qua một số nhận xét độc đáo của Faulds. Tuy vậy, trong bức thư, ông cũng không quên yêu cầu tờ báo là công bố những khám phá của ông trong những số tiếp về những vấn đề này. Còn đối với Faulds, một con người cố chấp và hiếu thắng, thì bức thư của Herschel chỉ là một sự khiêu khích nhằm trước đoạt quyền là người có ý kiến đầu tiên trong vấn đề trên. Faulds thấy việc Herschel không công bố phát hiện của mình chẳng có liên quan gì đến ông và ngược lại, chính mình mới là người đầu tiên đưa ra vấn đề dấu tay. Chỉ mình ông thôi. Và ngay sau đó, Faulds lao vào cuộc đấu tranh mà chính Herschel cũng không nghĩ tới. Faulds quyết định trở về nước Anh. Nhưng trước khi lên đường trở về Anh, Faulds gửi rất nhiều thư cho các nhân vật có tiếng tăm đương thời, cho họ rõ những ý kiến của ông về phát hiện này và để đảm bảo quyền phát minh của mình. Ông gửi thư cho nhà bác học như Charles Darwin, cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước Anh, cho Giám đốc Sở Cảnh sát Luân-đôn là Edmund Henderson, nhưng không một cấp cao nào trong ngành cảnh sát ở Luân-đôn trả lời ông. Chỉ một người bạn hay chiều ý ông, cho ông rõ là ở Scotland Yard13[*], trung tâm nổi tiếng của ngành cảnh sát Luân-đôn, nói ông là một tên bịp. Thất vọng về sự im lặng của các nhà cầm quyền nước Anh, ông quay sang nước Pháp, viết thư cho cảnh sát trưởng Paris là Louis Andrieux. Nhưng Faulds không biết tính của Andrieux là một con người thích những ý kiến mới của người khác không giống ý kiến của bản thân mình và thường không quan tâm đến ý kiến của họ. Faulds cũng không biết khi gửi thư cho Andrieux thì ông này đang chuẩn bị về hưu (Andrieux chỉ giữ chức vụ này gần hai năm) và một viên chức cao cấp khác là Jean Camecasse đang chuẩn bị lên thay. Faulds cũng không ngờ rằng việc thay thế này sẽ mở đường cho những dự kiến của một nhân vật mà Faulds không hề hay biết, đó là Alphonse Bertillon. 1-06 Người nào cho rằng Jean Camecasse là người rất cởi mở và do đó biết đánh giá ý kiến của Bertillon, thì người đó đã sáng tạo ra một huyền thoại mà lịch sử đã từng có. Camecasse cũng như Andrieux, là những nhà chính trị. Ông được người ta quý mến một phần nào, chính vì ông đã thành lập những trường hợp đầu tiên để đào tạo cảnh sát. Nhưng cũng là người không nắm được ý nghĩa những đề nghị, trình bày rất lủng củng, khó hiểu của Bertillon. Năm 1881, khi nhận chức vụ cảnh sát trưởng Paris (Giám đốc Sở Cảnh sát), ông chưa hề nghe nói đến Bertillon, nhân viên sao chép ở phòng Một. Bác sĩ Louis Adolphe Bertillon, bị bệnh viêm khớp và nằm liệt giường nên không thể trực tiếp khai thác việc bổ nhiệm mới này, một việc mà ông đã mong mỏi, chờ đợi từ lâu. Ông viết nhiều thư, gửi điện và nhờ bạn can thiệp với ông cảnh sát trưởng mới. Bản thân là thầy thuốc, ông biết bệnh tình của mình không thể nào bình phục được, và chỉ có ít thời gian để giúp đỡ cho con là Alphonse Bertillon. Cho ông mãi đến tận tháng 11 năm 1882 nghĩa là sau một năm bỏ ra rất nhiều công sức, ông mới được một người bạn là luật sư nổi tiếng ở Paris, ông Edgar Demange giúp đỡ thuyết phục Camecasse cho phép Bertillon được gặp và trình bày trực tiếp vấn đề. Demange nói với ông Cảnh sát trưởng: “Nếu ông muốn được tiếng là người đề xuớng ra những phương pháp mới trong việc đấu tranh chống lại bọn tội phạm, thì ông phải chấp nhận dự kiến của anh chàng Bertillon trẻ tuổi”. Vài tuần sau, khoảng giữa tháng mười một, Camecasse cho triệu Bertillon đến gặp ông. Mặc dù đã được bố dặn dò, và mặc dù với quyết tâm thành đạt, ông vẫn lúng túng vụng về như mọi lần và gây ấn tượng xấu khi đứng trước Cảnh sát trưởng. Buổi gặp này chắc sẽ thất bại, nếu Cảnh sát trưởng đã không trót hứa với Demange là ông ta sẽ tạo mọi điều kiện tốt dù nhỏ cho con trai bác sĩ Louis Adolphe Bertillon. Việc trình bày của Alphonse Bertillon làm Cảnh sát trưởng bực tức. Ông nói: “Được, tôi cho phép anh thử nghiệm ý kiến của mình. Bắt đầu từ tuần sau, chúng ta sẽ đem ra thủ phương pháp nhận dạng của anh. Anh sẽ có hai nhân viên giúp việc. Tôi cho anh một thời hạn là ba tháng. Nếu trước thời hạn trên mà anh tìm ra một tên tội phạm có tiền án, tiền sự, nhờ vào phương pháp mà anh đề nghị...” Trong những điều kiện đó, liệu có cơ hội thành đạt không? Liệu có một tên tội phạm nào đó, mà chỉ trong vòng ba tháng bị bắt giữ, được xét xử, bị phạt tù, lại được thả và sau đó lại bị bắt lại? Bản thân Bertillon cũng cảm thấy là với những điều kiện mà Cảnh sát trưởng vừa đề ra đối với ông, thì chỉ có những hoàn cảnh đặc biệt mới giúp cho ông thực hiện nổi những điều ấn định đó. Tuy vậy ông vẫn âm thầm chấp nhận. Ông đứng lặng, không trả lời là đúng. Khi Gustave Macé được lệnh phải cử hai người giúp việc cho Bertillon thì Macé nổi nóng và nói với Camecasse: “Phương pháp Bertillon muốn có hiệu quả phải được áp dụng một cách khoa học và do những người có trình độ học thức vững vàng thực hiện. Ta có quyền gì mà coi thường nếp cũ và khuynh hướng từ xưa đến nay của đa số nhân viên ngành cảnh sát vẫn áp dụng trong công việc của họ? Như vậy, một lần nữa lại chứng tỏ sự ngờ vực của một nhân vật chỉ biết đặt kinh nghiệm lên trên hết và tỏ ra hết sức khinh rẻ những nhà “lý thuyết gàn dở”. Tuy nhiên, trong việc phản đối của Macé, cũng có một phần sự thật. Tương lai sẽ phải chứng minh rõ ràng điều này và sẽ đổ dồn vào Bertillon. Tuy nhiên, trong trường hợp này, không phải ý kiến Macé được chấp nhận. Dù vậy, ông cũng không hề bất bình và cũng cho rằng chính Camecasse cũng chẳng tin tưởng vào thành công của Bertillon. Trong chính gian phòng mà trước đây Bertillon đã từng suy nghĩ giờ này qua giờ khác về dự kiến của mình, ông bắt đầu tiến hành đo, lấy các kích thước cần thiết của các tên lưu manh, ghi lại các dấu vết nhận dạng của chúng. Tuy vậy, không khí cũng không có gì là đáng khích lệ. Các đồng nghiệp của ông, vừa nhìn một cách ranh mãnh, vừa buông lời diễu cợt tưởng như vô tận. Bertillon vẫn phải luôn luôn kiểm tra công việc của hai nhân viên giúp việc. Hai người này, không tin ở lợi ích việc họ làm, tìm cách lẩn tránh sự phô trương không gì lay chuyển được của người lãnh đạo họ là Bertillon. Họ càng có thái độ lưng chừng vì họ biết rõ thái độ của Macé về việc này. Nhưng, dần dà họ trở nên ngoan ngoãn, dễ bảo hơn, cảm thấy e ngại mỗi khi Bertillon lạnh lùng bực tức thấy họ làm ăn cẩu thả và liền bị Bertillon xổ ra hàng tràng nhận xét gay gắt. Công việc này đã thu hút toàn bộ tâm trí của Bertillon, nhưng đối với người khác nó như một sự thách thức thầm lặng. Bertillon lấy kích thước, thẩm tra và ghi lại. Hàng ngày, vào buổi tối, tay xách cặp chứa đầy những phiếu nhận dạng mà ông đã lấy kích thước và ghi lại trong ngày, tìm đến căn hộ mà ông thường xuyên tới thăm từ mùa đồng 1881, Đó là nhà của cô Amélie Notar, một giáo viên trẻ, người nước Áo, dạy tiếng Đức. Amélie cận thị rất nặng, người nhỏ bé, không có duyên chút nào, vì vậy khó khăn lắm mới tìm được công ăn việc làm ở thủ đô lớn này. Có một hôm, vì cận thị quá nặng, cô Amélie ngập ngừng và lúng túng, nhờ một người khách qua đường giúp cô qua ngã tư. Người đó chính là Bertillon. Và Bertillon, một con người lạnh lùng, kín đáo, khó gần, đã thông cảm ngay với Amélie, cũng kín đáo và rụt rè như ông, nhưng được cái lúc nào cũng sẵn sàng quan tâm đến những ý kiến của ông. Cuộc hôn nhân sau đó, đã gắn bó hai người có tính tình đặc biệt đó. Vì không tin vào các nhân viên giúp việc cho mình, nên Bertillon đã nhờ cậy Amélie Notar ghi số liệu các kích thước đo được vào các phiếu. Amélie ghi phiếu một cách rất kiên trì suốt từ sáng đến tối, ngày này qua ngày khác, nét chữ rất đều đặn. Đến đầu tháng giêng 1883, hồ sơ thu thập được của Bertillon gồm có 500 phiếu; đến trung tuần tháng giêng, vào khoảng 1000; và đầu tháng hai gần 1600. Việc ghi chép như vậy vẫn tiến hành đều đặn, nhưng liệu có ích gì không? Nhưng tháng hai là thời hạn cuối cùng mà cấp trên đã qui định, phải rút ra kết luận. Ngày 15 tháng hai, số lượng phiếu có khoảng 1800, và không một người nào được dẫn đến Bertillon để lấy kích thước đã ghi vào hồ sơ trước đây. Bertillon cũng chưa phát hiện được người nào đã có tiền án, tiền sự. Thời tiết âm u buồn nản, và chính Bertillon cũng cảm thấy như vậy. Ông bị nhức đầu, chảy máu cam, dạ dầy đau trở lại. Ngày 17, chỉ còn mười hai ngày nữa là hết kỳ hạn; ngày 19, chỉ còn mười ngày nữa là đến cuối tháng hai... Ngày 20 tháng hai, trước giờ đóng cửa bàn giấy, chính Bertillon đã trực tiếp lấy kích thước của một tên tù nhân mà trong hồ sơ đội tên là Dupont. Đó là người tù cuối cùng trong ngày được lấy kích thước và cũng là tù nhân thứ sáu có tên là Dupont. Bertillon đã ghi những kích thước sau: chiều dài sọ não 175 mm, chiều rộng 156mm ngón tay giữa 114 mm, ngón tay út 89 mm... Đã nhiều lần, do bị ám ảnh, nên Bertillon cứ tưởng như mặt của một người mới bị bắt giữ có những nét nào đó giống như người mà ông đã từng lấy kích thước trước đây. Ông phấn khởi, tràn đầy hy vọng khi thấy nguyện vọng của mình sắp được thực hiện. Ông vừa lục tìm hồ sơ vừa run tay và hy vọng đạt thắng lợi. Nhưng ông bị thất vọng. Tuy vậy những thất bại đó cho ông thấy trí nhớ bằng mắt, mà ông đã từng đấu tranh chống lại việc sử dụng nó, chỉ là một cảm giác dễ đánh lừa người ta. Lần này nữa, khi ông lấy kích thước tên bị bắt giữ, ông cũng có cảm giác như đã gặp hắn. Ông lạnh lùng, xua đuổi ám ảnh đó. Những kích thước của tên Dupont thuộc loại “trung bình”. Hồ sơ thuộc loại này có khoảng năm chục phiếu với những dữ kiện tương tự, và Bertillon xem lướt chúng. Bỗng ông dừng lại. Trong tay hiện đang có một phiếu mà các kích thước giống hệt các kích thước vừa lấy xong, chỉ có một điều là tên tội phạm trong phiếu là Martin chứ không phải là Dupont. Hắn đã bị bắt ngày 15 tháng 12 năm 1882 vì tội ăn cắp vỏ chai. Bertillon đến gần tên bị bắt và nói: “Tôi đã gặp anh, anh đã bị bắt ngày mười lăm tháng mười hai về tội ăn cắp vỏ chai. Khi đó tên anh là Martin”. Tên phạm nhân, lúc đầu ngạc nhiên, sau giận dữ, trả lời: “Phải, đúng là tôi, ông nói đúng!”... Người cảnh sát sáp giải phạm nhân tưởng mình nghe nhầm... Nhưng nhân viên khác, chứng kiến sự việc này, nhìn chằm chằm vào Bertillon. Họ tự nhủ rằng Bertillon, trước đây đã phải chịu đựng bao tủi nhục và diễu cợt của người xung quanh, rất có thể sẽ được sống những giờ phút vinh quang, nhờ dịp may không ngờ này. Bertillon lấy lại bình tĩnh. Mỉm cười mỉa mai là câu trả lời duy nhất của ông trước những cái nhìn của mọi người. Không nói một lời, ông ngồi vào bàn, viết bản báo cáo và chuyển ngay đến ông Cảnh sát trưởng. Rời khỏi Sở Cảnh sát, ông làm một việc ngoại lệ: thuê một chiếc xe ngựa đến nhà Amélie. Ông kể lại cho cô nghe mọi chi tiết của thắng lợi trên và bộc lộ mọi suy nghĩ của mình mà không giữ gìn gì cả. Amélie ngoan ngoãn chăm chú nghe ông kể lại. Sau đó, Bertillon đến thăm bố và câu chuyện đó của ông là một trong những niềm vui cuối cùng của cha ông vì vài ngày sau đó ông cụ qua đời. Ngày 21 tháng 2 năm 1883, các báo chí ở Paris đăng những tin tức về vụ “Dupont Martin” và phương pháp nhận dạng của Bertillon Những tin tức đó không được người ta lưu ý tới. Tuy nhiên, hai mươi bốn giờ sau Bertillon được Camecasse triệu đến gặp và ông tuyên bố với Bertillon là ông quyết định cho áp dụng vô thời hạn cuộc thử nghiệm này. Cũng như mọi chính khách, Camecasse rất nhạy cảm với vinh quang và nghĩ rằng mình có thể đạt được điều đó khi đưa ra một phát minh cách mạng. Và muốn được vậy, cần ưu đãi Bertillon: cử thêm vài nhân viên nữa đến giúp việc Bertillon để ông có thể làm việc thư thái hơn. Ngoài ra không có thay đổi đáng kể nào khác nữa. Tháng ba năm đó, Bertillon phát hiện được một tên có tiền án khác, đến quý hai lại nhận dạng thêm 6 tên tái phạm nữa, đến quý ba con số đó là 15 và đến cuối năm lên tới 26. Tất cả bọn tái phạm trước đây đều không lo ngại gì khi bị nhận dạng theo cách làm cũ, dựa vào “trí nhớ của mắt”. Đến cuối năm hồ sơ đã lên tới 7336 phiếu, và không có một trường hợp nào các kích thước lại giống hệt nhau. Dù thắng lợi của Bertillon chưa vượt ra ngoài Sở Cảnh sát, nhưng thái độ của những người quanh ông cũng thay đổi dần dần, giống như khi một vị nào đó thắng lợi sau khi được bầu lên: những kẻ chế nhạo bớt ồn ào hơn, và họ chào ông lịch sự hơn. Tuy vậy. Bertillon vì quá ư kiêu ngạo về thành công của mình nên không chịu thay đổi thái độ trong quan hệ với người khác và không chịu tỏ ra biết điều hơn. Trước đây, ông bị người ta lườm nguýt, thì nay ông trả thù lại bằng cách giữ bộ mặt lạnh lùng và mỉa mai hơn. Gustave Macé, đối thủ đáng gờm dai dẳng của ông, lại phải nghỉ hưu từ ngày 1 tháng 4 năm 1884; chính quyền đã từ chối lời đề nghị của Macé xin một khoản tiền chi tiêu thêm cho ngành an ninh (và từ chối ngay cả việc xin đặt một máy điện thoại trong bàn giấy của ông, mà ông sẵn sàng chịu trả phí tổn bằng tiền của cá nhân mình). Dù Macé đã ra đi, các nhân viên an ninh vẫn quen bám vào những phương pháp cũ đến nỗi họ vẫn tỏ vẻ coi trọng “Bộ mặt đã bị mờ nhạt của Sở Cảnh sát”. Một vài thanh tra cảnh sát còn tìm cách giễu cợt Bertillon như yêu cầu ông đến nhận dạng những nạn nhân bị giết hay bị chết đuối. Họ thích thú quan sát những phản ứng của Bertillon vì Bertillon có đặc tính khi nhìn thấy xác người chết thì bị xúc động choáng váng. Nhưng mỗi khi nhờ tra cứu hồ sơ đã có, ông xác định được nạn nhân mà ngay cảnh sát cũng đành bó tay không thể nhận dạng được, thì sự coi thường ông lúc đầu dần dần tiêu tan, nhường bước cho sự kính trong ngày càng tăng. Tuy thế vài viên thanh tra vẫn tiếp tục coi thường ông và họ nói: cách này đúng là tốt, có hiệu quả nếu tên lưu manh đã từng bị bắt, nhưng nếu vớ phải một tên tội phạm biết đích danh nhưng “lọt lưới” chưa hề bị bắt thì liệu phương pháp này còn liệu lực không? Đối với người mà ta mới tình nghi, liệu ta có quyền bắt họ cởi quần áo để tiến hành đo đạc hay không? Về phía mình, Bertillon cũng chẳng cần làm tan biến không khí băng giá đó. Ông vẫn còn khắc sâu trong lòng những lời chế giễu đã làm ông đau khổ nhiều. Vì vậy ông vẫn không chịu từ bỏ thái độ thô bạo làm phật ý những người xung quanh. Khoảng giữa năm 1884, những người dưới quyền ông đã được huấn luyện khá thành thạo và ông cũng chẳng cần theo sát kiểm tra kỹ như trước nữa. Do đó ông có điều kiện dành một ít thời gian vào những công việc khác. Ông để hàng giờ nghiên cứu ảnh các tù nhân mà Sở Cảnh sát đã chụp và lưu trữ ở kho. Ông chuẩn bị dụng cụ cần thiết và tiến hành chụp ảnh bọn tội phạm theo các kiểu riêng để tiện việc nghiên cứu. Sau đó ông cắt các ảnh và dán riêng như hàng tá mũi với nhau, tại với nhau, mắt với nhau để tiện phân biệt, so sánh và xếp loại. Ông làm việc kiên trì, không biết mệt mỏi, tìm cách xác định về mặt sinh thái những đặc điểm để phân biệt từng loại mũi hay từng loại tai. Và cứ như vậy trong hồ sơ của phạm nhân, những đặc điểm được ghi lại càng tăng lên. Ví dụ như đối với hình dáng cái mũi của mỗi người ta có những đặc điểm như: sống mũi cong hình chữ S, lõm, lồi hay khum, uốn cong sang phải hay sang trái, hai lỗ mũi hẹp hay rộng v.v... Ông cũng kiểm tra và ghi lại mẫu mắt của từng phạm nhân và ông đi đến chỗ phân biệt và phần trong của mống mắt: như nhiễm sắc tố màu vàng, da cam, nâu, màu hạt dẻ, mầu xanh nước biển v.v... Vậy lý do nào đã thúc đẩy ông làm công việc này một cách tích cực như vậy? Đó là vì một số nhân viên an ninh đặt câu hỏi mỉa mai như sau: muốn phát hiện một tên lưu manh, liệu có thể chỉ hoàn toàn dựa vào những kích thước đã được ghi trong hồ sơ của tên đó và khi bắt hắn, phải có thước để đo ngay? Một ý kiến mới nảy ra với Bertillon và ông quyết tâm đi sâu vào vấn đề đó: muốn cho hồ sơ được hoàn thiện hơn bằng cách thêm ảnh, và các nhận dạng chi tiết của tên tội phạm. Ông muốn tăng hiệu quả của hồ sơ nhận dạng để cảnh sát nhận ra ngay được tên lưu manh, bắt giữ nó trong thời gian ngắn nhất. Và chỉ sau khi đã bắt giữ mới so sánh xem các kích thước của tên bị bắt có phù hợp với hồ sơ không. Ông đi đến kết luận, ảnh chụp mặt nhìn nghiêng dễ nhận nhất, nghiên cứu chụp ảnh phía nào của mặt ít bị thay đổi nhất hoặc không bị thay đổi. Trong năm 1884, ông đã tìm ra ba trăm tên tội phạm đã có tiền án, mà đa số đã lẩn tránh được những cách nhận dạng trước kia. Cũng năm đó, ông vui mừng nhận thấy cách nhận dạng do ông đề xướng được đẩy mạnh và hoạt động hữu hiệu; ông không gặp trường hợp nào mà hai người lại có kích thước các bộ phận giống nhau. Bây giờ Camecasse mới thật tin vào giá trị phương pháp nhận dạng của Bertillon, và ông bắt đầu thông báo bí mật của nó cho các khách nước ngoài đến tìm hiểu. Vào cuối năm 1884, Edmond R. Spearman, một người Anh, rất quan tâm đến các vấn đề trên của ngành cảnh sát và quen biết nhiều với Bộ Nội vụ Anh, đến gặp Sở Cảnh sát Paris, Spearman tỏ ra thích thú đến nỗi làm Bertillon quên cả thói lạnh nhạt thường ngày biểu diễn cho Spearman xem phương pháp đó. Ít lâu sau, Eber, Cục trưởng các trại giam của Pháp đến gặp Bertillon và thấy ngay ích lợi của phát kiến này. Nó sẽ giúp cho việc nhận dạng một cách chắc chắn, chứ không như cách ghi nhận dạng vào hồ sơ các nhà tù đang áp dụng còn đầy rẫy những sai sót. Sau buổi tham quan đó, Eber tuyên bố với các nhà báo là ông dự định áp dụng phương pháp nhận dạng của Bertillon trong các trại giam. Bị hỏi dồn dập, ông có nói đến Bertillon là người đã phát minh ra phương pháp nhận dạng mới đó. Ngay hôm sau, tên tuổi của Bertillon xuất hiện lần đầu tiên, bằng những dòng chữ lớn trên trang đầu của các nhật báo lớn xuất bản ở Paris. Ví dụ như: “một nhà bác học trẻ tuổi người Pháp đã cách mạng hóa phương pháp nhận dạng bọn tội phạm...”. “Những kinh nghiệm thiên tài của Bertillon...”. “Một lần nữa cảnh sát Pháp lại dẫn đầu trong sự tiến bộ...”. Như vậy, trong khoảnh khắc, Bertillon bước vào con đường vinh quang ngang hàng với các vị nhân của Pháp. Năm 1885, “phép đo người” (danh từ Bertillon dùng) được áp dụng trong tất cả các trại giam ở Pháp. Gragnon, cảnh sát trưởng mới, thay thế Camecasse về hưu. Ông này dù ghét cay ghét đắng Bertillon, cũng phải thừa nhận “phép đo người là một sáng chế có tính chất cách mạng”. Vì vậy, ông ra lệnh áp dụng phương pháp này ở các tỉnh và tổ chức một trung tâm lớn về đo người ở Paris, dự định đặt trong một ngôi nhà mới. Nhưng sự trì trệ quan liêu đã cản trở Gragnon trong việc thực hiện kế hoạch của ông. Ông đành chấp nhận quyết định của trên dùng một số phòng sát dưới mái nhà tòa án Paris chứ không phải ngôi nhà mới, làm trung tâm nghiên cứu. Tình trạng các phòng này thật thảm hại: trần bị sụt lở, tường thì loang lổ, sàn gỗ bị mọt. So với nơi làm việc trước đây của Bertillon, mùa đông ở đây lạnh buốt hơn và ngược lại mùa hè thì ngột ngạt nóng bức hơn. Cấp trên chỉ chi cho một khoản tiền nhỏ để tu bổ lại. Bertillon, được phong chức “Giám đốc cơ quan nhận dạng tư pháp” đến làm việc tại trụ sở mới này từ ngày 1 tháng giêng năm 1888. Ngày khánh thành trụ sở đó, đông đảo người đến dự chật ních cả các phòng: các vị đại diện cho các bộ trưởng, hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ, các nhà báo. Bertillon bình tĩnh nghe các bài diễn văn và khi các bài phát biểu vừa chấm dứt, ông đứng dậy đi về phòng làm việc của mình, không một lời chào hay cám ơn các quan khách. Ông là một người ít tế nhị, và hoàn toàn không cảm thấy sự luộm thuộm, thiếu thẩm mỹ của các phòng làm việc. Nhưng dù sao, ông đã có lãnh địa riêng của mình. Từ nay, ai muốn đến thăm ông buộc phải leo rất nhiều bậc thang, lại còn phải kiên trì đợi được tiếp. Bertillon đã rửa được mối hận thù đã bị người ta làm nhục trước kia. Sau hôm khai mạc, các nhà báo Paris đã đưa lên báo một thành ngữ mới, sau đó được cả nước Pháp và nhiều nước khác chấp nhận, đó là thành ngữ bertillonage - “phương pháp Bertillon”. Pierre Brullard đã viết trên báo: “Phương pháp Bertillon, căn cứ vào việc lấy kích thước một số bộ phận không bị thay đổi của bộ xương người, chắc chắn là sự phát minh quan trọng nhất, thiên tài nhất của khoa học hình sự thế kỷ 19. Nhờ một nhà thiên tài Pháp, những sai lầm trong việc nhận dạng và do đó dẫn đến những sai lầm của ngành tư pháp, chắc chắn sẽ không xảy ra nữa ở Pháp cũng như ở các nước khác. Phương pháp Bertillon muôn năm! Alphonse Bertillon muôn năm!” Vài tuần lễ sau, Bertillon yêu cầu đặt xưởng chụp ảnh dưới quyền điều khiển của ông. Yêu cầu này được chấp nhận. Ông ta lệnh cho các thợ chụp ảnh phải chụp mỗi phạm nhân hai kiểu, một kiểu nhìn thẳng, một kiểu nhìn nghiêng, cùng độ ánh sáng như nhau, khoảng cách từ người được chụp đến máy ảnh như nhau. Nhưng thợ ảnh phản đối, vì họ coi mình như những nghệ sĩ nhiếp ảnh, chứ không phải chỉ là những kỹ thuật viên đơn thuần. Việc làm theo đòi hỏi của người khác họ không thể chấp nhận được. Tuy nhiên chẳng bao lâu, họ cũng cảm thấy phải dè chừng trước những cơn giận dữ và giọng nói lạnh lùng của Bertillon. Ngoài ra, giám đốc mới của cơ quan nhận dạng ngành tư pháp cho làm thêm một chiếc ghế đặc biệt để tù nhân ngồi vào trước khi chụp ảnh, nhằm loại bỏ những sai sót khi chụp ảnh. Và như vậy, mỗi phiếu hồ sơ của phạm nhân đều có kèm thêm những ảnh chụp theo những quy định trên. Khi hồ sơ lưu trữ lên đến con số “đồ sộ” nửa triệu phiếu, Bertillon viết quyển “công thức về dấu hiệu nhận dạng tội phạm, trong đó ông sử dụng những từ đã để tâm tìm từ lâu. Công thức đó, còn được gọi là “chân dung diễn tả bằng lời”, cộng thêm các bức ảnh kiểu mới, giúp cho nhân viên an ninh có được hình ảnh chính xác rõ ràng về tên tội phạm. Sau cùng, ông lập một bản liệt kê các loại thuật ngữ đặc điểm nhận dạng của từng người. Bertillon dạy kỹ cho các nhân viên dưới quyền những nguyên tắc của phương pháp này. Các thanh tra cảnh sát phải nhớ thật kỹ những đặc điểm nhận dạng của một tù nhân mà bản thân chưa hề gặp, sau đó họ đến trại giam, nhìn các tù nhân đi diễu qua trước mặt và họ phải căn cứ vào đặc điểm nhận dạng mà họ đã ghi nhớ để chỉ đúng người tù nhân. Nhờ được Bertillon huấn luyện nghiêm túc như vậy nên các thanh tra cảnh sát đạt được những kết quả không ngờ. Tuy nhiên, trong Sở Cảnh sát, cũng có những lời phê bình chỉ trích như thời kỳ còn Macé lãnh đạo. Theo họ thì “chân dung nói” như vậy quá phức tạp đối với một cảnh sát. Họ không thể nhớ và áp dụng có hiệu quả được. Những lời phê bình chê bai đó, bây giờ không có tác dụng nữa. “Chân dung nói”, bổ sung vào phiếu đo kích thước nhận dạng được coi như cách tốt nhất để nhận biết những tên tội phạm và được đem áp dụng tại tất cả các cơ quan cảnh sát Pháp. Đầu năm 1889, Bertillon đã đạt tới tột đỉnh của vinh quang. Ba năm sau, một sự kiện làm chấn động dư luận làm cho tuổi Bertillon được mọi người Pháp biết đến. 1-07 Ngày 11 tháng 3 năm 1892, một tiếng nổ lớn làm rung chuyển đại lộ Saint-Germain ở Paris. Một đám khói dày đặc từ các cửa sổ của ngôi nhà số 136 bốc lên. Ngôi nhà bị phá hủy, cảnh sát và lính cứu hỏa tới ngay nơi xảy ra vụ nổ. Lúc đầu họ cho rằng tai nạn xảy ra là do hơi đốt bị nổ, nhưng khi lên tầng thứ ba, họ nhặt được các mảnh của một trái bom. Một trong những người ở thuê ngôi nhà nhiều tầng này là ông chánh án Benoit. Tháng 5 năm 1891, ông này chỉ trì vụ xử án một nhóm thuộc phái vô chính phủ. Không còn nghi ngờ gì nữa về lý do vụ mưu sát và động cơ của những kẻ gây ra vụ này. Từ năm 1878, một phong trào vô chính phủ nổi lên, gây chấn động cả châu Âu. Đó là một phong trào cực đoan chống lại nhà nước và chính quyền. Chúng cho rằng mọi hình thức quyền lực đều được coi là cản trở chủ yếu việc thực hiện bình đẳng xã hội. Ví như ở Berlin, ngày 11 tháng 5 năm 1878, Max Hödel, một thợ gò sắt tây ở Leipzig, đã bắn nhiều phát súng vào vua Wilhelm đệ nhất, nhưng không trúng. Ngày 2 tháng 6 cùng năm, cũng gần nơi xảy ra vụ mưu sát trước ở phố Unter den Linden, cũng vẫn vua Wilhelm bị bắn hai phát vào đầu và tay và bị thương nặng. Kẻ mưu sát là Karl Nobiling, đã học khoa kinh tế xã hội, làm việc tại cơ quan thống kê ở Dresde và là một người vô chính phủ. Tiếp sau đó là những vụ mưu sát vua Ý và vua Tây Ban Nha. Trước thái độ của bọn vô chính phủ, không sao đoán trước được và đáng ngại đến nỗi trong một số vụ xử án 68 kẻ cuồng nhiệt của bạn vô chính phủ tại nước Ý, người ta đã phải nhốt bọn can phạm trên vào một lồng sắt lớn ở ngay trong tòa án. Bọn vô chính phủ đã chọn Paris làm trung tâm hoạt động của chúng. Paul Brousse và hoàng thân Nga là Kropotkine truyền bá ở đó những tư tưởng chống đối lại xã hội và chuẩn bị địa bàn hoạt động cho bạn cuồng nhiệt. Bọn này bất chấp mọi lý thuyết, chỉ thích bạo lực. Năm 1892 bọn vô chính phủ hoạt động gây rối và ăn cắp thuốc nổ ở công trường đá Soisy-sur Ecole14[*] mà người ta không tìm ra thủ phạm để trừng phạt. Những sự việc đó làm chấn động Paris đến nỗi vụ nổ ở phố Saint-Germain làm cho ngành an ninh sửng sốt kinh hoàng. Lúc đầu, việc điều tra gần như dẫm chân tại chỗ, càng làm tăng thêm sự lo âu của dân chúng. Cuối cùng, ngày 16 tháng 3, một phụ nữ, làm chỉ điểm cho Sở Mật thám, chuyên đóng giả tên khiêu khích, mang bí số là X2S1, đã cung cấp một số tin có giá trị. Nữ nhân viên X2S1 có đi lại quen biết vợ của Chaumartin, giáo viên ở một trường kỹ thuật quận Saint Denis. Hắn ta không che giấu sự tán thưởng chủ nghĩa vô chính phủ của mình. Trước các bè bạn, hắn cứ lải nhải nêu lên những lợi ích của sự công bằng xã hội sau khi đã làm sụp đổ mọi quyền lực. Người ta cho rằng hắn chẳng làm được chuyện gì, vì trông bề ngoài rõ ràng hắn làm sao có thể sử dụng được quả bom. Nhưng theo lời của vợ hắn vì muốn trả thù chánh án Benoit đã phạt tù một thành viên của phong trào vô chính phủ, hắn đã vạch ra kế hoạch mưu sát bằng bom và người thực hiện tên là Léger. Ngay ngày hôm đó. Chaumartin bị bắt. Hắn khai hết và đổ lỗi cho Léger. Hắn nói rằng Léger từ tỉnh lẻ tới Paris được người ta giới thiệu với hắn. Léger sẵn sàng tiêu diệt mọi quan tòa chống lại bọn vô chính phủ. Vừa cuồng nhiệt, vừa căm thù xã hội, nên hắn sẵn sàng làm mọi chuyện. Hắn đang bị cảnh sát truy nã, tên thật là Ravachol, còn Léger chỉ là một tên mượn. Chính hắn đã tham gia lấy cắp thuốc nổ ở công trường đá Soisy-sur Ecole. Quả bom dùng trong vụ mưu sát ở phố Saint-Germain được chế tạo tại nhà mà Ravachol thuê ở phố “Bến Cảng Hải quân”. Khi các thanh tra đến địa điểm này thì không thấy chủ nhà nhưng cũng tìm thấy những dụng cụ đã được dùng để chế tạo quả bom dùng vào cuộc mưu sát trên. Người ta lại hỏi cung Chaumartin vẫn không thu được kết quả. Tuy vậy cũng biết thêm chi tiết nhận dạng của tên tội phạm tuy chưa được rõ ràng như: vóc người nhỏ nhắn, cao khoảng 1 mét 60, mầu da hơi vàng, rau màu sẫm. Vài giờ sau, các nhật báo ở Paris đăng ở trang đầu những tin tức về Ravachol. Hàng trăm nhân viên mật vụ được cử đi để truy tìm tên tội phạm bí ẩn trên. Các cửa ngõ ra vào Paris đều được kiểm tra, hành khách trên xe lửa cũng bị kiểm soát, bất cứ ai có bộ râu sẫm đều bị xét hỏi. Những tên vô chính phủ quen thuộc đều bị bắt giữ. Mọi người gác các ngôi nhà tập thể phải báo ngay cho cảnh sát khi có người tình nghi nào giống Ravachol. Tất cả những biện pháp đó đều vô hiệu quả, như gươm chém xuống nước. Báo “Gaulois”15[*] viết: “Nước Pháp được những con người bất lực cai trị. Họ chẳng có biện pháp gì cần thiết để chống lại bọn man rợ đang hoành hành trong nước”. Cảnh sát trưởng Paris khi đó là Henry Lozet phải cầu cứu đến Bertillon. Những cuộc điều tra tiến hành ở các tỉnh cho thấy có một người đàn ông đăng ký ở Saint-Etienne và ở Montbrison với tên là Ravachol. Nhưng thật ra hắn tên là Koenigstein, sinh ngày 14 tháng 10 năm 1849 ở Saint-Chamond, con một công nhân Hà Lan làm việc ở nhà máy Izieux đã học nghề thợ sơn. Tên này hết sức tàn bạo, làm cả gia đình phải sợ hãi như đánh đập tàn nhẫn, lại còn dọa giết mẹ đẻ. Năm 1866, hắn tự động bỏ công việc, trở thành tên buôn lậu và bị cảnh sát truy nã một năm nay về một trong tội ở vùng lân cận Saint-Etienne. Đêm 14 tháng 5 năm 1891, một tên lưu manh đã đột nhập vào ngôi mộ bà Nam tước Rocher Taillier, mở nắp áo quan lấy một huy hiệu chữ thập, một huy chương bằng vàng và còn tìm cách lấy nhẫn ở ngón tay người chết. Một số dấu vết sự việc cho thấy có thể Ravachol là thủ phạm của hành động ghê tởm này. Ngày 19 tháng 6 cùng năm đó, trong một ngôi nhà hẻo lánh trên đồi Forez, người ta thấy xác một ông già bị bóp cổ. Số tiền 3 vạn năm nghìn phrăng mà ông đã dành dụm cả đời và cất giấu trong ngôi nhà cũng bị mất. Koenigstein- Ravachol bị tình nghi dính líu vào vụ này, bị bắt. Tuy nhiên, hắn tìm cách thoát khỏi tay cảnh sát và trốn mất. Khoảng 6 tuần sau,ngày 27 tháng 7 năm 1891, hai phụ nữ, chủ một cửa hàng ngũ kim ở phố Roanne, thị xã Saint-Etienne bị một tên sát nhân dùng búa giết rất dã man. Tên giết người này tưởng họ có tiền nhưng thật ra chỉ có 48 phrăng. Một lần nữa, vẫn Ravachol là đối tượng bị nghi vấn. Tuy vậy hắn vẫn biệt tăm. Những tin tức chỉ dẫn trên rất tốt và có thể bổ ích. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều quyết định. Theo lệnh trên, cảnh sát Saint-Etienne đã áp dụng phương pháp Bertillon, nghĩa là lấy kích thước các bộ phận của kẻ bị bắt như đã nói ở trên. Vào năm 1879, người ta đã tiến hành lấy kích thước Koenigstein, bị tạm giữ vì dính líu vào một vụ trộm. Ngày 24 tháng 3 năm 1892, Bertillon có trong tay phiếu nhận dạng Claudius François Koenigstein còn gọi là Ravachol, từ Saint-Etienne gửi đến với những chi tiết sau: cao: 1,663 m; sải tay: 1,780; vòng ngực: 0,877; chiều dài sọ: 0,186; chiều ngang: 0,162; chiều dài chân trái: 0,279; ngón tay giữa trái: 0,122; tai trái: 0,098, màu mống mắt trái: vàng xanh lá cây; một sẹo ở bàn tay trái gần ngón cái. Phần nhận dạng không đầy đủ như Bertillon đòi hỏi, ông nổi giận, phê phán dữ dội, nhưng dù sao, nhưng chi tiết mà ông có được về tên tội phạm, cũng quí giá, Nếu Koenigstein Ravachol và tên Ravachol mà Chaumartin đã khai ra chỉ là một người, thì những cố gắng của cảnh sát để tìm ra hung thủ vụ mưu sát sẽ được dễ dàng hơn nhiều. Nếu hắn bị sa lưới, thì việc tìm ra căn cước thật của hắn chẳng có gì là khó khăn đối với Bertillon. Và cuối cùng nếu tên đã làm nổ quả bom và Koenigstein chỉ là một người, thì phong trào, vô chính phủ sẽ bị một đòn nặng, tự nó sẽ chứng minh cho mọi người thấy rằng bọn người vẫn vỗ ngực cho rằng đấu tranh vì những lý tưởng cao đẹp của xã hội mới đã chẳng ngần ngại sử dụng cả những bọn tội phạm chuyên nghiệp để gieo rắc tội ác, như vậy bọn chúng sẽ mất uy tín trước dư luận quần chúng nhân dân. Ngày 26 tháng 3, khi các báo đăng tin về Ravachol, thì sự căng thẳng, kích thích của mọi người tăng lên. Trong báo Le Figaro, Albert Milhaud đã viết; “Ravachol, ai đã biết nó? Ai rõ nó ra sao? Có thật nó là người không? Hay đó là huyền thoại? Có thật nó là một người bằng xương bằng thịt không? Người ta đã phát hiện đủ mọi thứ kể cả thuốc nổ. Nhưng chẳng ai biết Ravachol ở đâu cả”. Như vậy, chuyện về Ravachol sắp trở thành như một câu chuyện huyền thoại. Người ta đặt đủ các loại câu hỏi về hắn coi hắn như một người theo lý tưởng chủ nghĩa, hoặc như người sáng lập ra nhóm vô chính phủ “Courtil ”, hoặc như một người đang đấu tranh cho tự do của giai cấp công nhân? Lại một tội ác nữa gieo rắc thêm đau thương cho mọi người. Ngày chủ nhật 27 tháng 3, khoảng 8 giờ sáng, một quả bom nổ ở ngôi nhà số 39 phố Clichy. Những người thuê nhà tỉnh dậy, nhưng không thoát ra được, cầu thang gác đã bị bom phá hủy, và họ gào thét sợ hãi kêu cứu. Năm người bị thương nặng. Trong số những người thuê nhà có ông biện lý Bulot, đã thay mặt Viện Công tố trong một vụ án chống lại bọn vô chính phủ. Trong vụ này, người ta biết rõ bọn nào là thủ phạm, Sáng hôm sau, Jarzuel, một nhà báo thuộc Đảng Xã hội, viết một bài đăng trên báo “Người Gô-loa” làm tan mọi nghi ngờ về tính chất của hành động này. Trước giờ bom nổ một ngày. Jarzuel có nhận được một bức thư yêu cầu ông đến Quảng trường “La Bastille” để gặp người đã viết thư đó. Người này, mặc lễ phục, đội mũ cao thành, tự xưng là Ravachol. Hắn đồng ý cho phỏng vấn nhưng buộc nhà báo Jarzuel lấy danh dự thề “không được công bố những gì về nhận dạng chính xác về con người hắn ta”. Đối với nhà báo Jarzuel, tính chất giật gân của việc này còn quan trọng hơn điều mà ông ta có thể giúp ích cho cảnh sát. Ravachol đã nói với ông ta: “Họ chẳng thích gì chúng tôi. Nhưng rồi họ sẽ rõ. Chúng tôi chỉ mong muốn có mỗi một điều, đó là hạnh phúc cho toàn thể nhân loại. Con đường cách mạng phải có đổ máu. Đây là mục đích của chúng tôi. Trước hết chúng tôi muốn khủng bố bọn quan tòa thường xử phạt chúng tôi, để họ không còn dám ngọ nguậy nữa, chúng tôi sẽ tấn công bọn tài phiệt và chính khách. Hiện nay lượng thuốc nổ có thừa để phá sập nhà ở của các quan tòa”. Một lần nữa Paris lại hồi hộp lo âu. Đám đông người lặng lẽ chen chúc nhau đến phố Clichy để tận mắt nhìn thấy thiệt hại do vụ nổ bom gây ra. Thủ tướng Pháp Emile Loubet họp bàn nhiều giờ với Bộ trưởng Quốc phòng và Cảnh sát trưởng Paris. Tất cả bọn vô chính phủ người ngoại quốc trú tại Pháp đều bị trục xuất. Các thành phố lớn như Rome, Luân-đôn, Berlin, Saint Pétersbourg đều nhắc đến tên Ravachol. Những báo chí của bọn vô chính phủ đều gọi hắn là “người hùng” hay “con người vô địch”. Hai ngày sau, ngày thứ tư 30 tháng 3, chủ cửa hàng ăn Very ở phố Magenta báo cho cảnh sát biết có một người đàn ông, khoảng ba mươi tuổi, có một sẹo ở tay trái gần ngón cái, hiện đang dùng cơm trưa ở hiệu của ông ta. Thứ hai vừa qua, người lạ mặt đó đã nói chuyện với một nhân viên phục vụ của cửa hàng ăn tên là Lérot, chuyện sặc mùi vô chính phủ. Quận trưởng Cảnh sát Dresch, cùng bốn nhân viên cảnh sát đến ngay cửa hàng ăn vừa đúng lúc tên đó sắp rời khỏi cửa hàng. Vừa nhìn thấy cảnh sát, hắn rút ngay súng lục ra. Sau cuộc vật lộn gay go, hắn bị bắt. Trên đường dẫn hắn đến trụ Sở Cảnh sát nhiều lần hắn tìm cách chạy trốn, chống cự lại cảnh sát, quật ngã một cảnh sát và mồm luôn luôn gào lên: “Hãy đến với tôi, hỡi các người anh em... vô chính phủ muôn năm! Thuốc nổ muôn năm!” Hắn được dẫn tới Bertillon để lấy kích thước khi người còn loang lổ những vết máu. Hắn vùng vẫy điên cuồng, nên không sao lấy kích thước và chụp ảnh được. Mãi đến ngày thứ năm hắn mới dịu dân không vùng vẫy như trước nữa. Rồi đột nhiên hắn thay đổi thái độ, và công khai làm ra vẻ ta là một “người hùng” đây. Hắn để cho lấy kích thước, chụp ảnh mà không cưỡng lại. Và những kích thước đó hoàn toàn khớp với dấu vết và kích thước đã thu được ở Saint-Etienne. Ravachol tự cho là “nhà lý tưởng cách mạng”, có tên thật là Claudius François Koenigstein, được coi là tên giết người và đánh cắp các trang sức có trong các ngôi mộ ở Saint-Etienne. Khi tin tức trên đăng trên các báo, vài tờ báo cánh tả lên tiếng phản đối, nêu lên những câu hỏi. Liệu có phải cảnh sát muốn làm cho mọi người tin rằng Ravachol chỉ là một tên đốn mạt, chỉ vì tiền mà ăn cắp và giết người? Liệu cảnh sát có dám trâng tráo nhận bừa là mình đang bắt giữ người “không thể nào bắt được” chăng? Sự nghi ngờ và lo sợ cho rằng chính tên tội phạm vẫn chưa bị tóm cổ, càng tăng lên cực độ khi xảy ra một vụ bom nổ nữa, trước khi vụ xử Ravachol hai ngày. Phiên toà dự định mở ngày 27 tháng 4 tại toà đại hình Paris. Vụ nổ bom trên làm sập cửa hàng ăn Very, nơi mà Ravachol đã bị bắt. Dưới đống gạch đổ nát, người ta bới được xác người chủ cửa hàng ăn và một khách hàng. Nhưng “phép đo người” của Bertillon không nhầm. Ngày 27 tháng 4, phiên tòa mở tại Paris, Ravachol bị truy tố trước tòa về tội mưu sát ở phố Saint-Germain và phố Clichy. Trong phiên xử hắn không nhận là thủ phạm vụ giết người ở Saint-Etienne. Các thẩm phán vẫn còn lo sợ về những lời đe dọa, không dám thẳng tay trừng trị. Ngày 20 tháng 7, tại Montbrison, lại mở phiên tòa đại hình xử lần thứ hai tên Ravachol can tội giết người ở Saint-Etienne. Chánh án là Darrigant, từ Lyon đến. Ông này không bị không khí lo sợ và kích động của Paris ám ảnh. Khi Ravachol thấy rằng cái trò doạ nạt của hắn không còn tác dụng nữa, hắn tự lột mặt nạ. Với thái độ vô liêm sỉ, coi thường tòa, dương dương tự đắc, hắn thú nhận mình là Koenigstein và nhận tội: đã bật áo quan để lấy các đồng trang sức của bà Nam tước Roche-Tailler; đã giết ông già Jacques Brunel. Hắn đã cho thấy bộ mặt thật vô liêm sỉ. Những hành động vô chính phủ chống lại chính quyền và những người giàu có, chỉ là cái bình phong che đậy những hành động tội ác. Hắn bị kết án tử hình, bị dẫn qua các phố ở Paris, đến nơi dụng máy chém. Trên đường đi, hắn hát bài: “Được, được, hãy treo cổ bọn quý tộc ở cột đèn!...” Trước máy chém, hắn còn nói “Đồ đểu giả! Cách mạng muôn năm!”. Tin tức về phương pháp Bertillon đã giúp tìm ra và nhận dạng Ravachol được truyền đi nhanh chóng khắp châu Âu. Tại các thủ đô, người ta bàn luận sôi nổi về phương pháp này. Hình như không có gì cản trở bước đường dẫn đến thắng lợi cuối cùng của phương pháp này trên thế giới. 1-08 Cuộc triển lãm quốc tế được tổ chức ở Luân đôn năm 1884, trưng bày đủ thứ nhằm thỏa mãn tính hiếu kỳ của khách tham quan hoặc để giải trí, vui nhộn, học tập bổ ích hoặc chẳng cần nhớ mà quên ngay. Ví dụ, chỉ trả có vài xu, là khách tham quan được người ta lấy kích thước và cho thử thể lực và trí lực. Một thanh niên trông nom gian hàng này, trong đó có rất nhiều dụng cụ máy móc. Anh ta đo chiều dài sải tay, chiều dài sọ, trọng lượng, độ mạnh của bắp thịt, sức chứa hơi của lồng ngực, kiểm tra độ nhạy của các phản xạ, mẫu mắt, độ thính của tai. Sau đó khách hàng nhận được phiếu ghi các kết quả kiểm tra trên. Việc giải trí này được mọi người ưa thích. Trong gian phòng mà người ta lấy kích thước, thỉnh thoảng lại thấy xuất hiện một ông già, tuổi trạc sáu mươi, lịch sự, làm mọi người chú ý; ông già tên là Francis Galton, tóc thưa, là người say mê khoa học, nghệ thuật, đã có đóng góp vào sự tiến bộ của các môn khoa học tự nhiên ở thế kỷ 19. Ông sinh năm 1822 ở Birmingham, bố là một kỹ nghệ gia giàu có. Ông đã học ngành y nhưng không làm nghề này. Ông say mê khoa học và chỉ chăm chú nghiên cứu theo sở thích riêng của mình. Nhờ có tài chính dư dật, ông thường đi du lịch nhiều nước trên thế giới. Năm 1840, ông đến Giessen và làm quen với một nhà hóa học lớn của Đức là Justus Liebig. Sau đó ông lần lượt đi tham quan các thành phố lớn như Budapest, Belgrade, Constantinople, Athènes, Venise, Milan và Genève. Cuộc hành trình dài bằng xe ngựa hoặc cưỡi ngựa mệt nhọc đó làm ông kiệt sức cả thể xác và tinh thần. (Sau này, ông thường bị mệt như vậy, tuy nhiên ông vẫn thọ tới 90 tuổi). Vào thời kỳ này, bản đồ thế giới vẫn còn những điểm trắng, nghĩa là những nơi chưa có người đi đến đó. Galton rất quan tâm đến môn địa lý. Khi đi tìm nơi bắt nguồn của dòng sông Nil, ông đã vượt qua cả Ai-cập đến tận biên giới cực nam của nước này. Ông say mê đi du hành bằng khí cầu và thường xuất phát từ quần đảo Shetland. Năm 1850, ông đến Nam Phi bằng một thuyền buồm. Phép đo người cũng hấp dẫn đối với ông, nên ông tiến hành đo lấy kích thước nhiều dân địa phương thuộc các bộ tộc khác nhau. Ông bắt đầu say mê môn khoa học này và tiếp tục cho đến cuối đời. Nhà của ông ở Luân-đôn, số 42 phố Ruthland Gate trở thành nơi gặp gỡ của các nhà địa lý, thầy thuốc, các nhà nhân loại học và các triết gia. Quyển sách của người anh em họ là Charles Darwin16[*] về “nguồn gốc các loài” trình bày vấn đề di truyền hấp dẫn đến nỗi ông quyết định, trong những năm 1860, nghiên cứu một số đặc điểm về thể chất và tinh thần của con người để tìm hiểu xem những đặc điểm đó có thể di truyền đến mức nào. Muốn trả lời được vấn đề này, phải tập trung rất nhiều dữ kiện về các loại nam, nữ, trẻ em, nhiều khi phải lần ngược lên nhiều thế hệ. Gian nhà lấy kích thước của ông tại cuộc triển lãm vừa làm khách tham quan thích thú vừa giúp ích nhiều cho ông. Khi ghi kích thước, ông cho ghi vào hai phiếu, một trả lại khách, một giữ lại để nghiên cứu. Năm 1885, sau khi triển lãm đóng cửa, Galton rất say mê với cuộc nghiên cứu trên và ông quyết định lập một phòng thí nghiệm về phép đo người. Ít lâu sau, cơ sở khoa học này được đặt ở viện bảo tàng South Kensington ở Luân-đôn được mọi người rất thích đến để cho lấy kích thước. Người làm việc này là một phụ tá của Galton, thượng sĩ Randal. Galton đã trở thành chuyên gia giỏi nhất nước Anh về “nhân loại học”. Mùa xuân năm 1888, ở Luân-đôn người ta được tin là Alphonse Bertillon đã được bổ nhiệm làm giám đốc cơ quan tư pháp về nhận dạng. Các thành viên của Hội khoa học Hoàng gia Anh rất quan tâm đến phương pháp của Bertillon, có mời Galton đến trình bày vấn đề này trong một buổi sinh hoạt khoa học nổi tiếng của Hội, tổ chức vào ngày thứ sáu. Khi mời Galton, các nhà khoa học Hoàng gia Anh và thành viên của Hội cũng không ngờ rằng quyết định của họ lại có hậu quả quan trọng. Galton nhận lời mời và trước khi trình bày ông sang Paris để tiếp xúc với Bertillon. Sau này ông có kể lại cảm tưởng như sau: “Trong thời gian ngắn ở Paris, tôi làm quen với Bertillon và phương pháp của ông. Đối với những nhân viên phụ tá của ông ta, họ không sơ ý bỏ qua một chi tiết nào trong khi lấy kích thước bọn tội phạm. Họ làm việc vừa nhanh vừa chính xác. Mọi việc ở đây đều được tổ chức, sắp xếp rất tốt...” Tuy nhiên, ông không có ý định dành cả buổi nói chuyện để trình bày những phát minh của Bertillon. Khi đề cập tới lĩnh vực nhận dạng, ông muốn đi sâu vào lĩnh vực đó. Các bài mà bác sĩ Faulds và Williams Herschel gửi cho tạp chí “Thiên Nhiên” trong thời gian qua đã bị lãng quên. Hiện tại, Faulds là bác sĩ pháp y ở nước Anh, cố gắng làm cho ngành Mật thám và Bộ Nội vụ nước Anh quan tâm đến vấn đề dấu tay, Bộ Nội vụ nước Anh quan tâm đến vấn đề dấu tay, nhưng không đạt kết quả. Tuy bị thất vọng vì không được chấp nhận, nhưng ông vẫn tiếp tục nghiên cứu dấu tay với tư cách riêng. Galton có trí nhớ đặc biệt tốt. Ông vẫn nhớ là đã có những bài viết về vấn đề nhận dạng trong tạp chí “Thiên Nhiên”. Ông đề nghị tòa soạn gửi cho ông những số tạp chí có trình bày về vấn đề đó của Faulds và Herschel, nhưng không rõ vì lý do gì toà soạn chỉ gửi cho ông số báo trong đó có bài của Herschel. Herschel khi đó ở tại Littlemore, tiếp tục nghiên cứu về dấu tay với tư cách riêng. Sau khi đã bình phục, nhận được thư của Galton, Herschel lại hy vọng những ý kiến trước đây của mình, bây giờ được người khác chú ý một cách thích đáng chăng? Với hy vọng đó, ông gửi ngay cho Galton tài liệu mà ông có, và sau đó ít lâu trực tiếp đến gặp Galton để trình bày việc đã tiến hành lấy dấu tay. Và tư tưởng của Galton bắt đầu chuyển biến mạnh mẽ. Từ nhiều năm, ông chăm chú nghiên cứu về nhân loại học và phép đo người, rất hứng thú việc mà Bertillon đã làm. Tuy nhiên sau khi đã nghiên cứu tài liệu của Herschel, ông thấy rằng hiện tại ông đã nắm trong tay một vấn đề còn quan trọng hơn phương pháp Bertillon, rất nhiều. Tất nhiên, phương pháp Bertillon đánh dấu một bước đi lên, nhưng nếu những ý kiến và kinh nghiệm của Herschel mà đúng, thì việc nhận dạng về mặt tư pháp sẽ có những triển vọng thật xán lạn. Nhưng Galton không đủ thời gian để đào sâu vấn đề trong buổi thuyết trình của ông tại Hội Khoa học Hoàng gia đã được ấn định vào ngày 25 tháng 5 năm 1888. Ông coi buổi thuyết trình đó là một dịp tốt để tranh thủ thông báo cho các nhà khoa học, tham dự buổi đó là ngoài phương pháp Bertillon về vấn đề nhận dạng, còn có phương pháp nhận dạng khác, đó là phương pháp lấy dấu tay, mà cho đến nay hoàn toàn chưa được biết tới. Và Galton lao vào nghiên cứu vấn đề này. Đầu tiên ông tìm hiểu xem trong đời người ta, liệu các dấu tay có bị thay đổi không. Những tài liệu lưu trữ của Herschel, đã tiến hành cẩn thận suốt trong ba mươi năm là bằng chứng tỏ rõ ràng dấu tay của người ta không bị thay đổi. Tuy vậy, để cho chắc chắn hơn, ông đề nghị lấy dấu lăn tay của những khách đến thăm phòng thí nghiệm của ông đặt tại bảo tàng South Kensington. Ông cũng ý thức được việc tìm ra “điều kỳ lạ mới của loài người” hiện đang ở trong tầm tay. Để có thể tiến hành việc so sánh, ông cho phóng to những tấm ảnh chụp từng dấu tay ở phòng thí nghiệm. Sau 3 năm trời, số hồ sơ lưu trữ về dấu tay còn nhiều hơn của Herschel, và ông nhận thấy không có một trường hợp nào mà các đường nét ngón tay của người này lại giống đường nét ngón tay của người khác. Dùng phép xác suất để tính toán, Galton thấy rằng, nếu sử dụng dấu in mười ngón tay của mỗi người, thì trong 64 tỷ trường hợp, hoạ ra mới có hai người có dấu tay giống nhau. So với số người hiện có ở trên trái đất17[*], thì hy vọng tìm ra hai người có dấu tay giống hệt nhau có thể coi là không thể nào có được. Tuy nhiên, sau đó Galton lại lưu ý đến một vấn đề mà trước kia cả Faulds và Herschel đều không để ý đến. Nếu sử dụng dấu tay để nhận dạng, như phương pháp đo người của Bertillon, thì cũng phải nghiên cứu một cách sắp xếp hồ sơ lăn tay để kiểm tra dễ dàng như Bertillon đã tìm ra cách sắp xếp hồ sơ lưu trữ khi lấy các kích thước. Với sự giúp đỡ của một cộng tác viên là Collins, ông bắt tay vào nghiên cứu vấn đề xếp sắp hồ sơ trên. Khi nghiên cứu các quyển sách xưa, ông phát hiện thấy rằng, trước kia, nhiều nhà khoa học đã quan tâm đến vấn đề này, như năm 1823, một người Tiệp Khắc tên là Jean Purkinje18[*], giáo sư về môn sinh lý và bệnh lý ở Pra-ha (Prague), đã viết một quyển sách đề cập đến những nghiên cứu của ông trong lĩnh vực này. Ông có nhận xét là những đường nét của tay thường như sau: xoắn ốc, ê-líp, vòng cung, hình cuộn hay thành hai vòng khuyên. Galton quyết định theo những chỉ dẫn của Purkinje để nghiên cứu xếp loại dấu tay. Ông cho in phóng đại một nghìn dấu tay và so sánh chúng để tìm cách xếp loại. Nhưng cách này khó vì theo cách của nhà bác học Tiệp Khắc, ít nhất có tới sáu mươi loại dấu tay trong vài ngày. Khi tiếp tục nghiên cứu lại, ông thấy có bốn loại đường nét có thể dùng làm cơ sở xuất phát cho các loại khác. Những đường nét đầu các ngón tay nói chung họp thành một loại tam giác mà Galton đặt tên là Delta vì nó giống với chữ delta trong bảng chữ cái Hy Lạp. Tam giác này lúc thì ở bên trái, lúc thì bên phải ngón tay. Có những dấu tay không có hình tam giác. Theo ông những đường nét đó có thể xếp vào 4 loại chính: không có tam giác, tam giác ở phía trái, tam giác ở phía phải, nhiều tam giác. Nhưng cách sắp xếp như vậy liệu đã có thể dùng làm tiêu chuẩn sắp xếp hồ sơ theo một trình tự chính xác chưa? Tất nhiên, nếu chỉ lăn tay một ngón thì không thể nào phân biệt loại hồ sơ nhỏ được, với hai ngón tay thì có thể phân thành 16 loại để chọn lọc; với dấu tay của cả 10 ngón, thì có thể chia nhỏ thành 1.048.570 loại hồ sơ khác nhau. Galton vui mừng hớn hở, song ông vẫn tự hỏi vấn đề xếp loại hồ sơ lăn tay như vậy đã được giải quyết xong chưa? Liệu có thể công bố được chưa? Năm 1891, ông viết một bài gửi cho tạp chí Thiên Nhiên, qua bài đó, để tỏ lòng biết ơn Herschel. Bài báo không có tiếng vang lắm. Chỉ có Faulds là lên tiếng phản đối mạnh mẽ, khẳng định rằng chính mình chứ không phải là Herschel là người đầu tiên đã áp dụng dấu tay trong việc nhận dạng về mặt pháp lý. Tuy vậy Galton chẳng quan tâm đến những lời tuyên bố của Faulds cũng như chẳng chú ý đến sự thờ ơ của các độc giả. Bị thu hút vào vấn đề này, ông cũng chẳng để tâm đến những lời qua tiếng lại đòi nhận ai là người đầu tiên. Ông muốn tập trung toàn bộ sức lực chuẩn bị một cuốn sách trình bày về sử dụng dấu tay để nhận dạng. Quyển sách này xuất bản năm 1892, với tên là “Về các dấu tay”19[*]. Quyển sách này đã giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử khoa tội phạm học. 1-09 Từ ngày đến thăm Bertillon lần đầu vào năm 1887, Edmind R. Spearman luôn luôn ca ngợi phương pháp Bertillon tại Bộ Nội vụ Anh. Việc ông đấu tranh cho phương pháp này hoàn toàn không phải là một sự vận động. Phải chăng vì ông không hiểu rõ những phương pháp nhận dạng hiện đang áp dụng ở cơ quan an ninh Scotland? Khi miêu tả chúng, có cần phải nói rõ không. Danh sách bọn tội phạm chuyên nghiệp và những tù nhân được phóng thích mà Bộ Nội vụ lập danh sách hàng tháng, rồi 9 tháng mới được chuyển cho cảnh sát, như vậy chẳng có ích lợi gì nữa. Những cách ghi nhận dạng của Pháp trước đây như ghi những chi tiết “có hình xăm ở ngón tay đeo nhẫn trái” mà vào thời kỳ đó hình thức xăm tay này rất thịnh hành đều là cách ghi nhận dạng hời hợt, không đầy đủ và cũng không thể dùng cái đó làm một đặc điểm để nhận dạng được. Kho hồ sơ nhận dạng tại Anh cũng giống như ở Pháp trước đây: có tới 115.000 ảnh chụp. Người ta đã cố gắng tìm cách xếp theo một trình tự nào đó để dễ kiểm tra nhưng vẫn lẫn lộn chưa có lối thoát. Các nhân viên giám sát ở cơ quan mật thám nước Anh phải mất nhiều ngày mới tìm ra phiếu ghi nhận dạng một tù nhân. Năm 1893 có 21 nhân viên cơ quan này được lệnh phải kiểm tra lý lịch của 27 can phạm. Họ phải lăn lộn trong 57 giờ liền để làm việc bạc bẽo này mà chỉ tìm ra được có 7 tấm ảnh. Tại các trại giam, các phương pháp nhận dạng cũng không hơn gì. Mỗi tuần 3 lần, 30 thanh tra cảnh sát đến tận trại giam Holloway để nhận mặt bọn tù nhân xem có ai có tiền án tiền sự không. Người ta đã tính rằng muốn nhận dạng một tên lưu manh tái phạm, phải mất trung bình đến 90 giờ làm việc cật lực, mà đôi khi việc nhận dạng đó vẫn bị nhầm lẫn. Khi quyển sách “Về các dấu tay” vừa xuất bản, Spearman tìm cách thuyết phục được hai nhân vật của Bộ Nội vụ nước Anh là Chảles Russel và Richard Webster đến thăm Bertillon, trong chuyến đi công tác sang Paris của phái đoàn chính trị. Bertillon tiếp đón họ rất long trọng, hướng dẫn họ đi thăm nơi làm việc, làm cho Webster thán phục đến nỗi khi trở về Luân đôn đã tuyên bố tận mắt thấy một hệ thống nhận dạng tốt nhất. Để thuyết phục Asquith, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đồng ý áp dụng phương pháp Bertillon ở Anh, hai vị trên tấn công rất mạnh. Asquith sắp ngả theo ý kiến này thì ông thay đổi ý kiến vì nghe theo một nhà sử học Pháp đã nói: “Một sự chuyển hướng có tính chất lịch sử hoặc do ngẫu nhiên hoặc do thượng đế”. Một thành viên của “Hội khoa học Hoàng gia” đưa cho Bộ trưởng quyển sách mà Galton đã xuất bản. Ông này rất thích thú và ra lệnh ngừng việc chuẩn bị áp dụng phương pháp Bertillon, lập một tiểu ban điều tra nghiên cứu. Tiểu ban này sau khi nghiên cứu tỉ mỉ hệ thống nhận dạng của Bertillon và những đề nghị của Galton đã đề nghị chấp nhận phương pháp nhận dạng của Galton. Tiểu ban họp tháng 10 năm 1893, gồm có Charles Edward Troup, cán bộ Bộ Nội vụ Anh, thiếu tá Griffith và Melville Macnaghten, Griffith là thanh tra các trại giam có viết nhiều sách, hiện đang viết một quyển sách gồm hai tập về “Những bí mật về cảnh sát và tội phạm”. Macnaghten là cán bộ cao cấp ở Scotland Yard. Trở về Anh, sau một thời gian dài công tác tại Ấn Độ, ông được bổ nhiệm làm chánh cẩm tại Cục điều tra tư pháp. Ông có vóc người nhỏ, rất chải chuốt, giống như một “chủ đồn điền thực dân”, mà bè bạn thường gọi đùa là “Già Mac tốt bụng”. Ông gắn bó với ngành an ninh cũ kỹ của Anh, và muốn đưa vào cái gì mới mẻ có thể thay thế cho nếp làm việc bảo thủ. Khi Mac đến làm việc ở ngành an ninh, chánh mật thám Williamson nói với ông: “này anh bạn trẻ của tôi, từ nay anh sẽ là thành viên của một cơ quan thật “quá quắt”. Họ sẽ thả sức càu nhàu đối với anh dù anh làm như thế nào và dù anh thực hiện nhiệm vụ của anh chính xác đến đâu cũng vậy”. Macnaghten đã biết nhiều “tình báo viên kỳ cựu”, như loại chánh mật thám Shor không sao viết nổi một bài chính tả mà không bị lỗi. Họ đã dạy cho Mac câu ngạn ngữ sau: “Sự may mắn và ngẫu nhiên là những nhà tình báo giỏi nhất”. (Điều này trước đây và hiện nay vẫn có phần nào đúng). Sự bảo thủ đó tuy cũng làm ông có thiện cảm, nhưng thời gian ở Ấn Độ làm cho ông thấy rõ đã đến lúc mà ngành cảnh sát tư pháp không thể coi thường sự đóng góp của khoa học. Tiểu ban Troup đến phòng thí nghiệm của Galton. Phương pháp nhận dạng bằng dấu tay rất tài tình và giản đơn làm tiểu ban thán phục và thường đến đây nghiên cứu. Nhưng việc “chuyển hướng lịch sử” tưởng như đúng lúc ấy lại đã đến quá sớm”. Sau khi xuất bản cuốn sách “Về dấu tay”, Galton, một con người kiên trì, cũng thấy rằng mình đã vui mừng quá sớm, cứ tưởng rằng mình đã tìm ra cách sắp xếp hồ hơ lăn tay nhanh chóng gọn gàng. Hệ thống đó của ông có thể áp dụng để sắp xếp tới 10 vạn phiếu lăn tay nhưng với một điều kiện: số phiếu của mỗi loại trong bốn loại dấu tay (không có hình tam giác, tam giác, tam giác ở bên trái, tam giác ở bên phải, có nhiều tam giác) phải gần bằng nhau. Nhưng thật ra không phải như vậy. Loại “không có hình tam giác” rất hiếm. Khi Galton sắp xếp loại đã có 164 phiếu, ngăn kia mới chỉ có 1 phiếu, làm cho việc kiểm tra mất nhiều thì giờ. Khi tiểu ban kiểm tra xem xét những công việc tiến hành ở phòng thí nghiệm thì Galton cũng đang miệt mài nghiên cứu tìm qui luật cho việc sắp xếp hồ sơ dấu tay sao cho việc tra cứu được thuận lợi nhanh chóng. Ông thấy mình đã đi đúng hướng nhưng vẫn chưa đạt được đến đích. Griffith sốt ruột yêu cầu Galton định thời hạn hoàn thành việc nghiên cứu này nhưng Galton từ chối và nói rằng công việc này có thể làm trong ngày một ngày hai nhưng cũng có thể hai ba năm mới xong. Câu trả lời đó làm cho tiểu ban lúng túng trước một tình thế khó xử. Quyết định ra sao bây giờ? Chẳng lẽ lại từ bỏ một phát hiện quan trọng như vậy chỉ vì một lý do chưa tìm ra cách sắp xếp hồ sơ? Nếu như vậy thật quả là bất công. Hay lại đành lòng hạ thấp yêu cầu để chấp nhận phương pháp Bertillon, một phương pháp mà trong vài năm nữa không sao so sánh được với những tiến bộ, ưu điểm của phương pháp Galton. Việc phát hiện dùng dấu tay để nhận dạng vẫn ám ảnh tiểu ban, ngay cả khi họ sang Paris để nghiên cứu phương pháp Bertillon. Thời kỳ này, ngành cảnh sát của Pháp đang trong những giờ phút vinh quang chói lọi nhất. Vì vậy, việc tìm hiểu ngành cảnh sát Pháp vào thời kỳ đó đối với tiểu ban thật hấp dẫn. Louis Lépine, một con người nhỏ nhắn, đầy nghị lực, hiếu động, vừa được cử làm cảnh sát trưởng Paris. Trong số những nhân vật giữ chức vụ cảnh sát trưởng Paris thế kỷ 19, thì Lépine là người nổi tiếng nhất. Ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề: “Ngành cảnh sát phải làm cho nhân dân Paris quí mến và đánh giá tốt”. Ông là một người cương quyết, ý kiến phong phú cố gắng đạt bằng được mục đích trên với sự kiên trì mà không ai có thể so sánh được. Ông thẳng tay đàn áp những cuộc đình công hoặc gây rối, đồng thời còn là một chính khách khôn khéo biết kích động những người biểu tình, làm cho họ thấy mình là nạn nhân có tâm trạng bị tước đoạt đến mức phải nổi giận. Nhiều khi Lépine trực tiếp chỉ huy các nhân viên cảnh sát đến những nơi xảy ra những vụ gây rối, rồi bố trí những màn kịch rất quỷ quyệt như: có một hôm cần giải tán một cuộc đình công, Lépine chỉ huy một hàng rào cảnh sát đến bao vây, ra lệnh cảnh sát cho đạn lên nòng sẵn sàng bắn vào đám biểu tình. Khi tới nơi, Lépine ra đứng ở khoảng cách giữa những người biểu tình và hàng rào cảnh sát. Ông ta quay lại phía cảnh sát và ra lệnh: “Hãy ngừng lại! Tôi ra lệnh cấm cảnh sát tấn công và bắn vào những con người đáng kính này!” Ông được những người biểu tình hoàn hô và sau đó họ tự động giải tán. Lépine thích xuất hiện trước công chúng và được mệnh danh là “Cảnh sát trưởng của đường phố”. Ông trực tiếp chọn những nhân viên cảnh sát. Theo ông một cảnh sát viên mặc quân phục phải cao to (từ 1,74 m trở lên) và dễ nhận biết. Nhưng đối với những thanh tra cảnh sát tư pháp thì hoàn toàn ngược lại: tầm vóc trung bình như mọi người, không có dị dạng gì để có thể phân biệt họ với mọi người dân. Người cao hơn 1.67 m, tóc hung, hay có vết sẹo trên mặt thì không hy vọng được Lépine tuyển dụng. Cũng như những cảnh sát trưởng trước, Lépine chẳng ưa gì Bertillon, nhưng không dám bỏ rời những thành tích của Bertillon vì dư luận lúc đó đánh giá cao. Thành tích đó đang làm tăng thêm uy tín ngành cảnh sát Pháp. Chính vì vậy, khi tiểu ban của Anh sang tìm hiểu, Lépine đã ca ngợi Bertillon là thiên tài và tổ chức cho tiểu ban cả một chương trình tham quan để cho họ đánh giá tốt hoạt động của cơ quan nhận dạng. Khi đó, Goron, chánh mật thám cũng có thái độ như Lépine. Đó là một người gốc xứ Bretagne, nổi tiếng về những thành tích phi thường trong ngành mật thám Pháp. Người ông ta thấp, béo, đen, râu lởm chởm, cặp kính ở sống mũi không có gọng, và cũng như Bertillon không có khả năng gây cảm tình với mọi người. Trong việc săn lùng bọn tội phạm, Goron làm việc cương quyết, có thể coi ông như gạch nối giữa Macé và tương lai. Không ai rõ là Goron có áp dụng những truyền thống cũ của ngành mật thám Pháp là sử dụng những chân tay đóng vai những tên kích động không? Nhưng Goron sử dụng cả một bầy chỉ điểm, tự xưng là những tù nhân cũ, la cà ở những hang ổ của bọn cướp và cung cấp cho Goron những tin tức cần biết. Trong các nhà tù, bọn chỉ điểm này tìm cách làm cho những phạm nhân thổ lộ những điều bí ẩn, rồi ban giám thị trại tung tin chúng đã “qua đời” để đưa chúng đến hoạt động ở các trại giam khác với những tên giả hoặc những căn cước khác. Trong các buổi lấy cung Goron vừa tàn nhẫn vừa dùng những thủ đoạn tinh vi, quỷ quyệt như giam tù nhân trong các phòng tối om, cho họ bị đói khát hay ngược lại cho ăn thật ngon. Muốn họ khai báo, Goron hứa cho đủ thứ trên đời. Những phương pháp mà Goron áp dụng được mệnh danh là “Món ăn của Goron”. Nhờ áp dụng được các phương pháp trên, Goron đã đập tan được nhiều băng cướp, lưu manh khi bọn chúng từ các hang ổ trong các thành quách xưa, hoặc ở dọc sông Seine hay trong các nhà kho chuẩn bị đến Paris để hoạt động. Cũng như Lépine, Goron thích được báo chí ca ngợi, quảng cáo; biết đánh giá đúng mức những ưu điểm của phương pháp Bertillon và sự quan tâm của nước ngoài về phương pháp này. Vì vậy, khi tiếp tiểu ban của nước Anh, Goron khoe khoang công việc của Bertillon và ca ngợi phương pháp đó. Chính bản thân Bertillon cũng tỏ ra lịch sự hơn. Để gây ấn tượng tốt đẹp, ông bớt lạnh lùng, làm cho dễ gần và tự mình đưa khách người Anh đến thăm một khu dân cư nổi tiếng xấu ở Paris. Trong cuộc đi thăm này, vì muốn tỏ ra mình cũng đã sống và hiểu phong tục ở Anh, cũng muốn cho khách có được môi trường như ở Anh, ông mời khách dùng rượu mạnh pha nước nóng với đường và chanh, (vì vậy mà ông bị một cơn nhức đầu nặng). Tại nơi làm việc ở Sở Cảnh sát, Bertillon sẵn sàng cung cấp mọi chi tiết cần thiết về công việc của mình mà ông lấy làm kiêu hãnh (theo lời thuật lại của Macnaghten). Ông cho khách nước Anh biết những phát minh của ông, như một máy chụp ảnh có đề tài để chụp chính xác hiện trường xảy ra án mạng; ống kính có thước đo in vào ảnh, và như vậy xác định được các kích thước, khoảng cách từ nạn nhân đến một bức tường hay cửa ra vào và những chi tiết quan trọng khác. Tất cả những chi tiết đó đều được tự động ghi vào ảnh do đó việc vẽ lại hiện trường không cần thiết nữa. Rồi Bertillon dẫn khách vào thăm phòng thí nghiệm, đó được tiến hành những thí nghiệm về ảnh và vật lý. Ông làm cho khách hiểu từng bước những chi tiết về phương pháp của ông để chuẩn bị cho việc trình bày vấn đề chủ yếu: đó là phương pháp Bertillon. Việc hướng dẫn làm quen dần dần được tổ chức rất khéo. Người ta đưa các tù nhân vào để Griffith và Macnaghten đích thân lấy kích thước, do đó, thấy rõ sự “giản đơn” của phương pháp. Họ thừa nhận chắc chắn rằng hệ thống trên là một bước tiến lớn trong lĩnh vực nhận dạng. Nhưng khách là những người Anh chính công, kiêu hãnh, có đầu óc rất thực tế, thấy ngay “phép đo người” đòi hỏi mất nhiều thời gian và có thể bị sai lầm nếu khi tiến hành lấy kích thước mà không có người có tính cẩn thận, tỉ mỉ như Bertillon đích thân giám sát. Mặc dù cố gắng thuyết phục, nhà bác học Pháp Bertillon vẫn không làm sao gạt bỏ được những e ngại của khách. Tiểu ban vẫn nghi ngờ về “chân dung nói được” đó của Bertillon. Khách cũng thấy việc này quá phức tạp để một nhân viên cảnh sát bình thường có thể sử dụng có hiệu quả (sau này, sự việc chứng tỏ sự e ngại trên là đúng). Macnaghten có ghi: “Phương pháp của Bertillon bị ảnh hưởng nặng về lý thuyết và thiếu ý nghĩa thực dụng”. Việc tranh luận của tiểu ban Troup kéo dài đến tận tháng 2 năm 1884, và gặp một trở ngại tưởng như không vượt được: đó là áp lực của Spearman và bạn ông ta là nhà nhân chủng học J. G. Garson. Cả hai sử dụng mọi biện pháp để cố làm cho phương pháp Bertillon và “chân dung nói được” thắng thế. Hấp dẫn bởi “phép đo người”, hai người đều không nhìn thấy những triển vọng to lớn của việc phát hiện ra dấu tay. Ngày 19 tháng 2 năm 1894, tiểu ban này được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh tiếp, nghe trình bày báo cáo của mình, trong đó có nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy tiểu ban đề nghị một thoả hiệp như sau: Trong việc nhận dạng, cơ quan an ninh của Anh sẽ sử dụng phương pháp Bertillon, song giảm một số việc làm mất nhiều thì giờ như giảm việc lấy 11 kích thước xuống còn 5, bỏ hẳn phần “chân dung nói được”; thêm vào đó lấy dấu lăn của mười đầu ngón tay. Hồ sơ được sắp xếp như cách sắp xếp ở Pháp vì cách sắp xếp theo dấu tay lúc đó chưa thật đạt hiệu quả. Đến tháng 7 năm 1895, Bộ Nội vụ mới thông qua các đề nghị của tiểu ban Troup và uỷ nhiệm cho thanh tra mật thám Anh là Stedman và hai thượng sĩ là Collins và Hunt có nhiệm vụ lập hồ sơ kích thước và dấu tay của bọn tội phạm. Spearman phản đối kịch liệt quyết định trên. Theo ông, nếu bớt đi tới sáu kích thước đo, thì phương pháp Bertillon nếu không mất hết giá trị của nó thì hiệu lực cũng giảm đi rất nhiều. Vả lại, phương thức này dựa trên nguyên tắc là mỗi kích thước đo đều quan trọng như toàn bộ các kích thước đo. Đối với Spearman, dấu tay chỉ là một trò trẻ con, một ý kiến phi lý, không nhất quán. Spearman đến Paris với tâm trạng buồn bực. Nhưng khi đến Pháp tình hình ở đây đã thay đổi một cách sâu sắc: ở Luân-đôn người ta đảo lộn cách lấy kích thước của Bertillon làm cho Bertillon tự ái. Ông nổi giận với người Anh. Tuy vậy, nhiều sự kiện khác đã làm giảm bớt sự thất vọng chua cay của ông. Nhiều chuyên gia nổi tiếng về khoa hình sự từ khắp các nước châu Âu đổ về Paris gặp Bertillon và đề nghị ông cho biết bí quyết của phương pháp của ông. Trong số các chuyên gia đến đây có bác sĩ Bechterew ở Saint-Pétersbourg. Sergej Krasnow ở Mạc Tư Khoa, bác sĩ Stockis ở Liège, ông von Hüllessem, giám đốc cơ quan nhận dạng thuộc ngành Cảnh sát tư pháp Berlin. Trong khi ở Luân-đôn người ta còn do dự chưa dám quyết định thì Paris và các phòng làm việc thuộc quyền Bertillon, đặt ở Tòa án Paris, lúc nào cũng có nhiều chuyên gia khắp các nước đến tham quan, tìm hiểu. Và như một nhân vật ở đây đã nhận xét, nơi đó đã biến thành một “thứ thủ đô La Mecque20[*] của các tổ chức cảnh sát của châu Âu”. Phương thức nhận dạng của Bertillon đang trên đà thắng lợi ở lục địa châu Âu. Các giám đốc cảnh sát ở nơi khác, chưa có kinh nghiệm về vấn đề nhận dạng, đến gặp Bertillon để tìm hiểu vấn đề đó. Họ cũng chưa hiểu gì về nhận dạng bằng dấu tay. Năm 1896, ở nước Bỉ, hai bác sĩ là Stockis và Laveley áp dụng cách làm của Bertillon với tư cách riêng và mục đích thử nghiệm. Ở Tây Ban Nha, người ta ra lệnh thiết lập tại các nhà tù “phòng đo người”. Ở Ý, giáo sư đi Blasio lần đầu tiên lập phòng lấy kích thước của phạm nhân tại Sở Cảnh sát Naples. Giáo sư Ottolenghi, bác sĩ pháp y ở Sienne (nước Ý) nghiên cứu rất sâu phương pháp của Bertillon và sau này trở thành người mở đường lỗi lạc của khoa học hình sự của nước Ý. Ông rất thích thú “chân dung nói được” đến nỗi ghi cả vào phiếu hồ sơ những “phản ứng có ý thức và không có ý thức” của các tù nhân, những đặc điểm tâm thần”, “khả năng trí nhớ, của họ, sử dụng cả những máy móc phức tạp như các loại lực kế... Cuối cùng ở Bồ Đào Nha, Đan Mạch và Hà Lan cũng chấp nhận phương pháp Bertillon. Đến năm 1896, các lực lượng cảnh sát ở các thành phố và các quốc gia thuộc đế quốc Đức cũng bắt đầu áp dụng phép đo người. Kœttig, cố vấn chính phủ Đức, Giám đốc Cảnh sát Tư pháp Dresde, thành lập cơ quan đầu tiên ở nước Đức, phụ trách việc lấy kích thước, lập hồ sơ tại thủ phủ vùng Saxe. Khi quyết định việc này. Kœttig không biết rằng trước đó 8 năm, vào năm 1888, một bác sỹ thú y ở Berlin, ông Wilhelm Eber, đã gửi lên Bộ Nội vụ nước Đức một báo cáo khoa học. Đó là một tài liệu tuyệt vời về lịch sử dấu tay. Sau khi đọc báo cáo khoa học trên, nếu các cán bộ ở Bộ Nội vụ Đức mà biết đánh giá đúng, thì chắc chắn ngành cảnh sát nước này sẽ có một vai trò lớn trong việc phát triển khoa học về dấu tay. Bác sỹ Wilhelm Eber căn cứ vào những dữ kiện của Faulds, rút ra những kết luận như của Faulds về tầm quan trọng của dấu tay ghi được tại hiện trường nơi xảy ra án mạng. Khi quan sát các vết máu trên các khăn chúi tay mà các bác sỹ thú y và nhân viên lò sát sinh dùng sau khi mổ thịt súc vật, bác sỹ Eber nhận thấy có các đường nét của ngón tay. Sau nhiều lần quan sát kiên trì, ông thấy các đường nét này khác nhau và sau đó chỉ cần nhìn dấu tay trên các khăn chùi, cũng rõ là người nào đã để lại dấu tay trên khăn. Và cũng như Faulds, ông thấy có thể nhận ra bọn tội phạm qua dấu tay mà chúng đã để lại trên hiện trường. Eber cũng chuyển cho Bộ Nội vụ Đức, một hòm nhỏ đựng các dụng cụ mà ông đã sử dụng để lấy dấu tay, và cho biết là dùng hơi chất i-ốt làm những dấu tay nét hơn. Ngày 8 tháng 6 năm 1888, Cảnh sát trưởng thủ đô Berlin là von Richthofen gửi trả lại Eber bản báo cáo khoa học, kèm theo lời nhận xét khô khan sau: “Cho đến nay, sau khi những nhân viên của chúng tôi đã nghiên cứu tỉ mỉ, cẩn thận, cho thấy rõ không thể nào dựng lại hoặc giữ được các dấu tay mà những tên tội phạm đã để lại ở hiện trường, các quả đấm cửa, vật thủy tinh hay bất cứ đồ vật nào khác”. Và cho đến khi miền Saxe chấp nhận phương pháp Bertillon, thì không một ai nhớ đến những ý kiến mà Eber đã phát hiện. Ngày 3 tháng 4 năm 1898, nước Áo cũng áp dụng phương pháp nhận dạng của Bertillon. Bộ trưởng Bộ Nội vụ của nước này, khi ra lệnh thành lập ở Vienne (thủ đô nước Áo) cơ sở đo kích thước nhận dạng đã tự cho rằng mình trang bị cho ngành cảnh sát nước Áo thành tựu kỹ thuật hiện đại nhất. Cũng như các Bộ trưởng nội vụ và giám đốc các ngành cảnh sát ở châu Âu, ông không biết rằng bên kia đại dương, cách châu Âu hàng vạn cây số, có những sự kiện đang làm lung lay cơ sở của điều mà họ tin tưởng vững chắc. Không một ai ở châu Âu, trong số những người quan tâm đến ngành cảnh sát và những tiến bộ của khoa học, nghĩ rằng việc này lại xảy ra ở Nam Mỹ, tận Argentina xa xôi. 1-10 Ngày 18 tháng 6 năm 1891 Juan Vucetich, cảnh sát ở thủ đô Buenos Aires, 33 tuổi được Giám đốc cảnh sát La Plata là đại uý hải quận Guillermo Nunez mời đến. Nunez cho biết: Nghe nói ở Paris, người ta vừa đưa ra một phương pháp mới trong việc nhận dạng. Một người bạn của tôi, bác sỹ Drago, vừa ở Paris về, đã cho biết nhiều điều thật lạ kỳ. Những phát minh đó của Pháp có thể đem lại trật tự, an toàn xã hội tại các tỉnh vì nó giúp kiểm tra có hiệu quả bọn cướp, lưu manh và ngay cả những “tội phạm chính trị”. Tóm lại, Vucetich nhận nhiệm vụ tổ chức một “cơ quan đo người” để lập hồ sơ lưu trữ nhận dạng. Nunez không phải là người ba hoa. Ông giao ngay cho Vucetich toàn bộ tài liệu về phương pháp Bertillon và chúc Vucetich chóng thành đạt kết quả. Vucetich đứng dậy cáo từ ra về, lúc ấy Nunez mời rút trong túi áo ra tờ tạp chí đưa cho ông và hững hờ nói thêm: “À, tôi còn có một tờ tạp chí của Pháp mà một người khách đến thăm bỏ quên ở đây”. Đó là tờ “Tạp chí khoa học”, số ra ngày 2 tháng 5. Trong số đó, người ta có đề cập đến những thí nghiệm của một người Anh tên là Galton. Ông ấy quan tâm đến các dấu tay. Ông cầm lấy tờ tạp chí này, biết đâu nó lại có thể có ích cho công việc của ông...” Juan Vucetich là người Ác-hen-ti-na, gốc người Croate21[*] sinh ở làng Lésina, di cư sang Ác-hen-ti-na năm 1884. Trình độ học vấn: mới hết bậc tiểu học ở trường làng. Nhưng, Vucetich có năng khiếu đặc biệt về môn toán và môn thống kê, say mê với những điều gì mới và tràn đầy sức sống của một nông dân trẻ. Sau một năm di cư sang Ác-hen-ti-na, Vucetich đã trở thành công chức ngành cảnh sát và 5 năm sau đã là Giám đốc Sở Thống kê do cảnh sát La Plata tổ chức và tài trợ. Chỉ ngay sau khi được Nunez giao nhiệm vụ, một cơ quan lấy kích thước người như Paris, đã bước vào hoạt động với năng suất tốt. Dù việc áp dụng phương pháp trên có nhiều điều hấp dẫn mới lạ, nhưng: “những hấp dẫn đó cũng không làm rung động những tế bào thần kinh của người cảnh sát trẻ tuổi Ác-hen-ti-na là Vucetich, đang tập trung sức sáng tạo”. Đúng như lời người viết sử về Vucetich đã nói: “Thật vậy, phản ứng của Vucetich không phải vì phương pháp Bertillon mà do bài của “Tạp chí khoa học” trên gây nên”. Khi Vucetich vừa làm quen với phương pháp Bertillon, thì ông đã đặt mua những thứ cần thiết để lấy dấu lăn tay. Từ đó cứ mỗi tên lưu manh đến cơ quan của ông để lấy kích thước, đều buộc phải lăn tay trên một phiếu. Vấn đề những đường nét trên tay không bị thay đổi đã thu hút Vucetich đến nỗi nhiều khi ông thức trắng đêm trong các nhà xác để nghiên cứu tay các tử thi. Ông đến cả viện bảo tàng La Plata để nghiên cứu các ngón tay của các xác ướp. Ông phát hiện ra các đường nét trên đầu ngón tay không bị biến dạng sau hàng trăm năm nếu không phải là hàng nghìn năm. Và điều này càng cổ vũ nhiệt tình của ông trong việc nghiên cứu. Sáu tuần sau, ngày 1 tháng 9 năm 1892, ông xác định “những yếu tố cần thiết để sắp xếp và ghi lại một cách thực tế các dấu lăn tay”. Tập san khoa học cũng có đề cập đến những cố gắng của Galton trong việc xếp loại hồ sơ dấu tay nhưng chưa dám đưa ra những kết luận. Như vậy, chính Vucetich tự mình đã tìm ra bốn loại dấu tay, và bốn loại này cũng giống như của Galton. Đó là: 1. Dấu tay chỉ có những vòng cung. 2. Dấu tay có vòng khuyên ở phía bên phải. 3. Dấu tay có vòng khuyến ở phía bên trái. 4. Dấu tay thành vòng (những đường nét lượn thành vòng). Dấu tay của ngón cái tùy theo nó thuộc một trong bốn loại trên, Vucetich dùng các chữ cái A, B, C, D và E... Với các ngón tay khác tiếp theo, Vucetich dùng các con số 1, 2, 3 và 4. Ví dụ, một bàn tay mà dấu tay ở: - Ngón cái có vòng cung. - Ngón trỏ có vòng khuyến ở trái. - Ngón giữa có vòng khuyên ở phải. - Ngón tay đeo nhẫn có vòng xoắn. - Ngón tay út lại có những vòng cung thì bàn tay trên được ghi bằng ký hiệu sau: A, 3, 2, 4, 1. Công thức để chỉ cả mười ngón tay của 2 bàn tay như vậy chỉ dài gấp đôi, cụ thể như: A, 3, 2, 4, 1 - C, 2, 2, 3, 3. Về ngón tay chỉ có 4 kiểu. Như vậy số những công thức khác nhau mà ta có thể có được bằng con số. 4 Luỹ thừa 10 (= 410) tức là bằng 1 048 576. Trong hồ sơ, Vucetich sắp xếp thành nhiều ô, xếp theo chữ cái và các con số ở trên. Khi muốn biết dấu tay của một tên lưu manh mới bị bắt đã bị lăn tay chưa, thật dễ dàng, chỉ cần ghi ký hiệu dấu lăn tay của nó và so sánh với dấu lăn tay trong ô tương ứng là biết ngay. Rất phấn khởi về việc này, Vucetich bỏ một phần tiền tiết kiệm của bản thân để mua tủ sắp xếp và in các phiếu. Việc thành lập thêm các phòng “lấy kích thước” ở các tỉnh Dolores, Mercedes và Sierra Chica đối với ông chỉ là một công việc đã quá quen và nhọc nhằn, xa lạ với sự say mê thật sự của ông. Hồ sơ lăn tay của ông lúc đầu rất ít, chỉ có 60 phiếu. Nhưng dần dần số lượng phiếu lưu trữ tăng lên. Và Vucetich cũng gặp những khó khăn như của Galton. Ông lại tiến hành nghiên cứu để cố tìm ra những đặc điểm giúp cho việc phân chia, sắp xếp các phiếu tỉ mỉ và nhỏ hơn nữa. Trong khi tìm tòi nghiên cứu các dấu tay, ông đếm số đường nét của dấu tay và phát hiện thêm được một lối sắp xếp khác, cộng với các cách sắp xếp trên, đã thỏa mãn việc sắp xếp trong tình hình lúc đó. Nunez và các sĩ quan cảnh sát khác vẫn nghi ngờ và coi thường hồ sơ lưu trữ dấu tay của Vucetich. Nhưng Vucetich đã gặp may. Ngày 8 tháng 7 năm 1892, chánh cẩm ở Necochea, một thị xã nhỏ của Ác-hen-ti-na nằm trên bờ Đại Tây Dương, gửi đến La Plata một bản báo cáo cho biết: ngày 29 tháng 6, hai người bị giết trong một ngôi nhà tranh lụp xụp ở ven thị xã. Nạn nhân là hai đứa con hoang của Francisca Rojas, công nhân làm theo vụ, 26 tuổi. Theo báo cáo của Necochea tình hình xảy ra vụ án như sau: đêm ngày 29 tháng 6, Rojas, mặt tái mét, tóc rối bù chạy bổ vào nhà người hàng xóm, cách nhà của mình khoảng năm mươi mét và kêu lên: “Các con của tôi... nó đã giết các con của tôi... thằng Velasquez...”. Velasquez cao tuổi hơn Francisca nhiều, làm thuê trong một trang trại gần đó và là người đỡ đầu cho hai đứa trẻ. Mọi người đều biết là anh này muốn lấy Francisca. Anh này tính tình tốt, điều này cũng dễ thấy. Người hàng xóm của Francisca, vội sai con trai đi ngựa đến Necochea báo cho cảnh sát, còn ông ta cùng vợ đến nhà Francisca và thấy hai đứa bé, một cháu trai 6 tuổi và cháu gái 4 tuổi, nằm trên giường trong vũng máu, sọ bị đập vỡ. Sau đó, chánh cảm đến cũng chẳng quan sát hiện trường, không để ý đến các dấu vết, vũ khí đã dùng để sát hại hai cháu bé mà chỉ tiến hành lấy lời khai của Francisca. Francisca vừa nằm xuống đất vừa khóc than, rên rỉ, khai là Velasquez ngày đêm theo đuổi mình, nhưng Rojas lại yêu một người khác và muốn lấy anh ta. Buổi trưa, Velasquez đến nhà Rojas, vẻ hối hả hơn thường lệ. Một lần nữa Rojas trả lời không thể làm vợ Velasquez. Anh ta nổi giận doạ sẽ giết hai đứa bé mà Rojas quý nhất trên đời rồi Velasquez bỏ chạy đi nơi khác. Hết giờ lao động, Rojas trở về nhà thấy cửa bỏ ngỏ, vừa bước vào thì Velasquez chạy bổ ra ngoài. Trong phòng hai đứa bé đã bị giết. Ngay đêm đó, chánh cảm, cho bắt giữ Velasquez. Anh ta không chống cự nhưng hoàn toàn không nhận là đã dính líu vào vụ giết người này. Đúng là anh ta có yêu Francisca và muốn lấy làm vợ, đúng là có dọa Francisca nhưng không bao giờ nảy ra ý nghĩ thực hiện lời đe doạ đó. Theo lệnh của chánh cẩm, Velasquez bị tra tấn. Anh ta vẫn khăng khăng không nhận. Người ta trói Velasquez suốt đêm trong một phòng, đèn thắp sáng như ban ngày và đặt thi hài hai cháu bé ngay trước mặt. Sáng hôm sau, Velasquez vẫn phủ nhận. Cứ như vậy tám ngày tiếp sau, anh vẫn khăng khăng từ chối. Trong khoảng thời gian này, người ta được biết người tình nhân trẻ của Francisca Rojas đã nhiều lần nói rằng hắn sẵn sàng lấy cô gái “ít giáo dục” đó nhưng chỉ vì sự có mặt của hai đứa trẻ là trở ngại đối với hắn ta. Tin đó làm chánh cầm bắt đầu nghi ngờ người mẹ. Một đêm, ông đích thân đến nhà của Francisca, khẽ gõ vào cửa và giả làm oan hồn hiện về để trả thù người mẹ đã giết con mình. Suốt mấy tiếng, ông đóng giả làm oan hồn hiện về như vậy với hy vọng là Francisca sợ hãi và khiếp đảm sẽ phải trốn khỏi nhà rồi thú nhận tội lỗi. Sáng sớm hôm sau, Francisca, quá đau khổ vì thấy oan hồn hiện về đã tìm gặp chánh cảm. Ông này điên tiết lên, đã tát mụ này mấy cái. Nhưng mẹ vẫn một mực đổ lỗi cho Velasquez. Ngày 8 tháng 7, thanh tra cảnh sát là Alvarez từ La Plata đến Necochea. Ông là một trong nhóm rất ít người theo dõi nhiệt tình những công cuộc khảo cứu của Vucetich. Đã nhiều lần, ông cho biết nên lấy dấu tay như thế nào. Khi tới Necochea, ông thấy tình hình quá rối ren khó hiểu, và phát hiện ra Velasquez không có mặt ở nhà Francisca khi xảy ra án mạng. Ông có trong tay “chứng cứ” nhưng vì không nhìn xa nên không biết khai thác: đó là sự có mặt của Francisca ở nhà khi xảy ra án mạng. Nhưng, liệu như vậy đã đủ để buộc tội chính thị ta đã giết hại hai con mình khi trong tay chưa có chứng có gì khác? Alvarez quyết định kiểm tra nhà với hy vọng tìm ra dấu vết gì dù hy vọng đó rất mỏng manh. Sau nhiều giờ tìm kiếm không kết quả, ông định thôi nhưng bỗng sững người lại, nín thở, ngạc nhiên: một tia nắng lọt qua chiếu sáng cửa phòng ngủ, và ông thấy một vết như máu khô. Ông nhớ ngay lại những điều đã học được của Vucetich: dấu đó chắc chắn là dấu của ngón tay cái đã vấy máu. Ông dùng cưa, cưa mẩu gỗ có dấu đó và về ngay trụ sở cảnh sát ở Necochea. Ông cho gọi Francisca tới và lăn dấu ngón tay cái. Chánh cẩm rất ngạc nhiên nhìn Alvarez tiến hành lăn tay Francisca. Ông dùng kính lúp để so sánh vết lăn tay trên phiếu và vết tay để lại trên cánh cửa. Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng Alvarez cũng thấy ngay vết máu cánh cửa là vết ngón tay cái của tay phải của Francisca. Ông buộc Francisca dùng kính lúp để quan sát dấu lăn tay và dấu tay trên cửa. Đột nhiên thị sinh bối rối, lúng túng mặc dù trước đấy đã vượt qua được sự tra tấn và sự đe doạ của “oan hồn” mà thị tưởng đã hiện về, đành thú nhận tội lỗi: giết hai đứa con để có thể lấy tình nhân. Thị đã dùng đá đập vỡ sọ con, sau đó vứt cục đá xuống giếng rồi rửa tay nhưng sơ ý trước khi rửa tay đã chạm ngón tay cái vấy máu vào cửa. Vụ Rojas cũng là một thảm kịch như trăm nghìn thảm kịch khác. Nhưng ý nghĩa của nó thật to lớn: lần đầu tiên, vết tay để lại trên hiện trường giúp ta phát hiện được hung thủ. Alvarez trở về La Plata, cầm theo miếng gỗ có dấu ngón tay cái của Francisca. Báo cáo của ông đã làm chấn động ban lãnh đạo ngành cảnh sát và các nhà báo. Vucetich viết thư cho một người bạn ở Dolores như sau: “Tôi cũng vừa suy nghĩ về điều trên. Đó là sự thật chắc chắn. Những ai chống lại tôi sẽ cho rằng sự thắng lợi này chỉ là một sự may rủi mà có được. Nhưng tôi đã có chủ bài trong tay và hy vọng sẽ có thêm nhiều chủ bài khác nữa để đương đầu với họ và sẽ giành thắng lợi”. Vucetich đã thành công và xác định được người tự tử là ai. Đó là một tên đã có tiền án, tiền sự mà trước đó mấy tháng ông đã có dịp lăn tay hắn khi đến kiểm tra ở nhà giam Sierra Chica. Ông cũng phát hiện và cho bắt tên Odifrasio Gonzales đã giết nhà buôn Don Rivas ở La Plata vì hắn đã để lại dấu tay ở ngăn để tiền của quầy hàng. Cuối cùng, chỉ trong một ngày, cũng nhờ phương pháp lăn tay, ông đã tìm ra 23 tên có tiền án, tiền sự mà phương pháp Bertillon để lọt lưới. Vucetich cố gắng thuyết phục các thủ trưởng của ông về những ưu điểm của phương pháp lăn tay, nhưng không thể thuyết phục được. Vì vào thời kỳ đó, mọi người ở đây đều có ấn tượng là cái gì mà Paris đã đưa ra thì không sao có thể so sánh được. Vucetich viết những bản báo cáo và cho xuất bản quyển sách; “Hướng dẫn đại cương về phép đo người và phương pháp lấy dấu tay” trong đó nhấn mạnh tính hơn hẳn của phép lăn tay. Nhưng vẫn không có kết quả. Tháng 6 năm 1893, ban lãnh đạo ngành cảnh sát cấm ông không được tiếp tục công việc lăn tay. Ông phải tập trung hoàn toàn công việc vào phép đo người. Ông thất vọng đến nỗi sinh bệnh dạ dày, mặc dù trước kia ông là một người rất cường tráng. Dù hoàn cảnh thật éo le, ông vẫn kiên trì tập trung sức lực viết quyển sách thứ hai “Hệ thống nhận dạng”. Người ta buộc ông về tội lơ là với “phép đo người” và doạ đuổi ông ra khỏi ngành. Vucetich buộc phải bán toàn bộ tủ sách riêng của ông để lấy tiền trang trải phí tổn xuất bản quyền sách thứ hai. Nhưng ông tin tưởng vững chắc rằng mình nhất định đúng. Ông đã truyền cảm được niềm tin mãnh liệt đó cho người xung quanh, cho vợ và các con. Mặc dù vợ và con ông đã từng trải qua bao lần lao đao nhưng vẫn tin tưởng vào việc làm của ông là đúng. Khi gia đình thiếu thốn đủ mọi thứ, ông động viên giải thích với các con: “Nhà ta sẽ đầy vàng, bạc khi mà toàn thế giới sẽ phải thừa nhận những ưu điểm của hệ thống lăn tay của bố”. Bốn tháng sau, giám đốc mới của ngành cảnh sát là Narcisco Lozano cho phép Vucetich tiếp tục trở lại việc lăn tay. Đến năm 1894, phép lăn tay so với phương pháp Bertillon đã hơn hẳn, đến nỗi người ta không thể trì hoãn việc công nhận được nữa. Bằng chứng đầu tiên về việc công nhận trên là Viện dân biểu tỉnh Buenos Aires trong phiên họp ngày 22 tháng 6 năm 1894 đã chấp thuận bỏ ra một khoản ngân quỹ đặc biệt 5.000 đồng Peso vàng22[*] để đền bù những khoản chi phí mà Vucetich đã tự bỏ ra để tiếp tục các công cuộc nghiên cứu về dấu tay. Nhưng, những người ủng hộ việc áp dụng phương pháp Bertillon bắt đầu hoạt động. Do áp lực của họ, thượng nghị viện lại bỏ phiếu tán thành một nghị quyết cấm không cho trả khoản tiền trên. Tuy thế, đến tháng 6 năm 1896, ngành cảnh sát đã bỏ hẳn việc sử dụng phép đo người để dùng cách lăn tay. Đó là một quyết định thật đặc biệt. Quyết định này đã đưa Ác-hen-ti-na trở thành nước đầu tiên trên thế giới thừa nhận dấu lăn tay để nhận dạng. Năm đó Vucetich 38 tuổi, bắt đầu leo dần lên các bậc thang danh vọng. Thắng lợi đạt được làm ông quên đi những đau khổ và túng thiếu trước đây. Năm 1901, sau 5 năm làm việc cần cù và thắng lợi, ông được cử đi tham dự Hội nghị khoa học quốc tế lần thứ hai của Nam Mỹ tổ chức tại Montevideo (Uruguay) với tư cách, là đại biểu của cảnh sát lãnh thổ vùng Buenos Aires. Ông đọc tham luận và tuyên bố dõng dạc: “Tôi có thể đảm bảo với quý vị đại biểu là trong suốt thời gian mà chúng tôi áp dụng phép đo người để nhận dạng không thể nào nhận dạng được một cách chính xác mặc dù đã có nhiều cố gắng. Chúng tôi đã tìm thấy sai sót ngay trong việc lấy kích thước ở một người. Chính vì vậy mà chúng tôi đã chọn việc dùng dấu lăn tay để nhận dạng”. Có thể vì quá phấn khởi mà ông tuyên bố hơi quá chăng? Cũng có thể ông nói đúng chăng? Cũng có thể là những nhận xét của ông đã đúng ở Ác hen-ti-na chăng? Macé đã nhận xét rằng “phép đo người” sẽ không có hiệu quả và không chắc chắn mỗi khi nó không được kiểm tra thật chặt, gắt gao như Bertillon. Dù sao, những lời tuyên bố của Vucetich trong hội nghị đó và những hội nghị tiếp theo vào năm 1905 cũng đã đưa lại kết quả: lần lượt các nước Nam Mỹ chấp nhận phép lăn tay. Brasil và Chile năm 1903, Bolivia năm 1906, Peru, Paraguay và Uruguay năm 1908. Thật là một thắng lợi không thể nào quên được: Vucetich cũng không thể thấy hết được thắng lợi của ông đã sâu rộng đến mức nào. Vì nguồn thông tin mà ông có được rất nghèo nàn, nên không ngờ được rằng ảnh hưởng của nó đã vượt rất xa cựu lục địa. Ông không được rảnh rang để sang thăm châu Âu để trình bày vấn đề như những phát minh khoa học mà từ tước đến nay vẫn đi con đường từ cựu lục địa sang tên lục địa, tức là từ châu Âu sang châu Mỹ thì nay lại đi con đường ngược lại châu Mỹ sang châu Âu. Tuy nhiên muốn mở đường đi sang châu Âu, cần phải mạnh hơn Vucetich nhiều, nghĩa là thắng lợi của Vucetich phải tới Hoa Kỳ rồi từ đó tỏa sang châu Âu và thế giới, Trong khoảng thời gian này, với đầu óc dám nghĩ dám làm. Vucetich đã đi vào những hướng mới khác. Ông bị thu hút vào một ý nghĩ: tiến hành điều tra toàn bộ dân số bằng dấu lăn tay, một dự án mà 10 năm sau đã làm nổ ra những cuộc đấu tranh kịch liệt tại nhiều nước giữa hai phe ủng hộ và phản đối. Theo Vucetich, lăn tay tòan thể mọi người như vậy sẽ giúp việc tóm cổ bọn tội phạm vẫn chưa biết tung tích, nhận dạng được các nạn nhân bị chết vì thiên tai, những người vô danh bị thương nặng hay bị chết bởi tai nạn. Ông để mặc cho trí tưởng tượng của ông được tự do suy nghĩ và dự kiến một điều mất rất lâu sau này châu Âu mới đem ra áp dụng: thiết lập một cơ quan quốc tế về nhận dạng có những chi nhánh ở Nam Mỹ, Bác Mỹ và châu Âu. Mỗi cảnh sát, khi cần tiến hành điều tra ngoài phạm vi nước mình cần hợp tác với cơ quan này. Nhưng thắng lợi của Vucetich cũng không bền lâu và niềm vui của ông, chẳng bao lâu, đổi thành sự thất vọng. Ông tưởng rằng ông có quyền được người ta thừa nhận thì lại bị người ta quên ơn. Sau này chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề này. Tia sáng đã gây niềm phấn khởi cho toàn châu Âu về dấu lăn tay và góp phần vào thắng lợi của Ác hen-ti-na lại không đến từ Nam Mỹ mà từ Phương Đông, đúng hơn là từ Ấn Độ. 1-11 Một ngày cuối năm 1896. Trong một toa của chuyến tàu tốc hành đi Calcutta (Ấn Độ), một sĩ quan trẻ tuổi, người Anh ngạc nhiên quan sát thái độ kỳ lạ của một hành khách. Người hành khách kỳ lạ đó, khoảng 45 tuổi, cao, mảnh, vẻ thanh lịch; tóc và râu màu sẫm, nét mặt thanh tao cân đối. Người ta đoán chắc chắn, đó là một công chức cao cấp hay một sĩ quan. Người hành khách nhìn qua cửa sổ và suy nghĩ hồi lâu, lấy ra một cái bút bằng vàng với vẻ sốt ruột, thò tay vào túi áo như để tìm một cái gì đó, nhưng hình như không thấy thế mà mình muốn tìm. Ông ta vén áo khoác ngoài ghi chằng chịt lên cổ tay áo sơ mi những con số, các dấu, các nét vẽ kỳ lạ hình cong. Thỉnh thoảng, ông ta ngừng lại, ngẩng đầu suy nghĩ rồi lại cắm cúi viết đến nỗi cổ tay sơ mi không còn chỗ để ghi nữa. Khi tàu đến Calcutta, ở đó đã có một chiếc xe sang trọng và nhiều đầy tớ đứng đón ông ta. Người sĩ quan quan trẻ không ngờ mình đã được chứng kiến một sự kiện vô cùng quan trọng: Người hành khách có thái độ lạ kỳ đó chính là Edward Henry, Tổng thanh tra cảnh sát tỉnh Bengal, đã tìm thấy cách sắp xếp hồ sơ các dấu lăn tay ngay khi đang đi trên tàu. Henry, quê ở Shadwell, phía đông Luân-đôn, con một thầy thuốc. Năm 1873, khi mới 23 tuổi, ông được tuyển vào làm viên chức của chính quyền Anh ở Ấn Độ. Từ năm 1891, ông giữ chức Tổng thanh tra cảnh sát xứ Bengal. Ông là một con người khá đặc biệt: thông minh, có học thức, đáng yêu, giàu trí tưởng tượng, ngăn nắp, sáng suốt, thích toán học. Ngay khi nhận trọng trách ở Calcutta, ông buộc mọi nhân viên dưới quyền áp dụng phương pháp Bertillon. Nhưng vì trình độ nhân viên dưới quyền quá thấp, không thể sử dụng được hệ thống đo lường của châu Âu nên ông buộc phải giảm việc lấy kích thước xuống chỉ còn 6 kích thước. Sau đó, theo đề nghị của tiểu ban Troup ở Luân-đôn, ông quyết định thêm vào hồ sơ các dấu lăn tay. So với những kinh nghiệm nhận dạng trong quá khứ, thì phương pháp Bertillon đúng là có hiệu quả hơn nhiều, nhưng phương pháp này cũng dễ dẫn đến những sai sót nghiêm trọng khi lấy kích thước. Vì vậy, muốn truyền đạt đến nơi đến chốn cách thức lấy và ghi các kích thước cho cảnh sát người Ấn Độ và nhân viên trong các trại giam, cần phải khắc phục vô vàn khó khăn. Trung bình, muốn hoàn thành một phiếu nhận dạng (cả lấy kích thước và ghi vào phiếu) các nhân viên phải mất hơn một tiếng đồng hồ làm việc này. Muốn đảm bảo sự chính xác, mỗi kích thước phải đo đi, đo lại ba lần. Ấy thế mà vẫn phải chấp nhận một sai số là hai mi-li-mét, đối với mỗi kích thước. Sự sai số hai mi-li-mét lại đủ để lẫn người này sang người kia và để có thể tìm đúng được phiếu nhận dạng tương ứng, người ta buộc phải tìm nhiều ngăn khác của hồ sơ lưu trữ cũng mất thêm hàng giờ. Một sự ngẫu nhiên lạ kỳ, Henry lãnh đạo ngành cảnh sát xứ Bengal đúng nơi mà mười lăm năm trước, Herschel đã đem thử nghiệm phương pháp lăn tay của ông Henry sống trong cùng cảnh ngộ và chịu những ảnh hưởng như Herschel, nên ngay từ 1892 đã quan tâm đến vấn đề dấu tay (như vậy là trước cả khi tiểu ban Troup có ý kiến) nhưng hoàn toàn độc lập với việc làm của Herschel. Năm 1893, ông đọc quyển sách của Galton về “dấu tay”. Năm 1894, bản báo cáo của tiểu ban Troup cho thấy Galton chưa tìm cách sắp xếp hồ cơ lăn tay thích hợp. Henry tự đặt cho mình câu hỏi để suy nghĩ và giải đáp: Có đúng vấn đề đó không thể nào giải quyết được chăng? Vài tháng sau; Henry trở về Anh nghỉ phép năm. Vừa tới Luân-đôn, ông đến ngay phòng thí nghiệm của Galton. Khi đó Galton đã ngoài 70 tuổi. Galton vẫn niềm nở và thẳng thắn như trước, nói những khó khăn mà chính mình chưa vượt qua được, không sợ mất uy tín cá nhân. Henry đặc biệt hứng thú trước sự bí ẩn kỳ lạ của những hình dạng của các đường nét dấu lăn tay. Với lòng mong mỏi sớm tìm lời giải đáp cho vấn đề trên, ông lên đường trở lại Calcutta với hòm đồ chứa đầy ảnh chụp các dấu lăn tay. Ông tiến hành quan sát rất lâu hình dạng các đường nét của dấu tay, So sánh chúng với nhau, nghiên cứu rất kiên trì. Cho đến một ngày của tháng chạp năm 1896, trên chuyến tàu tốc hành, thấy xuất hiện trong đầu một hệ thống sắp xếp dấu lăn tay, ông vội vã ghi lại ở cổ tay sơ mi, như đã nói ở trên. Đó chính là kết quả của hai yếu tố: những dữ kiện khoa học mà Galton đã cung cấp và đầu óc thực tiễn, có tổ chức của Henry. Hai yếu tố này đã góp phần làm nẩy ra sáng kiến trên. Henry không bao giờ quên ơn Galton và sau này nữa, khi ông đã biết mọi điều của lịch sử dấu tay, ông cũng không quên ơn Herschel và Faulds. Có cách nào để soạn thảo hệ thống sắp xếp dấu tay của ông được nhanh, tốt không? Trước hết ông chia thành năm loại: vòng cung, vành khuyên trong, vành khuyên ngoài, vòng, vòng có hại vành khuyên. Mỗi loại đó được chỉ bằng một chữ cái rồi đi sâu phân chia từng loại, tìm định nghĩa chính xác những đặc điểm của mỗi đường nét mà Galton trước đây đã gọi là tam giác hay delta. Một tam giác có thể do một đường nét hoặc hai đường nét gặp nhau tạo nên. Henry tìm cách xác định điểm mốc ở bên ngoài và bên trong những vành khuyên và đặt tên là “phần tử bên trong”, “phần tử bên ngoài”. Một đường thẳng kẻ giữa các điểm trên, cắt một số đường nét. Số đường nét bị đường thẳng trên cắt tạo nên sự khác nhau giữa người này và người khác đồng thời có thể dựa vào đó để phân loại. Theo cách sắp xếp như vậy mỗi dấu tay cho một công thức gồm một chữ cái và một con số. Đối với người chưa quen cách sắp xếp này tưởng như vô cùng phức tạp, nhưng thật ra lại rất đơn giản: ai muốn áp dụng phương pháp đó, chỉ cần có một kính lúp để phóng to và một cái kim để đếm số đường nét. Từ đầu tháng giêng năm 1896, theo lệnh của Henry cảnh sát xứ Bengal không những lấy kích thước mà còn lấy cả dấu lăn mười ngón tay của bọn tội phạm. Muốn thử nghiệm phương pháp của mình, Henry cần có số lượng lớn các phiếu lăn tay. Ông đã viết về vấn đề trên như sau: “Nếu cách sắp xếp tôi tiến hành đem lại kết quả tốt, thì việc lấy kích thước theo phương pháp Bertillon sẽ không còn hy vọng gì tồn tại nữa”. Một năm sau, tức là đến tháng giêng năm 1897, Henry thấy mình đã làm đúng. Ông đề nghị với toàn quyền Anh ở Ấn Độ cho thành lập một tiểu ban trọng tài để nghiên cứu và quyết định xem có thể thay thế phương pháp Bertillon bằng phép lăn tay hay không. Ngày 29 tháng 3 năm 1897, một tiểu ban dưới sự lãnh đạo của thiếu tướng S. Shahan, đến nơi làm việc của Henry ở Calcutta. Sau hai ngày nghiên cứu, tiểu ban viết bản báo cáo đệ trình lên cấp trên, đã đem lại thắng lợi cho Henry, Bản báo cáo có nêu: “Sau khi nghiên cứu phép lấy kích thước và những nhược điểm của phương pháp này, tiểu ban chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu chi tiết phương pháp lấy dấu tay. Điều đầu tiên làm chúng tôi lưu ý là phương pháp lăn tay được tiến hành rất dễ dàng và chính xác. Việc thực hiện không đòi hỏi nhân viên có trình độ nghiệp vụ cao hoặc dụng cụ phức tạp nào. Sau đó ông Henry có giải thích cho chúng tôi cách sắp xếp hồ sơ đơn giản... đến nỗi tìm rất dễ dàng và chính xác hồ sơ gốc của hai phiếu lăn tay rất phức tạp... Trong một trường hợp dấu tay không rõ, chúng tôi chỉ cần 2 phút có thể tìm ra phiếu có dấu tay này...” Ngày 12 tháng 7 năm 1897, toàn quyền Anh ở Ấn Độ ra thông tri chấm dứt việc áp dụng phương pháp Bertillon ở Ấn Độ và thay thế bằng phương pháp lăn tay. Quyết định trên đã nhanh chóng đem lại kết quả. Chỉ riêng ở bang Bengal năm 1898, tìm ra được 345 tên có tiền án, tiền sự, năm 1899 phát hiện thêm 560 tên, trong số đó, hai phần ba không phải phát hiện bằng phép đo người. Henry cũng quan tâm đến dấu tay để lại hiện trường, một bằng chứng để buộc tội. Cũng như Vucetich ở Ác-hen-ti-na, ông cũng có dịp may mắn để thử nghiệm phương pháp này. Cuối tháng 8 năm 1898, quận trưởng cảnh sát quận Julpuguri cùng hai cảnh sát người Ấn Độ đến một đồn điền trồng chè gần địa giới hai bang Bengal và Buthan. Đồn điện có vẻ như bỏ hoang, ngôi nhà vắng tanh, cửa mở toang. Trong phòng ngủ, xác người chủ đồn điền bị cắt cổ, nằm trên giường. Đồ vật trong nhà bị lục tung, giấy tờ rơi lả tả khắp sàn nhà, tiền trong két bị mất. Cảnh sát được tin nhân tình của người bị giết là một phụ nữ người địa phương cùng các người đầy tớ khác vì quá sợ hãi đã bỏ trốn. Sau một thời gian dài tìm kiếm, họ đã bắt giữ người vợ là người địa phương. Người phụ nữ này khai không có mặt ở nhà khi xảy ra án mạng. Trong số những người giúp việc bị thẩm vấn, chỉ có người nấu bếp là khai có nhìn thấy một người chạy ra khỏi nhà, nhưng vì trời tối nên không phân biệt được là ai. Người chánh cầm nhìn thấy ví tiền của người bị giết đã bị lấy hết nhưng còn một quyển lịch cũ mà bìa có một dấu vết sẫm. Không có kính lúp mang theo, nhưng người cảnh sát đó nghĩ rằng nó là dấu của ngón tay thấm máu nên đã gửi quyển lịch về Calcutta. Sau khi xác định vết trên là dấu ngón tay cái của bàn tay phải, Henry chỉ thị lấy dấu tay nạn nhân và tất cả mọi người trong ngôi nhà đó. Việc này cho ông thấy rõ chính kẻ giết người đã để lại dấu tay trên quyển lịch. Cuộc điều tra được tiến hành và cho thấy: cuối năm 1895, người chủ đồn điền đã tố cáo với nhà chức trách người đầy tớ của ông ta, tên Charan, phạm tội ăn cắp. Charan đã bị bắt và bị phạt tù. Hắn rất căm giận và thể sẽ trả thù. Khi so sánh dấu vân tay để lại trên quyển lịch với dấu lăn của Charan khi bị bắt giam lần trước, thì hai dấu tay giống hệt nhau. Không còn nghi ngờ gì nữa. Bây giờ, chỉ cần truy tìm Charan. Người ta biết rằng vào năm 1897, nhân dịp kỷ niệm lần thứ sáu mươi ngày lên ngôi của Nữ hoàng Victoria, Charan đã được ân xá cùng với hàng trăm tên tội phạm khác. Từ ngày đó, hắn biến mất. Cuối cùng hắn bị công an bắt và bị truy tố trước tòa. Hắn phủ nhận không dính líu gì đến vụ giết người này. Lần đầu tiên các quan tòa và thẩm phán dùng dấu tay làm bằng chứng để buộc tội, nên còn do dự, chỉ buộc tội ăn cắp, không dám buộc tội giết người. Từ trước đến giờ các quan tòa này chỉ dựa vào lời khai của các nhân chứng và những chứng cớ đã có để tuyên án; do đó việc tuyên án tử hình một người mà chỉ dựa vào dấu tay làm bằng chứng duy nhất thì các quan tòa trên cho là quá đáng. Những dự kiến khác cũng thu hút Henry. Ông viết cuốn sách “Cách sắp xếp và sử dụng dấu tay” do chính quyền Anh bỏ tiền ra xuất bản. Đồng thời, dựa vào kinh nghiệm của vụ án Charan, ông nghiên cứu khả năng sắp xếp mới các dấu lăn tay giúp việc nhận dạng dễ dàng, nhanh chóng như trường hợp tên sát nhân ở Julpuguri. Dù sao Ấn Độ vẫn là nước duy nhất chứng kiến những tiến bộ cách mạng về lĩnh vực lăn tay đã được thực hiện ở Bengal. Đường đi của phép sử dụng dấu tay từ Ấn Độ đến Luân-đôn thật dài. Vì chính quyền Anh như mọi chính quyền tương tự thường chậm trễ. Tuy nhiên sau một thời gian dài, báo cáo của tiểu ban mà tướng Shahan đứng đầu cũng đã tới được Bộ Nội vụ Anh. Báo cáo được chuyển cho cơ quan An ninh Anh ở Scotland Yard. Cơ quan này đang phải đối phó với làn sóng bất bình của mọi người sau cuộc đàn áp người Boers23[*]. Những người thất nghiệp và những cuộc biểu tình làm xáo trộn sinh hoạt ở Luân-đôn. Nạn cướp bóc lan tràn. Sau mười ba năm làm Cảnh sát trưởng Luân-đôn, Edward Bradford thấy mình đã kiệt sức. Giám đốc ngành điều tra tư pháp là Robert Anderson đợi ngày về hưu. Còn Melville Macnaghten, Giám đốc cơ quan nhận dạng cũng không có thành tích lớn gì trong công việc. Cơ quan của ông áp dụng phương pháp Bertillon, hoạt động cầm chừng và sự lưỡng lự của tiểu ban Troup làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan này. Trong thời gian đó, Galton lại xuất bản một quyển sách mới “Nghiên cứu về các dấu tay”, cho thấy hy vọng sắp tìm được cách sắp xếp các dấu tay. Tất cả các sự kiện trên đều thuận lợi cho bản báo cáo gửi từ Ấn Độ đến Anh. Ngày 5 tháng 7 năm 1900, một tiểu ban mới được lập ra do huân tước Belper lãnh đạo, họp ở Luân-đôn, Henry từ Ấn Độ sang Luân-đôn để trình bày bản báo cáo của ông. Galton được mời tham dự với tư cách là chuyên gia. Ngoài ra tiểu ban này còn có bác sỹ Garson, người tích cực ủng hộ phép đo người của Bertillon và tất cả những nhân viên đã làm việc tại cơ quan nhận dạng tư pháp như Macnaghten, Stedman và Collins. Báo cáo của Henry làm tiểu ban rất phấn khởi. Galton một lần nữa lại tỏ ra cao thượng. Ông không nói gì đến những ý kiến của mình đã giúp cho sự phát minh của Henry, mà ông thừa nhận giá trị thực tế đề nghị của Henry. Bên cạnh đó, bác sỹ Garson lại tỏ ra một con người cơ hội. Ông muốn nhảy vào cuộc đua với con ngựa mới về “dấu tay”, và khoe khoang về một hệ thống sắp xếp mới các dấu lăn tay mà ông có ý định hoàn thành. Những phương pháp đó vừa thiếu sót vừa không có ích lợi gì đến nỗi tiểu ban thẳng tay bác bỏ. Sau nhiều buổi họp tranh luận kéo dài, đến tháng 11 năm 1900, Huân tước Belper đề nghị bỏ phương pháp Bertillon và chấp nhận phương pháp của Henry. Để đền bù thắng lợi đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh cử Henry làm giám đốc cảnh sát Luân-đôn và trưởng phòng điều tra tư pháp. Tháng 3 năm 1901, Henry nhận nhiệm vụ mới. Vừa nhận nhiệm vụ ở Scotland Yard Henry đến thăm ngay nơi làm việc rất sơ sài của thanh tra Stedman, thượng sĩ Collins và trợ lý Hunt. So với số hồ sơ lăn tay mà Henry mang từ Calcutta về, thì số hồ sơ lăn tay ở đây rất nghèo nàn và sơ sài, những dấu lăn tay còn sai sót kỹ thuật, không được rõ, sắp xếp lộn xộn. Henry rất cố gắng truyền thụ cho cộng tác viên của mình sự hiểu biết của ông. Ông đưa cho Collins và Hunt hồ sơ lăn tay mà ông mang từ Calcutta về, huấn luyện cho họ phân biệt những sự khác nhau giữa các đường nét. Chỉ ít lâu sau, Collins trở thành chuyên gia giỏi nhất nước Anh về dấu tay. Chỉ trong một năm, tức là đến tháng 5 năm 1902, cơ quan nhận dạng mới này đã tìm ra 1722 tên có tiền án, tiền sự, tức là gấp bốn lần số lượng mà phương pháp đo người đã tìm ra trong thời gian áp dụng. Tuy nhiên, Henry, cũng thấy rằng, muốn cho phép lăn tay được chấp nhận vững chắc phải có một thắng lợi vang dội để quần chúng phải thừa nhận lợi ích của phát minh này. Tuy dịp thử thách này không lớn nhưng đã đến với ông trong cuộc đua ngựa lớn năm 1902 ở Epsom. Sau này Melville Macnaghten đã kể lại thành tích này: “Ngày đầu của cuộc đua ngựa lớn Derby24[*], chúng tôi rất sợ không thực hiện được kế hoạch dự định một cách nhanh chóng. Khoảng 6-7 giờ tối, cảnh sát dẫn vào trại giam tất cả bọn lưu manh mà họ đã tóm được tại trường đua như những tên lừa đảo đánh cuộc, những tên móc túi v.v... Thế mà 9 giờ rưỡi sáng hôm sau bọn chúng đã được dẫn ra truy tố trước tòa án. Việc này được tiến hành nhanh như vậy vì đã thực hiện cách làm sau: vài nhân viên cảnh sát được cử ngay đến Epsom để lấy dấu lăn tay của 45 tên bị bắt. Các dấu tay trên được chuyển ngay về Scotland Yard để nghiên cứu và so sánh với các phiếu lăn tay trong kho hồ sơ lưu trữ. Công việc này tiến hành suốt đêm và phát hiện được trong đó có 29 tên đã có tiền án, tiền sự. Sáng hôm sau, cảnh sát trưởng Collins, vừa được đề bạt, chuyển hồ sơ cho Chánh án ở Epsom. Ông này cũng đã biết những tội trạng mà bọn lưu manh đã từng phạm trước kia nên tòa án đủ chứng cứ nghiêm trị bọn chúng. Tên lừa đảo đầu tiên khai tên là Green, quê ở Gloucester, chưa bao giờ bị can án, chưa bao giờ tham dự cuộc đua ngựa nào. Khi cảnh sát trưởng Collins cho hắn biết tên thật của hắn là Benjamin Brown, sinh ở Birmingham đã có nhiều tiền án, tiền sự, thì tên lừa đảo kia kêu lên: “Thật những dấu tay đáng nguyền rủa, tôi biết thế nào cũng nguy với chúng...” Cùng năm đó, lại một việc nữa, quan trọng hơn sự việc trước, làm tăng thêm uy tín của Henry. Đó là dấu tay thu thập được ở hiện trường. Tháng 8 năm 1902, khi kiểm tra ngôi nhà vừa bị mất trộm ở Denmark Hill, Collins thấy dấu tay rất rõ trên một tấm ván mới sơn. Việc nghiên cứu, so sánh với hồ sơ cho thấy đó là dấu tay của tên Jackson đã can tội bẻ khoá lấy trộm. Ít hôm sau, hắn bị bắt và tạm giam ở nhà tù Brickstone. Để bảo đảm chính xác, người ta tiến hành kiểm tra dấu tay của hắn một lần nữa. Kết quả việc kiểm tra thật rõ ràng: khi xảy ra vụ trộm, Jackson có mặt ở ngôi nhà bị mất trộm. Theo luật pháp Anh, ăn trộm có bẻ khoá (hay đào ngạch) sẽ không xử ở tòa án Tiểu hình mà thuộc quyền xét xử của tòa Đại hình ở Old Bailey, Luân-đôn gồm các quan tòa và các bồi thẩm. Henry tranh thủ dịp này để làm tăng uy tín cho phương pháp lăn tay. Ông biết rằng, chỉ có một chưởng lý giỏi, có uy tín, rất cởi mở với những ý kiến mới mẻ và ông này có khả năng làm mất sự nghi ngờ và chống đối của các quan tòa và bồi thẩm bảo thủ khác. Con người có những đức tính trên là Richard Muir, người có uy tín nhất trong số các luật gia và chưởng lý ở Luân-đôn, khoảng 45 tuổi. Một số vụ án hình sự trong số đó có vụ án nổi tiếng Crippen đã góp phần làm cho ông nổi tiếng khắp thế giới. Ông là người làm việc rất cần cù, xa lánh những bọn thích nhậu nhẹt và những thứ tiêu khiển tầm thường. Tại nơi làm việc, từ sáng sớm đến tận đêm khuya ông cặm cụi nghiên cứu các hồ sơ, người như bất động. Ông dùng bút chì màu để ghi những sự kiện, những yếu tố khác nhau của sự việc vào những mẩu giấy con: mỗi mảnh ghi một cuộc thẩm vấn tiến hành chặt chẽ. Người ta thường gọi những bản luận tội đó của ông là “cỗ bài”. Ông làm việc không biết mệt mỏi, và mỗi đêm chỉ cần ngủ năm tiếng đồng hồ là đủ. Các nhân viên dưới quyền ông cũng như các cảnh sát ở Scotland Yard rất e ngại khi phải tiến hành điều tra một vụ nào đó cho ông. Nếu chẳng may, một người nào đó buột miệng nói với ông từ: “không làm được”, thì ông phản ứng lại ngay: “Chịu à? Tôi không biết từ này...”. Kinh nghiệm lâu năm trong nghề đã cho ông thấy rõ không thể tin vào việc nhận dạng chỉ hoàn toàn bằng mắt và ông vẫn cảm thấy tòa án có thể mắc phải sai lầm nếu hoàn toàn chỉ dựa vào bằng chứng kiểu như trên để buộc tội người ta. Chính vì những lý do trên mà Henry cần dựa vào con người như Richard Muir. Sau vài lần trao đổi với Henry, Muir đến ngay Scotland Yard. Ông dồn dập hỏi Collins bốn ngày liền không e dè nể nang. Bốn ngày tiếp theo công nghiên cứu phép lăn tay. Và sau đó ông mới thật tin vào hiệu quả việc nhận dạng bằng dấu tay và tuyên bố sẽ phụ trách vụ án Jackson. Ông cũng nói nếu công chúng hiểu được sự quan trọng của phương pháp lăn tay, công việc lại càng dễ dàng hơn. Ngày 2 tháng 9 năm 1902, Jackson bị truy tố trước tòa án Đại hình ở “Old Bailey”. Lịch sử không để lại đầy đủ diễn biến vụ án nhưng cho biết Muir đã thuyết phục được các bồi thẩm đa nghi và bảo thủ thấy rõ được giá trị của dấu tay. Jackson bị toà luận tội và bị xử phạt 6 năm tù giam. Cuộc chiến đấu và áp dụng dầu lăn tay để nhận dạng, làm bằng chứng kết tội như vậy là thắng lợi. Nhưng Henry muốn cho phương pháp này thu được thắng lợi vang dội hơn, ông đã sử dụng nó làm chứng cứ trong một vụ án nghiêm trọng, nổi tiếng. Trước khi có thắng lợi trên, Luân đôn là nơi đã xảy ra một tấm thảm kịch rất đau xót, làm cho hàng nghìn người thấy phương pháp nhận dạng cũ chứa đựng nhiều sai sót. Tấn bi kịch đó đã xảy ra mấy năm trước đó, vào năm 1896, và đã được ghi trong lịch sử ngành hình sự với cái tên: “Vụ án Beck”. 1-12 Hồi 16 giờ ngày 16 tháng 12 năm 1896, một người đàn ông, tóc hoa râm, trạc 55 tuổi khoác áo rơ-đanh-gốt và đội mũ cao thành25[*] ra khỏi toà nhà số 139 phố Victoria ở Luân-đôn... Ra cửa, người này ngừng lại chốc lát như lưỡng lự không biết nên đi hướng nào. Trời dần dần tối. Phía xa xa đèn bật sáng, nhưng sương mù nhẹ làm khó nhận biết cảnh vật. Người đàn ông đi vài bước bỗng một phụ nữ xuất hiện cản đường và kêu lên: - Này ông, tôi biết ông rồi! Người đàn ông bị người phụ nữ cản lại, trả lời: - Bà muốn gì, thưa bà? - Tôi muốn ông trả lại những đồng hồ và nhẫn của tôi. Người đàn ông gạt người phụ nữ sang bên và qua đường. Nhưng khi thấy bà kia cứ lẽo đẽo theo mình, ông ta đến gặp một cảnh sát và nói rằng người phụ nữ mà ông không quen biết cứ theo sau lải nhải đòi ông trả thứ này thứ nọ. Người phụ nữ tỏ vẻ tức tối cứ buộc tội ông kia đã lấy cắp của mình và yêu cầu giữ người đàn ông lại. Người cảnh sát đành dẫn hai người đến “đồn cảnh sát Rochester Bow”. Người đàn ông đưa giấy tờ của mình cho chánh cảm với tên là Adolf Beck. Người phụ nữ tên là Ottilie Meissonnier. Đây là lời khai của người phụ nữ với cảnh sát: Cách đây ba tuần lễ, người đàn ông trên tự xưng Beck đã gặp cô ta ở phố Victoria và nói rằng cô ta giống Everson. Ottilie là giáo viên, sống độc thân, và hôm đó đi xem triển lãm tranh. Được tên Beck khen ngợi, cô ta bắt chuyện. Tên lạ mặt nêu vài ý kiến về triển lãm mà Ottilie dự định đến tham quan. Hắn lại còn khẳng định rằng trang trại của hắn ở Lincolnshire dùng ít nhất sáu người để trong năm vườn. Ottilie Meissonnier nói với hắn là cô ta thích những gì liên quan đến thực vật và trong căn hộ của cô có trồng cây cúc và chăm sóc rất tỉ mỉ. Beck xin phép được đến thăm và ngắm hoa. Họ hẹn ngày hôm sau cùng uống trà tại nhà Ottilie. Beck tự xưng là Huân tước Salisbury, thu nhập hàng năm tới 180.000 bảng Anh và đề nghị mời Ottilie đi với hắn đến Côte d’Azur ở Pháp. Ở đó, hắn có một tầu du ngoạn Y-át26[*], nhưng trước khi lên đường, cô cần sắm quần áo thật lịch sự. Ottilie vui vẻ nhận lời ngay. Beck tự mình lập bản kê những quần áo cần mua sắm và ký một séc 40 đồng bảng Anh đứng tên Meissonnier chi dùng. Sau đó hắn đề nghị cô Meissonnier trao cho hắn đồng hồ và chiếc nhẫn để dùng làm mẫu thửa những đồ trang sức loại giá trị cao tặng cô. Nửa giờ sau, khi Beck ra về, cô Ottilie lại phát hiện chiếc đồng hồ khác cũng bị mất. Cô không yên tâm chạy vội đến ngân hàng thì được họ cho biết là tờ séc trên không có giá trị, không có tài khoản nào của ai mang tên Huân tước Salisbury. Lúc đó cô biết ngay mình đã bị tên gian lừa đảo. Từ đó, cô bỏ nhiều công sức để cố lần mò dấu vết của tên giả danh “Huân tước Salisbury” và cho đến chiều hôm đó mới bắt gặp hắn ở ngoài phố. Cô quả quyết với nhà chức trách rằng chính tên tự xưng là Beck là tên lưu manh đã đội lốt Huân tước Salisbury. Ngay tối hôm đó, quận cảnh sát Rochester Bow gửi báo cáo lên Scotland Yard. Vụ điều tra giao cho thanh tra Waldock, một chuyên gia rất giỏi về điều tra các vụ lừa đảo như loại trên. Qua theo dõi, Waldock thấy từ tháng chạp 1894 rất nhiều phụ nữ đệ đơn tố giác có một người đàn ông tóc hoa râm khi thì tự xưng là Huân tước Wilton, khi là Huân tước Willoughby đi lừa đảo và cách lừa đảo của y cũng giống như kiểu của tên tự xưng là Huân tước Salisbury. Tất cả có hai mươi mốt phụ nữ đã bị lừa mất những thứ như đồng hồ, nhẫn, vòng đeo tay, và các trang sức khác. Một trong số các phụ nữ trên là Daisy Grant còn bị hắn lừa để mượn tiền “vì người hầu quên không để tiền lẻ vào túi áo cho hắn nên không có tiền lẻ để trả tiền thuê xe ngựa”. Beck được đưa ra cho các phụ nữ trên lần lượt nhận dạng. Họ để Beck đứng hàng với mười hay mười lăm người khác. Khi nhận dạng, trừ có một chị còn tất cả đều nhìn về phía tên “có tóc hoa râm”. Một trong những chị phụ nữ là Fanny Nutt còn kêu lên: “Tôi nhận ngay ra hắn trong số hàng nghìn người... Từ cái lưng, nét mặt, cái đầu, dáng đi, tất cả đều cho thấy chính là hắn ta...” Chị thứ hai là Alice Sinclair tuyên bố: “Tôi chắc chắn rằng tên xỏ lá chính là hắn ta... Nó hoàn toàn không giống bất cứ ai trong hàng người trước mắt tôi...”. Chị thứ ba là Kate Brakefield khẳng định: “Khi trông thấy hắn tôi nhận ra ngay... và tôi cũng chả cần nhìn những người khác nữa...” Còn Beck thì thề trong đời hắn chưa hề gặp các phụ nữ kia. Đối với hắn ta, số tiền lời thu được trong việc khai thác mỏ đồng của hắn ở Na-uy cũng chi tiêu thừa thãi, cần gì phải dùng thủ đoạn tước đoạt của phụ nữ để sinh sống. Theo lời tự khai, hắn sinh năm 1841 ở Na-uy và sang Anh từ năm 1865 làm nghề môi giới cho các hãng chuyên chở đường biển. Cuộc sống của hắn cũng có nhiều sóng gió. Lần lượt hắn đã trải qua các nghề như: ca sĩ ở Aberdeen; ông bầu và người tổ chức các buổi hoà nhạc ở Nam Mỹ; nhà kinh doanh ở Buenos Aires; nhà thầu cho quân đội ở Peru và do đó có một số vốn. Năm 1884, hắn trở về Na-uy và mua một mỏ đồng. Năm sau, sang Anh, và sau một thời gian ở khách sạn Covent Garden, hắn dọn đến một căn hộ ở phố Victoria. Beck còn khẳng định một người thư ký đã làm việc cho hắn ta có thể xác nhận hắn có một mỏ đồng ở Na-uy. Tuy nhiên, qua điều tra sơ bộ thấy rằng khi hắn rời khách sạn Covent Garden hắn còn nợ sáu trăm bảng Anh (Pound sterling) và đã từng hỏi vay tiền của người thư ký. Trong quan hệ với phụ nữ, hắn không phải là loại người hào hiệp. Những sự việc trên đương nhiên chưa giúp gì cho hắn, nhưng hắn cứ một mực rằng mình vô tội, bị vu oan. Ngày 18 tháng chạp, Scotland Yard nhận được một bức thư không đề tên người gửi. Bức thư cho biết là năm 1877, tòa đại hình “ Old Bailey” đã xử phạt 5 năm tù giam tên John Smith vì tội lừa đảo phụ nữ giống như tên Beck đã làm. Smith cũng tự nhận là Huân tước Willoughby, và hứa giúp họ có những chỗ làm việc rất tốt tại một biệt thự lớn, đưa cho họ những ngân phiếu (séc) giả, không có tiền bảo đảm rồi chiếm đoạt tư trang của họ. Ngày 20 tháng 4 năm 1877, hắn bị một phụ nữ tên là Louis-Howard (đã bị hắn lừa gạt) nhận được mặt. Hắn bị truy tố trước tòa, phạt tù và ngày 14 tháng 4 năm 1881, được tha sau 4 năm tù. Từ đó, hắn biến mất không để lại tung tích. Bức thư trên kết luận. “Có thể tin rằng tên Beck trên không phải ai khác mà rất có thể chính là tên Smith đã quay trở lại con đường tội lỗi cũ”. Cảnh sát nghiên cứu hồ sơ của John Smith nhận thấy những hành động của y và Beck rất giống nhau. Nhưng chưa phải đã hết: Cảnh sát E. Spurrel và thanh tra Redstone đã tìm bắt Smith vào năm 1877, hiện nay vẫn còn sống. Đã mười chín năm rồi mà Spurrel vẫn nhận ra và tuyên bố trước toà án Westminster (đang xét xử vụ tên Beck) là Smith và Beck chỉ là một người. Sau khi tuyên thệ, ông ta tuyên bố: “Tôi chắc chắn rằng bị cáo hiện đứng trước mặt tôi là Smith. Tôi hiểu rằng lời nói của tôi vô cùng hệ trọng, nhưng vẫn khẳng định người này là Smith”. Thanh tra Redstone, tuy không có dịp gặp lại Smith từ năm 1877, vẫn xác nhận lời của đồng nghiệp của ông là đúng. Beck, tái người và tuyệt vọng, giơ hai tay lên trời một cách bị thảm để thanh minh. Theo lời của hắn, năm 1877, hắn không có mặt ở bên Anh. Những nhân vật có uy tín Nam Mỹ, có xác nhận rằng vào thời kỳ đó hắn đang ở châu Mỹ. Những phụ nữ buộc tội hắn kể cả cảnh sát đã phạm một sai lầm nghiêm trọng. Chưa bao giờ hắn quen Smith hoặc nghe nói đến tên này. Hắn cũng không bao giờ bị giam trong nhà tù của Anh dù chỉ trong một giờ. Vẻ hốt hoảng, hắn nhắc đi nhắc lại: “Trước đấng thượng đế, tôi xin thề rằng các phụ nữ và cảnh sát đã nhầm, tất cả đều nhầm...” Chuyên gia về nghiên cứu nét chữ để nhận dạng ở Luân-đôn là Gurrin (ở đây chúng ta bước vào một lĩnh vực của khoa học hình sự, mà chúng tôi sẽ đề cập ở phần hai), tiến hành so sánh nét chữ của Adolf Beck với nét chữ của tên lưu manh đã liệt kê các áo cần dùng mua sắm vào những năm 1894- 1896, và nét chữ của Beck có vài cái khác nhưng là do cố ý thay cách viết một số chữ nào đó, nhưng xét kỹ các bản liệt kê trên là của một người viết. Việc nhận dạng Beck do những nạn nhân bị lừa đảo và do cảnh sát xác nhận có vẻ chặt chẽ đến nỗi P. J. Sims, phụ tách tư pháp của ngành cảnh sát, người trực tiếp viết hồ sơ khởi tố Beck trước tòa án “Old Bailey”, cũng ghi trong hồ sơ với nhận dạng của Beck. Mặc dù vậy, thanh tra cảnh sát Waldock vẫn cho Sims biết phiếu nhận dạng đã ghi Smith có đôi mắt màu hạt dẻ còn Beck có đôi mắt mầu xanh lơ. Nhưng Sims vẫn chẳng quan tâm đến lời gợi ý đó cứ khăng khăng cho rằng các nhân chứng đã tận mắt nhìn Beck và xác nhận hắn là tên lừa đảo, do đó lời khai của họ có giá trị hơn cả những lời ghi trong phiếu nhận dạng của nhân viên cảnh sát. Mọi người cho rằng họ cẩu thả hoặc thiếu năng lực. Nhưng thanh tra Waldock vẫn tiếp tục lưu ý ngành an ninh về sự khác nhau đó trong nhận dạng và do đó việc nghiên cứu về vụ này giao cho Cảnh sát trưởng Frœst. Frœst được đào tạo theo trường phái cũ của ngành an ninh, là một lực sĩ khỏe đến nỗi chỉ dùng ngón tay cứng như thép, có thể xé rách cả cỗ bài tu-lơ-khơ. Ông làm việc vào một thời kỳ chưa có sự hợp tác quốc tế trong việc tiến hành các cuộc điều tra, do đó trong nhiều vụ án, ông phải đích thân ra nước ngoài điều tra khi cần thiết, và trở thành một chuyên gia giỏi về điều tra thuộc loại này. Ông giữ làm vật kỷ niệm tại nơi ông làm việc ở trụ sở an ninh quốc gia Scotland Yard khẩu súng lục của một tên găng-xtơ Mỹ mà ông đã bám sát từ bên kia Đại Tây Dương và cuối cùng đã bắt được hắn ở khách sạn Gatti ở Luân-đôn trong khi ông không cầm vũ khí, chỉ có hai bàn tay không. Cũng vẫn tay không đó, ông dùng sức khoá chặt và bắt sống tên “cao bồi giết người” Kuhne. Tên này bao giờ cũng mặc quần áo màu đen và cứ mỗi khi giết ai hắn lại khắc một gạch trên báng súng lục. Ông có một đặc tính là tin tưởng một cách quá đáng vào “trí nhớ bằng mắt” của cảnh sát và cho rằng Spurrel và Redstone không thể nhầm được. Biện lý Avory đại diện cho Viện công tố trong vụ án Beck. Đó là một con người nhỏ bé, gầy guộc như một nhà tu khổ hạnh, không biểu lộ bất kỳ tình cảm nào để mọi người thấy, được mệnh danh là “người Avory như sau: “Avory tiết kiệm đủ thứ. Ông không dám dùng cả các chất béo, bộ xương khô đét của ông chả đã là bằng chứng đó sao? Nhưng khi xử phạt bọn tội phạm, chẳng bao giờ ông tiết kiệm hình phạt cả”. Trong vụ án này, có thể là Avory không hoàn toàn chắc chắn cho rằng Beck và Smith chỉ là một người. Thật tình mà nói, bản cáo trạng không nói rõ mà chỉ đề cập một cách bóng gió về việc kết án Beck năm 1877. Tuy nhiên Avory, không quan tâm đến các vụ cãi vã trên và như các nhà luật gia đã nhận xét, ông không phải thuộc loại người làm “Cản trở công tác pháp y”. Ngày 3 tháng 8 năm 1896, toà đại hình “Old Bailey” mở phiên tòa xét xử Adolphe Beck. Forrest Fulton người đã xử phạt John Smith năm 1877 ngồi ghế chánh án. Theo lời ông thú nhận sau này, ông không còn nhớ gì về vụ án John Smith. Người bào chữa cho Beck trong vụ này là C. F. Gill, một luật sư có kinh nghiệm. Gill hy vọng dựa vào hỏi cung để khuất phục chuyên gia nghiên cứu về chữ viết là Gurrin. Nếu Gurrin tuyến bố trước tòa là những nét chữ viết năm 1877 và 1894-1896 chỉ do một người viết, thì Gill sẽ dựa vào các nhân chứng ở Nam Mỹ để chứng minh rằng năm 1877 Beck không có mặt ở nước Anh, do đó không thể là thủ phạm những vụ lừa đảo ở Anh năm 1877, và cũng không chịu trách nhiệm về những vụ phạm pháp năm 1894-1896. Avory đã dự đoán trước sự nguy hiểm nếu đề cập đến sự việc năm 1877. Vì vậy, ông không đặt câu hỏi nào liên quan đến năm 1877 Gurrin chỉ khẳng định Beck đã tìm cách viết sai nét chữ của mình khi liệt kê những y phục năm 1894-1896. Bị dồn vào thế bất ngờ, Gill yêu cầu tòa cho phép hỏi chuyên gia Gurrin về những nét chữ năm 1877. Trong thủ tục tố tụng của nước Anh, những điều đặc biệt có ghi không được hỏi về những hành vi trước đây của một người đã bị phạt tù, khi mà các bồi thẩm chưa cho biết ý kiến của họ về tội đáng đưa ra xét xử. Làm như vậy, về mặt lý thuyết, người ta muốn tránh không để các bồi thẩm có ấn tượng xấu, không có lợi cho can phạm đang bị đưa ra xét xử, Avory liền áp dụng điều khoản đó trong trường hợp trên. Ông đưa ra việc luật sư biện hộ cho bị cáo đề cập tới những vấn đề của quá khứ, hoàn toàn không liên quan gì đến việc xử này theo luật tố tụng hiện hành. Nhưng Gill phản đối kịch liệt. Theo chủ định của ông, cần dựa vào việc quá khứ trên để lập luận cho việc bào chữa và điều này có thể làm thay đổi diễn biến của phiên xử. Tuy nhiên, Fulton, sử dụng quyền hạn được quy định của vị chánh án theo luật pháp Anh, quyết định không chấp nhận những cầu chất vấn có liên quan đến năm 1877. Tất nhiên, quyết định trên cũng tước bỏ bên nguyên một lợi thế, không sử dụng được hai nhân chứng là cảnh sát Spurrel và Redstone đã khẳng định Beck và Smith chỉ là một người. Điều trở ngại nhỏ này cũng không làm thay đổi tình thế. Những nạn nhân của các vụ lừa đảo, được tòa gọi ra để nhận dạng Beck cũng thừa đủ để các bồi thẩm phải xúc cảm. Mười phụ nữ, trong số hai mươi mốt nạn nhân, có mặt trước tòa đều lần lượt nói rằng, Beck chính là tên đã lợi dụng tính cả tin của họ. Không ai để ý đến sự do dự hay thận trọng của các phụ nữ trên khi khai trước tòa. Ví dụ như nữ nạn nhân Annie nói: “chính hắn” nhưng lại thêm: “Nhưng khi tôi nghe tiếng hắn nói (ở đây), thì tôi lại cảm thấy lời khẳng định trên không chắn chắn lắm. Vì ở nhà tôi, khi nói chuyện, hắn thỉnh thoảng có dùng tiếng lóng mà người Mỹ thường dùng”. Còn Ottilie Meissonnier thì trình bày, hắn có một vết sẹo ở bên phải cổ, phía dưới tai, và cô nói thêm: “Đó là một vết sẹo bẩm sinh”. Luật sư yêu cầu cô chỉ vết sẹo trên cổ Beck, thì cô nhìn và thốt lên: “Tôi không hiểu tại sao lại như thế này, không còn thấy vết sẹo đó nữa”. Luật tố tụng của nước Anh vào thời kỳ đó không cho phép bị cáo được lên tiếng để tự bào chữa cho mình. Tuy nhiên, Gill cũng làm cho tòa đồng ý cho Beck nói lên vài câu, cốt chứng tỏ là Beck không nói giọng Mỹ. Bị cáo tên Beck kêu lên một cách thống thiết: “Tôi hoàn toàn không có liên quan gì đến những lời buộc tội kinh khủng trên. Tôi hoàn toàn vô tội...”. Tuy thế, mọi sự cố gắng của luật sư bào chữa đều vô hiệu quả. Ngày 5 tháng 5, các bồi thẩm đều công nhận Beck có tội, và tòa tuyên án Beck 7 năm tù giam. Một lần nữa, Beck lại đứng lên và nói to: “Tôi thật là vô tội, vô tội! Những lời phản đối vẫn không được ai chú ý. Dù trong bản án không nói gì về vụ án năm 1877, khi vào trại giam Beck vẫn mang số tù của Smith trước kia: D 523. Người ta lại thêm vào số tù trên chữ “W”, để chỉ rõ đấy là tù tái phạm. Từ 1896 đến 1901, Beck đã mười lần đệ đơn yêu cầu tòa xét lại bản án mà Beck phải gánh chịu. Vào thời kỳ này, ở Anh chưa có tòa thượng thẩm, nên Beck không có cách gì để chống án. Nhưng vừa kiên trì, vừa tuyệt vọng, ông giải thích để mọi người biết rằng, năm 1877, ông thật sự ở Nam Mỹ; vì vậy, thực tế không thể nào gán cho ông những tội mà tên Smith là thủ phạm, và không còn nghi ngờ gì nữa, chính hắn đã trở lại con đường lừa đảo cũ của năm 1896. Luật sư bào chữa cho Beck, muốn biết chính xác nhận dạng của Smith đã ghi trong hồ sơ và đề nghị được xem hồ sơ của Smith. Nhưng tòa không chấp nhận yêu cầu đó. Tuy nhiên ngày 12 tháng 5 năm 1898, một nhân viên Bộ Nội vụ đến nhà tù mà trước đây Smith đã bị giam để tra cứu hồ sơ của hắn ta. Nhân viên trên phát hiện thấy Smith gốc Do Thái nên đã cắt bao quy đầu, còn Beck không phải là Do Thái và cũng không cắt bao quy đầu. Được thông báo về vấn đề trên, Bộ Nội vụ Anh yêu cầu Fulton giải thích về việc rắc rối này. Vị chánh án có tính ương ngạnh, tin mù quáng vào những lời khai của nữ nạn nhân, phản ứng lại và cho rằng sự việc trên hình như cho thấy Beck và Smith là hai người khác nhau. Mặc dù vậy, ông vẫn nghĩ rằng chưa bao giờ Beck ở Nam Mỹ. Do đó, số phận của Beck vẫn không có gì thay đổi, trừ có một chi tiết nhỏ bỏ chữ “W” trong số tù của Beck. Ngày 8 tháng 7 năm 1901. Beck được tha nhưng vẫn bị quản thúc. Bất bình về việc đó, Beck vẫn kiên trì tìm cách chứng minh mình vô tội. Với số gia tài cỏn con còn lại, ông đem chi dùng hết vào tiền thuế luật sư bào chữa và cũng không ngờ rằng số phận hẩm hiu không đoán trước được lại rơi vào mình. Ngày 15 tháng 4 năm 1904, Beck từ ngôi nhà phố Tô-ten-ham Cuốc bước ra phố. Ông mới dọn đến ở đó. Vừa ra khỏi nhà, một phụ nữ trẻ lao đến kêu lên: “Chính tên này đã ăn cắp đồ nữ trang và các đồng tiền vàng của tôi”. Beck hoảng sợ, lùi vài bước, dựa lưng vào tường, như sắp ngã xỉu xuống, rồi lại gào lên: “Không, không phải tôi... Tôi không hề biết bà là ai... tôi mới gặp bà hôm nay là lần đầu trong đời...”. Chị phụ nữ cứ khăng khăng: “Anh đừng phản đối vô ích. Tôi nhận ra anh rồi, Anh hãy theo tôi, có người đang đợi gặp anh...”. Không đủ sức tự trấn tĩnh được nữa, Beck co cẳng chạy. Người phụ nữ đuổi theo. Beck chạy được một quãng thì bị thanh tra cảnh sát Ward bắt giữ và đưa đến đồn cảnh sát Paddington. Người tố cáo Beck lần này là cô Pauline Scott, làm nghề đi ở. Ngày 22 tháng 3 năm 1904, Pauline đã phát đơn kiện một người đàn ông, đứng tuổi, tóc hoa râm, lịch sự, đã gặp cô ở ngoài đường. Với vẻ thông cảm, đáng yêu, ông này đề nghị cô làm quản gia. Và mọi diễn biến tiếp theo như ngành an ninh đã biết, thanh tra Ward, người nhận được đơn tố cáo trên đã kết luận Beck lại theo con đường cũ. Vì vậy khi nhận được đơn khiếu nại, Ward đích thân dẫn Pauline đến hiệu ăn mà Beck thường đến đó dùng cơm, để Pauline nhận dạng. Mặc dù cô ta có dịp quan sát rất gần người tình nghi là thủ phạm trong gần một tiếng đồng hồ, nhưng vẫn không rõ có phải đúng là thủ phạm không. Nhưng không vì vậy mà Ward buông tha việc theo dõi. Ông để Pauline nấp gần nhà ở của Beck và dặn theo dõi những người ra vào ngôi nhà đó. Nếu thấy tên lừa đảo, thì đến gặp hắn, vì vậy Beck đã bị bắt giữ, như đã nói trên. Tại trụ Sở Cảnh sát, Beck tuyệt vọng, tưởng như mọi sự đều sụp đổ. Beck kêu la: “Tôi van xin Thượng Đế, xin các ông! Các ông hãy tin tôi, tôi thật vô tội... Không một lời buộc tội nào đúng với tôi cả...”. Khi báo chí đăng tin bắt Beck, bốn phụ nữ khác, cũng bị lừa bằng cách hèn mạt như trên, đều đến trụ Sở Cảnh sát để nhận dạng. Đó là chị Rose Reece, Grâce Campbell, Lily King và Caroline Singer. Cả bốn người này đều khẳng định chính Beck là người đã lừa gạt họ. Người bị tình nghi dù phủ nhận và cam đoan như thế nào, cũng vẫn không sao thay đổi được tình thế. Beck nói với công an: “Tôi chưa hề gặp mặt họ lần nào, không bao giờ nói chuyện với họ. Tôi có thể cho các ông rõ là tôi làm ăn lương thiện... Thật tôi chẳng hiểu gì về những điều xảy ra đối với tôi...” Ngày 27 tháng 6 năm 1904, Beck lại ngồi vào ghế bị cáo trước tòa án Old Bailey. Lần này Beck không còn đủ tiền để thuê luật sư cơ nổi tiếng. Luật sư bào chữa cho Beck là Leicester, chỉ có 4 ngày để nghiên cứu hồ sơ. Còn Beck thì quá ngao ngán và suy sụp tinh thần nên không thể nào cung cấp những chi tiết cần thiết được. Trong phiên xử, các nhân chứng đều tuyên thệ là nhận ra Beck ngay. Rose Reece nói: “Mũi hắn ta rất đặc biệt nên tôi nhận ra ngay, không còn nghi ngờ gì nữa...”. Cũng như các lần khai trước, lần này lời khai của các nhân chứng trước tòa cũng không rõ ràng, lờ mờ hay sai lệch. Có một nhân chứng khai rằng thủ phạm đeo kính trắng ở một bên mắt, hoặc một người khác khai rằng cách đi, đứng của tên lừa đảo hơi khác cách đi đứng của Beck. Tuy nhiên, tất cả những nhận xét hoặc tế nhị, hoặc do dự, hoặc không chính xác đó đều không được xét tới vì họ đã đinh ninh rằng Beck chính là tác giả các vụ lừa đảo trên. Từ năm 1896, thủ tục xét xử của nước Anh có vài sự thay đổi, Beck được phép trình bày trước tòa. Nhưng trong hoàn cảnh như vậy liệu những lời kêu ca, van nài hay khẳng định rằng mình chỉ là nạn nhân của một sự ngộ nhận hoặc của một âm mưu nào đó? Liệu tất cả những điều đó có tác dụng gì không? Vụ xử chỉ kéo dài có vài tiếng và các bồi thẩm đều tuyên bố Beck là kẻ phạm tội. Riêng chánh án phiên tòa, ông Grantham, thấy trong vụ này có vài điều chưa sáng tỏ nên chưa tuyên án vội. Tuy nhiên, Beck sẽ không thoát khỏi việc tù đày nếu không có một sự việc thật không ngờ xảy ra sau đó mười hôm. Sự kiện này đã làm sáng tỏ điều rủi ro mà một con người vô tội đã phải trải qua và việc đó đã làm nổi lên sự công phẫn ở khắp nước Anh. Buổi tối ngày 7 tháng 7 năm 1904, thanh tra cảnh sát Kane đi kiểm tra như thường lệ tại trụ Sở Cảnh sát ở phố Tottenham Court, được nhân viên trực ở đó cho biết có một người đàn ông vừa bị bắt khi hắn định bán hai chiếc nhẫn vừa lấy cắp buổi chiều của hai nữ nghệ sĩ thất nghiệp. Kane, biết rất rõ vụ án Beck, hỏi thêm một số chi tiết phụ và rất kinh ngạc thấy những sự việc mà hai phụ nữ trên khiếu nại giống như những điều mà người ta đã buộc cho Beck trước đó: như có một huân tước giàu có, đang tìm quản gia; bản liệt kê quần áo cần may sắm; một séc mà không có tài khoản...