Trong làng văn học Việt Nam rất hiếm có nhà văn nào nhận được sự yêu thương, mến mộ từ nhiều thế hệ độc giả khác nhau như nhà văn Tô Hoài. Nếu các bạn nhỏ biết đến ông như một người bạn dí dỏm, đáng yêu qua kiệt tác Dế mèn phiêu lưu ký và series truyện ngộ nghĩnh về loài vật, thì độc giả lớn tuổi biết đến ông như một cây đại thụ của làng văn với nhiều tác phẩm đã trở thành những tượng đài bất tử như Vợ chồng A Phủ, Cứu đất cứu mường, Chuyện đầm sen đền Đồng Cổ…
Quê Người là cảnh quê hương bị chiếm đóng. Những con người hiền lành chất phác của vùng quê ấy phải sống trong cảnh khốn đốn khi cái nghèo đói bủa vây.
Dường như với bất kỳ tác phẩm nào của mình đã xuất bản, nhà văn cũng luôn cẩn trọng đọc lại và chỉnh sửa những chi tiết chưa hài lòng. Như chính lời con trai của Cụ, nhà báo Nguyễn Phương Vũ, chia sẻ: “Đã từ lâu từ khi cầm bút bố tôi là người cẩn thận và luôn có trách nhiệm với câu chữ nên mỗi bản in dù là in lại nhưng ông luôn đọc, cắt gọt, chỉnh sửa, “uốn nắn”, tỉ mẩn như người dệt vải. Khi ông trao lại cho tôi để xử lý nhập liệu với một bản thảo chi chít màu mực, chữ, từ, câu mà ông thêm bớt đan xen ngang dọc. Cha tôi là vậy, sự cẩn trọng, kỹ lưỡng trong nghề viết như mối nợ tình với ông.”
Quê Nhà: Nhà văn Tô Hoài đã viết một bộ tiểu thuyết gồm ba tác phẩm: tiểu thuyết “Quê người”, tiểu thuyết “Mười năm”, tiểu thuyết “Quê nhà.” Mỗi tiểu thuyết, câu chuyện, hoàn cảnh và nhân vật đều khác nhau, nhưng tất cả được nối tiếp có hệ thống về các sự kiện lịch sử và xã hội của một vùng nhất định.Câu chuyện về một địa phương, đấy là các làng mạc ở Hà Đông và Sơn Tây, vùng tây bắc thành phố Hà Nội xưa kia, nơi nhà văn Tô Hoài sinh ra và lớn lên. Ở cả ba tiểu thuyết trên đều in dấu vết những nhân vật trong đó có tác giả và gia đình, bè bạn ở sự việc, ở hoàn cảnh, ở những kỷ niệm hồi thơ ấu và đương thời. Bộ ba tiểu thuyết này đã được liệt kê trong danh sách các tác phẩm của Tô Hoài vinh dự được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học đợt 1 (1996).
Tiểu thuyết Quê người (viết 1941) cũng một khung cảnh ấy, những vùng Hà Nội đã bị chiếm đóng. Cảnh điêu linh và khốn cùng diễn ra, biết bao nhiêu người đã phải tha hương. Đi phu, đi làm đường, vào Nam, sang Tân Đảo và các thuộc địa Pháp ở ngoài châu Đại Dương, làm cu li đồn điền. Trong cảnh khốn đốn, phải đi “đất khách quê người”. Tiểu thuyết Quê người đã được tác giả viết trước nhất, cách đây nửa thế kỷ, từ khi nhà văn Tô Hoài mới bắt đầu cầm bút. Điều đó chứng tỏ đề tài của vấn đề đã nung nấu lâu dài trong tâm tư và tình cảm tác giả theo bước với sự phát triển của số phận cuộc sống và lịch sử.
***
Nhà văn Tô Hoài đã viết một bộ tiểu thuyết gồm ba tác phẩm: Quê người, Mười năm, Quê nhà. Mỗi tiểu thuyết, câu chuyện, hoàn cảnh và nhân vật đều khác nhau, nhưng tất cả được nối tiếp có hệ thống về các sự kiện lịch sử và xã hội của một vùng nhất định.
Câu chuyện về một địa phương, đấy là các làng mạc ở Hà Đông và Sơn Tây, vùng Tây Bắc thành phố Hà Nội xưa kia, nơi nhà văn Tô Hoài sinh ra và lớn lên. Ở cả ba tiểu thuyết trên đều in dấu vết những nhân vật trong đó có tác giả và gia đình, bè bạn ở sự việc, ở hoàn cảnh, ở những kỷ niệm hồi thơ ấu và đương thời. Bộ ba tiểu thuyết này đã được liệt kê trong danh sách các tác phẩm của Tô Hoài vinh dự được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học đợt 1 (1996).
Tiểu thuyết Quê nhà (viết 1978) nói về sự việc hai lần quân Pháp tấn công chiếm Hà Nội cách nay đã hơn một thế kỷ. Tuy nhiên, những nhân vật lịch sử của các trận đánh: Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Hoàng Kế Viêm, Lưu Vĩnh Phúc, các tướng tá Pháp như Phơ răng xi Gácniê, Hăng ri Rivie không phải là các nhân vật chủ yếu. Mà ở đây tác giả đã miêu tả tình hình các phường xóm và làng quê trong thành ngoại nội mà nhân dân – các anh hùng vô danh đã dũng cảm nổi lên chống quân xâm lược như thế nào.
Tiểu thuyết Quê người (viết 1941) cũng một khung cảnh ấy, những vùng Hà Nội đã bị chiếm đóng. Cảnh điêu linh và khốn cùng diễn ra, biết bao nhiêu người đã phải tha hương. Đi phu, đi làm đường, vào Nam, sang Tân Đảo và các thuộc địa Pháp ở ngoài châu Đại Dương, làm cu li đồn điền. Trong cảnh khốn đốn, phải đi “đất khách quê người”. Tiểu thuyết Quê người đã được tác giả viết trước nhất, cách đây nửa thế kỷ, từ khi nhà văn Tô Hoài mới bắt đầu cầm bút. Điều đó chứng tỏ đề tài của vấn đề đã nung nấu lâu dài trong tâm tư và tình cảm tác giả theo bước với sự phát triển của số phận cuộc sống và lịch sử.
Tiểu thuyết Mười năm (viết 1957) cũng vẫn quang cảnh và tình hình ở vùng ấy, nhưng bước sang một giai đoạn quyết liệt nhất, mười năm 1935 – 1945. Nước Pháp đã bại trận ngay khi bắt đầu cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Phát xít Nhật can thiệp vào Đông Dương. Đất nước ta bị hai tròng áp bức và bóc lột, nạn đói vô cùng thảm khốc đã xảy ra mà mỗi con người chỉ còn có con đường một sống một chết.
Trong khốn cùng ấy, lá cờ nghĩa đánh Pháp đuổi Nhật cứu nước do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo giương cao đã tung bay khắp nước, từ rừng núi xuống đồng bằng. Tiểu thuyết Mười năm ấy là thời gian mười năm toàn dân chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, tiến tới Cách mạng tháng Tám 1945 thành công.
Đến nay, hơn năm mươi năm đã qua, để thấy được nguyên nhân sâu xa những điều tâm huyết của Tô Hoài với một vùng đất ông từng gắn bó. Trải ba mươi năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ngày nay đương bước vào giai đoạn xây dựng đất nước hùng vĩ chưa bao giờ từng có, xin được in lại trọn bộ cả ba tiểu thuyết: Quê nhà, Quê người và Mười năm.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
BẤY GIỜ CẢ BỌN CÓ BỐN NĂM ANH, đều là con trai xóm Duối, ngồi bên một mảnh chiếu rải ở giữa căn nhà Hời, bên gốc cau, chỗ khoáng đãng nhất, để trăng sáng chiếu xuống đầy đủ cho tất cả mọi người. Ai cũng chỉ muốn ngồi chỗ nào mà nhòm được lên mặt trăng. Và cũng bởi có trăng sáng, những anh con trai xóm Duối sau khi dệt đoạn hai cuốn cửi, tuy trời đã khuya, mà vẫn chưa ai buồn đi ngủ. Họ kéo đến sân nhà Hời, ngồi chơi vui, nói chuyện gẫu. Ở đây rộng rãi và thoáng mát. Nhà lại vắng vẻ, chỉ có một mình Hời ở với bà mẹ già; bởi kém mắt, bà cụ có cái lệ bao giờ cũng đi ngủ từ chập tối. Bọn con trai tha hồ ngồi hát xướng và nói những chuyện sở thích nhảm nhí.
Ngoài đầu ngõ, mặt trăng mười sáu đã lên tới lưng cây đề. Nó to lừng lững bằng cái mẹt và rực một màu vàng ối. Gió phe phẩy, những lá đề tròn mà dài cuống nhuộm ánh trăng lấp lánh, óng ánh trên nền trời trong. Bầu trời quang, không vương một ngọn mây, trở nên to rộng và bao la vô cùng. Chỉ có một vừng trăng làm chủ. Những ngôi sao long lanh nhất của mọi đêm tối trời, giờ là những vệt sáng mờ.
Thoại nằm ngửa trên chiếu, hai bàn tay lót xuống gáy. Chẳng biết tại hứng gì, anh cất giọng, hát mấy câu lý giao duyên:
– Lý… ý… lý giao duyên, không tiền… ừ… không lý. Anh quẳng… anh quẳng xu vào… vào em lý… lý anh nghe…
Giọng anh ông ổng, khàn khàn. Không cảm nổi tai mọi người. Có tiếng phản đối:
– Thôi im đi, ông cả. Để Hời nó gảy đàn cho mà nghe.
Và anh bình phẩm tiếp:
– Cái giọng gà tồ của thằng này thì cứ để đến tháng tám cho sang làng Thượng hát đối với cô Ế.
Cả bọn cười ồ… Thoại không chịu im, và cũng không trả lời bọn anh em chế mình. Chàng lại cao giọng chèo ngâm sầu một câu rằng:
– Ối thương ôi!… Buồng vàng lạnh ngắt, trận gió từ heo hắt mành tương, khéo sương ấy tuyết tưởng một tường, song phiền não nghĩ càng thêm sắc mắc. Duyên nguyệt lão tơ hường nào đã chắc, bệnh tương tư như dao cắt ruột tằm… ừ ruột tằm.
Rồi anh gật gù ra lối hiểu biết:
– Cu cậu hát cái chỗ Tất Chính tương tư nàng Kiều Liên.
– Đây hẳn là cu Thoại tương tư cô Ế?
Một nhịp cười nổi lên. Thoại cũng cười, vui vẻ. Chàng lại định hát nữa. Nhưng khi nghe tiếng dạo đàn của Hời, Thoại ta bèn nằm im nhìn lên mặt trăng, lắng tai nghe.
Hời đến ngồi bên gốc cau, trên một tảng đá trắng, để được rộng chỗ kê đàn, không vướng ai. Chàng ngồi thẳng, đặt chớm một bàn chân lên mặt đàn và một vế đùi ngả xuôi theo thành đàn. Dây vặn lên ken két. Một tay rút cái que tre cật ở dưới lòng đàn, một tay bắt vào chiếc cần uốn cong xuyên qua một nửa quả bầu lọ, như hình nậm rượu. Chàng dạo thử mấy tiếng lên sợi thép. Tang… tang… tang… tàng… tang… tình… Tay Hời đưa nhẹ thanh thảnh. Chàng vốn là một tay đàn giỏi ở làng Nha. Sở trường nhất của Hời là chơi đàn bầu. Chàng hỏi các anh em:
– Gì nào? Hành vân chứ?
– Ừ, ừ… Hành vân.
Theo với bàn tay lướt trên dây và theo với ngón tay buông bắt chiếc vòi đàn, những tiếng thanh, tiếng trầm rồn rập bay ra, Hời tay đàn, miệng hát:
– Dặm băng ngàn, dặm băng ngàn, nhớ bạn phòng loan, đường non nước, trở bước quan san, lánh mình đưa tiễn bạn, chừ nên quyết, vinh nhành hoa chiếm bảng khôi khoa, họp một nhà giao hòa trâm quạt… Lòng tôi ước…
Nằm đằng kia, Thoại cũng lẩm bẩm đánh nhịp:
– Sự sang hồ, sự sang hồ, xế sang hồ xừ sang, sàng xê cống, xế lưu cống xề, cống xề sang hồ sự…
Tiếng đàn và tiếng hát quyện nhau, tỏa ra, vang đi, trong cái thời khắc rất tĩnh mạc của làng xóm. Làng xóm bây giờ ngủ yên cả rồi. Những cung hồ, cung líu trong vắt, bay lửng lơ vào ánh trăng. Những tiếng ú ngắn và rít, những tiếng sang như rền rĩ, phiêu diêu, tản mác trên các mảnh lá mướp, lá đề vàng rượi những trăng. Cái không khí âm nhạc đó bao trùm lấy tất cả, khiến cho người nghe phải ngẩn ngơ. Hời không còn là Hời nữa. Anh ta đã tan ra với tiếng đàn của mình. Chỉ còn có một bàn tay nắn, uốn rất nhẹ chiếc cần tre và một bàn tay chúm lại, chạy thoăn thoắt trên làn dây. Ấy thế là những âm thanh kỳ ảo nẩy ra, chới với, yếu đuối. Giữa bàn tay với một sợi dây thép căng, ngân lên những tiếng vang xưa của linh hồn đất nước cổ sơ. Những tiếng tự nhiên của đất nước rất ẻo lả và não nùng. Bao nhiêu là tiếng sắt, tiếng đồng chen nhau…
Mặt trăng đã vượt khỏi ngọn cây đề. Tiếng đàn của Hời như oán, như than, càng vang dài vào trong đêm sâu. Những anh bạn nằm dưới chiếu đều im lặng. Có anh mở thao láo đôi mắt mà nhìn lên vòm trời sáng. Có anh thiu thiu ngủ gà. Có anh đã ngáy o o. Chỉ còn nguyên những tiếng đàn bầu vờn lên.
Hời ngừng tay. Thời gian như bị ngắt quãng. Sự tịch mịch đã sẵn có lại càng thêm sâu xuống thăm thẳm. Chàng thở một hơi dài. Chừng như trong khi gẩy đàn chàng đã thở rất ít để cầm lấy hơi, phổ lên những tiếng đồng diễm ảo.
Thoại ngóc đầu hỏi:
– Thôi hả?
– Thôi. Khuya rồi.
Cả bọn lục tục uể oải trở dậy. Họ vươn vai và ngáp ồn ồn.
– Giờ độ mười một giờ chứ mấy?
– Độ thế. Trăng mới cao hai ngọn tre.
– Các cậu về thôi. Cho tớ đóng cửa đi ngủ.
Thoại nhìn Hời, hóm hỉnh:
– Sang xóm Giếng mà ngủ chứ?
– Nhảm.
Họ đi ra ngõ và phá ra cười. Tiếng guốc lóc cóc ra đến phía gốc đề mà Hời còn nghe tiếng khúc khích dội lại. Chàng đứng ngẩn một lát, miệng tủm tỉm bâng quơ. Cất chiếu, cất ghế và treo đàn vào trong nhà, rồi chàng vào mặc áo, lấy cái thắt lưng có đựng thẻ thuế thân giắt vào người cẩn thận. Chàng rút trong kẽ ngạch ra một cái gậy tre lớn và chàng ấn thật chặt chốt cánh cửa lại, chứ không khóa. Chàng nghĩ: “Nhà rỗng tuếch, việc cóc gì mà phải khóa mấy khiếc. Đứa nào có giỏi ăn trộm, vào khiêng biến ngay bà cụ đi mới là tài”.
Trong nhà lẫn với tiếng muỗi vo ve, có tiếng ngáy khò khò của mẹ Hời. Hời yên trí, xách gậy đi ra ngõ. Vừa đi, Hời vừa ngước mắt nhìn trăng. Hời nhếch mép cười với mặt trăng. Cái vừng trăng tròn vành vạnh đó như cũng mủm mỉm với Hời. Dáng hẳn ông trăng cười anh chàng mê gái, đã khuya khoắt như thế, mà còn lầm lũi đi đến nơi hò hẹn. Ô, cái ông trăng phải gió mới hóm hỉnh làm sao.
Phía trước mặt, nước sông Lịch óng ánh sáng. Ra đến đầu xóm, tự dưng Hời nghĩ: “Giá bây giờ thằng Thoại đi theo, hắn tóm trúng được mình”.
Hời bước xuống con đường mòn nhỏ, dọc theo bờ sông. Từ đây sang xóm Giếng hết một chặng đường đi ven sông, tạt vào một ngõ ngoắt, rẽ qua cửa đền Tam Thánh. Hời rảo cẳng. Gậy vác lên vai, chàng đi như người chạy. Nước ở con sông nhỏ sáng ngời những ánh trăng chảy róc rách như thầm thì nói chuyện với ai.
Hời dừng lại trước cửa đền Tam Thánh rồi tạt vào trong sân. Bóng chàng lặn vào bóng một cây ngọc lan. Cây ngọc lan già, không biết mọc từ đời nào, mang từng ôm cành lớn và hai ba tán lá rộng như những tán lá bàng. Một mùi hoa thơm ngọt và dịu tản mạn trong không khí. Hời cúi xuống gốc cây, nhặt một gói lá, đem soi ra ngoài ánh trăng. Gói lá trong có đựng hai đóa hoa ngọc lan mà Hời đã ngắt ở trên cây xuống, từ lúc chiều. Hời vứt lá, bỏ hai đóa hoa trắng nõn vào túi. Chàng đi thẳng vào trong xóm.
Mọi nhà đã ngủ yên. Qua các rặng cây vườn không có một đốm sáng đèn. Giờ này, những khung cửi đã hết tiếng thoi chạy. Nhưng khung cửi nhà ai thì tắt tiếng thoi đưa, chắc khung cửi nhà cô Ngây hẳn là vẫn hoạt động. Cô Ngây rất chăm chỉ. Thợ cửi nhà cô dệt đoạn được một cuốn thì nghỉ, cô lại vào khêu đèn, dệt nối thêm một cuốn nữa. Đêm nào cũng thế, suốt cả tháng và suốt cả năm. Chỉ nghỉ những đêm phiên là những buổi ngày cô phải đem lĩnh vào chợ tỉnh bán. Đi chợ cả ngày, đêm đến cô không dám dệt cửi khuya, sợ hôm sau sinh ra mệt mỏi. Tuy những đêm ấy không mó vào chiếc thoi, song cô cũng ngồi quay tơ đến tận chín mười giờ mới đi ngủ. Cô tiếc công tiếc việc. Con nhà làm ăn, ngồi chơi không một mảy, cũng đã xót xa thì giờ.
Trăng vằng vặc. Thấp thoáng qua những bóng cây xao động. Hời đã nhìn thấy đầu hồi nhà Ngây. Ở cái nhà ấy, trên hai lỗ cửa sổ vuông chỉ bằng hình một viên gạch bát, có ánh sáng đèn hắt ra để cho chàng biết Ngây còn thức dệt cửi. Chàng Hời thấy nao nao trong lòng. Chắc cô ả cũng khá sốt ruột. Rủa mình có hàng tá là ít. Nào ai muốn đến chậm. Nếu có tiện, mình đã tới ngồi bên cửa sổ ngay từ sâm sẩm tối, chứ chẳng dám để ai phải đợi ai.
Mời các bạn đón đọc Quê Người của tác giả Tô Hoài.