Ở Việt Nam, cho đến nay, mặc dù Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều chính sách, thực hiện nhiều chương trình dự án hỗ trợ phát triển mạng lưới giáo dục đại học, song do việc thực hiện quy hoạch chưa tốt, chưa định hình được chính sách xây dựng các cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu… nên quy mô, danh tiếng của các trường đại học Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn so với các nước trong khu vực ASEAN và thế giới. Chất lượng đào tạo đại học chưa cao, các chương trình đào tạo liên thông được thế giới thừa nhận chưa nhiều, kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu của đơn vị tuyển dụng lao động. Hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học mới hình thành nên thể chế và tiêu chí đánh giá hoạt động cần được hoàn thiện. Hoạt động hỗ trợ cho sinh viên còn nhiều vướng mắc do các chính sách hỗ trợ tín dụng đối với sinh viên đang theo học còn nhiều bất cập…
Trung Quốc có một số trường đại học có quy mô, danh tiếng được xếp hạng trên thế giới và khu vực. Có được kết quả đó do Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách đầu tư cho giáo dục đại học nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, có những công trình nghiên cứu được đưa vào thực tiễn đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội, thu hút nhân tài từ nước ngoài,… Sự thành công trong tăng trưởng và phát triển kinh tế của Trung Quốc có vai trò rất lớn từ kết quả thực hiện cải cách giáo dục đại học.
Để giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo về vấn đề trên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Quản lý nhà nước về giáo dục đại học: Kinh nghiệm của Trung Quốc và khuyến nghị đối với Việt Nam (Sách chuyên khảo) do PGS.TS. Mai Ngọc Anh chủ biên. Cuốn sách là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp nhà nước KHGD/16-20.ĐT003: Quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học: Một số kinh nghiệm của Trung Quốc và khuyến nghị cho Việt Nam, thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020: “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”, mã số KHGD/16-20.
Nội dung cuốn sách gồm ba phần nêu tổng quan hệ thống chính sách đối với giáo dục đại học và kết quả thực hiện chính sách phát triển giáo dục đại học của Trung Quốc từ năm 1978 đến nay; phân tích thực trạng chiến lược, chính sách đối với phát triển giáo dục đại học của Việt Nam thời gian qua; qua đó các tác giả đã mạnh dạn đề xuất một số khuyến nghị về quản lý giáo dục đại học ở Việt Nam từ kinh nghiệm của Trung Quốc nhằm phát triển giáo dục đại học ở Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Việc xây dựng chiến lược, chính sách đối với giáo dục đại học có ý nghĩa thực tiễn quan trọng để cung cấp nguồn nhân lực dồi dào được trang bị những kiến thức, đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới. Những nhận định, kiến nghị nêu trong cuốn sách có giá trị tham khảo tốt, nhưng vẫn còn có nhận định, kiến nghị của các tác giả cần tiếp tục được trao đổi, nghiên cứu thêm. Để thuận tiện cho bạn đọc trong theo dõi, nghiên cứu, tham khảo vấn đề này, Nhà xuất bản vẫn giữ nguyên các ý kiến, nhận xét của các tác giả và coi đây là quan điểm riêng của các tác giả. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc để hoàn thiện nội dung cuốn sách trong lần xuất bản sau.
Xin giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Tháng 8 năm 2020
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT