Trong những năm cuối cùng của thế kỷ 20 thế giới đã chứng kiến những thay đổi rất lớn lao trong hoạt động khoa học kỹ thuật và công nghệ. Sự phát triển với tốc độ rất nhanh của công nghệ thông tin, đặc biệt trong đó có sự hình thành và phát triển của mạng thông tin toàn cầu (Internet), việc áp dụng thành công các công nghệ sản xuất tiên tiến, xu thế toàn cầu hóa ngày càng trở nên tất yếu cùng với những yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt về môi trường v.v… đã làm cho thị trường thế giới càng bị thay đổi và phân hóa sâu sắc.
Từ những năm 1990 trở lại đây, sự cạnh tranh trong thị trường thế giới ngày càng sôi động và quyết liệt. Có rất nhiều ngành sản xuất trước đây là truyền thống của các nước công nghiệp phát triển đã phải chuyển sang những khu vực khác của thế giới; nhiều nhà lãnh đạo tài ba một thời của các công ty nổi tiếng cũng phải lặng lẽ ra đi. Nguyên nhân của tất cả những sự việc đã xảy ra đó là gì nếu không phải là những nguyên nhân xuất phát từ hai chữ “hiệu quả”.
Bối cảnh của tình hình sản xuất kinh doanh cũng như thị trường cạnh tranh có vẻ rất hỗn loạn và phức tạp, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi mà quyền lợi của các tập đoàn, lợi ích của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia và lợi ích của cộng đồng quốc tế đan Xen lẫn nhau.
Tuy vậy mọi vấn đề trong sản xuất kinh doanh của các công ty vẫn không hề chênh khỏi định hướng mang tính quy luật của nó là tính hiệu quả của công việc.
Quản lý công nghệ là hoạt động rất rộng lớn. Nó bao trùm toàn bộ các tổ chức sản xuất (không kể quy mô lớn hay nhỏ) cùng toàn bộ thời gian tồn tại của chúng trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ mà trong một chừng mực nào đó nó còn bao hàm cả các biện pháp có liên quan đến các quan hệ giữa con người với các yếu tố kỹ thuật và con người với con người khi tham gia các quá trình sản xuất kinh doanh. Như vậy vấn đề về marketing, quản lý nhân sự, quản lý tài năng và việc phát triển tầm nhìn chiến lược của những người lãnh đạo của một cơ sở sản xuất kinh doanh không phải là những mặt tách rời của cả quá trình quản lý công nghệ chung.
Nền kinh tế nước ta đang có nhiều chuyển đổi theo hướng đa dạng hóa loại hình sở hữu và từng bước hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Các công ty sản xuất kinh doanh của chúng ta cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức to lớn trong thị trường cạnh tranh rất sôi động ở cả trong nước và ngoài nước. Sự tồn tại phát triển hoặc suy thoái, thậm chí “biến mất”, của một số công ty sẽ phải là chuyện bình thường. Cũng như vậy, sự nổi danh phát đạt hoặc phải từ bỏ vị trí của một số lãnh đạo các công ty sẽ không còn là điều lạ. Những câu hỏi “tại sao lại như vậy?” có lẽ cũng không ít người muốn tìm hiểu.
Trên cơ sở các tài liệu của các nhà kinh tế trong và ngoài nước, chúng tôi biên soạn quyển sách này với mục đích góp thêm một số tài liệu tham khảo cho bạn đọc, nhất là những người đang ở cương vị quản lý các hoạt động của một công ty sản xuất kinh doanh và cho những người đang sắp sửa làm những công việc ấy. Đúng như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX khẳng định “Khoa học công nghệ sẽ có bước tiến nhảy vọt, kinh tế tri thức có vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất”.
Vì trình độ còn hạn chế nên trong quá trình biên soạn, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những khiếm khuyết, rất mong bạn đọc gần xa góp ý và xây dựng để quyển sách được hoàn thiện hơn.
Đặng Nguyên – Thu Hà