“Tìm lại tình yêu” – nghe có vẻ xa xôi nhưng đó lại là câu chuyện có thật ở một quán ăn nhỏ vùng quê mang tên “Ốc sên”. Điều đặc biệt là quán ăn này chỉ có một bàn và không có thực đơn. Bởi cô chủ Rinko sẽ quyết định món ăn cho thực khách sau khi lắng nghe câu chuyện của họ.
Thật kì lạ và quả nhiên kì diệu, những món ăn của Rinko đã trở thành thần dược cho trái tim những vị khách từng ghé qua nơi đây, và cũng là cho chính tâm hồn cô, trên hành trình tìm lại tình yêu tưởng chừng đã đánh mất..
—–
OGAWA ITO
Sinh năm 1973 tại tỉnh Yamagata, Nhật Bản. Bà là tác giả của nhiều tiểu thuyết và một số tác phẩm dành cho thiếu nhi.
“Quán ăn tìm lại tình yêu” là tiểu thuyết best-seller đầu tay của bà, đã được chuyển thể thành phim vào năm 2010.
***
Review “Quán ăn tìm lại tình yêu”: Hành trình tìm lại chính mình
Một ngày, cô gái trẻ độc thân Rinko quyết định khởi nghiệp bằng một quán ăn đầu tiên trong cuộc đời mình.
Ogawa Ito cũng khởi đầu sự nghiệp tiểu thuyết gia bằng cách kể lại hành trình của cô gái trẻ và quán ăn mang tên “Ốc sên” trong tiểu thuyết “Quán ăn tìm lại tình yêu” (Vũ Phương Anh dịch, Wingsbook và NXB Kim Đồng – 2019).
Nếu ẩm thực mang lại hạnh phúc thì “Quán ăn tìm lại tình yêu” là nơi để mỗi con người tìm những điều hạnh phúc mới, để xoa dịu những vết thương cũ. “Quán ăn tìm lại tình yêu” của Ogawa Ito không phải đơn thuần là một “quán ăn” mà là câu chuyện về sự cảm thông và thấu hiểu, là hành trình tìm lại chính mình của một cô gái sau quá nhiều mất mát tổn thương.
Bằng niềm khát khao đã ấp ủ bấy lâu và sự giúp đỡ của mẹ cùng những người quen xung quanh, Rinko đã mở quán ăn nhỏ mang tên “Ốc sên”. Đây là động lực để cô có thể vực dậy tinh thần, bỏ qua những nỗi đau để bắt đầu một cuộc đời mới ở vùng đất mới và là khởi đầu cho những hy vọng mới.
Chắc hẳn bạn sẽ phải ngạc nhiên, bởi vì quán ăn “Ốc sên” chỉ có một bàn ăn duy nhất, chỉ phục vụ một món ăn duy nhất cho một vị khách duy nhất. Mỗi một món ăn mang một màu sắc, mùi vị khác nhau. Mỗi món ăn phù hợp với câu chuyện của riêng từng thực khách và giúp người thưởng thức tìm lại những điều ý nghĩa, những cảm xúc tưởng chừng đã đánh mất. Cũng như Rinko, quán ăn “Ốc sên” đã giúp cô tìm lại bản thân mình, tìm thấy liều thuốc để chữa lành những vết thương.
Độc giả Việt Nam khi đọc sách này hẳn thấy những điều thú vị gần gũi vì không dưới hai lần, tác giả Ogawa Ito nhắc đến Việt Nam giữa hàng loạt những nền văn hóa ẩm thực khác nhau, từ trà sen, bánh đa cho đến chiếc bát men xanh, những chi tiết nhỏ ấy cũng phần nào cho thấy văn hóa Việt Nam đã vươn ra thế giới một cách từ tốn nhưng chắc chắn, hiện diện hài hòa bên cạnh các nền văn hóa khác.
***
Quán ăn tìm lại tình yêu: chỉ ‘dành cho tuổi trưởng thành’!
LAM ĐIỀN Review
Khi nhìn thấy dòng chữ ‘dành cho tuổi trưởng thành’ in ở trang bìa lót quyển Quán ăn tìm lại tình yêu hẳn nhiều người sẽ hình dung đây là một loại chuyện tình kiểu Nhật Bản.
Quán ăn tình yêu do Vũ Phương Anh dịch, là tiểu thuyết đầu tay bán chạy của Ogawa Ito.
Nhưng không hẳn vậy, mạch truyện đột khởi gay cấn ngay từ đầu như một cách tác giả khéo léo dùng để “giữ mắt” bạn đọc. Sau đó, câu chuyện như trôi vào một mạch văn đầy chất thơ, giàu tính nhân văn và thấp thoáng yếu tố tâm linh.
Sách sẽ là món “khoái khẩu” cho những ai yêu thích thiên nhiên hồn hậu, bởi truyện được xây dựng trong một không gian thiên nhiên thuần phác đáng yêu. Ở đó có hoa quả hạt, rau củ; có vườn, đồi, núi và cánh đồng; có những con người giàu tính thiện lương.
Ở đó là quê hương của cô gái Rinko hai mươi lăm tuổi vừa bị một cú sốc nặng đến mức đột ngột bị mất giọng: số tiền lên đến hàng triệu yen Rinko dành dụm mấy năm trời và vật dụng làm bếp, một gia tài đang được hình thành để ươm mầm cho ước mơ mở một quán ăn và trở thành đầu bếp chuyên nghiệp, phút chốc bốc hơi cùng với chàng trai người Ấn phản phúc.
Rinko làm một hành trình chẳng đặng đừng là gom hết tiền lẻ còn trong túi ra đón xe khách quay về nhà mẹ ở quê – nơi mà cô đã bỏ đi chưa một lần quay lại từ năm mười lăm tuổi.
Mười lăm tuổi, do bất đồng với mẹ và do tinh thần nổi loạn của một cô bé mới lớn, Rinko rời nhà lên thành phố sống với bà ngoại. Nhờ vậy mà cô được thừa hưởng những bí kíp nấu ăn từ bà, thừa hưởng cả tinh thần xem việc chế biến món ăn như một “đạo” với niềm tin vị thần ẩm thực sẽ theo giúp những ai có hạnh nguyện đem lại hạnh phúc cho người khác thông qua công việc chế biến món ăn.
Thế rồi bà ngoại mất, Rinko tự lập, sau mười năm cô rơi vào tình trạng trắng tay, mất sạch ngay cả đến giọng nói của mình. Cô quay về, trong cơn cùng quẫn đó, tự dưng ý tưởng về việc mở một quán ăn ngay tại mảnh vườn nhà ở quê – một vùng nông thôn lấn sâu trong núi – hiện ra trước mắt.
Mặc dù ở đúng nơi “khỉ ho cò gáy”, nhưng quán ăn Ốc Sên cực dễ thương của một cô chủ bị mất giọng cùng với thực đơn vô cùng sinh động được chế biến thật khéo léo ý vị đã nhanh chóng lan xa đến nhiều nơi.
Kỳ diệu hơn, chính từ quán ăn Ốc Sên này, những cảm tình quên lãng được tìm thấy lại, những cặp đôi được nên duyên. Nhưng điều kỳ diệu hơn cả là chính mẹ của Rinko đã gặp lại người yêu đầu đời…
Ogawa Ito đã phả đầy chất thơ vào tác phẩm bằng cách đặt trục nội tâm của nhân vật lên một trục khác, là quang cảnh thiên nhiên tuyệt diệu xung quanh.
Cho nên độc giả, trong một lúc nào đó mải say sưa theo dõi mạch truyện, sẽ bất chợt bị đánh động bởi thiên nhiên trong các trang văn. Sẽ choáng ngợp khi hình dung cây nấm tùng với mùi hương cao quý, cà ri lựu từ vườn nhà và món Nukazuke táo hấp dẫn ra sao…
Có thể nói, chính tình yêu ẩm thực và nét đẹp thiên nhiên quê nhà đã nâng nhân vật Rinko lên thành một biểu tượng trong văn Ogawa Ito. Nói về món ăn mà như nhặt lấy từ thiên nhiên ra cái tinh thần vốn được sinh ra để giao hòa với thế giới con người, điều ấy hé lộ bút pháp của một tác giả giàu nội lực nhân văn.
Tiểu thuyết này từng được chuyển thể thành phim năm 2010, nhưng ấn tượng từ trang văn để lại cho người đọc mới thật là sâu sắc ngọt ngào.
Mời các bạn mượn đọc sách Quán Ăn Tìm Lại Tình Yêu của tác giả Ito Ogawa & Vũ Phương Anh (dịch).