Astrid Lindgren (1907-2002), tượng đài văn học của Thụy Điển trong thế kỷ XX, nổi tiếng nhất với các tác phẩm thiếu nhi được yêu thích khắp châu Âu và thế giới. Các tác phẩm của bà được dịch ra 85 thứ tiếng và xuất bản tại hơn 100 quốc gia.
Astrid Lindgren đã tạo nên một nhân vật độc đáo và đáng yêu, nhân vật đã truyền cảm hứng cho nhiều lớp trẻ con muốn trở thành Pippi. Hơn bất cứ điều gì, Pippi biến việc đọc trở thành niềm vui thích, chẳng đứa trẻ nào sẵn sàng đón nhận phần kết câu chuyện và nhiều đứa cứ đọc đi đọc lại Pippi Tất dài. Đơn giản bởi Pippi là điều không thể cưỡng lại.
– Amazon.com –
Pippi Tất dài là tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm nổi tiếng viết cho thiếu nhi của nhà văn Thụy Điển Astrid Lindgren. Câu chuyện kể về cô bé kỳ lạ mặt đầy tàn nhang, chưa bao giờ đi học và khoẻ đến nỗi nhấc được cả một con ngựa này đã được xuất bản tại hơn 90 nước và bảy lần dựng thành phim tại các quốc gia khác nhau. Trở thành một trong những nhân vật kinh điển được yêu quý nhất của văn học thiếu nhi Châu Âu và thế giới.
Người ta thường hỏi Astrid Lindgren, bà đã đến với Pippi Tất dài như thế nào. Bà trả lời rằng: “Năm 1941, Karin, con gái bảy tuổi của tôi, mắc chứng viêm phổi. Mỗi buổi tối khi tôi ngồi bên giường, con bé đều nằn nì: ‘mẹ kể một câu chuyện đi mẹ,’ và rồi một buổi tối nọ, sau khi đã cạn sạch vốn, tôi hỏi lại Karin: ‘Mẹ kể gì bây giờ cho con nhỉ?’ và con bé liền bảo: ‘Kể về bạn Pippi Tất dài!’ Karin đã bật ra cái tên cô bé ngay tại đó, ngay lúc đó. Còn tôi, tôi đã không hỏi Pippi Tất dài là ai, tôi cứ thế bắt đầu câu chuyện, từ một cái tên lạ lùng để rồi trở thành một cô bé cũng thật lạ lùng. Karin, và sau đó là các bạn của con bé, đã trở nên mê tít Pippi, cho nên tôi cứ phải kể đi kể lại câu chuyện đó.”
“Một ngày tháng Ba năm 1944, tôi bị ngã, bị bong gân mắt cá chân. Để giết thời gian trong khi bình phục, tôi bắt đầu ghi lại những câu chuyện về Pippi dưới dạng tốc ký. Hai tháng nữa sẽ là sinh nhật lần thứ mười của Karin, tôi định viết lại truyện Pippi và tặng con gái bản thảo làm quà sinh nhật… Và rồi tôi quyết định gửi câu chuyện tới một nhà xuất bản… Tôi vẫn nhớ mình đã kết lại bức thư gửi kèm như sau: ‘Tôi hy vọng quý nhà xuất bản không thông báo cho Uỷ ban Chăm sóc Trẻ em, bởi tôi cũng có hai đứa con và mẹ nào lại đi viết những cuốn sách như thế chứ!”
Nhà xuất bản đó đã từ chối bản thảo, nhưng hai năm sau, khi một nhà xuất bản khác tổ chức cuộc thi về sách dành cho các bé gái, Lindgren gửi Pippi Tất dài và giành Giải Nhất, cùng một bản hợp đồng.
Mặc dù Pippi Tất dài (nguyên văn tiếng Thụy Điển là Pippi Langstrump) ngay lập tức trở nên nổi tiếng tại Thụy Điển, tác phẩm đã gây ra nhiều tranh cãi. Các nhân vật nữ trong hầu hết truyện thiếu nhi đương thời đều dịu dàng, ngọt ngào và lịch lãm, còn Pippi, tất nhiên chẳng có điểm nào chung trong những nét tính cách ấy. Báo chí đã đặt câu hỏi về mỹ cảm của ban giám khảo khi trao giải cho một cuốn sách như thế. Một vài vị phụ huynh thậm chí còn viết thư cho ban biên tập để phàn nàn về lối ứng xử của Pippi.
Nhưng Pippi đã trở nên nổi tiếng đến mức thu hút cả sự chú ý của các nhà xuất bản nước ngoài. Tại Mỹ Pippi Tất dài được xuất bản lần đầu năm 1950 bởi The Viking Press, là điều khiến tác giả của Pippi bật cười, bởi nhà xuất bản này được đặt tên theo vùng Scandinavi xa xưa! Ở Mỹ, Pippi Tất dài khởi động khá chậm, từ năm 1951, và May Massee, biên tập viên người Mỹ của cuốn sách đã từng viết cho Lindgren rằng: “Không có vẻ gì chứng tỏ Pippi sẽ gặt được thành công vang dội tại đây như đã từng ở Thụy Điển.”
Vậy mà ai biết được rằng sau đó, Pippi sẽ chứng tỏ mình là một trong những nhân vật văn học thiếu nhi có được thành công lâu bền nhất, với ba bộ phim truyện, cũng như được dịch ra hơn năm mươi ngôn ngữ cùng hơn sáu triệu bản được bán riêng tại Mỹ.
Điều gì ở Pippi Tất dài khiến cô bé trở nên nổi tiếng như vậy? Pippi là một nữ nhân vật của văn học thiếu nhi không giống với bất kỳ ai khác. Cô bé sống đúng như điều một đứa trẻ có thể lựa chọn trong thế giới kỳ diệu do chính mình tưởng tượng ra. Chẳng có bố mẹ để ngăn cấm bất cứ điều gì ta thích làm, vì mẹ cô bé là một thiên thần đang trìu mến dõi theo Pippi từ trên thiên đàng, và bố Pippi là ông vua của một hòn đảo ở Biển Nam. Pippi có một vali đầy ắp những đồng tiền vàng và một tủ com-mốt tích trữ cả kho đồ chơi dường như vô tận. Cô bé luôn có thể hạ đo ván người lớn ngay trong những trò chơi của chính họ. Khi cô giáo hỏi: “Em có muốn khi lớn lên sẽ trở thành một quý bà thanh lịch không?” Pippi liền đáp: “Chị muốn nói một bà đeo chàng mạng trước mũi và cằm sệ ba ngấn ấy ạ?”
Dường như để nhấn mạnh một điều, rằng Pippi hiện thân cho tưởng tượng của trẻ thơ về một cuộc sống ao ước, Lindgren thường nói: “Đó chính là thời thơ ấu mà tôi khát khao trở lại… Và nếu mạo muội nhắc tới cảm hứng, tôi phải nói rằng chính ở đó, thời thơ ấu của tôi, là nơi tôi có được nhiều động lực sau này sẽ xuất hiện trong những câu chuyện của mình.”
Astrid Lindgren sinh năm 1907 trong một ngôi nhà cổ màu đỏ, bao quanh bởi những cây táo, trong một trang trại rộng lớn tên là Nas gần thành phố nhỏ Vimmerby, Thụy Điển. Bà kể: “Có một cây táo đặc biệt bên ngoài ngôi nhà của chúng tôi – chúng tôi thường dậy từ sớm và là những người đầu tiên ra ngoài để chén bất cứ quả táo nào rụng xuống từ cái cây trong đêm. Rồi còn có một “cây cú”, là nơi bọn cú làm tổ nhưng trở thành cái cây leo trèo của chúng tôi trong suốt cả ngày. Đó là một cây dại, giống như cái cây của Pippi, nhưng là cây đu chứ không phải cây sồi như trong truyện Pippi. Chúng tôi yêu quý cái cây ấy. Một lần anh tôi đặt quả trứng gà vào tổ cú, và cú ta ấp ra một chú gà con cho anh.” (Về sau, Lindgren để một nhân vật làm chuyện này trong cuốn Bọn trẻ của ngôi làng ầm ĩ). Cái cây của bà vẫn còn đó, dù giờ đây nó đã già cỗi và xác xơ.
Một tiểu sử ngắn ngủi không thể đủ soi sáng cuộc đời phong phú muôn màu của Lindgren. Sau khi học xong trường làng, bà chuyển tới Stockholm kiếm sống bằng nghề thư ký – mỗi cuốn sách của bà đều được viết ra trước tiên dưới dạng tốc ký. Làm vợ rồi làm mẹ của hai đứa con, Lars và Karin, đó cũng là quãng thời gian Lindgren đảm nhiệm công việc phân loại hồ sơ cho chính phủ Thụy Điển sau Thế chiến thứ II. Sau khi xuất bản một vài cuốn sách đầu tiên, bà trở thành độc giả và dịch giả cho nhà xuất bản của mình: Ab Rabén và Sjogren. Trong số nhiều tựa sách khác nhau, bà có công mangHoàng tử bồ câu của Robert McCloskey và Charlotte và Wilbur của E.B. White tới cho độc giả Thụy Điển.
Trở thành nhà văn thiếu nhi là con đường dễ hiểu với Lindgren, nhưng ngoài ra, bà còn là một nhà hoạt động vì sự tiến bộ xã hội ngay trên quê hương mình. Thời thơ ấu điền viên, cuộc sống tự do mà bà được hưởng cùng sợi dây gắn bó với tạo vật đã có ảnh hưởng sâu sắc tới quan điểm chính trị của bà. Năm 1976, bà viết một bài báo về tình trạng thuế má cao, trong đó có kể lại chi tiết câu chuyện một người đàn ông bần cùng vì thuế khoá phải đi ăn xin. Khi chính phủ thất bại trong cuộc bầu cử năm đó, Astrid Lindgren được ghi nhận đã góp phần vào sự sụp đổ ấy và giúp đem lại mức thuế thấp hơn cho người dân Thụy Điển. Có bao nhiêu phần của chính Lindgren trong cô bé Pippi Tất dài? Chúng ta còn nhớ những gì Pippi đã nói: “Người lớn chẳng bao giờ có được chút gì vui vẻ. Họ chỉ có vô khối những công việc tẻ nhạt, những bộ quần áo ngốc nghếch, những bắp ngô và cả đống thuế má của chính phủ.”
Vào dịp sinh nhật lần thứ tám mươi của mình, Astrid Lindgren được Thủ tướng Thụy Điển, Đại sứ Mỹ, Đại sứ Liên Xô tới thăm. Nhưng với bà, điều có ý nghĩa hơn mọi sự tôn vinh, đó là thông tin mà ngài Thủ tướng lúc đó mang tới: Chính phủ sẽ ban hành một đạo luật bảo vệ động vật mới của Thụy Điển, đạo luật được biết đến rộng rãi với cái tên “Lex Lindgren” (Luật của Lindgren). Luật đó viết rằng: “Gà phải được thả khỏi những lồng cũi chật hẹp, bò phải được ra bãi cỏ và lợn nái không bị nhốt lại.”
Chiến dịch này được dấy lên từ một bài báo Lindgren từng viết về một con bò cái phải chạy hơn sáu dặm để tìm bò đực. Sau đó, Lindgren trở thành người cộng tác trong loạt bài về hiện tượng ngược đãi vật nuôi, và sự phản ứng dữ dội của công luận đã khiến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thụy Điển phải nhượng bộ. Như Lindgren từng nói: “Trong cuộc sống có đôi điều người ta không thể mua được bằng tiền, đó là niềm kính ngưỡng sự sống.”
Niềm kính ngưỡng dành cho sự sống, thiên nhiên, thơ ấu và tự do quý giá đã làm nên nền tảng cho các tác phẩm của bà. Bà đã từng nói: “Tôi đâu có viết sách cho thiếu nhi. Tôi viết cho chính đứa trẻ trong tôi. Tôi viết về những gì thân thương đối với tôi: cây cối, nhà cửa, thiên nhiên, chỉ để làm vui lòng chính tôi mà thôi.”
Một lần, khi một người phỏng vấn bà bình luận rằng dường như cô bé Pippi Tất dài có ở khắp mọi nơi, Astrid Lindgren đã đáp lại rằng: “Có thể, cô bé đang đợi ai đó tình cờ bắt gặp và cất bút về mình mà thôi.”
Mời các bạn đón đọc Pippi Tất Dài của tác giả Astrid Lindgren.