Sách “Phương pháp cô lập hợp chất hữu cơ” được biên soạn làm giáo trình cho chương trình cao học của Bộ môn Hoá hữu cơ, Khoa Hoa. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Sách cũng hữu ích cho sinh viên các năm cuối bậc đại học, học viên cao học, nghiên cứu sinh chuyên ngành Hoá học và Sinh học, cũng như các nghiên cứu viên ở các Viện Hoá hoặc Sinh Hoá khi cần cô lập một hợp chất hữu cơ từ cây cỏ, từ một phản ứng hóa học hoặc từ các sinh khối.
Việc sử dụng các kỹ thuật sắc ký khác nhau nhằm cô lập hợp chất hữu cơ là một hoạt động mà tất cả những ai làm việc trong các phòng thí nghiệm hoá cũng như sinh đều phải tiến hành thường xuyên, tuy nhiên ở Việt Nam sách trình bày về các loại kiến thức này vẫn còn rất ít. Sách trình bày phần kiến thức cơ bản và cung cấp những kiến thức chuyên sâu về các phương pháp sắc ký, mỗi vấn đề đều có thêm những hình ảnh rinh hoạ để người đọc dễ hiểu.
Sách gồm có chín chương và một chương phụ lục:
Chương 1: Kỹ thuật chiết tách hợp chất hữu cơ khỏi cây cỏ
Chương 2: Phương pháp nhận danh các loại hợp chất tự nhiên
Chương 3: Phương pháp sắc ký cột
Chương 4: Phương pháp sắc ký lớp mỏng
Chương 5: Phương pháp sắc ký trao đổi ion
Chương 6: Phương pháp sắc ký gel
Chương 7: Phương pháp sắc ký khí (GC)
Chương 8: Phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC)
Chương 9: Điện di
Biên soạn một quyển sách về một lĩnh vực chuyên sâu, hiện đại trong khi ở Việt Nam chưa có nhiều sách về kỹ thuật này nên chúng tôi gặp không ít khó khăn về thuật ngữ. Những thuật ngữ được sử dụng trong sách là theo quyển “Từ điển Kỹ thuật tổng hợp Anh – Việt” của Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, 1991. Với phần lớn các thuật ngữ, chúng tôi cố gắng phiên dịch và đều có ghi lại trong ngoặc đơn nguyên mẫu bằng tiếng Anh, còn một số ít thuật ngữ chúng tôi đành để ở nguyên dạng tiếng Anh.
Các hình ảnh trong bài đều là hình ảnh minh họa.
Đây là lần đầu tiên biên soạn quyển sách này nên chúng tôi sẽ khó tránh khỏi những sai sót, rất mong nhận được những ý kiến đóng góp quý báu để chúng tôi có thể hoàn thiện hơn trong những lần tái bản.
Cuối cùng chúng tôi xin chân thành cám ơn PGS-TS Nguyễn Ngọc Sương, người cô kính yêu. Tấm gương lao động khoa học miệt mài của cô là kim chỉ nam để tôi dõi theo mà tiến tới trong khoa học. Cô luôn cho tôi những lời khuyên quý báu trong cuộc sống cũng như trong công tác giảng dạy; cô đã dành thời giờ đáng lẽ để nghỉ ngơi mà đọc giúp bản thảo, giúp tôi kịp thời chỉnh sửa, hoàn tất.
Xin chân thành cảm ơn.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 05 năm 2007.
TÁC GIẢ Nguyễn Kim Phi Phụng
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com