“Cuộc sống lúc tốt đẹp thì rất dễ để hưởng thụ, nhưng giá trị chân thật của một con người lại được đo đếm theo cách người ta hành động khi gặp phải điều bất hạnh trong đời”.
Trước hôm Hội Trinh Thám tổ chức minigame để thắng cuốn sách mới xuất bản trong loạt sách về Amos Decker, Biển đã bỏ cả ngày tìm hiểu rất kỹ về tác giả David Baldacci, nhờ vậy biết thêm rằng cuốn “Phía sau tội ác” của ông ấy được xuất bản đã rất lâu, giờ trở thành sách cũ hiếm. Với lòng ưa thích nồng nhiệt dành cho truyện của Baldacci, Biển tìm mượn bằng được để đọc. Nhưng sách hay cũng như món ăn ngon, phải dè sẻn, ăn lâu hết để từ từ thấm nhuần cái ngon của nó, nên Biển ngâm cuốn này khá lâu, chờ khi tâm thân không ổn mới lấy ra đọc.
“Phía sau tội ác” mở đầu hấp dẫn với cảnh người tù Rufus Harms sau 25 năm bị giam oan uổng trong nhà tù quân đội Fort Jackson thì đã liên hệ với luật sư của mình là Samuel Rider để lén gửi một lá thư đến Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Tiếc thay, xung quanh Rufus Harms có cả mạng lưới kẻ xấu theo dõi, nên khi Michael Fiske – thư ký ở Tòa án Tối cao – tình cờ đọc được lá thư và lái xe vượt cả quãng đường xa đến nhà tù để gặp trực tiếp Rufus, thì đó cũng là chuyến đi cuối cùng trong đời Michael. Sau cái chết không minh bạch của Michael, bạn của anh là Sara Evans – cũng là thư ký Tòa án – cùng với anh trai của Michael là John Fiske và một số người khác thuộc lực lượng hành pháp tiến hành điều tra. Sara và John sớm phát hiện rằng họ đang bị gây rắc rối nghiêm trọng bởi một số kẻ giấu mặt nguy hiểm, và tình hình càng tồi tệ hơn khi viên luật sư Samuel Rider cùng vợ cũng bị sát hại.
Sau những cuốn Baldacci mà Biển đã đọc thì Biển thấy cốt truyện của ông thường phức tạp, nhiều tình tiết đan xen, không thiếu bước ngoặt bất ngờ. Nói theo kiểu truyện Tàu thì nhân vật chính thường bị “ngược”, bị đẩy vào tình huống oan uổng, bị kết tội phản bội đồng đội, bị truy nã… Và suốt diễn biến truyện thì họ phải vừa tìm cách chứng minh sự trong sạch của bản thân vừa đối phó bọn xấu, có khi còn phải giải cứu cả một tổ chức hoặc một quốc gia khỏi bị tận diệt. Cuốn nào cốt truyện đơn giản (như cuốn True Blue) thì nhịp truyện lại chậm và buồn ngủ. Vừa đọc đến chương II của “Phía sau tội ác” thì Biển thầm nghĩ cuốn này khá giống truyện của John Grisham, vì bối cảnh là Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, nhân vật chính cũng toàn những người làm trong tòa án như chánh án, thẩm phán, luật sư, thư ký cao cấp của thẩm phán… Tuy cũng có nhiều đoạn Biển đọc lướt (nhất là những đoạn hội thoại hơi dài dòng và không hữu ích lắm đối với việc hiểu cốt truyện) nhưng phải công nhận “Phía sau tội ác” không buồn ngủ như một số truyện của John Grisham (xin lỗi người hâm mộ của John Grisham vì Biển nói truyện của ông buồn ngủ). Ý tưởng của truyện có phần mới lạ, lẽ ra sẽ rất bốc nếu Badacci viết ngắn gọn và kịch tính hơn. Tuy vậy, sau khi lược bỏ những đoạn dài dòng không cần thiết, chỉ tập trung vào cốt truyện thì Biển phải tấm tắc thừa nhận rằng đây là một cuốn trinh thám hay, đáng đọc.
Nói đến trinh thám pháp lý thì người đọc sẽ lập tức nghĩ truyện có những cảnh cãi nhau trên tòa. “Phía sau tội ác” không có nhiều cảnh cãi nhau trên tòa nhưng vì hầu hết nhân vật làm việc trong ngành luật nên truyện nêu nhiều vấn đề liên quan đến luật pháp Hoa Kỳ. Biển nghĩ thông điệp mà tác giả David Baldacci muốn gửi gắm trong truyện là con người phải biết dùng luật pháp để đối xử công bằng và nhân văn đối với đồng loại, chứ không phải áp dụng luật khắc khe, cứng nhắc để dồn ép hãm hại người khác hoặc khư khư giữ cách làm sai trái của riêng mình. Truyện cũng đưa vào vấn đề phân biệt chủng tộc – màu da, tình thân và xung đột giữa các thành viên trong gia đình, những sự lựa chọn khó khăn để sống đúng với lương tâm của mình…
“Phía sau tội ác” không phải một cuốn trinh thám mì ăn liền để đọc giải trí nhẹ nhàng mà phải đọc chậm rãi, nhớ kỹ tên + mối quan hệ giữa các nhân vật để đọc không bị loạn hoặc nhầm. Phần dịch thuật tốt, trình bày còn thô sơ nhưng rõ ràng dễ đọc.
David Baldacci sinh ra và lớn lên tại Richmond, Virginia. Ông là người gốc Ý. Sau khi tốt nghiệp trường trung học Henrico, ông nhận bằng cử nhân Đại học Virginia Common Wealth và bằng luật của Đại học Virginia, sau đó ông hành nghề luật chín năm ở Washington, DC.
Baldacci bắt đầu viết những câu chuyện khi còn là một đứa trẻ, ông sử dụng máy tính xách tay mà mẹ mua cho mình để ghi lại chúng. Ông đã viết hơn hai thập kỷ, chấp bút viết truyện ngắn và kịch bản phim nhưng không thành công lắm. Trong khi hành nghề luật sư, ông đã chuyển sang viết tiểu thuyết, tốn ba năm để viết Absolute Power, được xuất bản năm 1996, và đó là một cuốn bán chạy nhất lúc đó. Ông đã viết 25 cuốn tiểu thuyết best seller cho người lớn cũng như ba cuốn tiểu thuyết cho trẻ em.
Baldacci và vợ ông, Michelle, là người đồng sáng lập của Wish You Well Foundation, trong đó hoạt động để chống nạn mù chữ ở Hoa Kỳ. Baldacci cũng đã tham gia National Multiple Sclerosis Society sau khi em gái của mình, tác giả Sharon Baldacci, được chẩn đoán mắc MS. [MS viết tắt của MULTIPLE SCLEROSIS: bệnh xơ cứng rải rác]
Baldacci cư trú ở Vienna, Virginia với vợ và hai đứa con của họ.
Tiểu thuyết của Baldacci đã được dịch ra hơn 45 thứ tiếng và bán ở hơn 80 quốc gia. Hơn 110 triệu bản của cuốn sách của ông được in trên toàn thế giới.
Tác phẩm:
Ở nhà tù này, cửa sắt thường dày tới hàng insơ(Đơn vị đo chiều dài Anh, bằng 2,54 cm – N.D).
Khi mới ra lò ở nhà máy, chúng càng nhẵn nhụi bao nhiêu thì bây giờ càng mang trên mình nhiều những vết lõm ngang dọc bấy nhiêu. Dấu vết va đập của mặt người, của đầu gối, cùi tay, răng cùng những vệt máu khô in hằn khắp trên những bề mặt màu xám. Chúng giống như một hệ thống chữ tượng hình riêng của nhà tù, thể hiện nỗi đau đớn, sự sợ hãi và cái chết, tồn tại vĩnh cửu nơi đây, ít nhất cho tới khi những tấm sắt mới được mang tới thay thế. Mỗi cánh cửa đều có một ô vuông mở ra ngang tầm mắt. Trong những ca trực của mình, lính canh tù thường ghé mắt qua cái khoảng trống bé xíu đó rồi rọi đèn sáng chói vào những con vật hình người bên trong. Chẳng hề báo trước, những thanh dùi cui bất cứ lúc nào cũng có thể thình lình nện mạnh, kèm theo không bao giờ thiếu tiếng lách cách của súng lục. Giỏi chịu đựng là những tù nhân già đời, những kẻ dù có chú ý lắng nghe nhưng vẫn tiếp tục giả tảng nhìn xuống nền nhà, trông như đang trầm tư suy ngẫm chẳng về bất cứ điều gì bằng một thái độ bất chấp đầy tế nhị. Lũ “lính mới” vẫn luôn căng thẳng mỗi khi tiếng động hoặc ánh sáng đột ngột ập tới, một số kẻ còn són nước tiểu xuống chiếc quần cotton và đứng đó nhìn dòng nước chầm chậm thấm tới đôi giày bè bè màu đen bên dưới. Nhưng rồi tất cả đều sẽ qua, tất cả đều phải dần quen với tiếng sập mạnh của những ô cửa đáng nguyền rủa, tất cả đều học được cách kìm nén những giọt nước mắt trẻ con cùng những cơn đau quặn ở bụng. Nếu như còn muốn sống sót.
Khi đêm xuống, bóng tối bao trùm khắp các xà lim, không quên tạo nên những hình thù kỳ quặc nhảy nhót trên các bức tường. Đêm nay đang có một cơn bão với sấm sét kèm theo mưa lớn trong vùng. Qua những ô cửa sổ nhỏ làm bằng kính plêxi, mỗi tia chớp chói sáng nhào xuống từ bầu trời lại rạch vỡ màn đêm trong xà lim thành muôn vàn mảnh sáng. Đi cùng với mỗi tiếng sấm, trên những bức tường đối diện lại loé lên hình ảnh phản chiếu của mạng dây kim loại nhằng nhịt hình tổ ong giăng kín phía ngoài tất cả các ô cửasổ.
Trong cái ánh sáng chập chờn ấy, khuôn mặt một người đàn ông nổi lên trên nền tối như một mũi thuyền đột ngột rẽ đôi bề mặt nước. Không giống tù nhân trong các xà lim khác, anh luôn ngồi một mình, suy ngẫm một mình và không nhìn đến một ai. Các tù nhân khác khiếp sợ anh. Cả lính gác ngục cũng vậy, cho dù họ được trang bị vũ khí tận răng, vì anh là một con người có vẻ ngoài đầy hăm doạ. Khi anh đi qua những tù nhân hung đữ và chai cứng lì lợm nhất, tất cả đều phải nhanh chóng cụp mắt nhìn đi nơi khác.
Tên anh là Rufus Harms, nổi danh ở nhà tù quân đội Fort Jackson này như một kẻ huỷ diệt, sẵn sàng nghiền nát bất cứ kẻ nào tấn công mình. Harms không bao giờ tấn công trước, nhưng luôn luôn là người kết thúc. Hai mươi lăm năm giam cầm trong tù để lại nhiều dấu ấn trên cơ thể anh. Giống như những vòng tuổi trên thân cây, những vết cào rách trên da, những chỗ gãy xương còn chưa lành hẳn như một cuốn niên giám minh chứng cho thời gian bị cầm tù của Harms nơi đây. Nhưng những tổn thương tồi tệ hơn thế lại chính là những ký ức, suy nghĩ, tình yêu, lòng hận thù, nỗi sợ hãi nằm sâu trong tâm trí. Tất cả đều nhơ nhuốc và thù địch với anh. Mạnh hơn tất cả, ký ức chính là khối u nhọt đau đớn nhất ngày đêm thúc vào từng thớ thịt trong Harms.
Mặc dù vậy, đôi cánh tay dài đầy sẹo cùng đôi vai đồ sộ trong cái thân hình to lớn của Harms vẫn chứng tỏ sự tồn tại thực sự của một sức mạnh vững chắc. Ngay chỗ thắt lưng to lớn cũng đã đủ hứa hẹn một năng lượng khác thường trong anh. Harms vẫn như một cây sồi đứng nghiêng một phía, vươn lên mạnh mẽ với những rễ cây mọc chồi lên khỏi mặt đất, bất chấp nhiều cành lá bên trên đã hoặc đang chết. Con người anh là tổng hợp của những đặc tính trái nghịch nhau: một người đàn ông lịch thiệp, biết tôn trọng người khác, biết trung thành với Chúa và một kẻ giết người nhẫn tâm. Cũng vì thế mà lính gác ngục cùng đám tù nhân không dám dính vào Harms và anh vẫn từng bằng lòng với điều đó. Cho tới ngày hôm nay ! Anh trai anh đã mang tới một điều gì đó cho anh. Một gói vàng, một làn sóng hy vọng. Một con đường thoát khỏi nơi này.
Một luồng ánh sáng loé lên làm lộ ra cặp mắt đỏ ngầu như đang chảy máu nhưng cũng không che giấu nổi những giọt nước mắt đang chảy dài trên khuôn mặt nặng trĩu và u ám của anh. Harms vuốt phẳng mảnh giấy khi bóng tối bao trùm trở lại, cố gắng không gây ra tiếng động nào vì những tiếng sột soạt sẽ chẳng khác gì lời mời chào lính gác ngục tới dò la tìm kiếm. Trời đã tối được vài giờ. Harms không thể đảo ngược được điều đó nhưng anh cũng đã kịp vừa đọc hết bức thư vừa nuốt lấy từng âm tiết. Mỗi từ ngữ như một cơn ớn lạnh cắt vào da thịt khiến anh phải rùng mình. Huy hiệu của Quân đội Hoa Kỳ in đậm nét ngay góc trên của tờ giấy. Harms quá quen với biểu tượng này vì đó là người chủ, người cai quản trại tù đối với anh đã gần ba mươi năm nay.
Mời các bạn đón đọc Phía Sau Tội Ác của tác giả David Baldacci.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn