LỜI NHÀ XUẤT BẢN
Dệt may là một ngành công nghiệp quan trọng trong thời kỳ đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Với những lợi thế riêng biệt như vốn đầu tư không lớn, thời gian thu hồi vốn nhanh, thu hút nhiều lao động, có điều kiện mở rộng thị trường trong và ngoài nước, có sự tham gia tổ chức sản xuất của nhiều thành phần kinh tế khác nhau, ngành dệt may Việt Nam hiện đang được xem là ngành sản xuất mũi nhọn và phát triển khá hiệu quả. Đây là ngành cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho xã hội, giải quyết việc làm cho một lực lượng lớn lao động, đồng thời đã mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn từ xuất khẩu và đóng góp một nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Trong những năm qua, ngành dệt may thường xuyên sử dụng khoảng 24% lao động trong khu vực công nghiệp (khoảng 2 triệu lao động trực tiếp), đóng góp tới 31% GDP của công nghiệp chế biến và 14,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (đứng thứ hai chỉ sau xuất khẩu dầu thô), thu về nguồn ngoại tệ lớn, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Trong xu thế hội nhập, ngành dệt may trên thế giới đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia nhằm chiếm lĩnh thị trường, đặt ra thách thức to lớn đối với ngành dệt may Việt Nam. Hơn nữa, trong cơ cấu phát triển của ngành dệt may cũng đang tồn tại nhiều bất cập như: phần lớn vốn và lao động tập trung vào công đoạn may, chủ yếu là may gia công, trong khi các công đoạn khác như kéo sợi, dệt, nhuộm,… ở trong tình trạng manh mún, lạc hậu; phần lớn nguyên liệu dệt may Việt Nam phải nhập khẩu…. Sự mất cân đối giữa khả năng sản xuất nguyên liệu đầu vào yếu kém và tốc độ phát triển nhanh, mạnh của ngành may mặc đã khiến cho công nghiệp dệt may Việt Nam trở nên phụ thuộc và dễ bị tổn thương bởi những biến động của thị trường thế giới, sức cạnh tranh yếu, giá thành cao vì phụ thuộc quá nhiều nguyên phụ liệu nhập khẩu.
Nhằm cung cấp cho bạn đọc một số kiến thức cơ bản về sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ dệt may ở một số quốc gia trên thế giới, thực trạng của công nghiệp hỗ trợ dệt may Việt Nam và những chính sách, định hướng chung của Nhà nước cho ngành công nghiệp dệt may, quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ dệt may. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật giới thiệu cuốn sách Phát triển công nghiệp hỗ trợ dệt may của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế của TS. Nguyễn Dung Huệ. Nội dung cuốn sách gồm ba chương:
– Chương 1: Cơ sở lý luận về phát triển công nghiệp hỗ trợ dệt may.
– Chương II: Thực trạng công nghiệp hỗ trợ dệt may của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
– Chương III: Một số giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ dệt may của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Xin giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.
Tháng 1 năm 2013
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA – SỰ THẬT