Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay Cách mạng công nghiệp 4.0 được Giáo sư Klaus Schwab, sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới, đưa ra lần đầu tiên tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2016 tại Davos, Thụy Sĩ, gắn với những thay đổi về tốc độ, phạm vi và ảnh hưởng của các công nghệ mới so với Cách mạng số hóa từ những năm 1960. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra những giá trị chưa từng có tác động đến sự phát triển của lực lượng sản xuất, tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội thế giới, song cũng gây ra không ít hệ lụy, tác động xấu đối với con người và xã hội. Vì thế, cần làm gì để tận dụng những giá trị mà Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, đồng thời có những giải pháp để giải quyết hay hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho các nhà nước trên thế giới hiện nay. Trong bối cảnh đó, pháp luật đóng vai trò then chốt bằng việc tạo ra hành lang pháp lý cho các quan hệ xã hội mới phát sinh, giải quyết các vấn đề mới đặt ra trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ở Việt Nam, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là vấn đề mới được nghiên cứu trong giới học thuật và nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước, trở thành một vấn đề được ghi nhận trong chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần nhắc đến “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” vừa là cơ hội, thách thức, yêu cầu thúc đẩy, đổi mới, vừa là quan điểm phát triển, đặc biệt nhấn mạnh: “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư,… Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; hoàn thiện hệ thống pháp luật… khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước.
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Pháp luật trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tiếp cận và cập nhật những vấn đề lý luận và thực tiễn thời sự về pháp luật trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là công trình chuyên khảo nghiên cứu một cách có hệ thống những vấn đề lý luận cơ bản, kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn chính sách, pháp luật của Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trên cơ sở đó đề xuất, khuyến nghị các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật đáp ứng các yêu cầu mới đặt ra. Cuốn sách xuất bản ở thời điểm này đã bắt nhịp với vấn đề tiêu điểm của thời đại và được xem là một trong những công trình đầu tiên ở nước ta đề cập riêng đến chủ đề này. Vì vậy, cuốn sách không chỉ là tài liệu tham khảo cần thiết cho các nhà hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, các nhà nghiên cứu, sinh viên, học viên chuyên ngành luật tại các cơ sở đào tạo luật, mà còn dành cho các cán bộ thực tiễn và bất kỳ ai quan tâm đến lĩnh vực này.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc
Tháng 9 năm 2021
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com