Phân loại học thực vật (hay Hệ thống học thực vật) là một phần của Thực vật học, chuyên nghiên cứu việc sắp xếp các thực vật giống nhau thành từng nhóm theo một trật tự tự nhiên, gọi là hệ thống.
Như vậy, đối tượng của Phân loại học thực vật là giới Thực vật vô cùng đa dạng, bao gồm các cá thể và các quần thể khác nhau. Còn nhiệm vụ của Phân loại học thực vật là phân loại và sắp xếp chúng theo một hệ thống tiến hóa tự nhiên.
Loài người ngay từ khi mới xuất hiện, trong lúc tiếp xúc với thiên nhiên, tìm hoa quả hoang dại, đào rễ, củ để ăn… đã phải tìm cách phân biệt các cây cối với nhau. Dần dần, sau này con người còn biết sử dụng cây để làm nhà cửa, đồ đạc, dụng cụ,… thì sự hiểu biết về thực vật cũng đuợc mở rộng thêm. Khi nghề nông phát triển, số lượng cây được biết đến ngày càng nhiều lên. Một yêu cầu thực tế đặt ra là phải phân loại chúng để sử dụng.
Đó là mầm mống ra đời của môn Phân loại học thực vật mà nhiệm vụ lúc đầu là tìm cách sắp xếp các thực vật thành từng loại, từng nhóm. Về sau, cùng với sự phát triển của học thuyết Darwin, Phân loại học thực vật còn có thêm một nhiệm vụ to lớn hơn : sắp xếp các thực vật theo một trật tự tự nhiên từ thấp đến cao, gọi là hệ thống tiến hóa, hệ thống ấy phải phản ánh được quá trình tiến hóa của giới Thực vật.
Việc phân loại các cây cối, làm sáng tỏ mối quan hệ thân thuộc giữa chúng, không những có tầm quan trọng về mặt lý thuyết mà còn có ý nghĩa thực tiễn rất lớn, góp phần vào việc cải tạo, sử dụng những cây có lợi, hạn chế và kiểm soát các cây có hại. Phân loại học thực vật là cơ sở chủ yếu của các nghiên cứu về thực vật (Sinh thái, Tài nguyên, Di truyền chọn giống, Sinh lý, Sinh hóa…). Nhờ có Phân loại học, chúng ta hiểu được tính đa dạng của sự sống, nghĩa là sự khác biệt giữa các sinh vật được xuất hiện do kết quả của sự tiến hóa thích nghi. Phân loại học vì vậy là một nhánh của Sinh học, hơn thế nữa, là một trong những lĩnh vực cơ sở của Sinh học. “Đó là một trong những nhánh quan trọng và có ích lợi nhất của khoa học Sinh vật. Không có một môn học nào khác có thể dạy chúng ta nhiều hơn thế về thế giới mà chúng ta đang sống” (E.Mayr).
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com