Đây là quyển sách đầu tiên mà tôi đọc của Shin Kyung Sook, mặc dù lúc đó cô đã rất nổi tiếng tại Việt Nam qua quyển “Hãy chăm sóc mẹ”. Nhưng điều khiến tôi chọn quyển sách này, trong vô số quyển sách có tại nhà sách Phương Nam gần ngôi chợ Đà Lạt lúc đó, không hề dính dáng gì đến sự nổi tiếng của Shin Kyung Sook.
Tôi chọn sách này mang theo trong hành trình bất chợt của mình vì lời văn ở những trang đầu tiên quá đẹp, quá đỗi khiến người ta rung động đến độ không thể bỏ qua. Và càng đọc, tôi càng tự hỏi, vì sao quyển sách có thể sánh với Rừng Nauy thế này dường như lại ít được giới thiệu. Hay vì nó được giới thiệu ở đâu đó mà tôi không hề hay biết? Có thể là vậy chăng?
Là quyển tiểu thuyết thứ 7 của Shin Kuyng Sook – “Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi” chọn một chủ đề tương tự như Rừng Na Uy của Haruki Murakami, chỉ khác bối cảnh của nó diễn ra ở Hàn Quốc, những năm 80. Và một lần nữa, người ta trông thấy nỗi buồn, sự hoang mang đan xen niềm tin yêu, khát vọng, ngây thơ của tuổi trẻ. Tất cả được thể hiện một cách vẹn toàn và rực rỡ qua giọng kể mang đậm tính hướng nội của nhân vật tôi trong truyện.
Câu chuyện của “Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi” bắt đầu một cách nhẹ nhàng, như một viên sỏi nhỏ ném xuống mặt hồ phẳng lặng, một cú điện thoại từ nơi nào gọi đến cho nhân vật “tôi”. Cú điện thoại bắt nguồn từ anh, một người tám năm không gặp, để báo cho cô biết người thầy mà họ từng thân thiết thời sinh viên giờ sắp qua đời.
Cú điện thoại gợi lại cho nhân vật tôi những gì đã chìm sâu dưới mặt hồ. Rồi mỗi lúc kí ức mỗi về tràn về một cách chân thực. Để rồi người đọc đắm chìm trong những kỉ niệm sâu sắc của nhân vật tôi: “Vào lúc đó, ở nơi đó, nếu không gặp được họ, tôi làm cách nào trải qua những ngày tháng ấy đây?”
Tôi, người kể nên câu chuyện của mình là một cô gái cô phần nào cô độc, mang trong mình nỗi day dứt vì không được sống cùng người mẹ đang bệnh nặng của mình. Cô đến thành phố, ở nhà chị họ, học một trường nghệ thuật, ở trong một căn phòng tự tay dán kín cửa sổ.
Ở đó, cô gặp anh, con người chín chắn, ấm áp và trông thấy cô giữa trăm ngàn người, thấy vẻ đẹp bên trong ẩn sâu sự chật vật của cô.
Ở ngôi trường nghệ thuật đó, cô gái nhỏ gặp người thầy gầy gò mà hiền từ, người đã đặt ra câu hỏi cho vô số sinh viên hay cho chính mình: trong thời đại này thì nghệ thuật có thể làm gì?
Cũng tại nơi đó, trong thời thanh xuân cô gặp cô gái xinh đẹp ấy, cô gái luôn tự giấu đi đôi tay bị thiêu cháy.
Và thanh xuân của cô, có một cậu bạn thầm thích cô, cậu bạn trong quân ngũ viết cho cô những bức thư đầy nhiệt huyết tuổi trẻ. Cuối cùng, sự ra đi của cậu không lời giải thích.
Cùng nhau trải qua thanh xuân trong niềm dự cảm “sẽ không có ngày nào diễn ra hai lần”, trong những ngày xã hội hoang mang, đầy những cuộc biểu tình và biến động.
Họ chỉ cùng nhau ăn cơm, đi bụi, lắng nghe nhau và kể chuyện, trong lúc lòng mỗi người đều âm ỉ sóng ngầm.
Họ đã tìm thấy nhau. Rồi đánh mất nhau. Như bao câu chuyện đời thường khác. Mà sự tìm thấy và đánh mất đó mang ý nghĩa đích thực của cuộc đời.
Shin Kyung Sook đã chinh phục người đọc qua giọng văn như rút ruột của mình, tuy nhiên trong quyển tiểu thuyết này, khả năng viết và kiến tạo câu chuyện của cô đã vượt qua được lối “tự sự cá nhân”, phát triển thành một thế giới riêng hoàn chỉnh, trở thành một câu chuyện của chính nó, chứ không còn là một câu chuyện của tác giả.
Sự đánh mất và tìm thấy của câu chuyện mang ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Như người ta cô độc để mạnh mẽ, đánh mất để tìm thấy, đó là những điều mà người ta phải dùng thanh xuân của mình để trải qua.
Những trích đoạn hay trong tác phẩm:
Thuộc tính của ký ức chính là chỉ nhớ thứ mình muốn nhớ. Hình ảnh mà ký ức gợi lại xen lẫn trong cuộc sống của chúng ta, bởi vậy đừng bao giờ tin ký ức của ta hay của ai đó là chuyện thực đã xảy ra. Nếu có người khăng khăng nhấn mạnh rằng Tôi đã nhìn thấy tận mắt, thì ta biết trong lời nói ấy trộn lẫn cả niềm hy vọng của chính người đó, và trái tim anh ta cất giấu mong muốn coi đó là sự thật.
…
Tôi từng cho rằng việc hiểu rõ về nhau và cùng nắm giữ một bí mật nào đó, sẽ làm cho mối quan hệ thêm gắn bó. Tôi cũng từng vì muốn làm thân với một người mà thổ lộ cả những bí mật không thể nói.Để rồi đến ngày hôm sau, chứng kiến cái bí mật quý giá mà mình vốn chỉ cất giữ trong tim ấy bỗng chốc được truyền từ miệng người này sang miệng người khác, tôi đã thấy vô cùng mất mát.Tôi đã nghĩ rằng, biết đâu việc thổ lộ tấm lòng với một ai đó, không làm chúng ta trở nên thân thiết hơn, mà chỉ khiến bản thân khó xử.Biết đâu để trở nên gần gũi với một ai đó, ngược lại chỉ cần cùng đồng cảm trong yên lặng mà thôi.
…
Tôi nghĩ rằng: Thời khắc đau khổ nhất của con người là khi không có ai để nghĩ tới.
…
Giá như có ai hứa với mình thì tốt biết mấy. Rằng không có việc gì là vô nghĩa. Giá như có điều gì đó như là lời hứa để tin thì tốt biết mấy. Rằng sau quãng thời gian khủng khiếp, bất an, cô độc vì bị ruồng bỏ, sẽ có sự thay đổi nào đó…
Shin Kyung-sook sinh năm 1963 trong một gia đình nghèo sống tại một ngôi làng nhỏ ở miền Nam Hàn Quốc. Không có điều kiện vào trường trung học, mười sáu tuổi cô lên Seoul lao động kiếm sống. Shin Kyung-sook khởi nghiệp viết văn năm 1985 và sớm gặt hái thành công. Các tác phẩm của cô luôn có lượng độc giả lớn và nhận được nhiều giải thưởng văn học trong nước cũng như trong khu vực. Với Hãy chăm sóc mẹ Shin Kyung-sook trở thành nhà văn châu Á nổi bật nhất năm 2009.
Tác phẩm:
Anh. Đến. Đó. Nhé?
Đến tám năm rồi anh mới gọi điện thoại cho tôi.
Tôi nhận ra ngay giọng anh. Tiếng “Alô” ở đầu dây bên kia vừa dứt, tôi liền hỏi: Anh đang ở đâu? Và anh lặng thinh. Tám năm, một quãng thời gian dài. Nếu lấy một giờ đồng hồ làm đơn vị rồi gỡ quãng thời gian ấy ra, có lẽ sẽ được một con số khổng lồ nằm ngoài tưởng tượng. Nói là tám năm, nhưng tám năm trước, chúng tôi đã từng gặp gỡ, từng nhìn về những hướng khác nhau, từng nhẹ nhàng nắm tay, rồi buông tay, vì điều gì chẳng còn nhớ nữa. Tất cả là vậy.
Tôi không còn nhớ đấy là đâu. Chỉ nhớ vào một đêm mùa hè, đã quá nửa đêm, trước một cầu thang dốc đứng nơi ngõ ngách sâu hoắm nào đó trong thành phố này. Tôi đã tiến đến và nắm lấy tay anh. Ngay gần đó là một cửa hàng hoa quả, hương mận thoảng đến rồi thoảng đi trong bầu không khí hầm hập đặc quánh. Tôi nắm tay anh rồi buông tay thay cho lời từ biệt. Còn anh không biết lúc đó đang suy nghĩ gì. Những điều tôi muốn nói với anh đọng lại trong lòng như những hạt ngọc trai. Tôi chẳng thể nói được câu Anh đi nhé, hay Hẹn gặp lại. Có lẽ cũng như khi xâu vòng bị đứt, các hạt trên sợi dây trong thoáng chốc sẽ rơi lách tách xuống sàn, nếu trót lỡ lời một câu thôi thì những lời nói lỗi thời sau đó cũng sẽ tuôn ra ào ào chẳng thể nào níu giữ. Chúng tôi đã cùng giữ chặt lấy khoảng thời gian sâu nặng có cùng nhau, nên nếu mọi thứ vỡ òa sẽ chẳng thể nào kiềm chế nổi tình cảm, vì vậy dù nội tâm đang vô cùng phức tạp nhưng ngoài mặt tôi vẫn cố ngụy trang bằng vẻ điềm nhiên lạnh nhạt. Chúng tôi không muốn xáo tung những ngày cùng kiếm tìm nhau, cùng dựa vào nhau theo cái cách như thế.
Dù là tám năm trước hay bây giờ, thời gian đều công bằng với tất cả. Giây phút tôi lạnh lùng hỏi anh – người mà tám năm rồi mới gọi điện thoại cho tôi, Anh đang ở đâu, tôi mới nhận ra, những điều chưa thể nói với anh đã chẳng còn đọng lại trong tôi nữa. Tôi chẳng cần phải giả bộ rằng mình sống rất tốt để giấu đi cảm xúc mãnh liệt trong lòng. Anh đang ở đâu? Tôi thực sự đã hỏi anh đầy lạnh lùng như vậy. Những câu nói đã từng khiến tôi đi lang thang vô định – ôm trong lòng nỗi nghi hoặc và đau buồn đà đi đâu cả rồi? Cả những đắng cay ấy nữa?
Tôi đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ.
Trong khi sự im lặng lặng lẽ trôi giữa hai chúng tôi thì ở bên bậu cửa, ánh nắng của buổi sáng mùa đông đã tràn vào. Dự báo thời tiết đêm qua nói rằng hôm nay có tuyết rơi nhưng chẳng có vẻ gì là tuyết sẽ rơi cả. Chỉ là một sớm tinh mơ khi những tia nắng ban mai vẫn còn đọng lại. Nếu không phải người trong gia đình hay bạn bè rất thân thiết, hẳn sẽ ngần ngại với những cuộc điện thoại trong khoảng thời gian này. Gọi điện thoại vào lúc này thường vì có việc gấp, hay để báo tin tức gì đó chẳng lành.
– Giáo sư Yun đang ở bệnh viện.
– …
– Anh nghĩ phải báo tin này cho em.
Tôi nắm chặt lấy ống nghe bằng cả hai tay. Tôi quên mất điều định nói, chớp mắt, thu lại ánh nhìn đang hướng về phía khung cửa. Anh nghĩ phải báo tin này cho em. Lời nói của anh như bông tuyết bay là là trước mắt tôi. Tôi nghiền ngẫm giọng nói của anh như thể muốn giữ chặt lấy lời nói ấy, khe khẽ nhấc mí mắt nặng nề. Thật khó tin, nhưng những bóng tuyết thật sự đang phản chiếu trên rèm chóp cửa sổ,
– Hình như giáo sư nhập viện đã được ba tháng rồi.
– …
– Có lẽ phải chuẩn bị dần đi thôi.
Giáo sư nhập viện đã được ba tháng rồi ư? Tôi vô thức bật ra một tiếng thở dài. Trong giây lát, cảm giác oán trách giáo sư Yun chợt dâng lên rồi lại lắng xuống. Lần cuối tôi gặp giáo sư Yun là ba năm trước. Giáo sư Yun, cũng giống như mẹ tôi, bệnh tình càng nặng lại càng muốn được ở một mình. Ông không hề vui khi có người đến thăm. Chẳng biết tự khi nào, giáo sư Yun đã trở thành một thực thể cô độc nằm trong căn phòng mà chỉ có thể bước vào sau khi đi qua rất nhiều cánh cửa đóng chặt. Ngay cả trước cái chết, ông vẫn nghiêm khắc và thực lòng muốn ở một mình.
Ba năm trước, vào một buổi sáng đầu năm mới tôi đã ra ngoài định đến tìm giáo sư Yun nhưng rồi giữa đường lại thôi, từ đó về sau cũng chẳng nghĩ đến chuyện gặp ông thêm lần nào nữa. Buổi sáng mùa đông bắt đầu năm mới ấy, tôi đã nghĩ dù sao cũng phải đến chúc Tết giáo sư Yun. Tôi biết rằng giáo sư Yun vì khó thở nên chẳng thể ngồi được lâu, nhưng tôi cũng chỉ cần đến nhìn ông chút thôi là đủ. Sáng hôm ấy trời âm u, tuyết rơi dày đặc. Tôi lái xe rất tệ. Nếu có xảy ra đôi co gì về vấn đề xe cộ thì không phải bàn cãi, đó chắc chắn là lỗi của tôi. Những bông tuyết lớn mau chóng biến thành các tảng tuyết, rồi gió Bắc thổi đến. Qua đỉnh núi này là đến căn nhà nơi giáo sư Yun ở một mình, nhưng chiếc ô tô chạy chênh vênh nguy hiểm trên con đường tuyết lại mắc kẹt trong một hố tuyết. Tôi không làm sao được, đành cứ để mặc xe ở đó, cuốc bộ trong cơn bão tuyết. Má tôi tưởng vỡ ra vì lạnh, gấu quần đông cứng như những trụ băng. Bước đi một lúc rồi ngoái lại nhìn, chỉ thấy tuyết phủ mờ cả vạt núi. Mỗi khi cơn gió xoáy nổi lên, những đụn tuyết chất đầy trên sườn núi lại bay trắng xóa khoảng không, cuốn xuống thung lũng. Bông tuyết lúc này trở nên xám đục. Tuyết càng lúc càng rơi dữ hơn, ngôi nhà của giáo sư Yun vẫn ở xa mờ mịt. Tiến lên nào, tiến lên nào, cho dù tôi có tự nhủ thì việc phải một mình đơn độc bước đi trên con đường tuyết vẫn càng lúc càng trở nén đáng sợ. Mỗi khi nghe thấy âm thanh của những cành thông bị tuyết đè gãy, lòng tôi bỗng dưng lại chung hẳn xuống. Chứng kiến đám cây cối lớn đang khô héo trong rừng không thể nào chiến thắng được sức nặng của tuyết, cuối cùng rầm một tiếng đổ gục, tôi vội quay người lại, cảm giác như chính mình vừa bị đánh ngã.
Mời các bạn đón đọc Ở Đâu Đó Có Điện Thoại Gọi Tôi của tác giả Shin Kyung-Sook.