Niềm Say Mê Ban Đầu

Niềm Say Mê Ban Đầu

Tác giả:
Thể Loại: Thơ Ca
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com
PDFĐỌC ONLINE

Có nhiều khi, người làm thơ ngồi lặng yên trước trang giấy trắng hàng giờ liền mà chưa viết được một dòng nào, hoặc viết rồi lại gạch xóa, lại bỏ đi bởi câu chữ mình viết ra nhạt thếch, vô hồn. Có phải anh không có ý tưởng, cảm xúc? Cũng chưa hẳn là thế. Bởi đã ngồi vào bàn viết, trong anh phải có điều hối thúc. Anh vừa mới đi thực tế ở xa về, trong đầu anh vừa nảy sinh những ý nghĩ bất chợt? Anh muốn viết, muốn nói với mọi người những gì anh nghĩ, ảnh cảm? Với tâm hồn nhạy cảm, từ góc độ của người viết, có nhiều điều anh muốn tâm sự, bày tỏ, anh như nguồn suối dòng sông đầy nước, muốn trào lên những đợt thác xối sóng duềnh. Ngồi vào bàn viết với niềm say mê, tâm huyết vốn có, anh luôn có ý thức nghiêm túc về nghề. Ấy thế mà, đầu óc cứ mông lung, lan man như một vòm trời âm u đang đợi tiếng sấm rền hay vệt chớp…

Có những khoảng lặng như thế trong chặng đường dài của người làm thơ. Không phải lúc nào, thời điểm nào anh cũng viết được. Khoảng lặng yên trước trang giấy có khi kéo dài từ ngày nọ sang ngày kia, tháng này sang tháng khác, nó giúp cho người viết biết được cái nghề cầm bút khắc nghiệt cực nhọc đến chừng nào. Tất nhiên cũng có nhiều người đã ngồi vào bàn viết là viết được, viết đều đều như bèo trôi, nước chảy. Trường hợp này thường ít xảy ra hoặc chỉ thường xảy ra với những người mới bước vào nghề hoặc những người làm thơ sa vào sự quen tay, nông nổi.

Có thể bạn thích sách  Ông và Cháu

Người làm thơ trẻ giai đoạn đầu thường viết rất nhanh, mọi điều đến với anh ta thật suôn sẻ, dễ dàng. Vì anh mới xuất hiện nên khi viết, anh không sợ bị lặp lại, bị trùng với lối mòn mình đang đi. Sự tự tin, hăm hở khiến cho anh bớt đắn đo, nghi ngại. Anh thỏa sức thể nghiệm trong bút pháp. Mọi điều anh gặp thường ngày đều cho anh cảm xúc tươi mới. Anh viết tự nhiên, anh thuộc thơ mình làm và đọc thơ mình cho người khác nghe, một chút thỏa mãn kèm với chút cao ngạo. Tuy nhiên, những bài thơ anh viết ra có câu hay có đoạn xoàng, có những câu đại ngôn, có triết lý vụn vặt mà vì quá yêu nó nên anh chưa biết. Nói tóm lại, cái thủa đầu cầm bút, anh viết nhanh bởi anh không bị ràng buộc nhiều.

Nhưng đến một lúc nào đó, mọi sự sẽ khác đi. Khi đã làm thơ được 20 năm, 30 năm… trước trang giấy trắng, người làm thơ đắn đo đủ điều. Anh đã viết được mấy trăm bài thơ, anh đã qua nhiều trải nghiệm về thể loại, về sức cô đọng và bung phá của ngôn từ… Vậy, bài anh đang viết hôm nay có gì khác trước. Khác về thể loại, đối với anh thì quá khó, bởi anh đã đi qua rất nhiều thể loại mà vẫn thấy chông chênh hoặc tẻ nhạt như người làm xiếc hàng ngày đi trên dây, người đi bộ hàng ngày đi trên con đường quá quen thuộc với những hàng cây, quán nước. Khác về cách lập tứ, cách sử dụng ngôn từ… đối với người làm thơ lâu năm như anh dường như qua  sức? Trước trang giấy trắng, đôi khi anh thấy buồn cười cho cả sự lẩn thẩn, vòng vèo trong cấu trúc một câu thơ, một đoạn thơ. Xuống dòng viết hoa hay không viết hoa? Hay viết hoa giữa dòng, in đậm, in nghiêng, in ngược hoặc viết sai chính tả, hoặc xóc chữ, đảo câu… cho gây ấn tượng…?

Có thể bạn thích sách  Ân Tình Tâm Sự Chi Thơ

Anh đã viết nhiều, sao cách nhìn của anh không có gì mới mẻ, sao anh cố vùng vẫy mà không thoát nổi cái bóng của mình, anh cố né tránh mà vẫn giẫm phải bước chân mình. Vì sao cái ý của bài thơ này lại na ná với ý của bài thơ anh đã viết cách đây 10 năm, 15 năm? Dường như những từ ngữ này anh đã dùng nhiều, hãy vứt bỏ, đừng quanh quẩn lười nhác. Thôi, hãy dừng lại, hãy xóa đi những lối mòn có sẵn, những con chữ sáo mòn, những tuyên ngôn to tát, những triết lý rườm rà: “Thôi đừng dông dài triết lý chuyện không đâu|Những lá xanh muối mặn và lửa sáng|Thật mòn sáo như lối mòn vạch sẵn | Điều người ta nói rồi, mình viết lại làm chi/Trang giấy trắng như triền cát khát|Thơ là nhành xương rồng ẩm ướt nở hoa kia…”. Là nhà thơ, ai cũng muốn sáng tạo, tìm tòi, ai cũng sợ những lối mòn của mình và những người khác. Thế nên, trước trang giấy trắng, anh mới phân vân, cân nhắc đủ đường. Viết ra chữ thì dễ, viết thành câu thành vần cũng dễ, viết ra một bài thơ thường thường bậc trung cũng chẳng khó khăn gì? Vậy viết thế nào cho hay, cho mới? Trước trang giấy trắng, có điều gì cao hơn, xa hơn, bắt anh phải hướng tới, phải se sắt với chính mình…?