Những Vụ Kỳ Án Của Sherlock Holmes

Những Vụ Kỳ Án Của Sherlock Holmes

Tác giả:
Thể Loại: Trinh Thám - Hình Sự
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Sherlock Holmes là một nhân vật thám tử hư cấu vào cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, xuất hiện lần đầu trong tác phẩm của nhà văn Arthur Conan Doyle xuất bản năm 1887. Ông là một thám tử tư ở Luân Đôn nổi tiếng nhờ trí thông minh, khả năng suy diễn logic và quan sát tinh tường trong khi phá những vụ án mà cảnh sát phải bó tay. Nhiều người cho rằng Sherlock Holmes là nhân vật thám tử hư cấu nổi tiếng nhất trong lịch sử văn học và là một trong những nhân vật văn học được biết đến nhiều nhất trên toàn thế giới. Đã có rất nhiều vở kịch và bộ phim được sáng tác dựa trên những tác phẩm của Conan Doyle về Holmes, về mặt này có thể so sánh Holmes với những nhân vật hư cấu nổi tiếng khác như Hamlet hay Dracula. Sherlock Holmes được độc giả hâm mộ tới mức đã có rất nhiều hội những người hâm mộ ông được thành lập. Năm 1990 người ta đã mở Bảo tàng Sherlock Holmes ở phố Baker, đây là bảo tàng cho một nhân vật hư cấu đầu tiên được mở trên thế giới. Sherlock Holmes đã xuất hiện trong 4 tiểu thuyết và 56 truyện ngắn của nhà văn Conan Doyle. Hầu như tất cả các tác phẩm đều được viết dưới dạng ghi chép của bác sĩ John H. Watson, người bạn thân thiết và người ghi chép tiểu sử của Holmes, chỉ có 2 tác phẩm được viết dưới dạng ghi chép của chính Holmes và 2 tác phẩm khác dưới dạng ghi chép của người thứ ba. Hai tác phẩm đầu tiên trong số này, 2 tiểu thuyết ngắn, xuất hiện lần đầu tiên trên tờ Beeton’s Christmas Annual năm 1887 và tờ Lippincott’s Monthly Magazine năm 1890. Thám tử Holmes trở nên cực kì nổi tiếng khi loạt truyện ngắn của Doyle được xuất bản trên tạp chí The strand Magazine năm 1891. Các tác phẩm được viết xoay quanh thời gian từ năm 1878 đến năm 1903 với vụ án cuối cùng vào năm 1914.*** Một buổi sáng cuối năm 1896, tôi nhận được tờ giấy viết vội của Sherlock Holmes, mời tôi lập tức tới phố Baker ngay. Tới nơi, tôi thấy anh đang ngồi trong một căn phòng mù mịt khói thuốc, trên chiếc ghế đối diện là một phụ nữ đẫy đà đã luống tuổi và có dáng dấp một bà chủ nhà trọ. – Anh Watson, đây là bà Merrilow ở quận South Brixton. – Ông bạn tôi giơ tay giới thiệu – Bà đây không phản đối việc hút thuốc, nên anh cứ mặc sức tận hưởng thú vui của mình. Bà Merrilow muốn kể cho chúng ta nghe một câu chuyện vô cùng thú vị. Và có thể sự việc sẽ còn tiến triển, nên sự có mặt của anh ở đây là vô cùng hữu ích. – Nếu tôi có thể giúp được gì… – Bà Merrilow, chắc bà cũng hiểu rằng nếu tôi tới gặp bà Ronder thì tôi hy vọng có một người làm chứng. Xin bà hãy nói với bà ấy về điều này trước. – Chúa sẽ phù hộ cho ông, ông Holmes ạ! – Người khách nói – Bà ấy rất muốn gặp ông, nên ông có gọi tất cả mọi người trong khu này đến thì bà ấy cũng chả bận tâm gì đâu. – Vậy chiều nay chúng ta nên xuất phát sớm một chút. Trước khi đi, phải đảm bảo là chúng ta đã nắm rõ mọi việc. Bà hãy kể lại tất cả một lần nữa, giúp bác sĩ Watson có thể hiểu được tình hình. Ban nãy bà có nói, bà Ronder đã trọ ở nhà bà bảy năm rồi, nhưng bà mới nhìn rõ mặt bà ấy chỉ một lần duy nhất phải không? Bà Merrilow nói: – Thề có Chúa, tôi ước gì mình chưa bao giờ nhìn thấy mặt bà ấy thì hơn! – Mặt bà ấy bị thương tổn rất nặng nề, phải vậy chứ? – Thưa ông Holmes, không thể gọi đó là một cái mặt người được! Thật là vô cùng khủng khiếp. Một lần, người đưa sữa cho tôi nhác thấy bà ấy đang đứng ngắm cảnh ở cửa sổ tầng trên, anh ta kinh hoàng tới mức làm đổ cả thùng sữa! Lần nọ, bất ngờ tôi chợt nhìn thấy mặt bà ấy, bà ấy lập tức che mặt lại và nói: “Bà Merrilow, chắc bây giờ bà đã hiểu vì sao tôi luôn luôn che mặt bằng tấm mạng này rồi chứ?”. – Bà có biết tí gì về quá khứ của bà ấy không? – Tôi hoàn toàn không biết gì về bà ấy cả. – Khi bà ấy tới thuê nhà, có sự giới thiệu của ai không? – Không, nhưng bà ấy trả bằng tiền mặt và luôn trả trước rất nhiều. Tiền thuê nhà trả cả quý, hơn nữa cũng không hề cò kè mặc cả. Tôi ngần này tuổi rồi, lại bơ vơ một mình trong thời buổi khó khăn, ngài bảo làm sao có thể từ chối được một người khách giàu có và hào phóng như vậy được? – Lý do gì khiến bà ấy chọn thuê căn hộ của bà? – Căn hộ của tôi cách đường khá xa, yên tĩnh hơn so với các căn hộ cho thuê khác. Hơn nữa, tôi chỉ nhận mỗi một người khách trọ; bản thân tôi cũng không có người thân. Tôi đoán rằng bà ấy đã từng thuê nhiều nơi, nhưng bà ấy thích căn hộ của tôi nhất. Bà ấy cần yên tĩnh và không tiếc tiền. – Bà có nói rằng, kể từ khi tới ở, bà ấy chưa bao giờ để lộ khuôn mặt của mình, chỉ trừ một lần duy nhất kia thôi. Đây quả là một chuyện khá đặc biệt và vô cùng kỳ lạ. Do đó tôi hiểu vì sao bà muốn điều tra xác minh nó đến vậy. – Không phải tôi muốn thế, thưa ông Holmes. Với tôi mà nói, chỉ cần có tiền thuê nhà là tôi đã cảm thấy rất hài lòng rồi. Không có vị khách thuê nhà nào yên lặng hơn, ít chuyện hơn bà ấy. – Vậy thì tại sao bà lại tới đây? – Thưa ông Holmes, đó là vì sức khỏe của bà ấy. Bà ấy càng ngày càng yếu đi. Hơn nữa, trong lòng bà ấy có những bí mật rất hãi hùng nào đó. Có lúc bà ấy la to: “Giết người! Giết người!”. Lần khác lại nghe tiếng bà ấy hét toáng: “Đồ súc sinh tàn ác! Đồ yêu ma quỷ quái!”. Bà ấy kêu gào vào lúc nửa đêm, tiếng hét của bà ấy vang dội khắp nhà làm tôi sợ run lên. Sáng hôm sau, tôi lên thăm bà ấy. Tôi chân thành khuyên: “Bà Ronder này! Nếu trong lòng bà có điều gì u uất không thể nói ra, bà có thể tìm tới cha xứ hoặc cảnh sát, biết đâu họ có cách giúp bà”. “Ơn Chúa, tôi không cần tới cảnh sát!” – Bà ấy nói – “Cha xứ thì không thể làm gì để thay đổi được quá khứ. Nhưng trước khi tôi chết, nếu có một ai đó biết được toàn bộ câu chuyện này thì tôi có thể được an ủi phần nào”. Tôi mách cho bà ấy: “Ồ, nếu bà không muốn nhờ cảnh sát, thì bà hãy nhờ đến ông thám tử nổi tiếng mà mọi người đều biết là Sherlock Holmes ấy”. Thưa ngài, xin lỗi vì tôi đã nhanh mồm như vậy. Nhưng bà ấy vừa nghe liền đồng ý ngay: “Đúng rồi, tôi cần một người như thế”. Bà ấy nói: “Tại sao tôi lại không nghĩ ra nhỉ? Xin bà hãy mau chóng mời ông ta tới đây, bà Merrilow! Nếu ông ta không chịu tới, bà hãy nói với ông ta rằng tôi là vợ của Ronder, người dạy thú ở đoàn xiếc. Bà chỉ cần nói vậy thôi và cho ông ta cái tên “Abbas Parva””. Bà ấy viết chữ đó lên mảnh giấy đưa cho tôi rồi nói: “Cái tên này sẽ khiến ông ta tới ngay, nếu ông ta đúng là người như tôi nghĩ”. – Đúng là tôi phải đi thật, bà Merrilow ạ! – Holmes nói – Giờ tôi cần trao đổi với bác sĩ Watson một lúc và cuộc nói chuyện này phải kéo dài tới bữa trưa. Khoảng ba giờ chiều, chúng tôi mới có thể tới nhà bà được. Vị khách của chúng tôi vừa lạch bạch bước ra khỏi phòng, vì không còn từ nào có thể miêu tả đúng hơn dáng đi của bà ấy, thì Holmes liền đứng bật dậy, vùi đầu vào lật tìm đống tài liệu trong góc phòng. Vài phút sau, chỉ có tiếng lật giấy “soạt, soạt”, sau đó anh à lên một tiếng đầy thoả mãn. Nghe thế, tôi biết là Holmes đã tìm ra được điều gì đó. Anh ngồi bệt xuống sàn nhà, hai chân khoanh lại, một đống sách to đùng bao quanh, và trên đùi lại có một tập báo đang mở nữa.