Trong bản “ thiên cổ hùng văn” Bình Ngô đại cáo của nhà văn hóa, chính trị, quân sự thiên tài Nguyễn Trãi – nhân vật kiệt xuất trong lịch sử nước nhà ở thế kỷ XV đã dõng dạc tuyên bố: “Một gươm đại định, dẹp phăng giặc giã, dựng nên công oanh liệt ngàn năm. Bốn bề phẳng lặng, sạch hết đục nhơ, tuyên bố mệnh duy tân khắp nước”. Điều đó cho thấy trong tâm thức người Việt Nam ta, dựng nước và giữ nước luôn gắn liền với sứ mệnh duy tân đất nước. Trong thời đại của chúng ta, ngay từ gian khổ của cuộc kháng chiến chống Pháp, dù phải đối phó với bao nhiêu trở ngại để đánh đuổi ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức” (Báo Cứu Quốc số 411, ngày 20.11.1946). Có thể khẳng định, đó là những người góp phần không nhỏ để đưa đất nước phát triển sang một thời kỳ mới.
Giáo sư Đinh Xuân Lâm – Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam – đã hoàn toàn có lý khi khẳng định: “Hầu như là một quy luật trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là cứ mỗi khi đất nước có khó khăn bên trong hay từ bên ngoài tới thì xu hướng canh tân, đổi mới lại xuất hiện bằng những cải cách, đổi mới cụ thể về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội khắc phục các khó khăn trở ngại tạo đà tiến lên một thời kỳ phát triển mới. Đồng thời qua nội dung cũng thấy rõ được là muốn cải cách đổi mới có kết quả thì phải thực hiện trên tất cả lãnh vực, trước hết là về kinh tế và chính trị, kinh tế và chính trị phải tiến hành song song, không có cải cách chính trị làm bệ đỡ, động lực thúc đẩy cho cải cách kinh tế thì không thể thành công”. Trên tinh thần muốn nhìn lại lịch sử nước nhà qua các cải cách mà những con người tài đức đã vạch ra, NXB Trẻ xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tập Những nhà cải cách Việt Nam. Đây là tập sách thuộc bộ sách nhiều tập KỂ CHUYỆN DANH NHÂN VIỆT NAM do nhà thơ Lê Minh Quốc biên soạn.
Trong tập sách này, chúng tôi đề cập đến vua Lê Thánh Tông, người triệt để cải cách nước nhà từ thế kỷ XV với nhiều chính sách tiến bộ. Hầu như trong lãnh vực nào, ngài cũng để lại những dấu ấn quan trọng như lập Hồng Đức bản đồ – đánh dấu một bước tiến mới về khoa địa lý họa đồ, phản ánh rõ nét về ý thức bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền độc lập của nước nhà Đại Việt; như vịệc ban hành Bộ luật Hồng Đức không chỉ phát huy tác dụng ở triều Lê mà còn là cơ sở pháp lý cho các triều đại sau đó… Do đó không phải ngẫu nhiên mà nhà bác học Phan Huy Chú cho rằng “chính trị thời Hồng Đức rất thịnh”. Lê Thánh Tông thành công trong cải cách, một phần chính vì nhà vua là người giữ cương vị tối cao trong nhà nước phong kiến thời bấy giờ – mọi chính sách canh tân của ngài đều được thi hành toàn diện.
Trong khi đó, lịch sử cũng cho thấy có những cải cách không được thực hiện,vì triều đình lúc đó không đủ tầm nhận thức các chương trình cải cách này. Đó thực sự là một điều đáng tiếc. Bởi nếu những cải cách của những danh nhân ấy được thực thi thì hẳn lịch sử nước ta đã có những bước tiến đáng kể. Những danh nhân không may mắn, sống bất phùng thời ấy là danh nhân Lương Đắc Bằng – người dâng 14 chước trị bình dưới thời vua Lê Tương Dực, danh nhân Giáp Hải – người đã dũng cảm dâng sớ dưới thời vua Mạc Mậu Hợp. Qua đó ta cũng rút ra được bài học: Các “thiên tử” này đã phải kết thúc một số phận bi thảm, một trong những nguyên nhân chính yếu là đã không sáng suốt, không nhanh chóng thực hiện theo những cải cách ấy.
Tiếp theo là các danh nhân khác như Nguyễn Cư Trinh, người có công ổn định đời sống nhân dân ở Đàng trong vào thế kỷ XVIII; là Nguyễn Trường Tộ,người đã viết 58 bản điều trần dưới thời vua Tự Đức – khiến ngày nay chúng ta còn phải kinh ngạc trước tầm vóc suy nghĩ của ông; là Bùi Viện, một nhà ngoại giao lần đầu tiên diện kiến tổng thống Mỹ để đặt mối quan hệ cần thiết trong bối cảnh nước nhà đang bị ngoại xâm, đồng thời cũng là một người tổ chức đội Tuần dương ngăn chặn giặc biển, lập Nha thương chính để góp phần phát triển thương nghiệp Việt Nam; là Nguyễn Lộ Trạch, người tiếp nối sự nghiệp cải cách của Nguyễn Trường Tộ, cũng là người viết Thiên hạ đại thế luận… rất ảnh hưởng đến trí thức Việt nam đầu thế kỷ XX; là Đặng Huy Trứ, nguời đầu tiên du nhập nghề nhiếp ảnh vào Việt Nam, cũng là một trong những người đầu tiên “gieo mầm khai hóa ở Việt Nam” (Phan Bội Châu); là Trần Quý Cáp, một lãnh tụ, một chiến sĩ tiên phong đã dấy lên phong trào Duy Tân ở Quảng Nam…
Tất nhiên chúng tôi cũng quên nhắc đến vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, trong nhiệm kỳ của Đại hội Đảng VI (1986- 1991) đã có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới đất nước.
Có thể khẳng định đó là những công dân ưu tú của nước Việt ta đã có những tư tưởng đổi mới vì mục tiêu đem lại sự phồn vinh cho đất nước.
Thiết nghĩ, trong các chương trình cải cách của họ, cho đến nay vẫn có những điều chưa hẳn đã lỗi thời; cũng có những điều mà thời đại chúng ta đã và đang thực hiện. Bởi lẽ, Đảng ta luôn luôn chủ trương đổi mới để kịp với xu thế phát triển của thời đại. Nghị quyết VIII (6.1996) đã khẳng định: “Đưa công cuộc đổi mới lên tầm cao mới, đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà nhiệm vụ trung tâm là công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”. Để giúp cho bạn đọc – nhất là đối tượng thanh thiếu niên – có thể hình dung được sự đóng góp của các danh nhân trên, trong chừng mực nào đó, chúng tôi cố gắng giới thiệu tương đối đầy đủ những nội dung cải cách. Do khuôn khổ có hạn nên những danh nhân tiêu biểu khác, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu ở các tập sau.
Nhân đây chúng tôi xin được nhắc lại, bộ sách KỂ CHUYỆN DANH NHÂN VIỆT NAM do nhà thơ Lê Minh Quốc thực hiện đã phát hành các tập: Danh nhân khoa học Việt Nam, Các vị Tổ ngành nghề Việt Nam, Danh nhân Sư phạm Việt Nam, Danh nhân văn hóa Việt Nam, Danh nhân quân sự Việt Nam, Các vị nữ danh nhân Việt Nam, Danh nhân y học Việt Nam, Những nhà cải cách Việt Nam và sẽ còn phát hành các tập tiếp theo, mời các bạn tìm đọc. Để bộ sách thật sự hữu ích cho bạn đọc – nhất là các bạn thanh thiếu niên- chúng tôi rất mong được sự chỉ giáo, giúp đỡ chân tình của các học giả uyên bác, của các nhà sử học và của các bạn đọc xa gần để tập sách ngày một hoàn hảo hơn. Trước hết xin bạn đọc ghi nhận ở đây sự biết ơn sâu xa của chúng tôi.
Kể Chuyện Danh Nhân Việt Nam gồm có:
Mời các bạn đón đọc Kể Chuyện Danh Nhân Việt Nam: Những Nhà Cải Cách Việt Nam của tác giả Lê Minh Quốc.