Kể Chuyện Danh Nhân Việt Nam (Tập 2) – Những Người Việt Nam Đi Tiên Phong
Họ là những con người tài hoa đã bước những bước đầu tiên, đặt nền móng trên nhiều lĩnh vực: văn hóa, chính trị, xã hội, kinh tế.
Họ chính là sử gia Lê Văn Hưu, người đặt nền móng cho nền sử học Việt Nam với tác phẩm đồ sộ Đại Việt sử ký. Là Nguyễn Đình Nghị, bước tiên phong trong nghệ thuật chèo truyền thống. Là võ sư Nguyễn Lộc, người sáng lập môn võ Vovinam. Là doanh điền Thoại Ngọc Hầu – người trực tiếp chỉ huy đào kênh Đông Xuyên. Là “ông vua” ngành vận tải đường thủy đầu thế kỷ XX Bạch Thái Bưởi. Là Trương Văn Bền – người vinh danh xà bông Việt Nam qua nhãn hiệu “Xà bông Cô Ba”,…
Được sắp xếp trật tự theo từng lĩnh vực tách biệt, tập 2 của Kể chuyện danh nhân Việt Nam sẽ là những câu chuyện về những con người tiên phong dũng cảm.
Trong chiều hướng ấy, NXB Trẻ xuất bản tập sách Những người Việt Nam đi tiên phong – nằm trong bộ sách KỂ CHUYỆN DANH NHÂN VIỆT NAM do nhà thơ Lê Minh Quốc biên soạn. Bộ sách này được thực hiện từ nhiều năm trước, đã nhiều lần tái bản. Nay theo yêu cầu của bạn đọc, chúng tôi sắp xếp lại nhân vật, bổ sung thêm nhiều hình ảnh, tư liệu nhằm phục vụ bạn đọc tốt hơn nữa. Do khuôn khổ có hạn, tập sách chưa thể đề cập đầy đủ các nhân vật như mong muốn, chúng tôi sẽ bổ sung thêm sau.
Về thứ tự của nhân vật, trước mắt chúng tôi sắp theo lãnh vực hoạt động.
Mở đầu tập sách là sử gia Lê Văn Hưu – người đặt nền móng cho nền sử học Việt Nam với tác phẩm Đại Việt sử ký hoàn thành năm 1272; là Tiến sĩ Đặng Minh Khiêm – người mở đầu cho thể loại vịnh sử Nam bằng chữ Hán. Cũng nằm trong lãnh vực văn hóa của nước nhà, chúng tôi tiếp tục đề cập đến những tiếng tăm của thế kỷ XX như họa sĩ Nam Sơn – người đã có công sáng lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng Victor Tardieu – đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ thuộc lớp đầu đàn của nền hội họa Việt Nam. Là nhà viết kịch Vũ Đình Long, người đã viết vở Chén thuốc độc công diễn năm 1921 tại Nhà hát Hà Nội – mà trong chuyên đề Lướt qua một thế kỷ, Hội khoa học lịch sử Việt Nam đã ghi nhận: “Vở kịch đã đi vào văn học sử và sân khấu Việt Nam với tư cách một sự mở đầu cho kịch nói dân tộc” (Tạp chí Xưa – Nay số 1.2000).
Chúng tôi cũng không quên được vai trò tiên phong của nhà thơ, nhà báo Thế Lữ, Phan Khôi, Tam Lang, Hoàng Tích Chu… đã có nhiều đóng góp không thể phai mờ trong lịch sử phát triển báo chí Việt Nam, văn học của nước nhà. Và chúng tôi cũng không quên những nhân vật khác. Đó là nghệ sĩ Nguyễn Đình Nghị – người đã có những bước tiên phong trong nghệ thuật chèo truyền thống; là nghệ sĩ Tống Hữu Định – người có sáng kiến “ca ra bộ” góp phần thúc đẩy sự hình thành và phát triển của loại hình nghê thuật cải lương… Hoặc NSND Tạ Duy Hiển – người có công đầu trong việc hình thành loại hình nghệ thuật xiếc ở Việt Nam từ thế kỷ XX. Hoặc nhà báo Trần Tấn Quốc, người đầu tiên lập ra giải Thanh Tâm rất đáng ghi nhận, vì ông là người tiên phong góp phần tích cực để xóa bỏ thành kiến “xướng ca vô loài” và nâng đỡ tâm hồn cho người nghệ sĩ về ý thức đem tài đức của mình cống hiến cho xã hội. Hiện nay, để phát huy ý nghĩa tích cực của giải thưởng này, Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức giải Trần Hữu Trang kế thừa công việc mà Trần Tấn Quốc đã khởi xướng từ thập niên 50 của thế kỷ XX v.v…
Riêng về lãnh vực võ thuật của nước nhà, chúng tôi đề cập đến võ sư Nguyễn Lộc – người đã có công sáng lập VoViNam (Việt võ đạo) mà các thế hệ sau tôn vinh là Võ sư Sáng tổ. Ngoài phần võ thuật và tinh thần võ đạo, ông còn muốn giáo dục các môn sinh sau này của ông về danh dự của Tổ quốc. Nghĩa là thanh niên Việt Nam phải có phương pháp tự vệ mang danh dân tộc Việt Nam, tiêu biểu cho tinh thần tự chủ bất khuất của tiền nhân, để khi chiến đấu có được hùng khí, quyết đem vinh quang về cho Tổ quốc, cho môn phái.
Trong lãnh vực phát triển kinh tế, trước hết chúng tôi đề cập đến nhà doanh điền Thoại Ngọc Hầu – đã trực tiếp chỉ huy đào và hoàn thành kinh Đông Xuyên nối liền Châu Đốc đến cửa biển Giang Thành (Hà Tiên) vào năm 1824. Sự kiện vĩ đại này được ghi nhận trong Đại Nam nhất thống chí: “Từ đây đường sông mới lưu thông, việc biên phòng, việc buôn bán đều được hưởng mối lợi vô cùng”. Về sau, trong lãnh vực kinh tế còn có những nhân vật hoạt động sôi nổi, nhằm cạnh tranh với ngoại bang và qua đó, họ đã đóng góp nhiều tiền của cho phong trào yêu nước. Chúng tôi đề cập đến nhân vật Trần Chánh Chiếu – một trong những trụ cột của phong trào Duy tân, Đông du tại Nam kỳ. Có một điều rất thú vị, chính ông đã lập tập đoàn kinh tế đầu tiên ở miền Nam và cũng là người đã biết dùng công cụ báo chí để tạo trong quảng đại quần chúng ý thức mới trong kinh doanh thương nghiệp nhằm cạnh tranh với các thế lực tư bản ngoại quốc đang thống lĩnh trong lãnh vực kinh tế của nước nhà. Nối tiếp vai trò tiên phong trong lãnh vực này, chúng tôi tiếp tục đề cập đến những tên tuổi lừng danh khác. Đó là ông Bạch Thái Bưởi – “ông vua” của ngành vận tải đường thủy ở nước ta đầu thế kỷ XX – dám cạnh tranh với tư bản Pháp và Hoa Kiều khi mà nền kinh tế nước nhà đang bị họ thao túng nhiều mặt; là ông Nguyễn Sơn Hà – người Việt Nam đầu tiên sản xuất sơn theo công nghệ hiện đại để cạnh tranh với sản phẩm của người Pháp; là ông Trương Văn Bền – người đã vinh danh xà bông Việt Nam qua nhãn hiệu “Xà bông Cô Ba” v.v…
Để bộ sách thật sự hữu ích cho bạn đọc, chúng tôi rất mong được sự chỉ giáo, giúp đỡ chân tình của các học giả uyên bác, của các nhà sử học và của các bạn đọc xa gần để bộ sách này ngày một hoàn hảo hơn. Trước hết xin quý độc giả ghi nhận nơi đây sự biết ơn sâu xa của chúng tôi.
Kể Chuyện Danh Nhân Việt Nam gồm có:
Mời các bạn đón đọc Kể Chuyện Danh Nhân Việt Nam: Những Người Việt Nam Đi Tiên Phong của tác giả Lê Minh Quốc.