Người có trí tuệ thường hay đánh giá và lựa chọn. Trong hàng núi sách anh ta phải chọn ra những cuốn nhất về mặt này và nhất về mặt kia… Những cuốn cần thiết nhất và tất nhiên là xuất sắc nhất. Trong lịch sử ai cũng biết Pli-nhi Lớn đã chọn lựa sách ra sao: Ông đã tóm tắt thành 2000 tập từ 12000 quyển sách chép tay mà ông có dịp tiếp cận. Và từ 2000 tập sách đó ông chọn ra ba mươi năm nghìn sự kiện viết vào 37 quyển sách. Đại giáo chủ ở Vi-dan-tic là Pho-tỉ chỉ công nhận có 280 tác phẩm từ thời Ghê-rô-đốt đến thời Đức cha Xéc-ghi (TK IX) là đáng đọc và nghiên cứu.
Thời gian trôi đi, đạo đức, nhận thức thế giới đổi thay và việc lựa chọn sách cũng thay đổi với thời gian. Mỗi loại tủ sách, dù là “Những di sản văn học”; “Cuộc đời những danh nhân”; hay “Thư mục văn học thế giới” đều là sự lựa chọn có hạn theo những tiêu chí, tiêu chuẩn đã định sẵn.
Ở một khía cạnh nào đó thì sự lựa chọn này có liên quan đến danh mục sách được giới thiệu để đọc. Những danh mục ấy thường nước nào cũng có (cách đây không lâu Bách khoa toàn thư Anh vừa công bố 600 đầu sách). Theo dõi những sáng tác của các bậc thiên tài nhân loại được dân tộc này nhà nghiên cứu nọ xếp vào số những kiệt tác là một việc rất thú vị.
Và đây là sự lựa chọn của chúng tôi — 100 kiệt tác — đỉnh cao của trí tuệ con người. Cũng xin nói ngay là con số 100 chỉ là một con số rất ước lệ. Nếu theo quan điểm lý luận thư mục hiện đại thì một con số thỏa đáng là bao nhiêu trong trường hợp này? Câu trả lời là 234 tác phẩm. Tất nhiên không tránh khỏi hàng loạt những thắc mắc. Nhưng con số này đưa ra không phải ngẫu nhiên. Nó là kết quả của công việc nghiên cứu nghiêm túc lâu dài, của những cuộc trưng cầu ý kiến có tính thẩm định, của việc phân tích những bằng thư mục sách tham khảo, của việc tính toán những số liệu thống kê, và đó là sự phân tích không hề mang tính hình thức toàn bộ số tác phẩm tạo nên cốt lõi của nền văn hoá sách thế giới.
Gần hai trăm rưởi cuốn sách — đó là đóng góp bước đầu cho những người trẻ tuổi có đầu óc, quyết tâm dẫn bước trên con đường chinh phục tài sản trí tuệ thế giới. Khối lượng sách nghiêm túc này (văn học, nghệ thuật, lịch sử, triết học, khoa học) một người phải thẩm thấu qua bộ não và tâm hồn trong suốt những năm học phổ thông và những năm đầu đại học. Người sớm kẻ muộn đều phải đặt ra câu hỏi: làm thế nào đi tiếp trên con đường đèn sách
Sách nhiều như núi — mà thời gian thì có hạn. Và liệu có chăng sợi dây dẫn đường. Có, có cả lối đi và sợi dây dẫn đường. Chỉ cần bước tới tiếp cận ý tưởng hệ thống sách thế giới đã được xếp đặt, chỉ cầu tiến lên. Và điều này không phải ai cũng làm được.
Bởi thế lúc khởi đầu con người phải đọc hết 234 cuốn sách. Nói thẳng ra là số sách được liệt kê ấy không phải ai cũng có thể đọc hết được. Trong bảng kẻ ấy có những cuốn sách chẳng có ai đọc một cách tự nguyện bao giờ. Ví dụ cuốn “Xuất xứ các loài” của Sác-lơ Đác-uyn. Tuy nhiên cuốn sách này là cuốn sách cần cho dù chỉ là cầm nó trên tay (thuần tuý là một hành động thần bí), đọc lời giới thiệu, xem qua văn phong, biết về nó — tại sao nó được trân trọng thế, nó đóng vai trò gì trong lịch sử trí tuệ nhân loại. Hiểu được sự vĩ đại của tác giả đã sáng tạo ra thuyết tiến hoá và viết nên cuốn sách này.
Cuốn “Về sự quay của các thiên thể” của Cô-péc-ních cũng vậy. Thậm chí việc dịch tác phẩm này ra một thứ tiếng khác cũng đáng được coi là kỳ tích cần phải ghi nhớ mãi. (Tiện đây xin nói thêm rằng giáo sư Nhi-cô-lai-ê-vích Ve-xe-lốp-xki trong suốt 50 năm giảng dạy cơ khí lý thuyết đã dịch từ tiếng Hy Lạp cổ đại và tiếng La-tinh sang tiếng Nga những tác phẩm vĩ đại của các nhà thiên văn thế giới là Nhi-cô-lai Cô-péc-ních và Kla-vơ-đi Ptô-lê-me).
Không có gì khó khi đoán rằng con số 234 đầu sách kia được chọn lựa bởi một nguyên tắc chặt chẽ của riêng mình. Cũng trên cơ sở đó một trăm kiệt tác đầu tiên được chọn ra.
Về từng tác phẩm chúng tôi muốn nói ngắn gọn hoàn cảnh ra đời, nội dung ý nghĩa, đánh giá của cá nhân tác giả về tác phẩm và đưa ra một số trích đoạn để người đọc có cảm nhận riêng của mình. Nếu một cá nhân nhận thức đi theo con đường khó khăn nhưng hấp dẫn ấy thì phải mất gần 50 năm anh ta mới có thể thẩm thấu qua óc mình 2000 kiệt tác, đỉnh cao của thiên tài nhân loại. Nhưng đó lại là một danh mục khác.
Tất nhiên những tác giả có sách qua được sự phán xét của độc giả đều có thẩm mĩ và sở thích riêng, cách nhìn nhận thế giới riêng. Cả độc giả và tác giả không chỉ là những người yêu thích sách, họ còn là những học giả, giảng viên các trường cao đẳng, các triết gia có lối suy nghĩ riêng (một bên còn có chuyên môn riêng). Những cuốn sách được nói đến dưới đây không chỉ qua sự chọn lọc bằng lý trí mà còn trải qua chiêm nghiệm của con tim. Chúng tôi thiết tha mong rằng những ý nghĩ và tình cảm nảy sinh khi đọc những kiệt tác văn học cổ điển thế giới cũng đến với độc giả quyển sách này. Chúng tôi hy vọng, tin tưởng và mong đợi như vậy.
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com