Ruth, một y tá hộ sinh lành nghề bị gạt ra khỏi công việc vì cha đứa bé yêu cầu không để y tá người Mỹ gốc Phi chăm sóc con mình. Đứa bé chẳng may mất sau đó, và Ruth bị kiện ra tòa vì tội giết người.
Để chứng minh mình vô tội, để tiếng nói của người Mỹ gốc Phi được cất lên công bằng, Ruth phải trải qua một chặng đường rất khó khăn, nhưng cô không cô đơn. Bên cạnh cô là nữ luật sư, chị gái, con trai và những người bạn không ngờ khác…
Tác phẩm Những điều nhỏ bé vĩ đại của Jodi Picoult là một câu chuyện sâu sắc về vấn đề kỳ thị chủng tộc, sự lựa chọn, nỗi lo sợ và niềm hy vọng. Tiểu thuyết được sáng tác dựa trên một chuyện có thật ở Mỹ, gợi mở nhiều vấn đề để độc giả tự rút ra kết luận về cách chúng ta nhìn nhận bản thân và người khác trong thế giới đa dạng này.
Jodi Picoult là tác giả có sách bán chạy nhất theo bình chọn của New York Times. Bà đã xuất bản 25 tiểu thuyết, bao gồm Siêu Thoát, Luật nhà, Nơi chốn lưu đày, và các tác phẩm khác.
***
Sự lựa chọn, nỗi lo sợ và niềm hi vọng trong ‘Những điều nhỏ bé vĩ đại’.
Những điều nhỏ bé vĩ đại kể câu chuyện đầy rung cảm về nạn phân biệt chủng tộc của tác giả lừng danh Jodi Picoult.
Những ngày này, khi nước Mỹ đang rúng động vì những cuộc biểu tình dẫn đến bạo động, hơn 40 thành phố tại các bang nước Mỹ bị phong tỏa, và các nghệ sĩ nổi tiếng ở Mỹ như Billie Eilish, Ben Affleck, Beyonce, Ariana Grande, Rihanna và ngay cả chương trình Vua đầu bếp Mỹ nổi tiếng cũng giương cao khẩu hiệu: Black Lives Matter, thì năm 2016, tác giả lừng danh Jodi Picoult đã kể một câu chuyện đầy rung cảm về nạn phân biệt chủng tộc, qua tiểu thuyết Những điều nhỏ bé vĩ đại (Small great things).
Tựa sách, được tác giả lấy ý từ câu trích dẫn được cho là của Martin Luther King, Jr.: “Nếu không thể làm những điều vĩ đại, tôi có thể làm những điều nhỏ bé theo một cách vĩ đại”. Hai nhân vật trong truyện có hành động nhỏ nhưng tác động lớn và lâu dài lên người khác là Ruth và Kennedy.
Ruth là một y tá hộ sinh lành nghề người Mỹ gốc Phi. Cô yêu công việc ở bệnh viện, tận tụy với các bà mẹ và trân quý từng sinh linh nhỏ bé chào đời trên tay mình. Cô cũng nuôi dạy con trai một cách tử tế, để xứng với người cha là quân nhân đã hi sinh cho nước Mỹ. Nhưng một lần, Ruth buộc phải rời khỏi vị trí làm việc theo lệnh của cấp trên, vì cha của một đứa trẻ sơ sinh yêu cầu không để y tá da đen chăm sóc con mình. Đứa bé chẳng may mất sau đó và Ruth, người da màu duy nhất trong bệnh viện, bị kiện ra tòa vì tội giết người.
Để chứng minh mình vô tội, để tiếng nói của người Mỹ gốc Phi được cất lên, Ruth phải trải qua một chặng đường rất khó khăn, nhưng cô không cô đơn. Bên cạnh cô là luật sư, chị gái, con trai và những người bạn không ngờ khác… Đặc biệt, nữ luật sư Kennedy, một người Mỹ da trắng với đầy đủ những “đặc quyền vô hình” mà người da trắng vẫn thụ hưởng, đã sát cánh bên cô. Ruth không đấu tranh cho bình đẳng – cô muốn sự công bằng, vì “Bình đẳng là đối xử với tất cả mọi người như nhau. Còn công bằng là có tính đến sự khác biệt của từng người, để ai cũng có cơ hội thành công và phát triển”.
Người da màu tại Mỹ, cho đến tận năm mà Những điều nhỏ bé vĩ đại được viết ra, khi Mỹ đã có tổng thống da màu đầu tiên, vẫn phải hứng chịu những bất công âm thầm mà không phải ai cũng cảm nhận được. Như Ruth và Kennedy cùng đi vào cửa hàng mua sắm, nhưng Ruth là người duy nhất bị quản lý cửa hàng nhìn theo từng bước chân và soát giỏ khi ra. Như cách người Mỹ né ra xa khi cùng ngồi với cô trong căn tin, hoặc những định kiến bám chặt lấy đứa con trai của cô, dù nó là một học sinh xuất sắc, mẫu mực… Nữ luật sư đã thẳng thắn chỉ ra “cơn gió xuôi” đó, trong một xã hội tưởng như rất tự do bình đẳng: “Thật dễ để chúng ta nhìn ra cơn gió ngược của sự kỳ thị chủng tộc, cái cách mà người da màu bị phân biệt đối xử. Chúng ta thấy nó khi một người da đen vô cớ bị cảnh sát bắn và một cô gái da nâu bị bạn cùng lớp bắt nạt vì đội hijab trên đầu. Thế nhưng cơn gió xuôi của sự kỳ thị chủng tộc thì khó thấy hơn và cũng khó thừa nhận, khi mà những người không phải da màu chúng ta được hưởng lợi từ làn da trắng. Chúng ta có thể đi xem phim và khá chắc rằng hầu hết các nhân vật chính trông sẽ giống mình. Chúng ta có thể tới trễ một buổi họp và màu da chúng ta sẽ không bị lôi ra làm cái cớ. Tôi có thể bước vào phòng của thẩm phán Thunder và đưa ra phản bác mà không bị nói rằng mình đang chơi con bài màu da. Hầu hết chúng ta không phải đi làm, về nhà và thốt lên “Tuyệt quá! Hôm nay mình không bị chặn lại và lục soát người!”. Hầu hết chúng ta không vào đại học và nghĩ rằng, mình được vào ngôi trường mình lựa chọn vì hệ thống giáo dục hoạt động theo hướng có lợi cho mình. Chúng ta không nghĩ những điều đó, vì chúng ta không phải nghĩ”.
Jodi Picoult cho biết, từ lúc dấn thân vào nghiệp viết lách, bà đã nghĩ đến việc viết một quyển sách về vấn đề kỳ thị chủng tộc tại Mỹ, sau một sự kiện có thật ở New York: một cảnh sát chìm người da đen bị bắn vào lưng, nhiều lần, bởi các đồng nghiệp da trắng – dù anh ta đang mang cái được gọi là “màu sắc của ngày” – một chiếc vòng tay để cảnh sát ngầm nhận ra nhau. Tuy nhiên, phân biệt chủng tộc là một vấn đề nhạy cảm tại Mỹ và không dễ viết. Hai mươi năm sau, tin tức về y tá người Mỹ gốc Phi ở Flint, Michigan thu hút sự quan tâm của bà – một người cha theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng đã ra yêu sách là người da màu không được đụng vào con ông ta và nhóm nhân viên người Mỹ gốc Phi đã đâm đơn kiện. Họ đã chiến thắng. Từ sự kiện này, Jodi Picoult đã dệt nên câu chuyện của mình, từ góc nhìn của một y tá da đen, một người cha theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng và một luật sư công – nữ luật sư này, cũng như Jodi Picoult và nhiều người Mỹ khác luôn nghĩ mình rất bình đẳng, không bao giờ có tư tưởng kỳ thị chủng tộc, họ dễ dàng chỉ ra và lên án những kẻ phát xít mới, nhưng không thể nhận ra sự phân biệt âm thầm trong chính bản thân mình.
Có thể nói, Những điều nhỏ bé vĩ đại là câu chuyện sâu sắc về vấn đề kỳ thị chủng tộc, sự lựa chọn, nỗi lo sợ và niềm hi vọng. Tất cả được thể hiện qua ngòi bút sinh động tuyệt vời của tác giả, với những phân tích thuyết phục về tâm lý nhân vật, cuộc sống người da màu ở Mỹ, cách cả người da màu và da trắng vượt qua rào cản, nỗ lực đứng lên giành lấy công bằng cho xã hội. Tác phẩm cũng gợi mở nhiều vấn đề để độc giả tự rút ra kết luận về cách chúng ta nhìn nhận bản thân và người khác trong thế giới đa dạng này.
Jodi Picoult là tác giả có sách bán chạy nhất theo bình chọn của New York Times. Bà đã xuất bản 25 tiểu thuyết, bao gồm Siêu thoát, Luật nhà, Nơi chốn lưu đày, Hai cõi người ta… và luôn được độc giả chào đón nồng nhiệt.
Nói về Những điều nhỏ bé vĩ đại, báo chí trên khắp thế giới đã không tiếc lời khen ngợi. The Washington Post viết: “Những điều nhỏ bé vĩ đại là tiểu thuyết quan trọng nhất mà Jodi Picoult từng viết… Nó sẽ thách thức độc giả… [và] mở rộng cuộc thảo luận văn hóa về chủng tộc và định kiến của chúng ta”. Hoặc như San Francisco Book Review đã bình luận: “Một tiểu thuyết đã đặt những ngón tay của nó lên mạch đập của đất nước chúng ta đang sống ngày nay… lôi cuốn từ đầu đến cuối, như ta vẫn kỳ vọng từ Jodi Picoult. Tiểu thuyết này giữ được nhịp điệu khiến ta phải liên tục lật xem tiếp trang sau, không thể nào đặt xuống. Nó mở ra một cuộc thảo luận, khiến mọi người phải ngồi xuống nhìn lại cuộc đời mình, những hành động của họ (hiện tại và quá khứ) và đặt câu hỏi làm thế nào tiến lên phía trước. Đây là một cuốn sách tuyệt vời, không chỉ vì nó đề cập đến một vấn đề xảy ra trên đất Mỹ và toàn thế giới, mà còn cho chúng ta thấy thay đổi là điều có thể”.
Đọc Những điều nhỏ bé vĩ đại khi phong trào đấu tranh vì Black Lives Matter đang bùng nổ tại Mỹ, ta thấy những dòng tự sự của Jodi Picoult cách đây bốn năm vẫn vô cùng sâu sắc: “Ngọn lửa đang bùng cháy và chúng ta có hai lựa chọn: quay mặt đi hoặc cố gắng chiến đấu với nó. Phải, việc đó rất khó khăn và phải, chúng ta vấp váp – nhưng chúng ta, những người da trắng, cần phải trao đổi với nhau về vấn đề chủng tộc. Bởi vì chỉ khi đó mới có nhiều người hơn nữa nghe thấy chúng ta”.
Và khi đó, những điều tử tế nhỏ bé sẽ hợp lại thành một sức mạnh vĩ đại.
***
Phép màu xảy ra tại nhà số 74 phố Tây Thượng Manhattan, chỗ má tôi làm việc. Đó là một tòa nhà đồ sộ ốp đá cát nâu có cổng sắt rèn, hai bên cánh cửa cầu kỳ là miệng máng xối hình đầu thú, bộ mặt đá granite của chúng như được tạc từ những cơn ác mộng của tôi. Chúng làm tôi khiếp hãi, nên tôi không ngại khi chúng tôi luôn phải vào nhà qua lối cửa hồng kém uy nghi, chìa khóa cửa được má buộc ruy băng giữ trong ví.
Má đã giúp việc cho Sam Hallowell và gia đình ông từ trước khi chị em tôi có mặt trên đời. Bạn có thể không biết cái tên này, nhưng chỉ cần ông ấy cất giọng chào là bạn nhận ra ngay. Không lẫn vào đâu được, đó là giọng nói mà hồi giữa thập niên 1960, cứ mở đài lên là bạn nghe nó thông báo: Tiếp theo mời các bạn theo dõi một chương trình sống động đây màu sắc do NBC mang lại! Vào năm 1976, khi phép màu xảy ra, ông Hallowell đang là giám đốc sản xuất chương trình của đài này. Cái chuông bên dưới đám đầu thú chính là tiếng nhạc hiệu ba nốt nổi tiếng mà ai nghe cũng liên tưởng ngay tới NBC. Thỉnh thoảng, trong lúc theo má đi làm, tôi lại len lén ra ngoài, bấm chuông và ngâm nga theo giai điệu đó.
Hôm ấy, chị em tôi theo má vì trời đổ tuyết. Trường học đóng cửa, mà bọn tôi còn quá nhỏ để ở nhà một mình lúc má đi làm – bà cứ xăm xăm đi, băng qua tuyết, mưa đá và có lẽ cả động đất cùng tận thế. Vừa tròng lên người chúng tôi nào ủng nào áo khoác, bà vừa lẩm bẩm, có phải vượt bão tuyết cũng chẳng xá gì, nhưng lạy Chúa đừng để cô Mina phải tự phết bơ đậu phông lên lát bánh sandwich của cổ. Thực ra, tôi nhớ má chỉ nghỉ việc một lần duy nhất vào 25 năm sau đó, khi bà phải thay toàn bộ khớp háng, viện phí do nhà Hallowell hào phóng trả. Bà ở nhà một tuần, chưa khỏe hẳn đã nằng nặc đi làm lại, cô Mina đành tìm cho bà vài việc không phải động chân. Thế nhưng lúc tôi còn nhỏ, trong những kỳ nghỉ, giữa cơn sốt ngầy ngật hay ngày tuyết phủ như hôm ấy, má sẽ đưa chị em tôi lên chuyến tàu B xuống phố.
Hôm ấy nhằm vào tuần lễ ông Hallowell đi California, không có ở nhà – ông thì cứ đi suốt, mà thế thì cô Mina và Christina còn cần má nhiều hơn. Chị Rachel với tôi cũng cần má chứ, nhưng hẳn là chúng tôi tự chăm sóc cho mình tốt hơn cô Mina.
Khi mẹ con tôi ra đến phố 72, thế giới đã ngập trong một màu trắng xóa. Một quả cầu tuyết chụp lên cả khu Manhattan. Gương mặt những người đàn ông và phụ nữ run rẩy vượt bão táp đi làm trông chẳng có chút gì giống tôi, anh chị em họ hay hàng xóm của tôi.
Tôi chưa từng đặt chân vào ngôi nhà nào ở Manhattan ngoài nhà Hallowell, nên chẳng biết chuyện một gia đình có riêng một cơ ngơi đổ sộ thế này thì khác thường đến mức nào. Nhưng tôi nhớ mình đã thấy thật vô lý khi Rachel và tôi phải nhét áo với ủng vào cái buồng tin hin, chật ních trong bếp, trong khi chỗ Christina và cô Mina treo áo khoác bên cửa chính thì còn bao nhiêu là móc và khoảng trống. Má cũng cất đi áo khoác và khăn choàng may mắn – cái khăn mềm ơi là mềm, lại có mùi má. Ở nhà, chị Rachel với tôi thường tranh nhau khoác nó, cảm giác cứ như được vỗ về một chú chuột lang hay chú thỏ trong tay. Tôi chờ má lướt qua những căn phòng tối om như nàng tiên Tinkerbell, đáp lại trên từng cái công tắc, nắm đấm cửa hay tay vịn, để con quái thú đang say ngủ là ngôi nhà từ từ rùng mình tỉnh giấc.
“Hai đứa im lặng nhé,” má bảo chị em tôi, “rồi má sẽ làm cho mấy đứa con chút chocolate nóng của cô chủ Mina.”
Cái món ấy là hàng nhập từ Paris, và nó có vị tựa thiên đường. Thế nên trong khi má buộc lên người tạp dề trắng, tôi lấy một tờ giấy từ tủ bếp và hộp bút màu mang theo từ nhà, bắt đầu ngôi im vẽ. Tôi phác một ngôi nhà to ngang tòa nhà Hallowell. Tôi đặt vào đó một gia đình: tôi, má, chị Rachel. Tôi thử vẽ tuyết, nhưng không ra gì hết. Bông tuyết nguệch ngoạc bằng bút trắng chìm nghỉm trên tờ giấy. Cách duy nhất để thấy chúng là nghiêng giấy về phía ánh đèn chùm, có thế tôi mới thấy vệt sáng lờ mờ bút màu đã vạch nên.
“Tụi con chơi với Christina được không?” chị Rachel hỏi. Christina mới lên sáu, lọt đúng vào giữa tuổi Rachel với tuổi tôi. Christina có cái phòng ngủ lớn nhất tôi từng thấy và nhiều đồ chơi hơn tất cả những người tôi biết. Nếu chị ấy có ở nhà đúng lúc Rachel với tôi theo mẹ đi làm, bọn tôi sẽ chơi trò cô giáo dạy học cùng lũ gấu bông của chị, uống nước từ những chiếc tách tí hon bằng sứ Trung Hoa thực thụ và đánh bím mái tóc lụa óng vàng cho bầy đoàn búp bê cũng của chị ấy nốt. Nhằm bữa Christina có bạn đến nhà, chị em tôi sẽ ở yên trong bếp mà tô tô vẽ vẽ.
Trước khi má kịp trả lời, có ai đó thét váng lên, tiếng thét chói lói và khản đặc như xuyên thấu ngực tôi. Tôi biết nó cũng tác động đến má tôi y hệt, vì bà suýt đánh rơi ấm nước đang mang lại chỗ bồn. “Ở yên đây,” bà dặn, giọng nói rớt lại phía sau khi bà hấp tấp chạy lên lầu.
Rachel là người đầu tiên bật ra khỏi ghế; chị ấy không phải kiểu bảo sao nghe vậy. Tôi bị cuốn theo, như một quả bóng bay bị buộc vào tay chị. Bàn tay tôi lướt trên lan can cầu thang uốn lượn, không dám chạm vào.
Cửa phòng ngủ của cô Mina mở toang, cô đang quằn quại trên giường, giữa vũng lầy satin khăn trải. Bụng cô căng phồng, tròn như mặt trăng; tia sáng trắng trong mắt cô làm tôi hên tưởng tới lũ ngựa trên vòng đu quay, đông cứng trong khi trốn chạy. “Sớm quá, Lou à,” cô hổn hển.
“Cô đi mà nói với đứa bé này này,” má đáp lại. Cô Mina ghì cứng tay má như kẻ chết đuối bíu vào phao. “Đừng rặn nữa,” má bảo cô. “Xe cấp cứu sẽ tới ngay.”
Tôi chẳng biết xe cấp cứu có thể tới ngay kiểu gì, khi mà đường đầy tuyết.
“Mẹ ơi?”
Mãi đến khi nghe tiếng Christina, tôi mới nhận ra tiếng ồn đã đánh thức chị ấy. Chị tới đứng giữa Rachel và tôi. “Ba đứa, về phòng cô Christina đi,” má ra lệnh, giọng đanh thép. ”Đi ngay.”
Thế nhưng chúng tôi cứ chôn chân tại chỗ, má cũng mau chóng quên khuấy bọn nhóc chúng tôi. Bà đã lạc vào một thế giới dựng nên từ cơn đau và nỗi sợ của cô Mina, cố gắng trở thành tấm bản đồ cho cô bám víu vào mà lần ra khỏi đó. Tôi trân trối nhìn dây thanh quản nổi lên cổ cô Mina khi cô rên siết; tôi thấy má quỳ xuống trên giường, giữa hai chân cô, và vén váy qua khỏi gối cô. Tôi thấy cánh môi hồng giữa hai chân cô Mina cau lại, sưng lên rồi tách ra. Một cái gò tròn – đỉnh đầu, một cái khớp – bờ vai, máu và dịch trào ra, rồi đột nhiên, một đứa nhỏ nằm gọn lỏn trong lòng bàn tay nâng niu của má.
“Coi nhóc kìa,” má nói, tình yêu thương tỏa rạng nét mặt bà. “Sốt ruột muốn chào đời quá hả?”
Rồi cùng lúc, hai chuyện xảy ra: chuông đổ, Christina òa lên khóc. “Ôi, con yêu,” cô Mina thốt lên yếu ớt, cô chẳng còn đáng sợ nhưng vẫn đẫm mồ hôi và mặt đỏ bừng. Cô chìa tay ra, nhưng sự việc vừa chứng kiến đã khiến Christina hồn vía lên mây, chị ấy không lại chỗ cô mà dịch sát vào tôi. Chị Rachel, vẫn thực tế như mọi khi, lo đi mở cửa. Chị trở vào với hai nhân viên cấp cứu, họ ào vào tiếp quản, thế là việc má vừa làm cho cô Mina cũng lại như tất cả những việc bà đã làm cho nhà Hallowell: nó trôi tuột đi, vô hình.
Nhà Hallowell đặt tên bé là Louis, theo tên của má tôi. Thằng bé vẫn khỏe dù ra đời sớm gần một tháng, nạn nhân của đợt giảm khí áp đến cùng cơn bão, dẫn đến PROM – hiện tượng vỡ ối non. Dĩ nhiên là lúc đó tôi chưa biết tới khái niệm này. Tôi chỉ biết rằng, vào một ngày tuyết trắng trời Manhattan, tôi đã chứng kiến một sinh mệnh chào đời. Tôi đã ở bên đứa bé trước lúc mọi người, mọi vật trên thế gian này có cơ hội làm bé thất vọng.
Cùng chứng kiến Louis ra đời nhưng trải nghiệm đó tác động đến mỗi người chúng tôi một cách khác nhau. Christina sinh mổ. chị Rachel vượt cạn đến năm lần. Tôi thì trở thành y tá hộ sinh.
Khi tôi kể lại câu chuyện này, người ta cho rằng phép màu trong cơn bão xa xưa kia là sự ra đời của một đứa bé. Đúng, chuyện đó thật phi thường. Thế nhưng hôm đó tôi còn được chứng kiến một kỳ quan vĩ đại hơn. Khi Christina nắm lấy tay tôi và cô Mina ghì tay má, có một khoảnh khắc – một nhịp tim, một hơi thở – khi tất cả những khác biệt về trường lớp, tiền bạc và màu da đều tan biến như ảo ảnh trên sa mạc. Ở đó, tất cả mọi người đều bình đẳng, chỉ là một người phụ nữ giúp đỡ một phụ nữ khác mà thôi.
Phép màu đó, tôi đã trải 39 năm ròng chờ ngày tái kiến.
Mời các bạn đón đọc Những Điều Nhỏ Bé Vĩ Đại của tác giả Jodi Picoult & Trương Hoàng Uyên Phương (dịch).