Từ khi còn là một cô bé, tôi đã có thói quen đọc sách rồi cứ thế ngủ thiếp đi. Trong suốt cuộc đời của mình, tôi thường cố đọc thêm mấy trang sách trong tình trạng ngủ gà ngủ gật và tỉnh giấc khi ánh đèn vẫn sáng và cuốn sách thì nằm trong tay… Khi tôi 10 tuổi và 12 tuổi là thời của Biên Niên Sử Narnia, Giết con chim nhại, và Jane Eyre. Tôi luôn mê mẩn Raymond Chandler, Patricia Highsmith và James M. Cain – những tác giả vĩ đại về đề tài trinh thám, tội ác. Đọc sách với tôi cũng giống như hơi thở, cần thiết cho việc tồn tại và suy nghĩ. Nhưng thời gian gần đây, khi đọc qua từng trang sách, tôi thấy đầu óc mình cứ vẩn vơ nghĩ đến chiếc điện thoại. Chuyện gì đang xảy ra vậy? Tôi có đang bỏ lỡ điều gì đó không?
Một trong những nguyên nhân tôi cho rằng có thể lý giải sự phân tâm của mình đó là bởi trong hai năm rưỡi qua, tôi đang nghiên cứu về một cuốn sách viết về phái nữ và mạng xã hội. Tôi đã thực hiện một chuyến đi qua 10 bang (New York, New Jersey, Virginia, Florida, California, Arizona, Texas, Indiana, Delaware, và Kentucky) và nói chuyện với những cô gái từ 13 đến 19 tuổi về cuộc sống của họ trên mạng xã hội cũng như ở ngoài đời. Sau khi gặp gỡ và nói chuyện, tôi dõi theo tài khoản của những cô gái ấy trên mạng, xem họ đăng lên những gì, cuộc sống của họ ra sao. Và dù rằng họ biết tôi là một trong những người đọc thông tin của họ trên các diễn đàn được mở công khai, cảm giác bị theo dõi vẫn có, cảm giác mà các cô gái thường gọi là “bị đeo bám”, khiến tôi nhiều lần tự hỏi: Tôi đang làm gì? Chúng ta đang làm gì?
Tôi sử dụng các ứng dụng mà các cô gái thích, chẳng hạn như Yik Yak – một ứng dụng được ví như Twitter ẩn danh. Ra đời vào năm 2013 bởi hai người đàn ông trẻ gặp nhau tại Đại học Furman ở South Carolina, Yik Yak được biết đến nhiều bởi học sinh trung học và sinh viên đại học. Giống các ứng dụng ẩn danh khác, Yik Yak cũng từng được nhiều kênh thông tin cho rằng có liên quan đến những vụ hăm dọa trên mạng, và vì vậy nhiều trường phổ thông và đại học đã cấm ứng dụng này. Nhưng trong bán kính năm dặm tính từ nơi tôi có thể xem được các bài đăng – khu vực bao gồm một vài trường trung học của thành phố New York và trường đại học New York – những người sử dụng Yik Yak đang nói lên những băn khoăn mà cũng là mối bận tâm của giới trẻ ở các lứa tuổi khác nhau: Tôi có hấp dẫn không?
Sau này có ai yêu tôi không? Tôi sẽ chịu đựng người bạn cùng phòng khó ở của tôi thế nào đây?
Rất nhiều bài đăng trên Yik Yak là về tình dục. Và nhiều bài trong số đó thể hiện những điều mới so với những gì chúng ta từng biết về giới trẻ. Lúc đầu, tôi thấy rất khó chịu khi đọc những bài như vậy, nhưng khi tôi thấy quen dần, những bài đăng này không quá khác biệt nữa. Trên các mạng xã hội, những thứ gây phiền toái, khó chịu sẽ dễ dàng trở nên bình thường sau những lần được đăng lại một cách rộng rãi.
Và sau đó, vào một buổi tối thứ Bảy, tháng 10, năm 2015, khi tôi đang lướt qua Yik Yak trên điện thoại thay vì đọc một cuốn sách, tôi đã nghe thấy một điều mà ngay cả những người dùng Yik Yak thường xuyên cũng thấy choáng váng. “Trời ơi, Syracusesnap”. “LMFAO (cười rớt mông) Syracusesnap.” “Syracusesnap là gì?” – mọi người hỏi. Ai cũng muốn biết. Ai cũng cần phải biết.
Syracusesnap là một trang Snapchat Story, nhưng hình ảnh và video có thể xem được trong vòng 24 giờ sau khi đăng thay vì chỉ một đến mười giây như một Snap bình thường. Ra đời vào năm 2011 bởi ba anh em kết nghĩa đến từ Stanford, cho đến nay, theo lời của Snapchat, các câu chuyện ‘Stories’ của ứng dụng này là chức năng phổ biến nhất, với hơn một triệu lượt xem mỗi ngày. Nhưng chẳng có mấy trang Story đạt độ lan truyền cao. Còn Syracusesnap, chỉ trong vài giờ sau khi ra đời, đã được giới trẻ và sinh viên khắp nước Mỹ tham gia. “Tiếng tăm của Story lan truyền còn nhanh hơn cả một bài đăng của Gossip Girl”, The Tab – trang web của một trường đại học, và cũng là tổ chức duy nhất viết về điều này cho biết. Trong một thời đại mà sự riêng tư gần như không còn được bảo mật, thì vẫn còn những thứ chỉ tồn tại trong thế giới của giới trẻ, ẩn mình trong không gian trực tuyến, không cầu kỳ, và Syracusesnap là một trong số đó.
“Chẳng mấy chốc mà không chỉ có sinh viên của [trường Đại học] Syracuse nhảy theo ‘cơn sốt’ này”, The Tab chia sẻ. Các bài đăng và câu chuyện từ những trường như Pitt, Cornell và trường Đại học NYU cũng được đưa vào đây – điều này có nghĩa là những trường khác cũng đang tham gia Syracusesnap và đăng ảnh trên ứng dụng này. “Trường ‘Cuse đang tỏa sáng’ và ‘Ước gì chúng ta đi học ở trường ‘Cuse!’ là những dòng chia sẻ cùng các bức ảnh” – The Tab cho biết. “Tất cả mọi người đều ghi @Syracusesnap trên Snapchat. Không cần khách sáo,” ai đó đã đăng lên như vậy. Điều gì đã gây ra sự phấn khích này?
Syracusesnap có những bức hình giới trẻ uống bia rượu, sử dụng chất kích thích trong phòng ký túc xá, và đặc biệt nhất là những tấm ảnh của các cô gái khỏa thân. Một vài tấm ảnh còn được trang trí với hình ảnh hoạt hình bóng đá và được liên tưởng đến tuần lễ hội ngộ hàng năm mang tên “Orange Central” của trường Syracuse. Trông nó giống như thành quả mà một chuyên gia truyền thông đã lồng ghép ảnh khiêu dâm với không khí trường học để khiến Syracuse trông như một bữa tiệc trường tuyệt nhất. Nhưng chúng ta sẽ nói thêm về chuyện đó sau.
Trước đây đã từng có những câu chuyện Snapchat Stories tai tiếng của các trường đại học, thực ra, những trang này có thể được tìm thấy ở nhiều trường khắp cả nước. Đây là một loại chuyện châm biếm nổi loạn của chức năng Campus Stories trên Snapchat – một chức năng khác của ứng dụng này mà nhiều trường học tài trợ và quản lý. Những câu chuyện loại này thường đưa ra hình ảnh của các sinh viên trong những thời khắc vui tươi và đầy cảm hứng – lúc ở khán đài reo hò khi chiến thắng trận đấu bóng, hoặc lúc đi đến giảng đường.
Năm 2015, Đại học Sun Devil Nation của bang Arizona đã trở nên nổi tiếng với những bức hình sinh viên trong trường khua khoắng những túi cần sa và hít co-ca-in. Theo Thời báo Bruin – tờ báo của Trường Đại học California thuộc Los Angeles, UCLAyak – tên tài khoản Yik Yak của trường này – có những tấm hình rõ ràng là khiêu dâm và những đoạn phim lặp lại “cứ vài giây một”. Vị sinh viên ngành tâm sinh lý ẩn danh tạo ra tài khoản này đã chia sẻ với tờ Bruin rằng anh hoàn toàn không ngạc nhiên với sự trần trụi này: “Đây chỉ là vấn đề sớm hay muộn. Đây chính là lý do Snapchat ra đời.” Anh còn cho biết anh ngờ rằng một vài đoạn phim đã được lên kịch bản từ trước và họ tạo ra chúng để gây sốc cho mọi người. Những hướng dẫn sử dụng của Snapchat đã cấm những nội dung thể hiện rõ tính khiêu dâm, và công ty này thường xuyên xóa đi các trang Snapchat Stories vi phạm quy định trên, nhưng ngay khi bị xóa, những nội dung này lại xuất hiện trở lại dưới tên một tài khoản khác.
Vậy thì điều gì đã làm cho Syracusesnap có sức lan truyền mạnh đến vậy? Tối thứ Bảy đến, khi giới trẻ còn đang mải loan tin cho nhau về những câu chuyện tai tiếng của mình, thì nội dung trên Story của tài khoản này lại trở nên mạnh bạo hơn nữa. Hình ảnh của hai cô gái đang cùng nhau làm cái điều mà mọi người hay gọi là “đi đường cửa hậu”. “Syracusesnap điên mất rồi (cười rớt mông),” @ Alexus_x30 chia sẻ. @vmankss thì nói: “Ok, tất cả mọi người trên Syracusesnap cần đến sự cứu rỗi của CHÚA”. @lexhallmark lo lắng: “Nếu ba mẹ tôi mà nhìn thấy Syracusesnap, họ chắc chắn sẽ bắt tôi chuyển trường”. “Tôi đã có một vết nhơ gột cả đời không sạch vì đã tải về ứng dụng Syracusesnap, ôi Chúa ơi mắt tôi đã thấy gì thế này,” @t victoria chia sẻ.
Khi tôi xem những gì được chia sẻ trên trang Story này bằng điện thoại của mình, tôi thấy xung quanh tôi đầy những nội dung mà chính tôi đã muốn nói đến trong bài viết về các cô gái và mạng xã hội. Có yếu tố lan truyền, lan đi mạnh mẽ, nhanh chóng trên mạng trực tuyến, cảm giác thôi thúc rằng có điều gì đó ở ngoài kia cần được biết đến và chia sẻ, còn nếu không, bạn sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Khi một bức ảnh hai cô gái đánh nhau xuất hiện, Syracusesnap bắt đầu cho thấy những dấu hiệu của sự khác biệt so với các trang Campus Stories không chính thống. Bạo lực không phải là một đặc tính đặc trưng của những tài khoản này, nhưng các vụ xô xát giữa hai người con gái là nội dung thường thấy ngày nay trong các chương trình truyền hình và các bộ phim được yêu thích. “Ôi trời ơi, con gái đánh nhau LOL”. Nhưng khi Syracusesnap đưa ra một bức hình của một chàng trai đang đe dọa một bạn gái (mặt của hai người không bị lộ), thì ngay cả những người tham gia Yik Yak hiền lành nhất cũng phải lên tiếng. “Gửi anh chàng đang đặt tay lên cô gái kia, tôi mong anh sẽ bị một trận đòn,” một ai đó đã chia sẻ như vậy.
Sau ngày Snapchat đóng và cấm chức năng kể chuyện Story, người ta xôn xao hỏi nhau nó đã biến đâu mất rồi – người ta có thể nhìn thấy nó ở đâu chứ, thứ mà bấy lâu nay ai cũng nói đến? “Yeti,” “Yeti,” những người dùng Yik Yak đăng lên như vậy. “Yeti là gì?”, mọi người hỏi.
Yeti – Campus Stories là một ứng dụng trên điện thoại di động ra đời vào năm 2015, là một sự kết hợp của Snapchat và Yik Yak. Trang của Yeti tại cửa hàng Apple iTunes nêu rõ rằng chỉ những người dùng đủ 17 tuổi trở lên mới có thể tải phần mềm này (nhưng ai kiểm tra chứ?), đồng thời cảnh báo rằng Yeti có thể bao gồm những nội dung “Ít gặp/ Bạo lực thực tế cấp nhẹ” và “Thường gặp/ Nội dung người lớn cường độ mạnh/ Chủ đề khiêu dâm,” cũng như liên quan đến việc sử dụng ma túy. Khi Yeti ra đời, tờ Daily Dot gọi đây là “sự nhân bản của Snapchat với nội dung người lớn” và dự đoán rằng Yeti sẽ dựng lên một sân thi đấu giữa các trường đại học. Con trai trường nào nóng nảy nhất? Kỳ nghỉ mùa xuân của ai hư đốn nhất? Bồ của chàng trai nào “nóng bỏng” nhất? Các bài blog trên Tumblr sớm xuất hiện “các nàng Yeti” và “Các cô gái của Yeti – Campus Stories” “nóng bỏng nhất” trong hàng dài trang ảnh khỏa thân, bán khỏa thân mà chủ nhân của các trang blog cho là các “bức ảnh chụp màn hình” từ ứng dụng. Khi tôi viết thư điện tử cho giám đốc truyền thông của Yeti – Ben Kaplan, 23 tuổi – hỏi về những bức hình này, rằng liệu chúng đã thực sự xuất hiện trên Yeti và liệu tác giả của những bức ảnh có cho phép chúng được chia sẻ không. Ben nói anh ta chưa từng nhìn thấy những trang blog này trước đây và rằng Yeti “không có bất cứ liên quan gì đến chúng”.
Anh chàng mang họ Kaplan nói: “Thật không may là chẳng có phần mềm nào trên thế giới này (mà tôi biết tới) có khả năng nhận biết liệu những người xuất hiện trong bức ảnh đã cho phép người chụp được sử dụng hay chưa”. Câu trả lời này khiến tôi tự hỏi: “Chà chà, tại sao những nhà phát triển phần mềm lại chưa từng nghĩ đến quyền chia sẻ hình ảnh khỏa thân nhỉ?”
Một điều lạ về chuyện này là khi bạn vào Yeti, bạn sẽ thấy nội dung ở đây tương đối nhẹ nhàng. Khi tôi ghé qua các tài khoản Yeti của trường Đại học New York, Texas A&M, Penn State và các trường khác, tôi thấy hàng đống hình ảnh tự chụp theo phong cách gợi cảm (chu môi và khoe khe ngực), cũng như những bức ảnh chụp đồ ăn và các sinh viên tỏ ra ngớ ngẩn, rồi cả hình ảnh sinh viên khoe chất ma túy (ống hút cần sa và co-ca-in)… Thực ra, Syracusesnap tuyên bố rằng họ đã chuyển qua Yeti sau màn trình diễn ngông cuồng của mình, nhưng những bức hình táo bạo kia lại chưa từng xuất hiện ở Yeti. Tất cả điều này có nghĩa gì?
Một nguồn thông tin ở bộ phận hành chính Đại học Syracuse cho hay anh ta tin rằng Syracusesnap thực ra là do Yeti sáng lập. Không một ai trên mạng xã hội có vẻ nghĩ tới khả năng này, tuy nhiên, ngay khi anh ta nói với tôi điều đó, tôi thấy đây không phải là một điều phi thực tế. Hình ảnh cuối cùng xuất hiện trên Syracusesnap là hình ảnh logo của Yeti – những cột thẳng đứng nhiều màu giống màn hình các kênh ti vi thử nghiệm. “Snapchat đang cấm tài khoản của chúng tôi”, là thông điệp đi kèm với logo. “Chúng tôi sẽ chuyển Story của mình sang trang YETI CAMPUS STORIES, có thể tải về từ Apple/ Google Playstore.” Giọng điệu y chang một tin quảng cáo.
Vậy thì có phải Syracusesnap chỉ là một chiêu thức marketing? Có phải chính Yeti đã thúc đẩy cho cuộc tranh luận về tài khoản trên Yik Yak và Twitter diễn ra? Ben Kaplan viết trong email của mình rằng Yeti không hề liên quan đến Syracusesnap, và rằng anh ta chưa từng nghe thấy điều này. Ben cũng nói anh ấy nghĩ rằng việc đưa lên logo của Yeti “có thể là để giảm thiểu những bối rối trong quá trình chuyển giao?”. Ben nhấn mạnh: “Yeti là sự cập nhật sống động của TẤT CẢ NHỮNG GÌ diễn ra tại trường”.
Vậy thì ai là người sáng lập ra Syracusesnap? Khi tôi trao đổi với Hannah Malach, một sinh viên của trường Syracuse và cũng là người viết bài cho tờ The Tab, cô nói rằng, theo cô được biết, chưa ai trong trường đã phát hiện ra danh tính của người tạo ra tài khoản này. Khi tôi hỏi liệu cô đã nghe nói đến Yeti trước khi biết về Syracusesnap, cô đáp “Tôi đã không biết về Yeti, và cho đến giờ, vẫn có nhiều người chưa biết về nó.” Tôi đã phỏng vấn các sinh viên và có một vài người cũng nói rằng họ chưa từng biết đến Yeti – Campus Stories. Tính đến buổi tối tháng 10 đó, trang Twitter và Instagram của tài khoản này, có chưa đến 6.000 và 3.000 người tham gia, mặc dù nó đã tồn tại gần 1 năm.
Khi chúng ta nói đến văn hóa mạng xã hội, chúng ta muốn nói gì? Tôi cho rằng đây là một đề tài quan trọng, vì mạng xã hội là nơi hầu hết các cô gái Mỹ đang sống. “Chúng tôi ở đó 24 giờ, 7 ngày” là lời chia sẻ của một cô gái 13 tuổi ở Montclair, New Jersey – “Đó là tất cả những gì chúng tôi làm”. Có thể một cô gái tuổi mới lớn sẽ nói, điều này không hoàn toàn đúng, về nghĩa đen. Họ còn đi học, chơi thể thao, giao du với bạn bè, chăm sóc anh chị em trong gia đình; có nhiều người còn đi làm, họ làm các công việc tình nguyện, thực hiện những sở thích của mình, và đọc sách nữa, mặc dù giới trẻ ngày nay đọc ít hơn trước nhiều, đây là điều mà một vài nghiên cứu đã chỉ ra là do sự gia tăng của công nghệ trong cuộc sống.
Các bậc phụ huynh và giáo viên sẽ than phiền thế này: “Chúng suốt ngày lên mạng”. Khi được hỏi kỹ hơn, nhiều bậc phụ huynh và giáo viên phải thừa nhận, chính họ cũng dành nhiều thời gian trên các trang mạng xã hội. Tất cả chúng ta đều đang gắn chặt mình với các thiết bị di động theo những cách mà chúng ta chưa từng tưởng tượng ra chỉ một vài năm trước. Nhưng trên thực tế, trong tất cả các nhóm tuổi của người Mỹ, các cô gái mới lớn là những người sử dụng mạng xã hội nhiều nhất.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, vào năm 2015, 88% các cô gái Mỹ mới lớn, tuổi từ 13-17, có thể tiếp cận với một chiếc điện thoại di động, và 73% sở hữu điện thoại thông minh. 92% lên mạng hàng ngày từ một thiết bị di động, và 24% lên mạng “hầu như liên tục”. Các cô gái tuổi từ 13-17 có xu hướng tiếp cận với điện thoại thông minh, máy tính hoặc máy tính bảng nhiều hơn các chàng trai, và theo Pew, “các cô gái trẻ sử dụng các trang mạng xã hội, chủ yếu là các trang có nhiều hình ảnh, để chia sẻ nhiều hơn so với các bạn khác giới cùng độ tuổi”. Số lượng các cô gái sử dụng mạng xã hội hàng ngày tăng cao không phụ thuộc vào hoàn cảnh, xuất xứ, nền giáo dục, thu nhập của gia đình, cũng như việc họ đang sống tại nông thôn hay thành thị. Vào năm 2015, Facebook, Instagram, Snapchat, Twitter và các trang chia sẻ ảnh trực tuyến như Pinterest là các trang phổ biến nhất với các cô gái Mỹ. Theo các nghiên cứu, các cô gửi đi 30 tới hơn 100 tin nhắn mỗi ngày.
Đề tài nghiên cứu của tôi tập trung vào lý do tại sao các cô gái lại lên mạng “mọi lúc”, và họ làm điều gì trên mạng, tuy nhiên tôi thấy mình cũng cần lưu tâm về lượng thời gian rất lớn mà họ đang dành cho việc lên mạng trước khi đi sâu vào tìm kiếm câu trả lời cho hai câu hỏi trên. Liệu có phải họ nghiện mạng xã hội không? Nếu bạn hỏi, có thể nhiều cô sẽ trả lời là đúng.
Các từ “bị nghiện” và “sự ham mê”, “bị ám ảnh” và “mang tính ám ảnh” xuất hiện nhiều lần trong các câu hỏi phỏng vấn của tôi với hơn 200 cô gái mới lớn khi họ nói về việc họ sử dụng điện thoại thông minh, lượng truyền thông và mạng xã hội mà họ đang sử dụng. Còn cách nào khác đâu để bạn có thể đưa ra các đặc tính của một hoạt động chiếm tới 9-11 giờ mỗi ngày (số giờ khác nhau theo các nghiên cứu được trích dẫn khác nhau)?
Trong giới nghiên cứu, vẫn chưa có kết luận về việc liệu nghiện mạng xã hội có giống như nghiện ma túy và bị phụ thuộc vào ma túy hay các chất khác hay không, dù rằng các thông tin đang được đăng tải lên ngày một nhiều rằng việc sử dụng mạng xã hội giúp các trung tâm của hệ thống củng cố não bộ sáng lên và khiến các hoóc- môn nhảy múa. Các cô gái cũng nói về “sự phấn khích” mà các nhà nghiên cứu cho rằng sẽ xuất hiện trong não bộ của các cô khi họ nhận được những lượt “thích” trên các bài đăng và ảnh. Và dù họ không biết đến các nghiên cứu này, họ cũng biết cảm giác của sự phấn chấn khi những bức ảnh được nhiều người ca ngợi, cũng như cảm giác thất vọng khi các bài đăng không nhận được phản hồi, hay tệ hơn, là bị chê bai hoặc “ném đá”.
Có một thực tế mới bất thường và nó đã đến rất nhanh, đó là, chưa bao giờ như lúc này, hầu như tất cả các cô gái Mỹ đang tham gia vào cùng một việc trong phần lớn thời gian của họ. Và sự thay đổi lớn trong cách các cô gái sử dụng thời gian của mình đã tạo ra một sức ảnh hưởng lớn đến cách suy nghĩ và hành động, cũng như việc các cô kết bạn, hẹn hò như thế nào. Nhưng các ảnh hưởng đó như thế nào? Khi chúng ta nói về mạng xã hội, chúng ta nói chúng ta đang ở “trên mạng”, cũng tương tự như cách chúng ta nói chúng ta đang trên đường đi chơi vậy. Dường như chúng ta đang trải nghiệm nó như là một hành trình thực tế tới một điểm đến nào đó, nhưng đây không phải là một điểm trung gian, nó được tạo ra bởi những người làm kinh tế, và một phần lớn của nó đến từ Thung lũng Silicon.
Những cô gái tôi phỏng vấn năm 2013 tỏ ra ngại ngần với nạn phân biệt giới tính trong cuộc sống của họ hơn so với những cô gái tôi phỏng vấn năm 2014. Thời gian trôi qua, các cô gái và phụ nữ tiếp tục lên tiếng trên mạng, phái nữ dường như thức tỉnh. Họ cũng nói về những điều tương tự – “kẻ tàn bạo”, “kẻ chẳng ra gì”, và đặt ra những tiêu chuẩn kép để trừng phạt người khác giới, nhưng họ đã thể hiện chính mình bằng một quan điểm phê phán mới mà nhiều cô gái nói họ đã học được từ các bài đăng và bài báo họ đọc được trên các trang mạng xã hội.
Không phải những thứ vật chất xung quanh các cô gái đã thay đổi, mà tư duy của các cô đã thay đổi, và các cô dường như mạnh dạn hơn để nói về mọi thứ theo cách mà mới chỉ một năm trước đây các cô không dám, vì những nội dung ấy có thể khiến người ta đánh giá các cô là những người theo “chủ nghĩa nữ quyền”, và không ai muốn bị gắn mác như vậy, dù cho từ ấy có nghĩa là gì đi nữa. Rất nhiều thần tượng của các cô gái ngày ấy – Katy Perry, Taylor Swift, Kelly Clarkson, Shailene Woodley, và nhiều người khác – lo sợ bị gắn mác “chủ nghĩa nữ quyền”. “Tôi không theo chủ nghĩa nữ quyền”, Lady Gaga đã khẳng định vào năm 2009.
Nhưng vào năm 2014, điều gì đó đã thay đổi, và những hình mẫu của các cô gái đã bắt đầu trân trọng từ này hơn. Quan trọng hơn cả, họ nhận ra rằng có những sự bất bình đẳng trong cuộc sống của phái nữ cần được chỉ rõ. Emma Watson đã trình bày một bài thuyết trình được công khai rộng rãi tại Liên hợp quốc, nêu rằng “Đấu tranh vì quyền lợi phụ nữ bấy lâu nay thường bị gắn liền với việc thù ghét đàn ông. Nếu tôi chỉ dám chắc một điều, thì đó là, việc này cần phải chấm dứt.” Watson đã hối thúc phái nam cùng với phái nữ trở thành “những người ủng hộ giới tính bình quyền”. Taylor Swift cũng đã thay đổi, về cùng nhóm với chủ nghĩa nữ quyền. Còn Beyonce đã biểu diễn tại Lễ trao giải MTV Video Music Awards trước một tấm bảng dài gần 4 mét ghi rõ CHỦ NGHĨA NỮ QUYỀN. “Đó là một điều lớn, rất lớn”, một cô gái 14 tuổi ở New York chia sẻ. “Nó giống như là, Beyonce, trời ạ”.
Nhưng rồi đến cuối năm 2015, bạn lại thấy sự xuất hiện của Syracusesnap. Văn hóa của mạng xã hội lại bị xáo trộn, và dường như không còn mấy để tâm tới sự phản kháng của chủ nghĩa nữ quyền hay những người muốn xóa bỏ những mặt còn đang gặp nhiều khó khăn của chủ nghĩa này. Và người chịu thiệt là các cô gái. Hàng ngày, thậm chí hàng giờ, trên chiếc điện thoại, các cô phải hứng chịu những lời nhục mạ và những thứ có khả năng làm tổn hại đến trạng thái tinh thần tích cực và lòng tự trọng của các cô.
Đây không phải là một cuốn sách viết về việc các cô gái đã trở thành nạn nhân như thế nào. “Nạn nhân” không phải là một từ tôi muốn dùng để nói về những cô gái mà tôi đã gặp, vẫn đang tồn tại và phát triển trong một môi trường mà, phần lớn thời gian, đã trở nên quá thù địch với các em. Điều này đã xảy ra thế nào, khi mà ngày càng nhiều sinh viên nữ tốt nghiệp đại học, khi mà ngày càng có nhiều nữ giới là lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực. Chúng ta hay nghe người ta nói, rằng những cô gái Mỹ là những cô gái danh tiếng và thành công nhất trên thế giới. Nhưng hãy nói điều đó với một cô gái 13 tuổi bị gọi là một “con điếm” và cảm thấy mình không thể bước chân vào lớp học vì tất cả mọi người sẽ nhìn em, nhắn tin cho nhau bàn bạc về em. “Chúng ta cần tìm lời giải cho câu hỏi tại sao những người phụ nữ có thể tạo nên bước tiến dài trên những đấu trường dành cho mọi người, hơn là sàn đấu của chính mình”, là chia sẻ của bà Elizabeth Amstrong, giáo sư xã hội học chuyên về tình dục và giới tính, trường Đại học Michigan.
“Phân biệt giới tính đã được xếp vào những phạm vi mới mà phụ huynh không thấy và không hiểu, bởi cách họ dùng mạng xã hội rất khác”, Katie – một sinh viên tại Barnard chia sẻ. “Họ nghĩ rằng ‘Ồ, làm gì có chuyện có điều gì sai xảy ra ở đây, Snapchat và Instagram chỉ là trò chơi thôi mà.’” Nhưng nếu nó chỉ là một trò chơi, thì nó cũng khác với bất cứ trò nào chúng ta từng c