“Những chàng trai huyền thoại” là một seri sách dành cho giới trẻ và trong mọi thời đại vẫn còn giữ nguyên giá trị khi đề cao con đường dẫn tới sức khỏe, tự do và hạnh phúc. Mở đầu seri bằng hai tập sách lấy nhân vật Benjamin Franklin và Mahatma Gandhi làm trung tâm, tác giả đã đặt vấn đề hoàn toàn khác với những người viết sách cùng thể loại khi nhấn mạnh sức khỏe quyết định tư chất và hạnh phúc của con người. Ohsawa viết về các nhân vật nổi tiếng toàn cầu, nhưng ông không thần thánh hóa, huyền thoại hóa vĩ nhân. Ông dựng lên tầm vóc khổng lồ của nhân vật bắt đầu từ con người thường nhật – mang tính người nhất với những ưu khuyết, lỗi lầm, thành đạt, vui buồn một cách chân thật và sinh động. Chẳng hạn: Khi là sinh viên ở London, Gandhi rất đau khổ dằn vặt bởi hành vi dối trá của mình, khi ông không nói trước với người con gái mình yêu, thậm chí đã hứa hẹn kết hôn, rằng trước khi gặp cô, ông đã kết hôn từ năm 13 tuổi và đang là cha của một đứa con. Chẳng hạn: Thời trẻ Gandhi cũng đã từng ăn cắp tiền của người đầy tớ để mua thuốc lá do Ấn Độ sản xuất. Hay năm 15 tuổi, ông “cắt trộm một ít vàng từ chiếc vòng tay của ông anh hai”. Nhưng không vì thế mà thân thế, sự nghiệp và tầm vóc khổng lồ của Thánh Gandhi trở nên nhỏ bé, thấp kém. Georges Ohsawa lấy những sự kiện mang tính con người thường nhật ấy để nói về sự dằn vặt sám hối của nhân vật, chứ không nhằm phê phán hay hạ bệ, giải thiêng nhân vật lịch sử. Chính sự chân thực và trác việt của người viết giàu bản lĩnh như Ohsawa đã làm cho nhân vật ngời sáng nhưng gần gũi, giản dị và gieo vào lòng bạn đọc một sự tin tưởng, ngưỡng mộ. Ohsawa vẽ chân dung Benjamin Franklin, Manhatma Gandhi bằng những câu chuyện nhỏ, trong đó mỗi câu chuyện là một thông điệp triết lý nhân sinh: “Cậu bé làm nến”, “Làm bạn với thống đốc bang vào năm 17 tuổi”, “Tổng biên tập báo kiêm thợ in 23 tuổi”, “Thời kỳ ở Luân Đôn”, “Những nguyên tắc của chủ nghĩa ăn chay”… của Franklin; hoặc: “Bí mật của Gandhi”, “Cậu bé Gandhi chữ xấu”, “Gandhi đã từng ăn trộm”, “Phát hiện ra phương Đông”… của Gandhi. Các câu chuyện nhỏ bé được tác giả trích dẫn và bình luận khiến nhân cách của vĩ nhân lại được soi sáng lần nữa dưới cái nhìn hiền triết phương Đông của Ohsawa. Trong suốt cuộc đời mình, George Ohsawa đã viết trên 300 cuốn sách bằng tiếng Nhật, Anh, Pháp cũng như viết và dịch hàng trăm bài báo trên các tạp chí do ông chủ biên, diễn thuyết tại rất nhiều nước trên thế giới. Ông là một nhà nho, thầy thuốc, thương nhân, nhà giáo dục và nhà thơ, nhưng trên tất cả là một nhà triết học phương Đông, người đã giảng triết học cổ Trung Quốc về âm và dương trong thời gian ở Pháp, và lần đầu tiên áp dụng triết học của mình đối với nhiều phạm vi như dinh dưỡng, chế độ ăn uống, thuốc men, hoá chất, đạo đức, tu hành, sự giáo dục, cũng như phong cách sống. Nhà văn Sương Nguyệt Minh đã bình luận về cuốn sách: Tôi vô cùng ám ảnh với câu nói nổi tiếng của Benjamin Franklin: “Có những người chết ở tuổi 25 và chỉ đến 75 tuổi mới được chôn.” Có nghĩa là họ có đến 50 năm sống hoài phí. Đến khi đọc bộ tác phẩm “Những chàng trai huyền thoại” của Georges Ohsawa viết về những năm tháng thiếu thời của Benjamin Franklin và Manhatma Gandhi thì rất tiếc cho người Việt Nam (nhấn mạnh là lớp trẻkhông được đọc, hoặc đọc thiên bút ký chân dung này quá muộn mằn. Nếu đọc Ohsawa sớm thì nhiều người ta sẽ sống có ý nghĩa hơn, sinh động hơn đến từng phút giây cuối cùng của cuộc đời mình. Có thể nói “Những chàng trai huyền thoại” là các tập sách giúp bạn đọc biết cách đi đến tự do và hạnh phúc, để ai cũng có thể làm được như các vĩ nhân Franklin và Gandhi, chí ít là khiến cho cuộc sống của mình có ý nghĩa từng giây, từng phút.