Hồ Biểu Chánh là một nhà văn lớn của Nam Bộ, người có công mở đường cho nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Người đương thời và nhiều thế hệ về sau đã đón nhận tác phẩm Hồ Biểu Chánh với tất cả sự nồng nhiệt, trân trọng. Lịch sử văn học Việt Nam không thể phủ nhận đóng góp to lớn của Hồ Biểu Chánh. Một trong những yếu tố làm nên sự thành công ấy chính là tác phẩm của ông có được một hình thức ngôn ngữ đầy ấn tượng, thể hiện phong cách ngôn ngữ văn xuôi Nam bộ những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.
Hồ Biểu Chánh sinh năm 1884 (trong giấy khai sinh ghi ngày 1 tháng 10 năm 1885) tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công (nay thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang).
Ông xuất thân trong một gia đình nông dân, thuở nhỏ học chữ Nho, sau đó chuyển qua học quốc ngữ, rồi vào trường trung học ở Mỹ Tho và Sài Gòn.
Năm 1905, sau khi đậu Thành chung, ông thi vào ngạch ký lục của Soái phủ Nam Kỳ; làm ký lục, thông ngôn, thăng dần đến đốc phủ sứ (1936), từng giữ chức chủ quận (quận trưởng) ở nhiều nơi. Ông vốn có tiếng thanh liêm, yêu dân, thương người nghèo khổ.
Tháng 8 năm 1941, sau khi ông về hưu, được Pháp mời làm cố vấn với danh hiệu Nghị viện Hội đồng Liên bang Đông Dương và Phó Đốc lý thành phố Sài Gòn, đồng thời làm giám đốc những tờ báo tuyên truyền cho chủ nghĩa Pháp-Việt.
Sau khi tái chiếm Nam Bộ năm 1946, Cộng hòa tự trị Nam Kỳ được thành lập, ông được mời làm cố vấn cho chính phủ Nguyễn Văn Thinh. Nhưng chỉ được mấy tháng, khi chính phủ Nguyễn Văn Thinh sụp đổ, ông lui về quê ở ẩn và giành trọn những năm tháng còn lại cho sự nghiệp văn chương.
Ông mất ngày 4 tháng 9 năm 1958 tại Phú Nhuận, Gia Định; thọ 74 tuổi.
Lăng mộ ông hiện nay được đặt ở đường Thống Nhất, phường 11 quận Gò Vấp.
Tác phẩm:
***
Huỳnh Tú Phan mới cất một nhà lầu, gần châu thành Bạc Liêu cửa ngó ra lộ đi Sóc Trăng. Nhà cất kinh dinh kiểu vẻ xinh đẹp, nền cao cửa rộng tường chắc, thang lài, tứ hướng đều có làm cửa sổ đặng ánh sáng lọt vào nhà. Hai từng đều lót gạch bông đặng lau chùi cho sạch, nóc lợp ngói móc đỏ lòm, cửa sổ sơn dầu xám láng bóng.
Trước có dọn một cái sân rộng lớn, chánh giữa đã xây hòn non trên hồ nước, trên đỉnh ông tiều lum khum gánh củi, dưới khe ngư ông thong thả ngồi câu, bên kia thằng mục cỡi trâu ãn, bên nọ chú cày đi ra ruộng.
Ở ngoài đi vô khỏi cửa ngỏ rồi tẻ ra hai đường vô nhà. Dọc theo hai đường ấy đã trồng bông đủ thứ, bông vàng xen bông trắng, lá đỏ lộn lá xanh, hai bên lại đương dọn hai cái bồn, tính để trồng cây coi cho đẹp. Phía sau có cất một cái nhà dài tám căn, rồi chia ra chỗ xây bếp, chỗ chứa đồ, chỗ để xe hơi, chỗ để xe ngựa, còn dư mấy căn dành để cho gia đinh ở.
Khoảng đất cất nhà nầy thật là rộng lớn, không còn bỏ trống, nhiều chỗ chưa thấy trồng cây gì. Tuy vậy mà mặt đất đã ban bằng phẳng, có lẽ chừng chủ nhà dọn nền nhà mới sẽ trồng mận, ương cam, hoặc trồng cau, đặt chuối chi đây chớ chẳng không.
Phía trước dọc theo mé lộ, đã xây tường rồi rào song sắt, còn ba phía kia xây trụ bạch cấm rào cây. Người đi đường, hễ đi ngang qua thấy nhà mới nguy nga thường hay nghị luận, kẻ khen nhà cất đúng kiểu, người tiếc xung quanh nhà chưa trồng cây, kẻ chê nhà cất xa châu thành, người lại nói muốn khoe của nên cất nhà tốt hơn thiên hạ.
Tú Phan cất nhà vừa xong đương lo đóng tủ, mua bàn, đặt giường, sắm ghế đặng ăn lễ tân gia, thình lình hay tin quan trên xét công làm hội đồng địa hạt gần hai khóa và mỗi kỳ nhà nước phóng trái đều sẵn lòng đem bạc cho vay nhiều, nên thưởng chức Huyện Hàm, đặng rở ràng trong hương xã.
Chữ phú đã được nay thêm chữ quý nữa, người đời phần nhiều hễ được như vậy thì toại chí phỉ nguyền. Tú Phan là người ở trong bậc thường dân xuất thân, nhờ vận hội may mắn được giàu, nay cũng nhờ vận hội may mắn được sang nữa, thầm nghĩ có tiền mà không có chức thì cũng không oai, từ rày mình có tiền mà lại có chức, giàu sang gồm đủ, sự mơ ước đã được rồi chẳng lo chi nữa. Tú Phan lật đật sắm sửa dọn dẹp nhà mới cho xong, Ðịnh chiều chúa nhựt 20 janvier (1) sẽ thiết tiệc lớn làm lễ tân gia với tân quan luôn một bữa. Hồng thiệp gởi đi rồi, từ bà con cho đến người quen biết, ai ai cũng đều nao nức lo sắm lễ vật đặng đi khánh hạ.
Ngày vui đã đến, sắp đặt cũng vừa xong. Sớm mai chúa nhựt, sắp tá điền, độ gần vài mươi người, chia nhau tốp bắc thang trèo lên mấy cửa treo cờ, tốp đóng nọc giăng dây cùng ngoài sân đặng treo đèn.
Huỳnh Tú Phan, vừa tròn năm mươi hai, mặt dài trán rộng, râu vuốt ngoẳng lên hai bên mép, tóc ít lại điểm bạc hoa râm, chân đi giày thêu cườm, mình mặc áo quần lụa trắng, mắt mang kiếng gọng vàng, miệng ngậm đót mã não (2), ra đứng trước sân coi tá điền treo đèn buộc cờ. Cửa ngỏ sắt sơn màu đỏ lòm, mà lại còn biểu cậm tàu dừa vòng nguyệt, rồi kết bông coi cho rực rỡ thêm. Trong nhà bàn cẩm ghế mây, cái nào cũng mới tinh, mà còn biểu lau chùi, đặng nhìn cho thấy mặt. Trên mỗi bàn đều để một bình bông, bông thiệt cắm xen bông giả nên mới thoáng ngó qua không biết bông nào là bông làm, bông nào là bông trồng. Dựa mấy gốc cột đều có một chậu kiểng, chỗ nầy để bùm sụm (3), chỗ kia để càng thăng (4), bên nầy để cau lá vàng, bên kia để đinh lăng (5) trắng. Mấy cửa sổ đều treo màn thêu bông giấy ngang dọc.
Trong buồng, vợ Tú Phan là Ðoàn Thị Xuân, tuổi vừa 45, nước da trắng; gương mặt tròn, đầu tóc bới thả đều, móng tay chuốc mũi viết, tay đeo cà rá; cổ vấn dây chuyền, đương ngồi trên ván ăn trầu mà nói chuyện với mấy người đàn bà dưới Cái Cùng lên cung hạ. Con gái Tú Phan là Huỳnh Phi Phụng, tay ôm hai tấm màn thêu, ở trên lầu lần từng nấc thang đi xuống. Cô tuổi mới 17, nước da trắng đỏ, đầu tóc đen huyền, hàm rãng trắng đều như hột bầu, ngón tay dài trông như da giấy, mình mặc áo lãnh màu bông phấn, quần lụa Bom Bay6 mới tinh, chân đi giày thêu cườm, bông tay cà rá dây chuyền đều nhận hột xoàn lóng lánh. Cô xuống hết thang rồi mới nói với mẹ:
– Con đã kết hai tấm màn rồi đây má. Ðể đưa cho ba đặng biểu họ treo hé.
Thị Xuân ngó hai tấm màn rồi gật đầu. Mấy người đàn bà đương nói chuyện, ai cũng day lại ngó Phi Phụng rồi nói với Thị Xuân: “Cô hai nay lớn dữ! Bà cũng gần làm sui rồi”.
Phi Phụng nghe nói mắc cở nên ôm hai tấm màn lật đật đi ra ngoài trước, Thị Xuân tay xỉa thuốc, mắt ngó ra cửa sổ mà đáp: “Ôi! Họ muốn làm sui thiếu gì! Có hai ba chỗ gắm ghé, mà ba nó nói còn nhỏ nên chưa chịu gả. Tôi có một mình nó nên cưng lắm. Ba nó nói cực chẳng đã tôi phải để cho nó đi học trên Sài Gòn mấy nãm nay. Xưa rày tôi nói lắm mới chịu lên mà đem nó về đó đa”.
Ở dưới bếp sắp (7) Triều Châu lãnh dọn tiệc, tốp xe đồ, tốp nhóm lửa. Nói chuyện xí xô xí xào, còn sắp gia đinh nấu cỗ Việt Nam đãi khách đàn bà, đứa xắt thịt, đứa lặt rau chộn rộn chàng ràng như nhóm chợ.
Phi Phụng đưa hai tấm màn cho cha rồi cha con đứng coi tá điền treo hai bên cửa buồng. Màn treo vừa rồi thì có một thầy, trạc chừng 19, 20 tuổi gương mặt sáng rỡ, tướng đi khoan thai, mình mặc quần trắng, áo nỉ đen, cổ thắt cà vạt màu tím; đầu đội nón trắng, chân mang giày vàng, ở ngoài cửa ngõ thủng thẳng đi vô nhà. Phi Phụng dòm thấy, miệng chúm chím cười rồi nói với cha:
– Anh ký Linh đến kìa ba. Cha chả bữa nay ảnh diện áo quần coi đẹp dữ.
Tú Phan dòm ra thấy Phan Duy Linh, con của người bạn thân thiết với mình hồi trước, đương làm ký lục trong Hương Sở Bạc Liêu, rồi cũng cười, chờ Duy Linh bước vô nhà mà hỏi:
– Bữa nay chúa nhựt cháu nghỉ hả?
– Dạ, bữa nay cháu nghỉ, nên lật đật đến cung hạ bác và ở giúp đãi khách hầu bác.
– Ô! Được đa! Sấp nhỏ ở nhà đây nó khờ lắm, vậy cháu ở chơi đặng coi sắp đặt dùm cho bác.
– Cô hai về hôm nào?
Phi Phụng nghe hỏi tới mình thì tay vịn ghế, mắt liếc Duy Linh đáp:
– Em về hôm thứ ba.
– Hổm rày tôi không hay, chớ tôi dè có cô về thì tôi ra thăm cô.
– Em muốn sai bầy trẻ cho anh hay, song em nghe ba em nói có mời anh đến nên không dám làm rộn anh.
Duy Linh đem nón móc trên đầu nai gần cửa sổ, Phi Phụng đi lần lại bàn cẩn để ở giữa nhà, thấy trong bình cắm ba bông huệ lộn xộn với bông vải, bèn thò tay kéo nhánh bông huệ để vô lổ mũi mà hửi, mắt ngó theo Duy Linh.
Mời các bạn đón đọc Nhơn Tình Ấm Lạnh của tác giả Hồ Biểu Chánh.