Nhọ là tạp văn hài hước của Lê Hồng Tuân gồm 23 truyện ngắn. Đó là những chuyện thời nhỏ ở quê trong nhà bố mẹ hiện ra cả khung cảnh không khí một thời bao cấp khó khăn. Những chuyện tình đầu hay tưởng như tình đầu của kỷ niệm tuổi học đường dại khờ, ngây thơ, ngơ ngác mà trong suốt tuổi hoa niên không còn lại nữa. Những chuyện bây giờ chát chít, lễ chùa, trai gái phàm tục phàm trần như là cuộc đời mất hết vẻ bí ẩn, đẹp đẽ cho con người muốn sống.
Số Nhọ -Phạm Xuân Nguyên
Cái tên tập sách thõng một chữ NHỌ. Hẳn cái tên đó sẽ trêu chọc trí tò mò của người đọc. Người ta nếu cầm sách lên sẽ tự hỏi nhọ là sao, nếu đọc vào sẽ bực bội nhọ thì đã sao nào. Tác giả không ở trong sách để trả lời hay phân bua. Chỉ có chữ NHỌ ở bìa sách cắm vào mắt người đọc.
Nhọ, thì sẽ có những người không ưa mình. Người ta đang yên lành, đang trong sáng, bỗng có gã tự cho mình là nhọ, nghĩa là bôi đen vấy bẩn mù mịt tăm tối, thế nghĩa là khác loài, là đứng ra ngoài, là có ý châm chích, trêu chọc cái trong cái sáng của ta chăng. Đã thế gã lại còn xưng xưng bằng mấy câu thơ nói cái nhọ của mình là vì sao và để làm gì. Thế thì nhọ thật. Nhọ nhem lem luốc làm người khác nhảy giật ra một cái vì không dámnghĩ mình là nhọ. Nhưng nhọ đâu có phải tự mình muốn mà được. Nó có số. Số nhọ!
Thế thì gã cứ nhọ. Tôi quen Lê Hồng Tuân Phọt Phẹt đã kha khá thời gian để đủ thấy là không biết gì về gã, hay đúng hơn là biết về gã rất ít. Đấy là nói ngoài đời, dù gã tôn xưng tôi lên bậc chú, dù gã đã chén chú chén cháu với tôi nhiều phen nghiêng ngả. Cũng đã đôi phen gã cầm lái cái con xe bốn bánh chở tôi vi vu ngược miền biên giới phía Bắc. Gã trông ngoài cũng oai vệ, bảnh bao, những khi tỉnh táo nghiêm túc. Nhưng khi cuộc rượu, khi du hành, gã ăn to nói lớn toàn những lời lẽ nghiêm đến mức tục và tục đến mức nghiêm, mặt cứ tròn lên như tướng tam quốc, rồi bốc lên là hát mà dạo gần đây cứ là bàiđào liễu em ơi nghe rất tâm trạng phập phồng nỗi riêng tư. Thế đấy, chạm mặt nhưng khó dễ chạm lòng. Có phỏng? (mượn gã từ này để thêm thắt gọi là). Ấy vậy, nhưng nhờ các con nhà tin học Già- hú (Yahoo), Phất- búc (Facebook) thì con người gã mới hiện ra cho tôi biết kha khá. Đọc gã chắc nhiều người cười và cũng không ít người cáu vì cách nói cách viết nghe ra bựa và tục ra trò, không kiêng nể kị húy gì. Thì câu chữ tự nhiên của đời nó thế và người dùng hồn nhiên đang sống muốn thế, vả cái viết này là riêng tư trên trang cá nhân, mà gã ngay từ đầu đã nhận là nhọ rồi. Nhưng gây tò mò vì câu chữ để hút người đọc chạm mắt vào, gã cuốn được họ vào nội dung những cái viết (hay status nhỉ) của mình. Thích, thú, và thèm. Thì cứ đọc sách này là tập hợp một số những cái viết đó của gã thì đủ thấy. Những chuyện thời nhỏ ở quê trong nhà bố mẹ hiện ra cả khung cảnh không khí một thời bao cấp khó khăn. Những chuyện tình đầu hay tưởng như tình đầu của kỷ niệm tuổi học đường dại khờ, ngây thơ, ngơ ngác mà trong suốt tuổi hoa niên không còn lại nữa. Những chuyện bây giờ chát chít, lễ chùa, trai gái phàm tục phàm trần như là cuộc đời mất hết vẻ bí ẩn, đẹp đẽ cho con người muốn sống. Gã kể chỉ là kể vậy thôi, cho mình cho người vui chốc lát, ngậm ngùi chốc lát, cùng gã. Nhưng có ai viết một cái gì và lại trình cái gì đó viết ra cho người đọc mà không tính một cái gì. Có phỏng. Gã tính, tôi chắc, như bao người lên mạng viết các câu chuyện của mình tính, là tâm sự, giãi bày, chia sẻ, với một cộng đồng người trên mạng Internet, ảo ảo thật thật, cho “người đọc người thương nhau”. Thế là đã đủ lắm rồi. Bây giờ từ trang mạng gã bày cái viết của mình lên trang giấy thì chắc gã có tính xa hơn.
Xa ở chỗ gã muốn hiện ra không chập chờn đỏ chín mà chắc chắn ương ương bày trước mặt người đọc bằng những con chữ hiện hình không thể xóa bỏ từ một cú nhấp chuột máy tính. Trạng thái này là giữa độ, đang là, vừa mời gọi vừa thách thức. Đi cùng trạng thái ương ương là thứ văn chương nửa mùa gã tự nhận (hay tự phong). Nói nửa mùa vì gã đâu có chuyên chú việc viết lách nghệ thuật. Nhưng nói văn chương vì khi viết gã có để tâm lọc chi tiết, chọn chữ đặt câu, biết cách sắp xếp kết cấu cho câu chuyện được kể có lớp lang, thứ bậc, có thắt có mở. Vì thế đọc gã tôi chắc sẽ có những người ồ à, xuýt xoa, thậm chí chửi toáng lên vì khoái hay vì bực, cho tác giả và cho nhân vật kể chuyện. Mặc kệ, gã nhọ mà! Nhọ mà có bút hương của trời. Ghê chưa, ai mà tranh được cái nhọ này của gã.
Thế nhọ là gì mà gã tự nhận? Có hỏi, gã chưa chắc đã nói được rành mạch. Thì cứ đọc tập sách này của gã, nếu đọc xong mà muốn tìm cái gãPhọt Phẹt bảo mày có số nhọ Lê Hồng Tuân ạ, thì nhọ là thế. Còn không, gấp sách lại cứ im im, chẳng thấy đâu số nhọ của Lê Hồng Tuân, thì thế tất gã Phọt Phẹt đang số đỏ.
Chung quy lại đời cũng chỉ ở trong vòng số đỏ hay số nhọ mà thôi. Có phỏng, Tuân Phọt Phẹt Bù Bựa!
Hà Nội, VI.2016
Người ta đỏ quá nên… nhanh chín
Tôi nhọ thời nên cứ… ương ương
Giời thương cho chút bút hương
Tôi đem tán với văn chương nửa mùa.
Mời các bạn đón đọc Nhọ của tác giả Lê Hồng Tuân.