Nhật Ký Kẻ Mị Tình

Nhật Ký Kẻ Mị Tình

Tác giả:
Thể Loại: Tiểu Thuyết Phương Tây
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Bước vào Nhật ký kẻ mị tình là bước vào một biển mơ, đắm đuối trong bầu không khí Tình, ngụp lặn trong Tình, tưởng chừng như con người sống chỉ có một mục đích duy nhất là tình, không có gì cưỡng lại nổi mối tình đang ngày một lớn lên ấy. Johannes vừa là kẻ mị tình, vừa là kẻ bị tình mị, là kẻ đi cám dỗ rồi để bản thân mình bị cám dỗ, lưu đày tâm trí trong cõi yêu đương. Ẩn sâu trong biển tình ấy, tài năng của Kierkegaard còn những kiến thức về văn hóa, triết học, lịch sử bằng một hệ thống ngôn ngữ văn chương thơ mộng. Đó cũng là mầm mống cho những phát triển tư tưởng triết học nghệ thuật của Kierkegaard sau này, và là điểm đặc biệt khiến Kierkegaard luôn được xem là một người làm nên nền triết học chủ quan và nặng tính thẩm mỹ. Kierkegaard được sinh ra tại Copenhagen, Đan Mạch trong một gia đình dòng dõi giàu có. Ông thừa hưởng tính khí u sầu từ cha mình và trải qua một tuổi trẻ bất hạnh. Cả cuộc đời ông chưa từng làm bất kỳ một công việc nào, chỉ tập trung vào sự nghiệp văn chương và triết học. Cả đời Kierkegaard mang trong mình mối si tình lãng mạn với Regine Olsen, nhưng khi đã hứa hôn, ông lại rơi vào trạng thái hoang mang và xin từ bỏ hôn ước, mặc dù cả hai thừa nhận vẫn còn yêu nhau tha thiết. Regine Olsen đi lấy chồng, và Kierkegaard mang trong mình nỗi sầu khổ vĩnh viễn về mối tình dang dở này.*** Soren Kierkegaard sinh ngày 05/05/1813 tại Copenhagen, Đan Mạch. Ông là con út trong một gia đình có 7 người con. Khi S. Kierkegaard ra đời thì cha đã 56 tuổi và mẹ đã 45 nên ông thường nhận mình là một đứa con nít trong một gia đình già. 1830 – 1841: Thời gian học Đại học Copenhagen vật vã kéo dài trong 11 năm, mãi đến năm thứ 10, Kier mới vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp môn thần học. Trong thời gian này, lần lượt cha mẹ và 3 anh chị khác trong gia đình Kier qua đời. 1841 từ hôn Regine Olsen và cũng là năm hoàn thành luận văn “On the Concept of Irony with constant reference to Socrates” (Om Begrebet Ironi med stadigt Hensyn til Socrates. Hàng loạt các tác phẩm ra đời bắt đầu từ đây. 1843: Xuất bản “Cũng – Hoặc: Một quãng đời” (Either-Or: A Fragment of Life/Enten-Eller. Et Livs-Fragment. Ý kiến Kierkegaard chính thức về đời thể hiện lần cuối qua “Khoảnh khắc” (The Instant/jeblikketvới 9 chương, chương thứ 10 đang sẵn sàng đem công bố thì Kierkegaard gục ngã trên đường phố. Ông được đưa đến bệnh viện và chết ngay sau đó trong tình trạng kiệt lực vì công việc. Hôm đó là ngày 11 tháng 11 năm 1855, Soren Kierkegaard hưởng dương 42 tuổi. Lúc còn sống, không mấy ai biết về ông. Kierkegaard chỉ được nhìn nhận là “Socrate của Đan Mạch”, là thủ lĩnh Anti-Hégel sau khi đã qua đời. Toàn bộ sự nghiệp của Kierkegaard có gần 30 tác phẩm triết học, thần học, tâm lý học cùng khoảng 10 quyển truyện ngắn. Kierkegaard đã làm một cuộc cách mạng về lý luận chống cái “phổ biến”, ‘hệ thống” bằng một sự thể hiện đa dạng và phức tạp về những khao khát và cảm xúc cá nhân. Tuy nhiên khi còn sống, những đóng góp của Kierkegaard về chính trị và xã hội chẳng được xem trọng. Kier là một nhà tư tưởng phi chính trị, những va chạm của Kier với các hệ thống quyền lực chưa đủ sức gây nên sóng gió trong xã hội như các hậu bối sau này của triết thuyết Hiện sinh. Những va chạm với hệ thống giáo quyền Tin lành Đan Mạch không hề ảnh hưởng đến việc một anh trai của Kier: P.C. Kier trở thành một giám mục. *** Không, tôi không thể che giấu với chính mình nỗi lo âu khó bề kiềm chế đã bám riết lấy tôi vào giây phút này, khi tôi quyết định vì lợi ích của riêng mình mà viết lại lần nữa cho chính xác và dễ đọc cái bản sao ngày trước tôi có được nhờ chép lại một cách cực kỳ vội vàng và trong trạng thái hết sức bất an. Giờ thì cũng giống như trước đây, tôi vẫn cảm thấy không yên lòng chút nào và như bị ai đó chê trách. Trái với thói quen, anh ta đã không khóa tủ bàn giấy; nhờ vậy mà mọi thứ trong đó tôi có thể tùy nghi sử dụng. Nhưng có ích gì đâu khi muốn che đậy hành vi không mấy hay ho này của tôi bằng cách nhắc nhở trong đầu là tự mình đã không mở ra ngăn kéo nào cả. Một ngăn kéo đã mở sẵn đó mà: cả một đống giấy tờ rời rạc nhưng nằm bên trên là một quyển khổ bốn được đóng rất đẹp. Trang bìa được trang trí với một họa tiết màu trắng, trên đó chính tay anh ta đã viết: Commentarius perpetuus [13] số 4. Thế nhưng, thật vô ích khi tôi cố gắng tự dối mình bằng cách nghĩ rằng, nếu bìa trước của nó không nằm ở trên, và nếu cái tựa đề nổi bật đó không cám dỗ tôi, thì tôi hẳn đã không sa ngã hay ít ra tôi đã chống chọi lại sự cám dỗ đó. Cái tựa đề tự nó đã là kỳ lạ, song lại còn kỳ lạ vì những thứ xung quanh nó hơn là chính nó. Chỉ cần liếc mắt nhìn vội qua các tờ giấy rời rạc đó tôi biết ngay là chúng bao gồm những ấn tượng đến từ các tình cảnh gợi dục, những lời lẽ gợi ý về mối quan hệ nào đó, những bức thư cùng một loại đặc biệt mới được thảo ra mà sau này tôi trở nên quen thuộc với phong cách của chúng, hờ hững, vô tình một cách có tính toán, và lại được viết có nghệ thuật nữa chứ. Vào giây phút này đây, sau khi thấy hết cái tâm địa ưa bày mưu tính kế của tên đàn ông bại hoại này, khi tôi nhớ lại cái hoàn cảnh đó, đôi mắt mở to cảnh giác với mọi ngón nghề xảo trá, ấy là nói như vậy, khi lại gần cái ngăn kéo đó, tôi có cảm giác giống như một người cảnh sát hẳn phải có khi ông ta vào phòng một tên làm giấy tờ giả, xem xét kỹ đồ này, thứ kia của hắn, và tìm ra trong ngăn kéo một đống giấy tờ rời rạc từng được dùng để viết nháp, vẽ nháp; trên tờ này thì có một hình vẽ trang trí nhỏ, trên tờ kia, hai chữ viết lồng nhau, và trên tờ thứ ba, một hàng chữ viết ngược. Tất cả các thứ này dễ dàng chỉ ra là ông ta đang theo đúng hướng tìm, và ông ta thì vừa thấy thích thú thực sự, vừa thấy thán phục mơ hồ trước những nỗ lực và sự cần cù hiển nhiên ở đây. Vì không quen với việc phát hiện các tội ác và không trang bị với phù hiệu cảnh sát, tôi hẳn sẽ phản ứng khác với ông ta. Cái cảm tưởng mình đang dấn vào một việc bất chính hẳn sẽ đè nặng lên lương tâm tôi. Vào lúc đó, tôi thấy mình thiếu hụt ý tưởng bao nhiêu thì cũng thấy mình thiếu hụt chữ nghĩa bấy nhiêu, thường thường là như vậy đó. Ta bỗng nhiên thấy kinh sợ khi có một cảm tưởng nào đó cho đến khi sự suy nghĩ trong đầu ta được khai thông thêm một lần nữa, và bằng những sự vận động đa dạng và khéo léo, nó trò chuyện, vỗ về người xa lạ không ai biết đó rồi nó len lỏi vào tâm trí người đó. Sự suy nghĩ này càng khai triển hơn thì nó tự trấn tĩnh càng nhanh chóng hơn; tương tự như một viên chức kiểm tra hộ chiếu khách nước ngoài ở cửa khẩu, sự suy nghĩ trở nên quen thuộc với những khuôn mặt hay tính cách lạ lùng nhất, khó tin nhất, đến mức không dễ gì làm cho nó bị ngỡ ngàng nữa. Mặc dù sự suy nghĩ của tôi, thực tình mà nói, là đã phát triển cao độ, thế mà ban đầu tôi cũng bị ngạc nhiên quá cỡ. Tôi nhớ rất rõ là mình đã tái mặt, gần như ngất xỉu, và bởi vậy, tôi đã lo sợ biết bao. Giả dụ là anh ta về nhà lúc này, thấy ra tôi nằm bất tỉnh dưới đất mà tay còn cầm cái ngăn kéo – a! một lương tâm bứt rứt, quả thật, thì có thể làm cho cuộc đời trở nên lý thú đó.