Người Đưa Đường Thọt Chân

Người Đưa Đường Thọt Chân

Tác giả:
Thể Loại: Văn Học Việt Nam
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Câu chuyên của cuốn sách dài 300 trang chỉ xoay quanh bản kê khai hải quan và chỉ diễn ra trong mấy giờ kiểm tra hàng hoá của một du học sinh Việt Nam sẽ gửi theo đường biển về nước. Thắng, vị tiến sĩ tân khoa là tuýp người điển hình cho cái thời gian khó ấy: Anh tháo vát, lanh lợi, chấp nhận hành xử hèn hèn để mưu cầu sự đổi đời cho mình và vợ con. Nhưng dù hoàn cảnh đã “uốn nắn” tính cách Thắng mềm đi đến mấy, Thắng vẫn còn hạt nhân lương tri và nó khiến anh day dứt khôn nguôi. Thắng khác hầu hết các nhân vật cùng loại, những chàng trọc phú hớn hở hợm hĩnh với mấy ngàn Dmak bồi thường không cả cần biết tới tương lai vô nghề nghiệp từng xuất hiện trên văn đàn thời đầu thập kỷ trước. Tiểu thuyết hấp dẫn chính nhờ tính cách hèn hèn nhưng vẫn đầy khát vọng cao sang của Thắng. Thắng mang hoa hồng đến làm thân với bà thiếu tá Hải quan Nga, chứ không mang tiền. Khi trả lời bà thiếu tá, đôi khi Thắng cũng nói dối cho qua chuyện, chẳng hạn với câu hỏi Mục đích đến Liên Xô, anh nghĩ rằng để đổi đời nhưng lại trả lời rằng để học tập; còn về cơ bản anh trả lời bằng các câu chuyện để qua nó làm mềm lòng người đàn bà thép với các câu hỏi tờ khai lạnh lùng. Để trả lời câu Từ đâu đến nước Nga và đã đến như thế nào? Thắng đã qua câu nói nổi tiếng của vợ một viên tướng trong phim Moscow không tin những giọt nước mắt: “Muốn có một vị tướng à? Thế thì trước hết hãy lấy một viên trung uý mới ra trường và theo hắn 15 năm hết các vùng biên cương này đến hải đảo xa xôi kia, cuối cùng còn phải chờ xem số phận có mỉm cười với mình không…” để kể lại hơn mười năm phấn đấu từ một học sinh xuất sắc, anh phải tham gia phục vụ chiến đấu trên mặt trận giao thông, lập nhiều công tích nhưng rồi vẫn phải hèn hèn làm thân với vợ chồng ông Viện trưởng, rồi lại phải mưu mẹo vượt qua các trò ma lanh khác để kiếm một suất sang đây. Để trả lời câu Mày làm gì ra mà nhiều tiền để mua nhiều hàng như thế, Thắng đã không đến nỗi nói rằng tôi sống bằng nước lã, nhưng anh cũng không dám nói toàn bộ sự thật về cuộc buôn bán chợ đen như một nền kinh tế thực sự hoạt động dưới cái vỏ của nó là nền kinh tế in giá cả lên hàng hoá nhưng mua xong bán lại thì vẫn kiếm lời từ chính nền kinh tế ấy. Những trang Thắng hồi tưởng về việc sản xuất áo lông thú giả cổ, việc bán nó và có thể đã bị lừa mất trắng, việc mua tủ đá chỉ dành bán cho những người có công huân… đã lột tả thật thê thảm hình ảnh một tiến sĩ học ở Liên Xô mà chỉ có hơn 70 từ tiếng Nga làm vốn và trả thi bằng những trò láu lỉnh được cho qua trong tinh thần hữu nghị, chiếu cố vì đất nước có chiến tranh…*** Chào một ngày tốt lành! Bà thiếu tá Hải quan Natalia vừa ngồi vào bàn, chuẩn bị cho một ngày làm việc mới, nghe thấy tiếng chào vội ngước mắt lên. Trước mắt bà là Thắng cùng với chàng thanh niên hôm ấy. Thắng vẫn ăn vận com lê lịch sự và trên tay vẫn có một bó hồng nhung đỏ tím, loại hoa quý và đắt tiền ở xứ lạnh. – Chào một ngày tốt lành! – Bà đáp lại và vội vã đứng lên. Đại uý Ivan, như lần trước, khoanh hay tay trước ngực, đứng tựa lưng vào cạnh bàn đối diện. – Thế nào, anh bạn trẻ thân mến của tôi! – Sau một chút xúc động, bà lấy lại được vẻ tự chủ và cất tiếng hỏi. – Cảm ơn bà! Mọi việc đều bình thường – Thắng mỉm cười, đáp vui vẻ tự tin. – Bình thường ư? – Bà hơi kéo dài giọng, cố ý nhấn mạnh câu trả lời của Thắng. Lạy chúa tôi. – Bà nói tiếp mà không làm dấu thánh. Còn về phần tôi thì thế này. Bà cân nhắc từng từ để nói tiếp. Tất cả hàng hoá của anh, tôi đã cho niêm phong và để vào góc kho. Đồng thời tôi cũng đã làm tờ trình, thỉnh thị ý kiến giải quyết của trên. Đó là tờ trình đầu tiên, sau hai mươi nhăm năm trong nghề của tôi. – ồ cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ của bà! Giọng Thắng vẫn giữ được vẻ bình thản mà lịch sự. – Và tôi đã nhận được tờ phúc đáp như sau. Bà cúi xuống lục tìm trong một cặp hồ sơ. Và một phút sau, bà rút ra một tờ giấy cứng như một tờ bìa mầu trắng, trên đó có đánh máy các điều cần thực hiện. Rồi bà chậm rãi đọc: A. Chiếc Viđiô Sanyo người gửi hàng có thể đưa đến cửa hàng đồ cũ, ký gửi, sau đó mua lại. Khi đã có hoá đơn mua tại cửa hàng, khách gửi sẽ được làm thủ tục xuất theo luật lệ hiện hành. B. Về chiếc đàn Pianô của Italia, khách gửi phải làm đơn đưa lên Sở Văn hoá thành phố, Sở sẽ lập Hội đồng giám định xét duyệt xem có được cho xuất hay không? Chiểu theo quyết định đó, Hải quan cửa khẩu biển sẽ thi hành.