Người đi vắng, tự cái tựa đó đã nói rất nhiều. Cô đơn. Vô hình. Bí ẩn. Khoảng trống. Người đi vắng (1999) là một trong những khởi điểm của dòng chảy Nguyễn Bình Phương vào thế giới vô thức, mộng mị, hồng hoang, sẽ được tiếp nối bằng Trí nhớ suy tàn (2000) và Thoạt kỳ thuỷ (2004).Cư dân của Người đi vắng là những hồn ma, những kẻ sống dở chết dở, những dòng sông, giọt sương, tiếng chuông… Nhưng có lẽ nhân vật nữ, Hoàn, chính là người đi vắng ly kỳ nhất. Tiểu thuyết dành phần mở đầu mô tả mối tình tay ba của Hoàn với Thắng và Cương, người chồng và người tình. Hoàn lao xe xuống vực, cơ thể huỷ hoại còn hồn phiêu diêu. Từ đó, xen kẽ những giấc mơ của Hoàn là kỷ niệm, âm hưởng, dư vị, dấu ấn mà tấm thân nhục dục trước đây của cô để lai trong hai người đàn ông. Trong Người đi vắng, tình yêu/tình dục/tâm linh gắn với nhau như hình với bóng. Chúng hiện lên lung linh, lẫn lộn vật chất tinh thần, chồng chéo giằng co nhau qua những sợi dây thần bí. Người đi vắng là truyện tình bất thường của những người tình bất kham và bất an.Dường như trong thẩm mỹ của mỗi nhà văn, nhân vật nữ lý tưởng thường có một dáng điệu riêng. Các cô gái của Bảo Ninh, từ Phương và Hạnh của Nỗi buồn chiến tranh (1991) đến Diệu Nương của Gíó dại (1992) đều có một “dáng đi mềm mại đung đưa toàn thân”. Ở Trần Vũ, người đàn bà quyến rũ nhất trong thế quỳ. Quỳ, nhân vật nữ chính của Giấc mơ thổ (1995), “cúi gập người”, “khom lưng”, với các ngón tay khi thì “mát dịu” khi thì “nóng nảy”, luôn “mần mần lăn lăn”. Còn nằm là dáng vẻ, là số phận, mà Nguyễn Bình Phương chọn cho Hoàn của Người đi vắng. Khi yêu chồng: “Hoàn trở mình nằm ngửa, một cánh tay vắt qua đùi Thắng, khuôn mặt buông lỏng, thảnh thơi…” (tr.64). Với tình nhân: “Hoàn bị bẻ cong lưng, nửa người trên giường nửa duỗi thẳng ra nền nhà, tóc đổ tràn xuống”. Khi kề cái chết: “Hoàn nằm thiêm thiếp mồm hé mở, một ống nhựa […] bắt từ mũi ra ngoài buông thõng ở mép giường” (tr.101). Sau này, Nguyễn Bình Phương còn viết truyện ngắn Đi và tiểu thuyết Ngồi, nhưng anh dành hai tư thế đó cho các nhân vật nam.Không chỉ Hoàn, Thắng, Cương, Thư, hầu hết các nhân vật của Nguyễn Bình Phương đều là những kẻ bất an, những người đi vắng. Tiểu thuyết của anh là một hợp âm với vô vàn đối thoại, độc thoại, mà người đọc không phân biệt được ai là kẻ phát ngôn. Đó cùng là những giọng nói cất lên từ cõi âm, hay tiếng rao “khàn khàn ủ ê” của ông thiến lợn vang lên trong suốt tác phẩm nhưng không ai biết mặt. Các nhân vật của Nguyễn Bình Phương thường có bộ phận thính giác cực kỳ tinh nhạy. Thế giới của anh vì vậy vừa vắng vừa đầy, im lặng nhưng ồn ào, vô hình và hữu hình, thật và ảo, âm dương lẫn lộn.Nguyễn Bình Phương, như ta thấy, đã biến tình dục thành mục tiêu nghiên cứu và phương tiện chính của thi pháp. Tình dục trong Người đi vắng, tồn tại như một chất liệu, hơn nữa, một chủ đề văn học độc lập, mà không ẩn dụ hay hàm ý. Và đây là thành công lớn nhất của Nguyễn Bình Phương trong cuộc tìm kiếm quyết liệt này.***Mình và họ, tôi tin quyển tiểu thuyết này nếu bước ra thế giới nó sẽ có một số phận oanh liệt với những gì nó đang có. Tôi tin cũng như tin sau Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương sẽ là một nhà văn đưa văn học Việt ra được ngoài biên giới. Biết đâu những gì các nhà văn đàn anh không làm được thì Nguyễn Bình Phương có thể…
Nhà văn Nguyễn Bình Phương – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội
Trong làng văn Việt, Nguyễn Bình Phương là một cây bút tiểu thuyết âm thầm, lặng lẽ, thuộc tuýp tác giả một mình một ngựa một con đường.
Thật thì đến tận hôm nay, những gì về con người Nguyễn Bình Phương như tuổi tác, nhà cửa, gia đình…, tôi vẫn mù mờ dù đã quen anh đến hơn hai chục năm có lẻ và gắn với nhau không ít kỷ niệm.
Phương là nhà văn hiếm hoi kiệm lời, lẩn mình, tránh mọi đám đông và giao tiếp thông thường thậm chí nhiều lúc tôi nghĩ anh không hề có bạn. Tất nhiên là bạn văn.
Dạo mới quen Phương tôi thấy anh hay đi cặp với Nguyễn Lương Ngọc, một tài năng thơ đoản mệnh chết vì tai nạn giao thông. Nguyễn Lương Ngọc là bạn đồng học viết văn Nguyễn Du khóa 4, một khóa sản sinh ra nhiều tài năng cho văn đàn đất nước.
Bản thân Ngọc lúc bấy giờ đã nổi tiếng với những bài thơ rất riêng về thi pháp. Thi thoảng Nguyễn Bình Phương cũng có giao du với đám nhà văn kỳ cựu cả văn lẫn rượu như Trung Trung Đỉnh, Bảo Ninh…
Bấy giờ vào đầu thập niên 90 thế kỷ trước Phương còn độc thân và cư ngụ tại một căn hộ nhỏ tầng 4 ở khu Thành Công. Đó là giai đoạn duy nhất Nguyễn Bình Phương sinh hoạt cởi mở theo cánh bợm nhậu.
Đôi lần say tôi được Phương đưa về tổ chim của anh để cư ngụ qua đêm. Lúc đó Phương chưa thật sự nổi danh dù anh đã có các tiểu thuyết Bả giời, Vào cõi và Những đứa trẻ chết già.
Tiểu thuyết Những đứa trẻ chết già là bước tiến vượt bậc của anh nhưng chỉ được giới văn chương tiếp nhận dè dặt, đặc biệt là sự im tiếng của cánh phê bình.
Cánh này chỉ khi Nguyễn Bình Phương thành danh với một loạt tiểu thuyết không lẫn vào ai thì họ mới ào ạt tiếp cận với đủ chủng loại lý luận gán vào thậm chí là phong thánh cho tác giả một mình một ngựa một con đường này.
Tôi gặp Nguyễn Bình Phương khi anh đang làm biên tập viên Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân. Bấy giờ đầu những năm 90 không khí văn chương vui lắm, ngày nhậu nhộn nhịp đêm về chong đèn cày cuốc.
Bản thảo cứ ụn lên căng chật bàn viết. Cánh nhà văn đi đến đâu ào ạt đến đấy. Mâm rượu xôm trò đủ món cả ẩm thực lẫn văn vẻ. Bấy giờ văn đàn chịu ảnh hưởng của một loạt truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp và bộ ba tiểu thuyết giải thưởng Hội Nhà văn là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Bến không chồng của Dương Hướng và Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường.
Ra đời sau thời điểm này Những đứa trẻ chết già của Nguyễn Bình Phương lặng lẽ như chính con người anh. Nó không tạo ra một ngọn sóng nào đối với dư luận song có một điều ai đọc cuốn tiểu thuyết này cũng đều vì nể tác giả.
Tôi nghiền ngẫm nó với sự say mê khám phá về một giọng tiểu thuyết chững chạc, một lối hành văn ma mị dẫn nhập đến quái đản. Nói công bằng tôi bị cuốn tiểu thuyết chinh phục hoàn toàn.
Thứ văn huyền ảo sệt đậm tâm linh phương Đông với thủ pháp phân thân hồn ma bóng quỷ áp vào mọi nhân vật của Nguyễn Bình Phương luôn là cái đích tôi hướng đến trong sáng tác của mình sau này.
Đặc biệt là tiểu thuyết Tàn đen đốm đỏ viết về thế giới vong hồn của tôi. Không ai khác chính Nguyễn Bình Phương là nguồn cơn, là nguyên cớ cho cuốn tiểu thuyết đó ra đời. Như một cái duyên.
Trại viết do Nhà Xuất bản Quân Đội Nhân Dân tổ chức ở Đại Lải năm 1994. Tôi ở một phòng không ai dám ở bởi theo đồn đại phòng đó có ma. Tôi vốn là lính chiến, ngổ ngáo chẳng sợ hãi gì ma quỷ nên bất chấp.
Nguyễn Lương Ngọc cũng là người mạnh mẽ thấy thế cũng ở cùng. Được một tối, Ngọc lẳng lặng dọn đồ chuồn sang phòng khác không một lời giải thích. Phương thì khác, sáng tác của anh bất cứ trang văn nào cũng ma cũng hồn cũng mộng cũng mị.
Tôi từng nói đùa Phương cũng là một con ma sống lần mò chẳng có quy luật chi cả bởi vậy nên anh dọn đến cùng phòng tôi. Có điều chi đó rất bí hiểm khi tối tối đích thân nhà văn Dương Duy Ngữ trại trưởng khóa ngoài cửa phòng tôi và giao cho Phương giám sát tôi rất chặt.
Vậy mà một đêm không hiểu sao tôi lại lẳng lặng đi thẳng xuống hồ. Lúc đó tôi đã uống rượu say say. Chỉ láng máng nhớ có người rủ đi dạo ở hồ nước.
Phương và anh Ngữ kịp tóm được tôi lôi lên khi tôi đã lội xuống nước ngang đầu gối. Trưa sau, đang ngủ ở phòng, Phương ú ớ kêu không thành tiếng, người ríu lại, tay lần lần móc bằng hết các túi đưa ra đến tận đồng lẻ cuối cùng.
Hóa ra trong giấc ngủ Phương bị một đám trẻ con quây trói trấn lột tiền. Tỉnh lại mặt Phương tái dại, bảo phòng này có ma thật anh ạ, đấy, đêm qua không kịp lôi anh lại thì anh đã bị ma dẫn dìm xuống hồ rồi, giờ anh đã tin là có cái thế giới ấy chưa.
Hỏi ra, đã lâu tại đây có người phụ nữ thắt cổ chết và chính khu nhà này từng có nhân viên bị mất con. Đến nước đó thì thằng tôi chuồn chuồn có cánh. Căn phòng đó sau này nhà nghỉ cũng bỏ chỉ làm phòng chứa đồ.
Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Bình Phương
Nhân chuyện đó tự nhiên Phương bảo tôi anh là lính trận sao anh không viết một cuốn tiểu thuyết về ma nhỉ, ma chiến tranh ý. Tôi bảo hồn ma, điên dại thì ai viết hay bằng chú được.
Nói thế nhưng từ lúc đó tôi khôn nguôi nghĩ ngợi về gợi ý của Phương. Và một cốt truyện chiến tranh hình thành rất nhanh. Tôi bỏ luôn hơn trăm trang tiểu thuyết đang viết dở để chính thức đăng ký viết cái mới.
Tàn đen đốm đỏ được tôi viết chỉ chừng 3 tháng. Chương cuối cùng tôi viết ở một quán thịt chó Nhật Tân khi đang nhậu nhưng sự câu thúc khiến tôi ngừng nhậu viết hối hả một mạch và ngay đêm đó tôi gõ cửa nhà Phương đưa tập bản thảo viết tay.
Phương đọc và biên tập cũng rất nhanh. Ngay trong năm 1994, Tàn đen đốm đỏ ra đời. Và đến giờ nó là cuốn sách hiếm hoi viết về thế giới vong hồn, thế giới do tôi tưởng tượng ra dành cho những người chết trận vô danh, không mồ, không mả, không tên, không tuổi, không hương, không khói, không được thừa nhận. Thẳm sâu tôi biết ơn Nguyễn Bình Phương đã giúp tôi không nhỏ để có được cuốn tiểu thuyết này.
Nguyễn Bình Phương xuất thân lính. Thi đậu trường viết văn Nguyễn Du khóa 4 anh vẫn mang quân phục. Ra trường chuyển về đoàn kịch quân đội, và sau đó là Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân. Ở cương vị này Nguyễn Bình Phương là bà đỡ cho nhiều nhà văn với mảng văn học chiến tranh.
Một ngày đẹp giời, Phương chuyển về Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội và chỉ ít thời gian sau điều rất không ngờ với nhiều người là Nguyễn Bình Phương chững chạc ngồi vào ghế Tổng biên tập tạp chí.
Hãy nhớ, tổng biên tập tạp chí văn chương lừng danh này đều là những nhà văn nổi tiếng, không ít người đeo hàm tướng và Nguyễn Bình Phương xứng đáng.
Sau Những đứa trẻ chết già, Phương tiếp tục cho ra đời một loạt tiểu thuyết cùng một phong cách không lẫn vào người khác như Người đi vắng, Thoạt kỳ thủy, Ngồi… và mới nhất là cuốn tiểu thuyết có số phận kỳ lạ, Mình và họ.
Đây là cuốn tiểu thuyết được Phương viết xong năm 2010 nhưng bị các nhà xuất bản trong nước từ chối in ấn và nó được xuất bản ở Mỹ dưới cái tên Xe lên xe xuống.
Mãi đến năm 2014 nó mới được Nhà xuất bản Trẻ chấp nhận. Ngay lập tức Mình và họ nhận được hoan nghênh hưởng ứng của giới văn chương và độc giả.
Có thể nói về tư tưởng và nghệ thuật đây là cuốn sách đỉnh cao của Nguyễn Bình Phương. Anh lấy nguyên cớ trận chiến biên giới với Trung Quốc năm 1979, 1984 để chuyển tải một thế giới con người Việt hiện đại, đa dạng và sinh động.
Những con người dần mất đi cảm xúc trước các vấn đề cuộc sống kể cả cái ác. Mình và họ được Hội Nhà văn Hà Nội bỏ phiếu tuyệt đối trao giải thưởng thường niên.
Cũng rất khác biệt ở cuốn tiểu thuyết này khi nó được bạn đọc ở Mỹ tán thưởng, điều rất khó chấp nhận khi tác giả là một sĩ quan quân đội và thường thì rất ít tác phẩm trong nước được độc giả ở Mỹ chào đón.
Khác biệt nhưng tôi nghĩ không có gì là lạ bởi đây đích thực là một cuốn tiểu thuyết hay, có thể là cuốn đỉnh của tiểu thuyết Việt vốn lâu nay bình lặng không xuất hiện những cuốn xứng tầm.
Những ai biết và chơi với Nguyễn Bình Phương đều thấy ở con người này luôn có sự trầm tĩnh và suy lắng ở cả hành động lẫn hình thể.
Khuôn mặt như thường trực đeo trên đó một nghĩ suy nào đó với cặp mắt nheo nheo tinh anh nhưng xa lạ với người đối diện. Phương rất ít khi đàm đạo tâm sự với ai.
Tôi chơi lâu nhưng thân thì không. Từ khi Phương về Văn Nghệ Quân Đội chúng tôi không hề gặp lại dù chẳng ít lần điện thoại hẹn nhau.
Có lẽ mọi thứ về cuộc sống của Phương đều dành hết cho văn chương. Gia đình của Phương thì tôi chịu không có bất cứ một thông tin nào.
Nói đến gia đình lại nhớ cú vấp hy hữu của Nguyễn Bình Phương đúng hôm làm lễ cưới với Hoàng Tố Mai, ái nữ của nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến.
Hôm đó báo Văn Nghệ Trẻ in truyện ngắn Đi của anh. Bạn bè trong lễ cưới rất vui đã cùng nhau ký vào trang có truyện ngắn để tặng vợ chồng Phương làm kỷ niệm.
Ngay đó, truyện ngắn Đi bị phê phán nặng. Số báo in truyện ngắn bị thu hồi. Phương bị kỷ luật hạ quân hàm. Tờ báo thất lạc không đến được tay chủ nhân. Hôm rồi nhà thơ Nguyễn Thành Phong xác nhận đang cầm tờ báo đó.
Dạo này thấy thi thoảng Nguyễn Bình Phương xuất hiện ở một vài đám bạn bè. Tính Phương không thích đông người chỉ chấp nhận nếu ngồi thì chừng vài ba người.
Cũng lạ, một nhà văn không lấy internet làm phương tiện giao tiếp cũng như tìm hiểu xã hội đương đại, không lấy bạn bè để san sẻ nhưng tác phẩm của anh lại ăm ắp kiến thức của đời sống hiện đại.
Một sự trải nghiệm có lẽ chỉ có ở một nhà văn có tầm. Với tôi, Nguyễn Bình Phương luôn tạo ra những bất ngờ thú vị. Tỷ như khi nghe tin anh trúng Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa rồi tôi mới ớ ra.
Hóa ra Phương đã vào Hội Nhà văn từ bao giờ. Tôi cứ nghĩ Phương không thích hội hè, không thích cả quản lý mà chỉ chuyên tâm làm văn chương.
Thật thú vị người luôn đi vắng ở mọi đám đông ở văn đàn giờ lại ở nơi đông nhất với vị trí Tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Quân Đội và Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.
Gặp lại Nguyễn Bình Phương ở lễ trao giải Hội Nhà văn Hà Nội hôm rồi, lại thêm một bất ngờ nữa với tôi. Phương soạn hẳn một diễn từ công phu và đọc nó trang trọng với sự xúc động của một người đoạt giải.
Thái độ này là rất khác biệt với tính cách của anh. Nguyễn Bình Phương có lẽ là người duy nhất từ chối mọi sự vinh danh mình. Anh không có mặt trong hầu hết các cuộc ra mắt sách, từ chối những gì liên quan đến bề nổi của một nhà văn.
Có lẽ ở giải thưởng này, Nguyễn Bình Phương đã được an ủi bởi số phận long đong đứa con mình. Thế nên anh đã công khai chấp nhận nó. Điều đó thật xứng đáng.
Mình và họ, tôi tin quyển tiểu thuyết này nếu bước ra thế giới nó sẽ có một số phận oanh liệt với những gì nó đang có. Tôi tin cũng như tin sau Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương sẽ là một nhà văn đưa văn học Việt ra được ngoài biên giới. Biết đâu những gì các nhà văn đàn anh không làm được thì Nguyễn Bình Phương có thể. Biết đâu….
PHẠM NGỌC TIẾN
Báo Tiền Phong, 2.2016
Mời các bạn đón đọc Người Đi Vắng của tác giả Nguyễn Bình Phương.