Người Đàn Bà Mù Chữ

Người Đàn Bà Mù Chữ

Tác giả:
Thể Loại: Hồi Ký - Tuỳ Bút
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Người Đàn Bà Mù Chữ – L’Analphabète – là quyển tự truyện đầu tiên. Mười một chương là mười một khoảng khắc đời của một cô bé đi từ thuở thơ ấu mê sách ở Hung đến thời viết những quyển sách đầu tiên bằng tiếng Pháp. Tuổi thơ ấu hạnh phúc, nạn nghèo khổ sau chiến tranh, những năm tháng cô quạnh ở nội trú, cái chết của Staline, ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ thù nghịch là tiếng Đức và tiếng Nga, cuộc đào trốn qua nước Áo và định cư ở Lausanne-Thụy Sĩ với con còn nhỏ. Những câu chuyện này không buồn bã nhưng buồn cười. Câu ngắn, chữ đúng, sáng suốt một cách thẳng thừng, khôi hài. Đúng là thế giới của Agota Kristof ở đó, trong câu chuyện đời bà cũng như trong tiểu thuyết của bà. *** Agota Kristof sinh năm 1935 tại Hungary, rời bỏ quê hương năm 1956 khi quân đội Liên-Xô tràn vào đàn áp cuộc nổi dậy của sinh viên và công nhân ở Budapest. Cùng chồng và đứa con gái 4 tuổi, bà sang tỵ nạn ở Neuchâtel, Thụy-sĩ. Sau 5 năm sống với cảm thức cô đơn và đau đớn của một người lưu vong, bà quyết định từ bỏ việc làm của một công nhân, ly dị với chồng, rồi bắt đầu học tiếng Pháp và viết truyện, viết kịch, viết tiểu thuyết và làm thơ. Sau nhiều năm vật vã với ngòi bút, Agota Kristof cho ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tay Le Grand Cahier [Cuốn sổ lớn] năm 1986. Tác phẩm này là một thành công, đoạt giải “Prix du Livre Européen”, và thúc đẩy bà tiếp tục viết thêm hai cuốn tiểu thuyết nữa để hoàn tất một bộ ba. Cuốn thứ nhì La Preuve [Bằng chứng] được xuất bản năm 1988, và cuốn cuối cùng của bộ ba tiểu thuyết là Le Troisième Mensonge [Lời nói dối thứ ba] được xuất bản năm 1991 và đoạt giải “Prix du Livre Inter” năm 1992. Sau đó, bà xuất bản tiểu thuyết Hier [Hôm qua] năm 1995, rồi tiểu thuyết L’Analphabète [Người Đàn Bà Mù Chữ] năm 2004. Hoàng Ngọc-Tuấn Sydney, 14/08/2006 *** Tôi đọc. Như một loại bệnh. Tôi đọc tất cả những gì rơi vào tay tôi, rớt xuống mắt tôi: báo chí, sách học, phích quảng cáo, mẫu giấy rơi ngoài đường, công thức nấu ăn, sách trẻ con. Tóm gọn, tất cả những gì được in ra. Tôi bốn tuổi. Chiến tranh vừa bắt đầu. Vào thời đó, chúng tôi ở trong một căn làng nhỏ không nhà ga, không điện, không nước máy, không điện thoại. Cha tôi là thầy giáo duy nhất của làng. Cha dạy mọi lớp, từ lớp một đến lớp sáu. Trong cùng một căn phòng. Trường học chỉ cách nhà tôi một cái sân chơi, cửa sổ nhà trường ngó xuống vườn rau mẹ tôi. Khi tôi leo lên cái cửa sổ trên cùng ở căn phòng lớn trong nhà, tôi có thể thấy hết cả lớp, thấy cha tôi đứng trước lớp, thấy ông đang viết trên bảng đen. Căn phòng của cha tôi thơm mùi phấn, mùi mực, mùi giấy, mùi thanh thản, mùi thinh lặng, mùi tuyết dù trời đang hè. Căn bếp của mẹ tôi thơm mùi thịt nấu sôi, mùi con vật bị giết, mùi sữa, mùi mức, mùi bánh mì, mùi áo quần ẩm, mùi khai nước tiểu con nít, mùi chao động, mùi ồn ào, mùi nóng nực dù trời đang đông. Khi thời tiết không cho phép chúng tôi ra ngoài chơi, khi em bé hét to hơn bình thường, khi anh em tôi ồn ào phá phách trong bếp, mẹ tôi gởi chúng tôi qua trường cha để “bị phạt.” Chúng tôi ra khỏi nhà. Anh tôi ngừng ở nhà kho nơi chất củi để sưởi: – Anh thích ở đây. Anh sẽ chẻ mấy thanh củi nhỏ. – Đúng rồi. Mẹ sẽ bằng lòng. Tôi băng ngang sân, đi vào căn phòng lớn, tôi đứng gần cánh cửa, mắt ngó xuống. Cha tôi nói: – Con đến gần đây. Tôi đến gần. Tôi nói nhỏ vào tai cha: – Bị phạt… Mẹ… – Không có chuyện gì khác à? Cha hỏi “không có chuyện gì khác” vì thỉnh thoảng tôi chạy qua đem cho cha một mẩu giấy nhỏ của mẹ mà không nói gì hoặc đôi khi chỉ nói một tiếng: “bác sĩ”, “gấp lắm”, đôi khi lại vài con số: 38 hay 40. Tất cả chỉ vì em bé lúc nào cũng có những loại bệnh con nít. Tôi nói với cha tôi: – Không. Không có gì khác. Cha đưa tôi một quyển sách hình: – Ngồi xuống. Tôi đi xuống cuối lớp, ở đó, đàng sau các anh chị lớn, lúc nào cũng có những chỗ trống. Và như thế, ngay từ lúc còn rất nhỏ, chưa kịp nhận thức và hoàn toàn bất ngờ, tôi mang vào người chứng bệnh không bao giờ chữa lành được: chứng bệnh đọc sách. Khi chúng tôi đi thăm ông bà ngoại ở làng kế cận, căn nhà đầy ánh sáng và nước, ông ngoại hay cầm tay tôi dắt tôi đi một vòng các nhà quen. Ông lôi một tờ nhật báo trong túi áo khoác và nói với các ông bà hàng xóm: – Nhìn đây, nghe đây! Và nói với tôi: – Cháu đọc đi. Và tôi đọc. Ông vừa nói là tôi đọc ngay. Trôi chảy, không vấp. Ngoài lòng tự hào của ông ngoại, chứng bệnh đọc sách cũng làm cho tôi bị trách cứ và khinh chê: – “Nó không làm gì cả. Nó đọc cả ngày.” – “Nó không biết làm cái gì khác.” – “Nó thụ động quá đi.” – “Nó lười quá đi.” Và nhất là: “Nó đọc thay vì…” Thay vì gì? “Có rất nhiều chuyện khác hữu ích hơn, phải không?” Và ngay cả bây giờ, buổi sáng khi căn nhà vắng lặng, khi hàng xóm đã đi làm, tôi có một chút mặc cảm không tốt khi tôi ngồi xuống cái bàn trong bếp, tôi đọc báo hàng giờ thay vì… làm việc nhà, rửa chén, đi chợ, giặt đồ, ủi đồ, làm mức, làm bánh… Và, nhất là, nhất là! Viết!