Các em học sinh yêu quý!
Hai tập sách Ngữ văn 7 kế thừa mô hình sách Ngữ văn 6 (bộ sách giáo khoa Cánh Diều), với Bài Mở đầu và 10 bài học chính. Mỗi tập sách gồm 5 bài, cuối mỗi tập có phần Ôn tập và tự đánh giá, Bảng tra cứu từ ngữ (Index), Bảng tra cứu tên riêng nước ngoài. Cuối tập hai có Sổ tay hướng dẫn đọc, viết, nói và nghe; Bảng tra cứu yếu tố Hán Việt thông dụng.
Ở lớp 6, sách giáo khoa môn Ngữ văn đã hướng dẫn các em rèn luyện kĩ năng đọc, viết, nói và nghe thông qua thực hành tiếp nhận và tạo lập các loại văn bản. Sách Ngữ văn 7 tiếp tục hướng dẫn các em học cách đọc văn bản văn học (truyện, thơ, kí), văn bản nghị luận và văn bản thông tin; cách viết các văn bản tự sự, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, nhật dụng; cách nghe, cách trình bày, thảo luận về các vấn đề văn học và đời sống. Ngữ liệu mới mang đến cho các em những hiểu biết mới về các thể loại, kiểu văn bản; cách tiếp nhận, tạo lập những văn bản ấy; đồng thời, góp phần phát triển các phẩm chất chủ yếu như yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; một số năng lực chung như tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo của các em để bồi dưỡng tâm hồn, hoàn thiện nhân cách và ứng dụng những điều đã học vào đời sống.
Điểm khác biệt của sách Ngữ văn 7 so với Ngữ văn 6 được thể hiện ở yêu cầu đọc hiểu một số thể loại và kiểu văn bản cụ thể với những nội dung mới; viết các kiểu văn bản và nói – nghe với yêu cầu mới cả về nội dung và kĩ năng.
Khi học ở nhà, các em cần đọc kĩ tất cả các phần, mục trong mỗi bài học; đặc biệt, cần đọc trước văn bản và tìm hiểu, suy nghĩ, trả lời các câu hỏi trong mỗi văn bản; ghi chép lại những gì chưa hiểu, chưa rõ để hỏi bạn bè, thầy cô khi học trên lớp. Sau khi học xong một bài học lớn, các em hãy thực hiện các yêu cầu ở phần Tự đánh giá.
Sách giáo khoa rất quan trọng nhưng kết quả học tập sẽ do chính các em quyết định. Bởi vì kết quả đó phần lớn phụ thuộc vào sự chăm chỉ, đam mê và tính ham học hỏi của mỗi người.
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com