Nghiệt Oán Tóc Xanh là cuốn thứ tư nằm trong bộ “Thất sắc” của tác giả Hồng Nương Tử. Bộ sách gồm 7 cuốn vừa độc lập vừa ít nhiều liên hệ với nhau.
Nghiệt Oán Tóc Xanh được biết đến như một tác phẩm có nhiều tình tiết độc đáo và đầy bất ngờ. Mọi chuyện bắt đầu khi cô nàng mê tiền Tô Di cùng anh bạn thân chí cốt Chung Nguyên bắt tay mở quán bar ma ngay tại một ngôi nhà ma. Án mạng liên tiếp xảy ra thu hút báo giới để rồi Dịch Bình An – cô phóng viên cá tính vào cuộc, sau đó, vụ việc thu hút cả hòa thượng trừ ma pháp lực hữu hạn Minh Lãng. Tất cả bọn họ bị cuốn vào vòng xoáy sinh tử mà Thanh Tơ – một ma tóc tích tụ đầy hận thù gây ra.
Trong Nghiệt Oán Tóc Xanh không hề thiếu những đoạn đầy ám ảnh sợ hãi:
Chung Nguyên quả thực chẳng tìm ra được lí do gì từ chối chậu hoa đẹp này. Chung Nguyên cẩn thận ôm chậu hoa về nhà. Lúc lên cầu thang, ở chỗ rẽ anh bỗng nhìn thấy hai bóng người đang tiến về phía anh. Đó là một cụ già dắt một đứa trẻ xuống cầu thang. Lúc đi ngang qua, cụ già kia bỗng ngẩng đầu nhìn anh một cái, trong giây lát tất cả lỗ chân lông trên người anh nở to, mồ hôi lạnh toát ra. Cụ già đó chính là bà nội đã mất nhiều năm của anh. Bà nội dắt theo chính anh lúc nhỏ, cất giọng mắng: “Bảo cháu đừng tùy tiện lấy đồ của người khác, cháu lại chẳng thèm nghe”.
Hay những đoạn hài hước không kém phần rùng rợn:
Tô Di lúc này đang ngồi trên thảm cỏ mềm mại cùng ngắm sao với Kiều Chí Hiên. Sao trên bầu trời rất sáng, không hiểu là do tâm trạng quá tốt hay đến cả bầu trời cũng làm đẹp nữa, nhưng mọi thứ xem ra rất lãng mạn. Tô Di che miệng cười vì thời khắc lãng mạn này, nhưng Kiều Chí Hiên vừa mở miệng đã phá tan giấc mộng đẹp của cô. “Em biết không, thảm cỏ này thực ra là nghĩa trang đấy”.
Nhưng trong những giờ khắc đen tối ấy, họ vẫn tìm được nụ cười, niềm tin, tình yêu, hiểu rõ cái gọi là “một lòng, một dạ”, cái gọi là “sự chật hẹp của trái tim”, sự hữu hạn của đời người.
“Trong trái tim anh cùng lúc có thể chứa đựng được hai người con gái không? Một người làm sao có thể cùng lúc yêu hai người được chứ? Nếu thực sự có thể như vậy thì một lòng một dạ còn có ý nghĩa gì nữa”.
“Nghiệt oán tóc xanh” dừng lại không phải bằng một cái kết hạnh phúc, cũng không phải cái kết bi thảm mà chỉ đơn giản là một cái kết đẹp, có người sung sướng và có người đau khổ, bởi cuộc đời dù có hạnh phúc đến thế nào, ở đâu đó, vẫn có kẻ ngồi trong bóng tối lặng lẽ khóc thầm và tự nhủ “Cho dù lịch sử thành đống tro tàn, tình yêu của tôi vẫn trường tồn mãi mãi.”
“Cho dù lịch sử thành đống tro tàn, tình yêu của tôi vẫn trường tồn mãi mãi.”
(Tóc tựa tuyết – Châu Kiệt Luân)
Câu hát này ứng một cách chính xác với Nghiệt Oán Tóc Xanh của Hồng Nương Tử. Tuy là truyện kinh dị, nhưng sau tất cả, những gì đọng lại không phải là cảnh tượng sợ hãi hay ám ảnh mà là tình yêu: tình yêu giữa người – người, người – ma, ma – người, tình mẫu tử, tình yêu truyền kiếp.
Hồng Nương Tử là nữ nhà văn trẻ của Trung Quốc, hiện đang sống ở Thâm Quyến. Là một nhà văn viết truyện kinh dị xuất sắc. Truyện của cô vừa đa đoan kỳ ảo nhưng cũng lắm khi thê lương mà huyền bí. Ngôn từ sử dụng tinh túy mà duy mỹ vẽ nên những cung bậc khác nhau trong lòng mỗi độc giả. Có người đọc truyện của cô thấy sợ hãi, có người cảm thương, có người lại buồn bã. Cô sử dụng một phong cách rất độc đáo mà tạo nên những câu chuyện rất riêng của mình. Cô được biết đến với biệt danh là “Nữ hoàng kinh dị” của Trung Quốc.