Ngàn năm áo mũ là một nghiên cứu công phu và đầy tham vọng của Trần Quang Đức: dựng lại bức tranh trang phục Việt Nam trong cung đình và ngoài dân gian trong khoảng một nghìn năm từ thời Lý đến thời Nguyễn (1009-1945. Trang phục cung đình luôn được quy định nghiêm ngặt và có nhiều đổi thay qua các triều đại. Ngàn năm áo mũ lý giải nguyên do và phân tích mức độ mô phỏng trang phục Trung Hoa trong quy chế trang phục của các triều đại Việt Nam, mô tả chi tiết, tỉ mỉ nhiều dạng trang phục như bộ Tế phục Cổn Miện uy nghi của các vị hoàng đế, các bộ Triều phục, Thường phục Lương quan, Củng Thần, Ô Sa, Bổ phục trang trọng của bá quan, hay Lễ phục Vĩ Địch, Phượng quan lộng lẫy của hoàng hậu v.v.. Trong khi đó trang phục dân gian không biến động nhiều, phổ biến là kiểu áo giao lĩnh, tứ thân, hay lối ăn mặc cởi trần đóng khố của đàn ông và yếm, váy giản tiện của đàn bà tồn tại qua hàng trăm năm lịch sử. Sự kiện vua Minh Mạng cấm “quần không đáy” là một biến cố lớn lao, để rồi chiếc áo dài năm thân đi vào đời sống dân gian và bây giờ trở thành trang phục quan trọng bậc nhất của người Việt. Có thể nói, Ngàn năm áo mũ bù đắp phần nào vào khoảng trống mênh mông của lịch sử trang phục Việt Nam nói riêng, lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung. Cùng với những ý nghĩa chính trị, xã hội sâu rộng, đây thực sự là một nghiên cứu quan trọng và có giá trị lâu dài. *** Review Hoàng Việt Minh: Phải nói trong một thời gian dài mình cũng đi lùng sách về lịch sử thời trang Việt Nam. Các vị sử học, học giả, giáo sư Việt Nam đã cho ra đời nhiều kho tàng lịch sử, lịch sử văn hóa, lịch sử văn học… đồ sộ, nhưng cái “mặc”, một nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc và có thể nói là 1 bằng chứng sống của diễn biến lịch sử & quá trình phát triển văn hóa, xã hội lại không được coi trọng bằng các lĩnh vực khác. Mình cùng một người bạn tham quan được một số bảo tàng trên Hn, đặc biệt bào tàng lịch sử Việt Nam, bảo tàng dân tộc học được thấy những kiến trúc cùng mẫu mã quần áo rất đặc biệt. Những nghệ nhân ấy đưa cái hồn vào trong tác phẩm của mình, được người bạn nói về nét kiến trúc thời Lý, thời Trần hay đặc điểm hình rồng qua mỗi thời kì mình lại nhớ đến các bài học mỹ thuật ngày xưa được học. Rồi cũng mong muốn chiêm ngưỡng các bộ quần áo vua chúa Việt Nam ngày xưa khác vua chúa Tàu như thế nào, con người thời ấy ăn mặc ra sao để có hình dung sống động thời kí ấy và mình tìm đến cuốn sách Ngàn năm áo mũ này. Ngàn năm áo mũ là một nghiên cứu công phu và đầy tham vọng của tác giả Trần Quang Đức, dựng lại bức tranh trang phục Việt Nam trong cung đình và ngoài dân gian trong khoảng một nghìn năm từ thời Lý đến thời Nguyễn (1009-1945. Cuốn sách cho ta cái nhìn khá toàn diện về sự phát triển của trang phục truyền thống qua các thời kì kết hợp phân tích ảnh hưởng của trang phục Trung Quốc, sách thuộc dạng khảo cứu đọc khá chậm giờ mình mới đọc hơn 2/3 và tập trung tại một số ý chính rồi kết hợp tra cứu tư liệu để hình dung cái mình đọc cái mình hiểu, quả thực kết hợp hình ảnh trực quan mà tác giả đưa ra làm cho ta hiểu rõ các trang phục bấy giờ và một số từ hán nôm mà ta vẫn thường dùng trong đời sống hàng ngày. Việc tìm hiểu các thời kỳ lịch sử không khó, nhưng để tìm ra sự khác biệt và sự phân chia trang phục đúng với thời kỳ và tầng lớp là hoàn toàn không phải chuyện ngày một ngày hai. Nhưng quyển sách này sẽ dễ dàng khai phá bức tường này và giúp chúng ta đến gần với lịch sử Việt Nam nhiều hơn rất nhiều. Và cuốn sách là tư liệu quý cho các nhà làm phim về lịch sử VIệt Nam xây dựng cổ trang xưa, các nhà thiết kế làm ra các bộ quần áo thời bấy giờ tránh bắt trước quá đà của Trung Quốc và làm nổi bật nét văn hiến của Việt Nam xưa. Như mọi người cũng biết Việt Nam cũng như một số nước như Triều Tiên, Nhật Bản đều chịu ảnh hưởng bởi một quan niệm mà ta thấy viết rất nhiều trên các tác phẩm Trung Quốc đó là “Hoa di” (ta có thể tạm hiểu chỉ một vùng đất có những người văn minh ở, có lễ giáo, ở trung tâm, khác biệt với sắc dân man, di, nhung, địch ở bốn phía xung quanh. Triều đình Việt Nam cũng thế coi thể chế, văn hóa Trung Hoa là nguồn tham khảo chính thống nhưng theo quy luật sáng tạo văn hóa, lại trên tinh thần tự chủ, triều đình Việt Nam trong hơn một ngàn năm phong kiến – quân chủ dù nhiều lần mô phỏng chế độ áo mũ, lễ nhạc, khoa cử của triều đại Trung Quốc vẫn luôn tạo nên nhưng nét biến dị độc đáo, làm tôn thêm vẻ uy nghi, sang trọng của vua quan nước Việt. Ngàn năm áo mũ phân khảo về trang phục năm triều đại: Lý, Trần, Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Trong mỗi triều đại khảo luận về ba loại hình trang phục: cung đình, quân đội và dân gian cùng đó là lý giải và phân tích mức độ mô phỏng trang phục Trung Hoa trong quy chế trang phục của triều đại Việt Nam. Như bộ Tế phục Cổn Miện của các vị hoàng đế, các bộ Triều phục, Thường phục Lương Quan, Củng Thần, Ô Sa, Bổ Phục của bá quan, hay lễ phục Vĩ Địch, Phượng quan của hoàng hậu,… Trong khi đó trang phục dân gian không biến động nhiều, phổ biến là kiểu áo giao lĩnh, tứ thân, hay lối ăn mặc cởi trần đóng khố của đàn ông và yếm, váy giản tiện của đàn bà tồn tại qua hàng trăm năm lịch sử. Sự kiện vua Minh Mạng cấm “quần không đáy” là một biến cố lớn lao, để rồi ta thấy chiếc áo dài năm thân và nó đã đi vào đời sống dân gian và bây giờ trở thành trang phục quan trọng bậc nhất của Người Việt. Có thể nói, Ngàn năm áo mũ đã bù đắp phần nào khoảng trống mênh mông của lịch sử trang phục Việt Nam nói riêng, lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung. Và chính cuốn sách mở cho ta một chân trời mới, là tiền đề cho việc nghiên cứu phong tục, tập quán của người Việt trong quá khứ xa xưa hơn, nhằm từng bước tìm ra cái lõi “bản sắc” trong văn hóa Việt Nam.