Thân yêu gửi tặng các bạn đọc nhỏ tuổi và trước hết các em ở vùng Cổ Loa, quê hương của câu chuyện truyền thuyết về chiếc nỏ thần của An Dương Vương và mối tình của Mỵ Châu-Trọng Thủy.
P.H (Giải thưởng cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 1978-1979)
Nhân vật
Thần núi
Thần Kim Quy
Các nàng tiên
Nàng tiên nhỏ
An Dương Vương
Bà cụ (mẹ nàng tiên nhỏ)
Người đánh mõ các bô lão đám đông gà tinh CúTinh
Anh Thế Lữ với bản thảo nàng tiên nhỏ thành ốc
…Không hiểu do đâu, một hôm tôi bỗng nảy ra cái ý định: nhờ anh Thế Lữ đọc hộ cho cái bản thảo tôi đã viết đi viết lại bốn lần. Đó là vở “Nàng Tiên nhỏ Thành ốc”. Hôm ấy, anh Thế Lữ đang ngồi trên chiếc ghế xích đu, thì tôi gõ cửa bước vào (Hồi ấy, không có tê lê phôn để báo trước xin gặp như bây giờ – cứ đánh du kích cả trong truyện đi thăm như vậy thôi) chị Song Kim đang ngồi đọc báo ở trong nhà. Anh nhận lời đọc giúp tôi và hẹn ngày gặp lại. Tôi hồi hộp, nhưng vẫn hy vọng – vì hai người đọc trước đều không chê vở kịch của tôi. Nhưng đó là hai nhà thơ – còn bây giờ là một nhà thơ kiêm một nhà viết kịch bậc thầy! Đúng ngày hẹn, tôi trở lại, vừa thấy tôi, anh Thế Lữ đã nói ngay:
– Tôi đã đọc xong trước ngày hẹn gặp lại anh! Anh không cười vui vẻ như hôm trước. Chết rồi! Chuẩn bị tư tưởng mà nghe anh ấy chê. Anh vẫn nhìn tôi với đôi mắt to, cách xa nhau hơn mắt người thường, nên nhìn lúc nào cũng như đang mơ về đâu đâu. Anh mời tôi uống nước rồi vào chuyện luôn.
– Tôi đã đọc rất nhiều những vở kịch viết về các nàng tiên… Tôi thích nàng tiên này của anh lắm -Vì đây đúng là một nàng tiên Việt Nam -Tôi không nói quá đâu -Hình như anh viết vở này cũng khá công phu nhỉ? – Vâng, tôi viết đi viết lại đến bốn lần rồi – Mong anh cho nghe ý kiến để tôi sửa thêm – Tôi viết kịch chưa nhiều, chưa có chút kinh nghiệm nào cả.
– Nhưng trước khi viết, anh chuẩn bị có lâu không?
– Tôi có đọc những tài liệu về Cổ Loa và các Vua Hùng mà tôi mua được.
– Nhưng còn nàng tiên nhỏ?
– Tôi yêu các em bé nên tôi muốn có một nàng tiên nhỏ trong số các nàng tiên đến giúp An Dương Vương.
– Anh bảo đã viết đi viết lại bốn lần à? Lần đầu anh viết thế nào?
– Tôi dàn ra thêm mấy hồi, mấy cảnh… Nhưng viết được hai hồi thì tôi dừng lại. Tôi cảm thấy hơi bị gò thế nào ấy – Tôi sực nhớ lại Puskin cũng có viết bốn vở kịch cho thiếu nhi, tôi bèn đến Hội Nhà văn mượn tuyển tập Puskin và đọc cả bốn vở. Đọc đến vở thứ ba tôi vẫn chưa rút ra được gì cả. Đến vở tứ tư, vừa dở ra đọc, tôi bỗng phát hiện ra một điều trong cả bốn vở của Puskin, không có vở nào, tác giả dàn thành hồi, thành cảnh cả. Mà toàn là cảnh… Vì sao thế nhỉ. Nghĩ mãi tôi mới tạm suy ra như thế này: có lẽ vì Puskin muốn vở kịch của mình uyển chuyển, mềm mại hơn là nếu dàn thành hồi, thành cảnh chăng? … Thế là sau đó, tôi phá vỡ cái bố cục cũ và dàn ra thành chín cảnh (Tôi rất thích con số chín có lẽ do hai chữ cửu trùng đã nhập vào đầu từ bé).
– Hay đấy! Còn mấy lần sau? Tôi có cảm giác rất rõ là không phải anh nghi ngờ về việc tôi nói đã viết đi viết lại bốn lần, mà xem cách làm việc của tôi như thế nào để anh dễ góp ý.
– Ba lần sau chỉ là chữa về câu, về lời đối thoại và thêm chi tiết, thêm ý, cho nó thơ hơn, sâu hơn thôi và tô đậm nét hơn về các nhân vật chứ không đụng gì đến bố cục nữa.
– Tôi đọc thôi, cũng đã thấy được công sức anh đã bỏ ra… Anh dừng lại, như để cân nhắc thêm điều anh sắp nói với tôi. Anh lại nhìn tôi. Ôi đôi mắt anh lúc ấy, đến giờ, còn như đang trước mắt tôi… To và trong sáng, đầy vẻ nhân hậu và bao dung, bỗng anh nói luôn một hồi.
– Tôi nói lại là tôi rất thích nàng tiên của anh, nhưng vì tôi yêu vở kịch của anh, tôi muốn nói với anh một điều. Vở kịch của anh về hai mặt bi và tráng đều đạt – Nhưng anh nhớ lại mà xem, tuồng ở trong anh, chèo ở ngoài này bao giờ bên cạnh cái bi, cái tráng cũng có cái hài – Tuồng thì có hề tuồng, chèo thì có hề chèo… Mà cả thế giới cũng vậy: Trong kịch Sếchpia anh hề thường có một vị trí rất đáng kể… Anh lại nhìn tôi, bưng lấy cái tách uống một ngụm nước. (Tôi sực nhớ ngay đến một điều anh thường tâm sự anh yêu nghệ thuật bắt đầu từ yêu cách cầm cái cốc uống nước rất sang trọng của Sa-li-a-pin, một nghệ sĩ mà anh rấthâmmộ).
– Vì vậy, tôi rất mong trong vở kịch có thêm tiếng cười! Tôi rất sợ là tôi đòi hỏi ở anh nhiều quá – Hoặc không đúng nữa là khác – Nhưng tôi nghĩ thế nào, cứ nói với anh thế ấy…
– Tôi rất cám ơn anh đã chỉ cho tôi thấy một thiếu sót quan trọng, một cái lỗ hổng trong vở kịch của tôi. Nhưng không biết rồi tôi có thêm nổi một tiếng cười vào đây không?
– Không sao! Như thế này thôi, cũng đã quý rồi – Đây là vì tôi yêu vở kịch của anh nên tôi cứ muốn cho nó thật hoàn hảo… Lời khen của anh làm tôi mừng lắm. Nhưng lời chê của anh vừa làm tôi thấm thía chuyện “non tay”, ít hiểu biết về kịch của mình, vừa thúc đẩy tôi phải gắng thêm lần nữa. Và chính lời chê ấy đã giúp tôi, sau rất nhiều ngày đêm tìm tòi, suy nghĩ, tạo ra được một bác đánh mõ chuyên môn hát câu đố để thách mọi người đáp lại – Và lúc nào, bác cũng là người gây cười cho đám đông (những người đi đắp đất xây thành Cổ Loa). Tôi nhớ hôm ấy, tôi đang đi trên đường Nguyễn Du. Đến gần ngã năm Bà Triệu, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… tôi bỗng thấy như có ai đang vẫy tôi. Tôi nhìn kỹ và suýt reo lên: anh Thế Lữ! Anh đi bộ một mình. Anh bắt tay tôi và hỏi:
– Anh đi làm việc về à?
– Vâng ạ!
– Này tôi thật lạ lùng không hiểu sao anh lại tạo được một bác đánh mõ đáng yêu như thế trong vở kịch của anh – tôi chúc mừng anh nhé! Tôi vui sướng đến bàng hoàng cả người. Tôi theo anh về nhà, anh đưa lại tôi bản thảo và nói:
– Tôi mà dựng vở này của anh thì tôi sẽ chỉ dùng chủ yếu là ánh sáng… Anh dừng lại một giây rồi nói tiếp. – Ví dụ như cái đoạn các nàng tiên đổ đất từ trên cao xuống. Tôi sẽ dùng toàn những tấm vải trắng thả xuống và cho ánh sáng các ngọn đèn đỏ chiếu vào – Vừa đẹp vừa hoành tráng, vừa rất thần tiên… Buổi chiều hôm ấy là một trong những buổi chiều hạnh phúc nhất trong đời viết văn của tôi… Tôi đi, người lâng lâng như đang bay… Vở kịch của tôi sau đó được Xuân Quỳnh mang về cho Lưu Quang Vũ đọc và sau đó đăng trên tạp chí Sân Khấu – và sau đó được in thành sách (1981). Anh Thế Lữ lúc này đã vào Nam ở. Tôi không còn được gặp anh sau đó nữa. Nhưng mỗi lần in kịch (hai vở tiếp theo) và lần in toàn bộ ba vở, tôi đều có gửi tặng anh… Lần tái bản tập này năm 1994 thì anh đã đi xa, xa mãi. Cứ mỗi lần nhìn thấy bìa tập sách, tôi lại nhớ đến anh, và lạ lùng chưa lúc nào tôi cũng thấy đôi mắt to hơi xa nhau của anh đang nhìn tôi, đầy tình cảm, đầy nhân hậu.
Hà Nội 4-1996
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com