Đầu tiên, theo tư vấn của một ông bạn già thận trọng, tôi đã đủ ngoan ngoãn đến mức đặt điều kiện xuất bản cuốn sách dưới bút danh khác. Tôi không biết mình sẽ có lúc nào đó thấy ân hận là ít lâu sau, do hiểu rõ rằng cái mặt nạ có thể dễ dàng để lộ nguyên cớ của chính tôi như thế nào, tôi lại quyết định ký tên thật cho Lolita. Bốn nhà xuất bản Mỹ — W,X,Y,Z — lần lượt được tôi chào bản đánh máy và đưa cho những người đọc của họ liếc qua nó, đã bị sốc bởi Lolita đến mức mà thậm chí ngài F.P., ông bạn già thận trọng của tôi, cũng không tính đến.
Mặc dù đúng là ở châu Âu cổ đại, và tận cho đến thế kỷ mười tám (những ví dụ dễ thấy đến từ nước Pháp), sự dâm tục cố ý đã không mâu thuẫn với những giây phút lóe sáng trong hài kịch, hoặc văn chương châm biếm đầy khí lực, hoặc thậm chí cảm hứng của một thi sỹ tài hoa đang trong tâm trạng phóng đãng, và cũng đúng là trong thời hiện đại thì thuật ngữ “văn hóa phẩm khiêu dâm” có nghĩa là tầm thường, hám lợi, và những quy tắc kể chuyện chặt chẽ nhất định. Hành động khiêu dâm cần cho bắt cặp với lời lẽ sáo rỗng bởi lẽ mọi kiểu tận hưởng khoái cảm mỹ học phải bị thay thế trọn vẹn bởi sự kích thích tình dục đơn giản, thứ đòi hỏi lời lẽ truyền thống để tác động trực tiếp lên bệnh nhân. Người sáng tác văn hóa phẩm khiêu dâm phải tuân thủ các quy tắc cũ kỹ và cứng nhắc để làm cho bệnh nhân của anh ta được bao bọc bởi cùng một bầu không khí thỏa mãn an toàn, bầu không khí vốn dĩ quen thuộc với những người mê truyện trinh thám — những truyện mà trong đó, nếu bạn không coi chừng, kẻ sát nhân thật sự có thể hóa ra là, trước sự phẫn uất của người hâm mộ, tính độc đáo nghệ sỹ (ai mà lại muốn, tỷ như, một truyện trinh thám không có đến dù chỉ một cuộc đối thoại?) Bởi vậy, trong các tiểu thuyết khiêu dâm, hành động bị giới hạn trong sự giao cấu giữa những lời khuôn sáo. Phong cách, cấu trúc, tính hình tượng không bao giờ được phép làm sao lãng độc giả khỏi thú tính đầm ấm của anh ta. Cuốn tiểu thuyết phải bao gồm sự thay thế luân phiên những cảnh nhục dục. Những đoạn văn ở giữa phải được rút gọn lại thành những đường khâu cảm xúc, những cầu nối hợp lý có thiết kế tối giản, những giải thích và trình bày ngắn gọn, mà độc giả hầu như chắc chắn sẽ bỏ qua nhưng phải được biết là chúng có tồn tại để không cảm thấy bị lừa dối (sự nhồi sọ từ lề thói của các chuyện thần tiên “có thật” ở thời thơ ấu). Hơn nữa, những cảnh nhục dục trong sách phải bám theo một mạch tăng dần, với những biến thể mới, những phối hợp mới, những giới tính mới, và sự gia tăng đều đặn số lượng người tham gia (trong một vở kịch của Sade, họ còn gọi cả người làm vườn vào), và bởi vậy mà phần kết thúc cuốn sách phải thừa mứa những tri thức dâm dật hơn là các chương đầu tiên.
Một vài kỹ thuật ở phần đầu Lolita (giả dụ như Nhật Ký của Humbert) làm cho mấy độc giả đầu tiên của tôi lầm tưởng rằng họ sẽ được đọc một cuốn dâm thư. Họ trông chờ vào chuỗi gia tăng các cảnh gợi tình; khi những cái này ngưng lại, độc giả cũng ngưng đọc luôn, và cảm thấy buồn chán và thất vọng. Tôi ngờ rằng điều này là một trong những lý do tại sao không phải tất cả bốn hãng chịu đọc bản đánh máy ấy đến cuối. Dù họ có thấy nó khiêu dâm hay không thì điều đó cũng chẳng làm tôi quan tâm. Sự khước từ của họ với việc mua sách không dựa trên cách tôi xử lý chủ đề mà dựa trên chính chủ đề, bởi có đến ít nhất là ba chủ đề tuyệt đối cấm kỵ đến mức hầu hết các nhà xuất bản Mỹ đều lo ngại. Hai cái khác là: một cuộc hôn nhân Nhọ-Trắng lại thành công trọn vẹn và mỹ mãn và đơm hoa kết trái thành con đàn cháu đống; và kẻ vô thần tuyệt đối lại sống cuộc đời hạnh phúc và có ích, rồi chết trong lúc đang ngủ, thọ 106 tuổi.
Một số phản ứng rất tức cười: một độc giả gợi ý là hãng của anh ta có thể cân nhắc chuyện xuất bản nếu như tôi biến nàng Lolita của tôi thành cậu bé mười hai tuổi và để cậu ta bị dụ bởi Humbert, một gã nông dân, trong chuồng gia súc, giữa phong cảnh thê lương và cằn cỗi, mọi điều này được trình bày bằng những câu văn ngắn, mạnh, “hiện thực” (“Hắn hành động điên rồ. Tôi nghĩ là tất cả chúng ta đều hành động điên rồ. Tôi nghĩ Chúa cũng hành động điên rồ.” Vân vân.). Mặc dù mọi người nên biết là tôi ghét cay ghét đắng những biểu tượng và phúng dụ (một phần do mối thù cũ của tôi với tà phép của Freud và một phần do nỗi kinh tởm của tôi với sự khái quát được sáng chế bởi những người sáng tác văn chương thần thoại và những nhà xã hội học), một độc giả sáng dạ khác thường đọc lướt qua Phần Một rồi miêu tảLolita như “châu Âu già dắt nước Mỹ trẻ vào đời trụy lạc,” ấy thế mà một độc giả ba chớp ba nháng khác lại thấy trong nó “nước Mỹ trẻ dắt châu Âu già vào đời trụy lạc.” Ông chủ nhà xuất bản X, người có các vị cố vấn chán ngấy Humbert đến nỗi họ không bao giờ đọc được quá nửa cuốn sách, đã ngây thơ viết cho tôi rằng Phần Hai quá dài. Mặt khác, ông chủ nhà xuất bản Y lại lấy làm tiếc, rằng không có người tốt nào trong cuốn sách. Ông chủ nhà xuất bản Z bảo, nếu ông in Lolita, thì ông và tôi sẽ đi tù.
Không có nhà văn nào ở một đất nước tự do lại cho rằng họ phải quan tâm đến ranh giới chính xác giữa gợi cảm và gợi dục; đó là điều hết sức vô lý; tôi chỉ có thể ngưỡng mộ chứ không thể ganh đua với độ chính xác trong cách nhìn của những người tạo dáng các động vật hữu nhũ trẻ trung xinh đẹp để chụp ảnh đăng lên tạp chí sao cho toàn bộ đường viền cổ áo chỉ vừa đủ thấp để khơi gợi một tiếng cười thầm của tay bưởng trưởng và vừa đủ cao để không làm ông bưu cục trưởng phải nhăn mặt. Tôi cho là, vẫn tồn tại những độc giả thấy hưng phấn với sự hiện diện những lời lẽ chợ búa trong những cuốn tiểu thuyết khổng lồ và sáo rỗng đến tuyệt vọng, những cuốn tiểu thuyết được đánh máy bằng những ngón tay cái của những kẻ tầm thường cương cứng và được đánh giá là “có ảnh hưởng lớn” và “nổi bật” bởi những tay phê bình bồi bút. Có những tâm hồn hiền lành tuyên bố Lolita vô nghĩa do nó không dạy họ được bất cứ điều gì. Tôi chẳng phải độc giả mà cũng chẳng phải nhà văn thể loại văn chương hư cấu ra vẻ mô phạm, và, bất chấp xác nhận của John Ray, Lolita chẳng có bài học nào đi cùng. Với tôi thì một tác phẩm hư cấu chỉ tồn tại trong chừng mực nó cho tôi cái mà tôi sẽ gọi huỵch toẹt ra là khoái cảm thẩm mỹ, đó là cảm giác được — bằng cách nào đó, ở nơi nào đó — kết nối với những trạng thái khác của sự tồn tại, nơi mà nghệ thuật (sự hiếu kỳ, tính nhạy cảm, lòng nhân hậu, niềm hoan lạc) là tiêu chuẩn. Không có nhiều cuốn sách như vậy. Tất cả những cuốn còn lại hoặc là lá cải thời thượng hoặc là những thứ vẫn được một số người gọi là Văn Chương Ý Tưởng, những thứ mà trong rất nhiều trường hợp lại chính là lá cải thời thượng cô lại thành các khối thạch cao khổng lồ được truyền cẩn thận từ đời này qua đời khác cho đến khi có ai đó xông lên với cây búa và thử làm một choác ra trò lên Balzac, lên Gorki, lên Mann.