Xã, phường, thị trấn là đơn vị hành chính cấp cơ sở, có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống chính trị ở nước ta. Nhiệm vụ chủ yếu của xã, phường, thị trấn là quán triệt, vận dụng, cụ thể hóa và lãnh đạo các tầng lớp nhân dân địa phương thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đưa đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Đây chính là nơi thể hiện toàn diện, trực tiếp và cụ thể nhất mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân; nơi thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội; nơi trực tiếp quản lý, bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo, rèn luyện và sàng lọc đội ngũ cán bộ, đảng viên; nơi tạo nguồn, bổ sung và cung cấp cán bộ lãnh đạo, quản lý cho các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Vì vậy, việc chăm lo củng cố, xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn, mà trước hết là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực, tín nhiệm với nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt của tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong hoạt động lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị các cấp ở nước ta, giao tiếp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi lẽ trình độ, kỹ năng giao tiếp của người lãnh đạo, quản lý có liên quan trực tiếp đến hiệu quả hoạt động, hiệu quả công tác. Qua khảo sát thực tiễn cho thấy, trình độ, kỹ năng giao tiếp của cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ở nước ta, đặc biệt là cấp cơ sở, còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, còn không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý ngại tiếp xúc với dân, dẫn đến hiệu quả công tác thấp.
Trên cơ sở đó, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn sách Nâng cao kỹ năng giao tiếp của cán bộ xã, phường, thị trấn do PGS. TS. Nguyễn Bá Dương làm chủ biên.
Từ sự phân tích cơ sở lý luận về giao tiếp và giao tiếp trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, cuốn sách đi sâu trình bày những kỹ năng giao tiếp cần có, thiết thực của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở như kỹ năng soạn thảo văn bản, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng đàm phán, kỹ năng tiếp dân, kỹ năng tổ chức và điều hành hội họp…, góp phần nâng cao hiệu quả giao tiếp, hiệu quả công việc của cán bộ cấp cơ sở.
Trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Tháng 9 năm 2015
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA – SỰ THẬT