Chúng ta thích những gì chúng ta thiếu. Khi, vì liên tài, tôi tìm và gặp được ông QUÁCH TẤN, lòng tôi vui sướng bao nhiêu! Ai ngờ rằng cái thế kỷ hai mươi nhộn nhịp với những thi sĩ dâm loạn, điên cuồng, gian trá, độc ác của nó, lại còn giữ nguyên vẹn, đâu đây, cả một bầu không khí Tống, Đường. Thật thế, QUÁCH TẤN chúng ta có đủ phong vận của một tao ông mặc khách thời buổi đó. Và bắt buộc tôi phải nói nhiều đến cái tâm hồn diễm lệ của người. Bởi vì, chỉ trong chốc nữa, chính nó sẽ soi xuống, vào cái mặt giếng trung thành của những trang thơ. Tôi nghĩ ngay – lố bịch thay là ý tưởng! – đến một chiếc bình lọc nước: Chậm chạp mà vững vàng, âm thầm mà mạnh mẽ, nó sẽ hút chất nước ngọt ngào chung quanh vào trong tinh khiết của lòng mình, gạn lọc, chọn lọc. QUÁCH TẤN là như thế đó. Một sự thu nhận rất đỗi thận trọng điều hòa. Cử chỉ ít, lặng, nhưng đầy ý nghĩa. Lời nói sưa, nhỏ, nhưng không thiếu sâu xa. Tóm lại có thể trong mấy chữ: hiểm tuy rằng điềm. Đó là cái tính của hồ, một mặt phẳng im, trên một lòng sâu tối. Đó là cái tính của núi, đơn sơ ba nét, ba chiều cổ điển, nhưng tâm lý chi ly từng ngọn cỏ, nhành gai. Yêu hồ yêu núi dường kia, không trách QUÁCH TẤN không thích bể là phải lắm. Một lần người bảo: « Tôi chỉ yêu nó khi nó là một mặt lặng im thôi ». Tôi tưởng như người đã nói rõ quan niệm của người trong câu nói đó. Bởi vì QUÁCH TẤN không phải chỉ là người chôn hoa khóc hoa, tưởng nhớ một lòng sen, cảm thương một thân lá. Cũng không phải ông chỉ là người ưa siêu thoát ra ngoài thế sự, mong lấy cái hư vô làm cái tâm hồn, bởi lẽ tâm hồn đã quá say đắm hư vô, Không! ông đủ cái phức tạp của chúng ta, lại thêm cái từng trải của một con người tam thập. Nhưng ông đã trót mang cái quan niệm là đàn áp, đàn áp tất cả, để được bình tĩnh mà đón tiếp thi ca. Tưởng là khô khan của Cao đạo nhưng thật ra trong suốt của Tượng trưng. Cũng không đáng lấy làm lạ, khi người ta bước ra từ địa hạt thơ Đường, nguồn tượng trưng thuần túy nhất. Tôi có cảm giác, một khi về với thơ Tầu, là thế giới chia ra hai phần: một, mặt đất, hai, cái tượng trưng của nó bên trên: không khí. Nhà thơ là người hiểu nhất về cái bên trên. Đáng lẽ than khóc cái cành hoa rơi, họ than khóc cái chỗ trống của cành hoa rơi. Đáng lẽ kêu gọi một ngọn gió, họ chỉ kêu gọi cái gì như hình thể của ngọn gió. Họ đi đến với chung quanh, với sự vật không bằng đường đất của con tim, bàn chân của cảm tình, nhưng bằng không gian, bằng cánh bay của trực giác. Riêng về QUÁCH TẤN cái quan niệm « tình nhiều nhưng không được lộ, khí mạnh nhưng mà phải dằn », như sao ta có thể đọc thấy rõ ràng, trong mấy câu, gọi đi là tâm sự: Sầu mong theo lệ khôn rơi lệ, Nhớ gởi vào thơ nghĩ tội thơ. Và sự liên tưởng, xui chúng ta không sao không nghĩ đến một đôi nhà thi sĩ Pháp đã đưa ra cái thuyết: « Người thơ khi đi tìm cái Đẹp phải dằn lên những dục vọng tầm thường, phải gạt tro ra cho điếu thuốc được dễ dàng cháy theo với LỬA ». Phương Đông, phương Tây, ngửng lên cùng thấy trời kia xanh. Một cái quan niệm như thế ở một nhà thơ cũ, chẳng xui ta ngạc nhiên mảy may nào hết. Ai đã có thể yêu sự tự ràng buộc của tâm hồn, thì yêu luôn cái ràng buộc tâm hồn bởi ngoại cảnh. Kẻ hoàng vương sợ gì lễ nghi. Bởi vì lễ nghi làm ra kẻ hoàng vương vậy. Con cá đẹp, múa giữa bốn mặt pha lê, mà cũng làm được khoái lạc cho kẻ tài tử – chính vì nó múa giữa bốn mặt pha lê. Cái múa tự do đó, QUÁCH TẤN nuôi mãi trong hi vọng. Ông nguyện ngày kia sẽ trả lại hoàn toàn cho thơ cũ cái hoàn toàn của nó – âm điệu, nhịp nhàng, uyển chuyển, đổi thay – mà « làng thơ Việt Nam đã bao lâu đánh mất ». Mười năm, hai mươi năm, hay cần đến, cả một đời, điều ấy là một điều chẳng đáng kể với ông. Tập thơ thứ hai nầy vượt biết bao nhiêu tập thơ thứ nhất đã làm chúng ta không mãn nguyện. Tập thứ hai nầy, tuy xinh đẹp nhường ấy, yêu kiều nhường ấy, ông cũng rụt rè mà cho là thêm một bước tập tành. Và xin cảm ơn cái tập tành ấy nhé. Bởi vì, tập MÙA CỔ ĐIỂN bé bỏng nhưng quá đầy đủ, trước hết, đã giải cho ta một mối lầm ác nghiệt là phân chia bờ cõi Thơ bằng hai chữ Mới Cũ chẳng có ý nghĩa gì. Và cũng không thể gọi là sau hết, cái việc nó đã đem lại, – ngoài những ý hay, tứ mới, ngoài những cảnh đẹp, tình sâu, – một cái quí báu nhất và cốt tủy nhất là Hồn Thơ, mà chưa một ai định nghĩa cho rành mạch. Những người, không vì một lẽ rõ ràng gì, đã thích những câu: Cỏ biếc chẳng treo hồn Sở trướng. Trúc vàng thà điểm giọt Ngu cung. (Phạm TháiVàng rụng giếng ngô sa lá gió, Bạc xuy dậu cúc nảy chồi sương. (Tương AnMột tòa sen tỏa hơi hương ngự, Năm thức mây phong nếp áo chầu. (Thanh QuanXuân đào lý gió đêm hoa nở, Thu khi mưa rụng lá ngô đồng. (Tản ĐàHọ sẽ hiểu tôi muốn nói gì. Ấy là tôi muốn nói đến thơ thuần túy. Phải rồi QUÁCH TẤN, tuy chưa đến được – vì ai mà đến được, vả chăng ông cũng chẳng mong đến được bây giờ – nhưng ông đã đi gần cái thể đọng của Thơ thuần túy mà ở cổ nhân, ta chỉ thường thấy trong các bản Cung oán ngâm khúc, Tần cung nữ oán, Bái Công văn… Hỡi những bạn trẻ! Chúng ta vẫn thường say mê cái nguồn thơ phương Đông, sao hôm nay chúng ta không đón rước cái chân tài đương độ nở nầy; – huống gì đó lại là kẻ đại biểu cuối cùng cho một trường thơ hôm nay tẻ lạnh. Tôi phải nói thế nào cho đủ lòng tin của các bạn đây? Một bài tựa không phải là một chỗ ca tụng. Nhưng khi với những bài thơ đầu, TẢN ĐÀ đã không ngại ngần mà đặt QUÁCH TẤN bên Yên Đổ, Hồ Xuân Hương, bà huyện Thanh Quan, Tôn thọ Tường…, 1 thì với tập thơ thứ hai nầy, sao tôi không đủ can đảm để nói rằng: qua các cổ nhân, đến bây giờ, bạn trẻ chúng ta mới tìm thấy những bài bát cú mà chúng ta yêu được hoàn toàn, một nhà thơ cổ điển hiến dâng một mùa mà chúng ta đón tiếp với một lòng vui sướng không do dự. Cái đẹp, người ta bảo nên để nó đi đến một mình. Nhưng hôm nay sự nó đến không có tính cách dĩ nhiên, cái một mình lại thành ra bó buộc, bởi vậy nên xin. Có tựa. Nhatrang, Xuân năm rắn, Chế Lan Viên