Công trình Một thức nhận về văn hóa Việt Nam có mục đích giới thiệu một cách hiểu về văn hóa Việt Nam, để giúp người đọc đổi mới văn hóa sao cho phù hợp với yêu cầu của chính Việt Nam trong thời đại ngày nay. Nội dung của công trình được trình bày theo từng phần. Trong “Lời nói đầu” này chỉ xét đến cách làm.
Cách làm chung quy chỉ là giới thiệu cách hiểu văn hóa Việt Nam sao cho thích hợp với đường lối của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo người viết, con người Việt Nam khi sinh ra thì hầu hết mọi mặt đều đã “xong”, không thuộc quyền lựa chọn của anh ta. Con người sinh ra đã có một Tổ quốc, với một lịch sử riêng, một gia tài văn hóa riêng và những yêu cầu khách quan về Tổ quốc, gia đinh, thân phận, diện mạo, không thuộc quyền lựa chọn của anh ta. Điều thuộc phạm vi lựa chọn là cách sống sao cho đáp ứng những yêu cầu khách quan này. Điều này bắt buộc anh ta phải hiểu các yêu cầu khách quan. Để hiểu, cần phải nhìn từng yêu cầu xuất phát từ những yêu cầu chung của con người rồi rút ra trong hoàn cảnh này, anh ta phải làm gì để đáp ứng những yêu cầu ấy, mà không vượt quả khả năng của mình, đồng thời cũng không gây khó khăn cho những nền văn hóa khác, nhằm đạt được sự chấp nhận và tán thành của những nền văn hóa khác.
Chính vì vậy, từ đầu đến cuối, công trình xét mọi vấn đề ở mặt quan hệ và cắt nghĩa tại sao có những cách giải quyết khác nhau ở các nền văn hóa trong những vấn đề có tính chất toàn nhân loại, hy vọng có thể góp phần nhỏ bé vào giai đoạn của Việt Nam trong một thế giới đã chuyển từ đối đầu sang đối thoại, để có thể chấp nhận nhau và giúp đỡ nhau.
Các bài viết đều đã hoàn thành từ đầu những năm 80 thế kỷ XX. Tôi chờ đợi trung bình 20 năm để xem thử cách nhìn có ổn không. Khi thấy sau 20 năm câu chuyện không thay đổi bao nhiêu, tôi viết lại cho hợp với hoàn cảnh mới; khi nhận thấy mình đã ngót nghét 80 tuổi, muốn chờ đợi thêm cũng không có điều kiện.
Người viết không có tham vọng nói đúng và chỉ dám nói mình cố gắng tìm một cách suy nghĩ mà thôi. Hy vọng những sai sót sẽ được sửa chữa để góp phần vào công cuộc đổi mới đang tiến hành trong cả nước. Vì sống vào một giai đoạn có rất nhiều thay đổi nên tôi cố gắng tìm hiểu trong thay đổi ấy, những điều gì thực sự đã góp phần tích cực vào việc xây dựng một nước Việt Nam theo con đường mà Bác Hồ đã chọn. Những suy nghĩ của người viết cũng là những suy nghĩ của nhiều người, trong đó nhiều người đã qua đời, cùng với những băn khoăn của minh. Cho phép tôi nhắc đến những vị thấy của tôi: cha tôi Phan Võ, các giáo sư Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai – những người đã dạy tôi cố gắng tìm hiểu những sự thực hiển nhiên trong quan hệ với lịch sử và hiện tại, không chỉ của Việt Nam mà của các vị thầy. Tiếc là các thầy không có điều kiện thấy những điều tôi thấy hiện nay để trình bày những ý kiến của mình mà tôi tin là có ích.
– PHAN NGỌC