Năm 1954, khi từ bưng biền về hoạt động bí mật ở Sài Gòn, tôi đến cửa hàng Albert Portail ở đường Catinat mua sách báo ngoại văn. Tình cờ tôi thấy một số sách Liên Xô dịch ra tiếng Pháp của nhà xuất bản Xã hội Pháp (Editions Socialesbày bán tự do. Tôi lựa được một cuốn tiểu thuyết rất hay: “Một người chân chính” (Un homme veritablecủa nhà văn Xô viết Bôris Pôlêvôi. Tôi bắt đầu dịch ngay trong những thời gian rảnh rỗi, nhất là vào ban đêm. Lúc đầu tôi định chuyển thể để có thể đăng trên các báo Sài Gòn hoặc ra sách, như kiểu anh Năm Châu chuyển thể vở “Người mặt cháy”. Nhưng dưới sự kiểm duyệt rất khắc nghiệt của địch nên không thể qua mặt được. Tôi liền gửi đăng trên báo Sông Chung (sau này là báo Trung Lậpcủa Việt kiều ở Phnôm Pênh. Sau đó tôi sửa chữa lại lần nữa bản dịch gửi ra Hà Nội. Vợ tôi (chị Lê Đoanlúc đó là thư ký tòa soạn báo Phụ Nữ Việt Nam đã đưa bản dịch cho Nhà xuất bản Thanh Niên. Cuốn sách được in 2 lần, mỗi lần với số lượng lớn 15.000 bản. Nhà xuất bản còn đề nghị tác giả Bôris Pôlêvôi gửi ảnh và lời tựa cho cuốn sách kèm với bản tự thuật của ông. Vì tôi dịch cuốn sách từ tiếng Pháp, chớ không phải tiếng Nga, nên phải nhờ Giáo sư Phạm Huy Thông hiệu đính theo nguyên bản tiếng Nga. Anh Phạm Huy Thông lại có dịp gặp cả tác giả Bôris Pôlêvôi và anh hùng Xô viết Alếchxây Mêrétxép nên việc xuất bản cuốn “Một người chân chính” càng có giá trị thắt chặt quan hệ anh em giữa Liên Xô và Việt Nam. Đây là bản dịch rất sớm các tác phẩm văn học của Liên Xô. Vì cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài, tôi rất tiếc không gặp được Bôris Pôlêvôi và anh hùng Alếchxây Mêrétxép, chỉ có liên hệ thư từ với Bôris Pôlêvôi. Chính tác giả đã gởi cho tôi nhiều tác phẩm văn học của Liên Xô và cả sách học tiếng Nga để tôi tự học khi còn ở chiến khu. Bôris Pôlêvôi còn khuyên tôi nên dịch cuốn “Tấm kiếng Parabôn” của Alếchxây Tônstôi, tôi cũng đã dịch và in thành truyện nhiều kỳ (feuilletontrong tuần san “Hòa bình trung lập” của Việt kiều ở Phnôm Pênh. Cuốn “Một người chân chính” có tính giáo dục, rèn luyện thanh niên rất cao, gần như cuốn “Thép đã tôi thế đấy”. Bởi vì phi công Alếchxây Mêrétxép sau khi bị bắn hạ trên bầu trời Đức chiếm đóng, gãy hai chân, đã bằng hai tay bò suốt 18 ngày đêm vừa đói vừa rét, để về căn cứ Hồng Quân. Sau khi lắp chân giả, anh lại bay nhiều ngày tấn công địch đến thắng lợi cuối cùng trong chiến tranh chống Phát xít. Anh được phong Anh hùng lực lượng võ trang Liên Xô và được bầu vào Ban Chấp hành “Hội đồng Hòa bình thế giới” chính anh đã lên tiếng nhiều lần ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam trên các diễn đàn Quốc tế. Tôi có ý định tái bản cuốn “Một người chân chính” vì cuốn sách là một tác phẩm có giá trị văn học, có giá trị giáo dục thanh thiếu niên, ngay cả trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Người dịch Minh Đô (Phạm Dân. *** LỜI TÁC GIẢ Tôi chưa sang thăm nước Việt Nam. Nhưng tôi có cảm tưởng là mình đã từng sống ở đấy, đã quen biết cảnh thiên nhiên giàu đẹp của đất nước này, với những khu rừng nhiệt đới, những con sông hùng tráng và những thung lũng phì nhiêu, những người Việt Nam tuy tầm vóc không cao lắm, nhưng gần cảnh vật và những con người ấy, không ai có thể coi là bé nhỏ. Những năm trước đây, khi nhân dân Việt Nam đang tiến hành cuộc đấu tranh thần thánh và anh dũng chống bọn thực dân được trang bị đẩy đủ thì những người Xô viết chúng tôi đã theo dõi quá trình các trận chiến đấu anh dũng của các bạn với tấm lòng kính phục và thông cảm sâu sắc. Nhân dân chúng tôi biết rõ giá trị của lòng dũng cảm, tinh thần can đảm và lòng yêu mến tự do. Người anh hùng họ biết kính phục tinh thần anh dũng của những người anh hùng khác. Vì vậy người Việt Nam ở xa chúng tôi, đã trở thành người bạn gần gũi và thân thiết. Chúng tôi rất vui mừng trước mỗi thắng lợi chống thực dân của các bạn và đã gửi đến đất nước các bạn lời chào hòa bình. Ngày nay với tấm lòng kính phục anh em, chúng tôi rất yêu mến những người Việt Nam quang vinh đang nắm trong tay vận mệnh của mình để xây dựng một cuộc sống hạnh phúc. Tôi hy vọng Alếchxây Mêrétxép, nhân vật có thực trong cuốn sách của tôi, một người Xô viết bình thường sẽ được gặp những người bạn tốt trong hàng ngàn vạn người lao động của nước Việt Nam mới. Chính vì ở nước các bạn cũng biết rõ giá trị tinh thần anh dũng chân chính, nên Alếchxây Mêrétxép đã đến với các bạn như tình anh em. Mạc tư khoa (Mascơva2-1960 Bôris Pôlêvôi *** LỜI TỰ THUẬT CỦA TÁC GIẢ Tôi sinh ngày 17 tháng 3 năm 1908 tại Mátxcơva, nhưng tôi lớn lên ở Tưve (bây giờ gọi là Calinin; cho nên tôi có thể có lý do để tự coi mình là một công dân Calinin. Cha tôi xưa là luật gia. Ông chết vì bệnh lao năm 1916. Tôi gần như không còn nhớ gì hết về ông, nhưng cứ phán đoán theo tủ sách rất tốt ông để lại, trong đó có đầy đủ các nhà văn cổ điển Nga và nước ngoài, và theo lời mẹ tôi nói lại, thì đối với thời ông, ông là một người có đầu óc tiến bộ và có học vấn cao rộng. Sau khi cha tôi mất, mẹ tôi vào làm việc ở một nhà thương xưởng máy, làm thầy thuốc, và mẹ con chúng tôi dọn đến ở trong một xưởng dệt lớn của bọn buôn bán Marôdốp. Tôi ở đấy suốt thời thơ ấu và thời niên thiếu của tôi. Chúng tôi ở trong chỗ gọi là “nhà nhân viên”, nhưng bạn học và bạn chơi của tôi là các con cái thợ thuyền, và vì mẹ tôi làm việc ở nhà thương nên công việc bận rộn bù đầu và chả mấy khi gần gũi con được, có những khi tôi cứ cả ngày ở trong các nhà ngủ công cộng của công nhân hay ở vùng ngoại ô quanh đấy. Tôi học hành không đến nỗi quá kém ở trường, nhưng cũng không hào hứng quá độ, và vào ngày giờ rảnh, tôi hoặc ra giữa dòng sông Tưmaca – một dòng nước hôi thối chảy ngang qua xưởng – và hoặc đắm chìm trong sách vở trong thư viện của cha. Tuy bận bịu, mẹ tôi cũng cố gắng hướng dẫn tôi đọc sách và khuyên nhủ tôi đọc sách của những tác giả mà mẹ tôi ưa thích nhất. Những cuốn sách đầu tiên tôi đọc là Gôgôn, Sêkhốp, Nêcưraxốp, Pimialốpski. Nhà văn tôi thích nhất là Goócki. Khi còn là sinh viên, cha mẹ tôi đều rất tôn sùng ông, và tủ sách của gia đình gồm hầu tất cả những sách của ông xuất bản trước cách mạng. Thời còn bé, tôi lại còn có một chiều hướng thích thú khác nữa, là yêu thiên nhiên. Học lớp tư, tôi đã là một “người lãnh đạo” nhóm các nhà sinh vật học trẻ tuổi và đã tham dự những cuộc gặp gỡ của thanh thiếu niên thành phố và của thanh thiếu niên Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Liên bang Xô viết Nga. Ở nhà tôi lúc nào cũng có chứa những khách lạ: một lần, có con ưng không biết tại sao lạc đến bay lới phới trong sân xưởng và đụng phải dây điện tín gẫy cánh; một lần khác, có con quạ con bị ngã từ trên ổ xuống được tôi cứu thoát khỏi móng mèo, có con nhím và có cả con rắn nước mà tôi dọn dẹp chỗ cho ở giữa hai khung cửa sổ, trong một đường rãnh nhỏ đã đào riêng cho nó. Trong thành phố bấy giờ có xuất bản một tờ báo địa phương: tờ Sự thật Tưve. Trong những năm hai mươi[1] có thành lập nên trong xưởng một mạng lưới quan trọng các thông tín viên công nhân. Tòa báo đặt trong căn nhà sắp xếp dụng cụ cứu hỏa. Và lũ bé con chúng tôi vô cùng kính phục nhìn những kẻ ra vào căn nhà gạch nhỏ ấy. Những thông tín viên công nhân mà! Những người viết bài trong báo mà! Chủ tịch của tổ chức đó, bác thợ nguội Gurianốp, là một trong những người được trọng vọng nhất nhà máy. Chắc hẳn là từ thuở xa xăm ấy đã chớm nở trong tôi cái chiều hướng thích thú đối với nghề viết báo, bấy giờ tôi đã coi như nghề hay nhất, quan trọng vô cùng, lại có cái khía cạnh đôi chút huyền bí. Tôi đang học lớp sáu khi báo Sự thật Tưve đăng bài báo nhỏ đầu tiên của tôi. Bài, theo như tôi còn nhớ được, có bảy dòng; nó kể chuyện một nhà thơ nông dân có tiếng tên là Đưrốtgin, đến thăm trường. Báo đăng bài đó cuối trang tư và tôi nhớ là đâu không có ký tên. Nhưng tôi thì tôi biết là ai viết bài đó, nên tôi không bao giờ rời số báo có đăng bài đó cho đến lúc nó rách tan từng mảnh trong túi tôi. Từ đó, tôi viết đều đặn trong báo Sự thật Tưve: bắt đầu là phản ánh mọi việc gì lôi thôi ở thành phố, rồi vào những đề nghiêm chỉnh hơn; cuối cùng, khi tòa soạn chú ý đến tôi, tôi được giao cho làm những phóng sự nho nhỏ về thời sự ở thành phố trong các xưởng, các nhà máy. Tôi tiếp tục học phổ thông, rồi tôi vào trường kỹ thuật công nghiệp; tôi chuyển ngành hóa học và cắm đầu vào phân tích chất lượng và số lượng. Nhưng tôi đã mơ màng tới những phòng tòa soạn phảng phất mùi mực in; trong những giờ nghe giảng, tôi viết trộm những bài báo hay những thiên phóng sự về những đề khá là xa với những đề mà giáo sư đang diễn đạt. Cứ như thế dần dần tôi đi đến làm cái nghề làm báo Xô viết, cái nghề mà tôi luôn vẫn coi như ngành văn chương nhiều hứng thú hơn tất cả các ngành khác. Báo Sự thật Tưve bấy giờ là một tờ báo rất là sinh động: Nhờ báo biết nắm lấy đúng lúc và “cho ra” cái gì có vẻ mới, hay và có giá trị trong công tác lao động xã hội chủ nghĩa ở xí nghiệp và ở thôn xóm. Làm việc báo chí, tôi quen quan sát cẩn thận, suy nghĩ về các sự việc, và chỉ viết về những vấn đề mà tôi biết thật đầy đủ. Tôi bỏ những tháng nghỉ ngơi của tôi để làm việc cho nhà báo, cố gắng lợi dụng thì giờ ấy để mà quan sát. Tấm gương huy hoàng của Goócki, mà tôi đọc tác phẩm từ bé, soi sáng đường đi cho tôi chẳng khác ngọn hải đăng. Tôi học được tinh thần quan sát là chính ở nơi ông. Một mùa hè nọ, tôi định sẽ cho tòa soạn một thiên phóng sự về những xí nghiệp làm nghề rừng và những xí nghiệp làm nghề thả bè trên sông trong vùng Tưve. Tôi đi tuốt đến quận Xêligiarốpski. Ở đó, tôi tới những xí nghiệp làm nghề rừng, tôi lên bè trôi sông và tôi làm việc ở đó, cầm tay lái, giữ tay chèo ở phía sau bè. Cứ thế là từ nguồn sông Vonga tôi xuống đến tận Calinin, rồi lại còn xuống thấp hơn thế nữa, đến tận Rưbinscơ, nơi đó kết thúc thật là mỹ mãn, lịch trình của tôi vừa lúc những bè cây cặp đúng bến. Trong khi rong ruổi như vậy, báo đăng loạt bài của tôi tựa là Trên những bè trôi sông. Tôi viết những bài đó ban đêm, gần ngọn lửa nhỏ đốt ở giữa nhà lều trên bè. Một mùa hè khác, tòa soạn báo Thôn xóm Tưve giao cho tôi làm một thiên phóng sự về tình hình chủ nghĩa xã hội thâm nhập đời sống các thôn xóm chưa tổ chức thành nông trang. Tôi đến làng Míchsina một nơi cùng tận trong tỉnh Tưve, làm nghề sắp xếp sách trong thư viện và viết một loạt bài báo về đời sống trong làng về những bước đầu tiên của lao động tập thể. Năm 1927, tập bài báo đầu tiên của tôi ra đời. Các bạn tôi trong tòa báo của thanh niên cộng sản Thế hệ trẻ không bảo gì tôi cả mà cứ gửi nó đến cho Mácxim Goócki ở Xorente. Khi hay biết được, tôi cuống cuồng cả lên. Bắt nhà đại văn hào phải mất công đọc các sáng tác chẳng ra gì mấy đó, mà tôi lại nhận thức được vô cùng rõ ràng là thật là còn non nớt, thì theo tôi thật là một việc xúc phạm. Cho nên tôi ngạc nhiên lạ lùng khi nhận được một cái gói to lùm lùm đề tên tôi, có dán tem nước ngoài, chữ viết to và cứng cáp lắm. Tự tay viết đến sáu trang giấy, Goócki nghiên cứu tỉ mỉ và rất đỗi khoan dung các tác phẩm tuổi trẻ đó của tôi. Ông khuyên tôi nên làm việc không ngừng, học tập các nhà văn cổ điển mà mài giũa văn như “anh thợ tiện mài giũa kim khí”. Bức thư ấy của nhà đại văn hào đối với tôi thật là bằng không biết bao nhiêu năm học tập. Tôi đã từng phen suy nghĩ về mỗi chữ ông viết, ra sức rút ra những kết luận đúng đắn và hữu ích. Goócki đã giúp tôi hiểu được rằng nghề làm báo và nghề viết văn là những nghề khó khăn, đòi hỏi phải học tập và lao động nhiều hơn bất cứ nghề nào khác. Tôi hiểu rằng không thể nào làm được những nghề ấy theo lối tài tử được, phải bỏ hết tâm lực vào, và chỉ có thế mới mong trở nên được một người lao động thực sự trong ngành báo chí bônsêvích. Thời ấy, tôi học xong trường kỹ thuật, vừa vào làm việc ở xưởng nhuộm, nơi in những thứ vải gọi là “vải Ấn độ”. Xưởng này là một bộ phận của nhà máy liên hợp Vô sản. Chẳng bao lâu, tôi đứng đầu một nhóm thông tín viên công nhân ở đó. Công việc của tôi ở xưởng và công tác xã hội của tôi ở nhà máy chẳng để cho tôi mấy thì giờ để làm cái việc tôi thích thú hơn cả, là làm báo. Mà sự ưa thích của tôi thì lại cứ ngày càng rõ. Cuối cùng, suy nghĩ chín chắn rồi, tôi thôi việc ở xưởng để vào làm biên tập viên tờ báo của thanh niên trong tỉnh, là tờ Thế hệ trẻ. Ở đó có một tập thể biên tập viên tốt, sau đó nhiều người đã trở nên những người làm báo có giá trị. Hoạt động thật là sôi nổi. Quỹ tờ báo nhỏ bé, rõ là không đủ cho sáu hay tám trang báo mà chúng tôi cứ hàng tuần cho ra hai kỳ. Cho nên phần chính công việc là phải do những nhà thông tín viên trẻ tuổi làm công không giúp cho. Tinh thần phát huy sáng kiến của báo đó đã khiến cho báo được từng phen khen ngợi trên những cột báo của Sự thật. Tôi đã làm việc ở tòa báo Thế hệ trẻ rồi, khi báo thôi, làm việc cho báo địa phương của Calinin là tờ Sự thật Vô sản, cứ thế không lúc nào ngừng mãi cho tới chiến tranh. Tôi viết những thiên phóng sự cùng những bài báo, và tôi phụ trách các mục kinh tế và văn hóa. Tôi được kết nạp Thanh niên năm 1930; năm 1940 tôi gia nhập Đảng Cộng sản, Nhờ trường học lớn của Đảng bônsêvích mà tôi trở nên được một nhà văn. Vừa tiếp tục cộng tác biên tập, tôi vừa viết truyện, nhưng, nghe đúng theo lời khuyên nhủ của Goócki, tôi chỉ cho đăng một phần nhỏ thôi trên báo hay trong tập niên lịch của vùng, là tập Ngày nay. Năm 1939, tập san Tháng Mười đăng cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi: Xưởng nóng hổi. Tôi định cố tóm thâu trong cuốn sách đó toàn bộ kết quả của những điều tôi đã quan sát được về tình hình phát triển của phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa trong những xí nghiệp ở Calinin và về hoàn cảnh trong đó phát sinh ra được những sáng kiến của những kẻ phát minh. Tôi đã tự mắt mình quan sát tất cả những cái đó và tôi đã viết phóng sự nhiều về việc này. Sách, sở dĩ thời ấy được đôi chút hoan nghênh, đó là nhờ trước hết ở sự vĩ đại của những sự việc mà sách viết ra, kể đến và của những con người đã là những vai chính của truyện. Tôi muốn được nhấn mạnh nhất là vào một điểm, là đề truyện và nhân vật trong truyện đều là từ trong đời sống mà lấy ra; những ai công tác từ lâu trong các xưởng chế tạo dụng cụ vận chuyển ở Calinin đều đã nhận ra ngay bạn mình trong đám nhân vật trong truyện, và, rốt cuộc, anh là vai nam chính trong truyện đã mời tôi dự lễ cưới chị là vai nữ chính. Hôm lễ, đã đùa khá nhiều về cái điều đó: chính là nhân vật trong tiểu thuyết bắt buộc phải làm cho xong hẳn công việc của tác giả, để cho tác phẩm được kết thúc có hậu, dầu không ly kỳ chi mấy. Công tác lâu năm trong báo chí đã khiến tôi viết được những cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi, nhưng chính công tác của tôi trong tờ Sự thật, mà tôi là thông tín viên chiến tranh khi cuộc chiến tranh dân tộc vĩ đại bùng nổ, đã là bổ ích nhất cho sự nghiệp nhà văn của tôi. Có người đôi khi hỏi tôi: – Cố nhiên là anh làm báo thành ra bị trở ngại nhiều trong công tác viết văn của anh; cái đời nhà làm báo vốn rồn rập, cứ bắt là phải viết về những đề tài nhất định phải gửi bài đến những ngày giờ hẹn trước, chẳng kể tâm tình mình mỗi lúc thế nào, rồi lại kèm vào đấy nữa là phải viết đúng là bao nhiêu hàng chữ. Những câu hỏi loạt ấy không khiến tôi khó chịu, chỉ khiến tôi buồn cười, vì chính là công tác trong báo chí bônsêvích đã đưa tôi tới con đường văn chương. Làm báo giúp tôi biết rút ra cái chủ yếu, ghi cái gì là mới, là đã cộng sản rồi trong tâm tình của những người đương thời. Là thông tín viên chiến tranh của báo Sự thật, tôi lúc nào cũng ở những điểm quyết định của mặt trận mênh mông, nơi quyết định số mạng của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Tôi đã thu thập được ở đó một khối lượng tài liệu vô giá. Mọi người đã biết rằng những vai chính trong những cuốn sách của tôi: Một Người chân chính và Người Xô viết chúng ta, đều là những nhân vật có thật. Phần lớn tên thật ngoài đời thế nào, tên trong sách của tôi cũng là thế, đôi khi có thay đổi rất ít mà thôi. Ý đầu tiên của hai cuốn sách này là do ở tòa báo Sự thật mà ra. Sự việc xảy ra như thế này này. Tháng 2 năm 1942, có đăng một bài tựa là: Thành tích của Mátvây Cuzơmin. Bài ấy, tôi đã viết vội vã, sau khi đưa ma vị anh hùng ấy. Đó là chuyện một nông dân tập thể, đã bát tuần, thuộc nông trang tập thể Bình minh, trồng gai, cụ nông dân này đã lập lại cử chỉ anh hùng của Ivan Xuxanin. Bài viết vội và không có giá trị chi mấy. Lần đầu tôi ở mặt trận về, anh chủ bút báo Sự thật gọi tôi đến và trách tôi viết về một thành tích đáng kính phục như vậy một cách quá ư vội vã, y như một phóng viên nhà báo. – Thật tiếc là lẽ ra có thể kể câu chuyện này một cách khác hẳn, – anh trách tôi như vậy. Rồi, với thói quen của anh là hay tổng quát, anh nói thêm: – Tôi đã bảo tất cả các anh thông tín viên chiến tranh, và tôi xin hết điều căn dặn anh: Cứ ghi cho đầy đủ chi tiết những công trạng của những người Xô viết mà các anh có cái may mắn được chứng kiến. Đó là bổn phận công dân của các anh, và, hơn thế nữa, đó là bổn phận đảng viên Đảng Cộng sản của các anh. Nghĩ coi: trong cuộc chiến tranh này, nhân dân Liên Xô đã vượt qua về dũng cảm tất cả các vị anh hùng của tất cả các thời đại xưa cũ. Và để cho không quên chi hết về những thành tích hiển hách ấy, để cho mọi người Xô viết biết rõ đồng bào mình đã đánh phát xít như thế nào, đã thắng nó như thế nào, thì phải ghi tất cả, tất cả. Tôi liền mang theo một tập vở to, đóng bìa cứng, và tôi bắt đầu ghi vào đó thật là rành mạch địa chỉ các vị anh hùng hay những người đã chứng kiến những sự việc quan trọng, nhất là những tấm gương anh dũng mà tôi biết được. Là thông tín viên chiến tranh, tôi bay nhảy từ góc mặt trận này đến một góc mặt trận khác, khi thì tôi tới cùng quân du kích, khi thì tôi vào rừng, nơi các biệt đội nhảy dù chuẩn bị đánh chớp nhoáng phía sau lưng địch, rồi tôi lại trở về chiến tuyến ở Stalingơrát, về tuyến lồi Cuốcscơ ở Goócxun Sépchengơrat, tới sông Visla, tới sông Naixơ, tới sông Spưtê, và đâu đâu tôi cũng đã được chứng kiến cái bản lĩnh anh hùng của người Xô viết, đã làm phai mờ cả những thành tích hiển hách của các bậc anh hùng xưa: Ivan Xuxanin, Mácpha, Côgina, Côsơca người thủy thủ Xêbastôpôn, và biết bao nhiêu người nữa mà lịch sử ta, văn chương ta còn nhớ tên, nhớ tuổi. Suốt thời chiến tranh như thế là tôi đã ghi chép được sự việc về sáu mươi nhăm câu chuyện thuộc loại ấy. Một trong những câu chuyện ấy kể lại buổi gặp gỡ kỳ lạ với trung úy Vệ quốc Marétxép, phi công ở một phi trường lâm chiến, gần Oren, thời tấn công đánh lấy thành phố ấy. Đó là đề tài cuốn Một Người chân chính. Tôi đã rút ra từ những điều tôi đã ghi chép được hai mươi bốn câu chuyện tôi cho là quan trọng hơn cả, điển hình hơn cả, bộc lộ rõ hơn cả tinh thần của con người Xô viết. Và tôi đã viết thành những bài truyện ngắn, tập hợp lại trong một cuốn sách lấy tựa là Người Xô viết chúng ta. Giờ đây, xong chiến tranh rồi, tôi cứ tiếp tục làm việc theo đúng phương châm ấy, là kể những cái mà tôi đã chứng kiến. Trong truyện lấy tên là Trở về, tôi đã cố gắng trình bày bằng một hình thức nghệ thuật một mẫu đời của một anh thợ đúc nổi tiếng ở Mátxcơva. Đề tài của cuốn tiếu thuyết Vàng cũng là lấy ra từ trong đời sống thực sự: nó kết liễu vào lúc tấn công trên mặt trận Calinin, đầu năm 1942. Cái quan tâm đến sự xác thực đó, không phải là một cái gì riêng cho một mình tôi chút nào. Đời sống của chúng ta, trong chế độ xã hội chủ nghĩa, cứ ngày một đổi thay hoài; nó tiến lên, nó cung cấp cứ mỗi ngày, mỗi giờ, cho nhà văn những đề vừa giản dị vừa say mê, lấy ở kinh nghiệm hàng ngày thấy có. Người Xô viết, được lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản dìu dắt, đạt đến đỉnh cao của sự vĩ đại trong lao động cũng như trong chiến đấu. Những công lao cao cả làm nên vì Tổ quốc, ta cố suy diễn đặt để nó ra thì thật là rất khó, ngay đối với một nghệ sĩ có trí tưởng tượng mãnh liệt nhất. Nhưng đời sống Xô viết chúng ta thì cung cấp cho nhà văn biết bao nhiêu tâm tình thật vô cùng là phong phú. Công tác làm báo luôn luôn đưa chúng tôi tiếp xúc với những người đáng lưu ý nhất của thời buổi này, và cho phép chúng tôi được thấy những người ấy trong lao động và trong đấu tranh. Nghề làm báo khiến cho mắt chúng tôi sắc hơn, tai chúng tôi thính hơn. Riêng về bản thân tôi, thì những sự việc mà đời sống hiến dâng cho, thay thế vào chỗ trí tưởng tượng văn chương của tôi bị thiếu sót. Những nhân vật mà tôi phác họa ra, mà đời sống vượt tràn ra khỏi những trang sách của tôi, hoàn thành cái gì còn chưa hoàn chỉnh trong sách tôi: chúng tôi đã cùng nhau gặp gỡ nhau lại với anh Marétxép ở Vácxava, không phải với danh nghĩa nhân vật và tác giả tiểu thuyết, mà lần này với danh nghĩa cùng là đại biểu Liên Xô tại Đại hội thế giới lần thứ hai của các Chiến sĩ Hòa bình. Malích Gápđulin, nhân vật truyện Một anh hùng ca ra đời hiện lãnh đạo Viện Văn học trong Viện Hàn lâm khoa học nước Cadắc và chị nông dân ở Pôntava, chị Uliana Bialôgơrút, người đã cứu được lá cờ của một trung đoàn chiến xa, trong truyện Lá cờ của trung đoàn của tôi, thì sau chiến tranh đã được tặng thưởng huân chương về kết quả chị đã thu được trong vụ mùa củ cải. Được chứng kiến hạnh phúc của những con người ấy, hoạt động say mê của những con người ấy, lao động sáng tác của những con người ấy, lòng ta thật là vui sướng không cùng không tận. Làm nhà văn ở xứ sở của chủ nghĩa xã hội, là được hướng một hạnh phúc lớn lao không bờ bến. Bôris Pôlêvôi Mátxcơva Tháng 11 năm 1950