Birdless Summer là cuốn thứ ba trong một bộ sách của Han Suyin và là cuốn duy nhất được Nguyễn Hiến Lê dịch ra tiếng Việt. Bản thân tác giả là một phụ nữ Trung Hoa lai Bỉ, có chồng là một sĩ quan tương đối cao cấp trong chính quyền Tưởng Giới Thạch. Han Suyin – đang theo học đại học y khoa tại Bỉ – vì tình yêu quê hương tha thiết đã quyết định bỏ trường đại học, bỏ hôn phu, bỏ cuộc sống yên bình, bỏ châu Âu để trở về Trung Hoa kháng Nhật. Trên chuyến tàu định mệnh ấy, cô gặp lại Pao – người bản thuở ấu thơ khi còn ở Bắc Kinh. Hai con người cùng lý tưởng ấy dễ dàng cảm thấy gần gũi rồi thành vợ chồng. Thế nhưng ngay khi về đến Trung Hoa, ảo tưởng của cô gái trẻ Han Yu Sin về lý tưởng, về tình yêu… dần dần bị đập vỡ. Và từ đó, qua tác phẩm của mình, bà đã dựng lại cho người đọc thấy một mảng khuất ít người biết của lịch sử Trung Quốc thời kì Tưởng Giới Thạch: sự tàn bạo, bất nhân và nỗi thống khổ của hàng triệu, triệu người Trung Hoa. Chân thực là thế nhưng sách của Han Yu Sin không phải tiểu thuyết lịch sử khô khan, nó thực ra chỉ là một tác phẩm tự sự về cuộc đời bà. Bên cạnh một dân tộc cùng các sự kiện to lớn, ta còn thấy cuộc hôn nhân bi kịch mà bà đã vướng vào. Một cuộc hôn nhân không phải không có tình yêu nhưng đã bị chính những ảo tưởng vò nát, để lại những vết rạn vỡ không bao giờ có thể hàn gắn được. Tình yêu trong trái tim cô gái trẻ Han Suyin cứ lụi tàn theo năm tháng cho đến khi tất cả chỉ còn là sự vô cảm chai sạn. Đọc xong Birdless summer, tôi cảm thấy trong mình là sự choáng ngợp trước dòng chảy lịch sử vĩ đại mà nó truyền tải nhưng đâu đó còn là sự xót xa cho những số phận cụ thể mà tác phẩm nhắc đến. Và tôi đã hiểu tại sao Nguyễn Hiến Lê lại so sánh Han Suyin với Pearl Buck ngay từ những trang sách đầu tiên. *** Mùa hè vắng bóng chim 1, cuốn tiểu thuyết tự truyện của Han Suyin (Hàn Tú Anh, thuật truyện riêng đời tác giả, một thiếu nữ Trung Quốc lai Bỉ (cha gốc Hán, mẹ người Bỉ, nhiệt tình yêu đất nước Trung Hoa, và tình nguyện trở về cứu nước, khi thấy đất nước trước hoạ xăm lăng của Nhật Bản. Han Suyin, xuống Tàu Laborde, nhổ neo ở Marseille (Phápvà đi Hương Cảng. Bà gặp bạn cũ là Tang Pao Huang 2, hồi nhỏ học ở Bắc Kinh, tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, vì lí tưởng, họ yêu nhau và cưới nhau trên đường về nước 3. Nhưng ngay sau ngày cưới, Han Suyin đã thấy ngay những dự định của mình thành ảo tưởng. “Mùa hè vắng bóng chim” bắt đầu từ đấy… Cuốn tự truyện thuật lại hết sức sinh động, bi kịch từ hai phía: lí tưởng phục vụ tổ quốc và tình yêu… Chỉ khi về đến Tổ quốc, chỉ khi chung sống với Pao, một sĩ quan trẻ của quân đội Tưởng Giới Thạch, Han Suyin mới thật sự vỡ mộng. Tổ quốc Trung Hoa mà bà yêu tha thiết, trong tay chính quyền Tưởng Giới Thạch, đã thực sự suy yếu. Tập đoàn cai trị, từ Tưởng Giới Thạch, Hà Ứng Khâm, Hồ Tôn Nam, Tai Lee 4, dưới mắt tác giả, đều là những chính khách bất tài, dùng những thủ đoạn chính trị để bốc lột đàn áp dân chúng, đàn áp phong trào kháng chiến, bòn rút tiền viện trợ của ngoại quốc, để làm giàu cho bản thân họ. Còn Tang Pao Huang chồng Han Suyin, bề ngoài tưởng là một thanh niên yêu nước thật sự, nhưng thực ra hệ tư tưởng của anh cũng không thoát khỏi ý thức của lớp trí thức trẻ, con các gia đình phong kiến rất hám danh lợi, ích kỉ. Dù là hạng tân học, song đầu óc Pao đặc sệt tư tưởng cổ hủ của phong kiến xưa. Dù yêu vợ, song Pao không hề mong vợ có chí tiến thủ, chỉ muốn vợ biến thành một người lệ thuộc, phục vụ riêng cho mình… Han Suyin là một phụ nữ tiến bộ, lại ở nước ngoài từ bé 5, sẵn có tư tưởng dân chủ trong mình, hoàn toàn chống lại… Và Pao đã hành hạ Han Suyin rất thậm tệ, đánh đập không tiếc tay, ở trong nhà và ngay ở công viên… Nhờ vào chức vụ của Pao, thói hãnh tiến của anh ta mà Han đã tiếp xúc với được nhiều hạng người trong giới thượng lưu, do đó bà đã rõ bộ mặt thối nát của tập đoàn Tưởng Giới Thạch, và thất vọng về tương lai của Tổ quốc. Cuốn tự truyện đã vượt ra khỏi đời riêng của một phụ nữ Trung Hoa, vẽ ra một bức tranh toàn cảnh, rất sinh động về tình hình đất nước của bà từ ngày Nhật xâm lăng, chiếm Mãn Châu, cho đến lúc Thế Chiến thứ hai kết thúc 6. Bằng bút pháp linh động, tinh tế, mổ xẻ những hiện tượng tâm lí xã hội của tấm bi kịch riêng của vợ chồng bà, cũng như tấn bi kịch lớn của đất nước Trung Hoa. “Mùa hè vắng bóng chim” là một cuốn tiểu thuyết có giá trị về nhiều phương diện.