Một mình một ngựa lấy cảm hứng từ niềm say mê trước vẻ đẹp kiêu hùng của con người giữa cuộc đời gian truân, còn nhiều khuyết tật, đầy mặc cảm cô đơn và dạt dào sức sống mãnh liệt. Có thể coi một mình một ngựa là cuốn tiểu thuyết mang dấu ấn tự truyện cuả cây bút văn xuôi Ma Văn Kháng. “Một mình một ngựa” – tiểu thuyết của Ma Văn Kháng, tác giả của những tác phẩm nổi tiếng như “Đám cưới không có giấy giá thú”, “Mưa mùa hạ”… Tiếp tục với dòng sáng tác của các tiểu thuyết “Vùng biên ải”, “Chó Bi, đời lưu lạc”, “Côi cút giữa cảnh đời”, “Mưa mùa hạ”…, “Một mình một ngựa” – Giải thưởng tiểu thuyết Hội Nhà văn Hà Nội 2009 – vẫn lấy cảm hứng từ niềm say mê trước vẻ đẹp kiêu hùng của con người giữa cuộc đời gian truân, còn nhiều khuyết tật, đầy mặc cảm cô đơn nhưng cũng dồi dào sức sống mãnh liệt. Đây là cuốn tiểu thuyết mang dấu ấn tự truyện của một trong những cây bút văn xuôi bút lực dồi dào của văn học VN. *** Nhà văn Ma Văn Kháng (sinh ngày 1 tháng 12 năm 1936 tại làng Kim Liên, Đống Đa, Hà Nộitên thật là Đinh Trọng Đoàn. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, học trường Sư phạm Hà Nội. Ông từng là giáo viên cấp hai, dạy môn Văn và là hiệu trưởng trường cấp 3 thị xã Lao Cai nay là tỉnh Lào Cai. Ông cũng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1974. Từ năm 1976 đến nay ông công tác tại Hà Nội, đã từng là Tổng biên tập, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Lao động. Từ tháng 3 năm 1995 ông là Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã 8 lần đệ đơn xin thôi vị trí này. Tác phẩm *** Tin ông Quyết Định và ông Đồng đi bệnh viện cấp cứu đến với ông Văn Hiến khi ông đang lặn lội ở cánh đồng Quang Kim – vựa lúa chính của tỉnh. Lúc này vụ xuân đang bắt đầu. Công việc chỉ đạo đang vào mùa bận rộn. Gần một trăm cán bộ kỹ thuật nông nghiệp nằm trong gần hai trăm thôn bản vùng lúa lớn này, dưới quyền chỉ huy của Tổng tư lệnh tối cao là ông đang quyết tâm giành một vụ xuân đại thắng lợi. Theo ông, vụ xuân này tại nơi đây sẽ diễn ra một cuộc cách mạng có quy mô lớn chưa từng thấy; nghĩa là sẽ thay đổi đến tận gốc rễ các tập quán canh tác lạc hậu đã thống trị cả ngàn năm ở vùng đất này. Sẽ thay một trăm phần trăm giống mới. Sẽ thực hiện ngâm thóc giống ba sôi hai lạnh. Sẽ chống đến cùng tệ nạn nước chảy tràn bờ, có cấy mà không bỏ phân, không làm cỏ. Sẽ… Sẽ… Và như thế sẽ là một bước nhảy vọt về năng suất sản lượng. Sẽ tạo ra điều chưa từng có. Là bởi vì từ ngàn đời nay vùng lúa này cả mấy chục ngàn hécta quanh năm chỉ cấy hái có một vụ thôi. Vì cho rằng, hai vụ kết quả cũng chỉ như hai bát úp một, chả bõ. Vì cả vùng này, bao năm nay nhất nhất tuân theo một thói quen, cắm được cây lúa xuống ruộng là bỏ đấy. Động đến phân bón thì sợ bẩn, trong khi phân trâu bò ngập ngụa xóm làng. Ông Văn Hiến bận tối mắt tối mũi. Họp hành chỉ đạo từng khâu công việc. Hội ý đầu bờ mỗi ngày mỗi tuần. Ruộng đồng bờ tiếp bờ trải ra mênh mông, phải lội tới từng thửa để xem xét, định giá, dự kiến năng suất sản lượng. Thầy sai sót phải lập tức bổ khuyết ngay! Rời bỏ cương vị Tổng tư lệnh tối cao lúc này thì hỏng. Tính ông thế, đã quyết là làm, là đốc thúc kiểm tra ráo riết. Làm việc dưới quyền ông không thể lơ tơ mơ. Qua loa tắc trách là bị ông cách chức, đuổi việc liền. Ông thể về thăm ông Quyết Định và ông Đồng được, cũng là vì quen nếp nghĩ xưa nay, cán bộ mình toàn loại đã lăn lóc với phong trào, mình đồng da sắt, kham khổ đã quen, hai người chắc chỉ ốm đau lặt vặt bình thường, quá lắm thì cũng chỉ một trận sốt rét rung giường chiếu, uống vài viên kí ninh là khỏi thôi; và nếu vậy thì hết đợt chỉ đạo về thăm cũng không sao! Nói cho công bằng, ông Văn Hiến là người năng nổ nhất, có năng lực nhất trong Thường vụ, đặc biệt là ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Gốc gác là anh cố nông. Cày bừa gặt hái nhất nhất việc gì cũng đã trải. Các khâu đoạn làm ra hạt lúa củ khoai đều tận tường. Là người lao động sát sạt với công việc, trời còn phú cho ông lòng ham mê cái mới và tính cả quyết – những đức tính rất cơ bản của người lãnh đạo. Thành ra, bước đường quan lộ của ông xem ra có vẻ rất thuận chiều. Năm 1950, quê hương ông nổi lên phong trào phát động quần chúng giảm tô giảm tức. Ông lập tức trở ngay thành một nhân tố ưu tú. Tiếp đó, lại xuất hiện phong trào vận động cán bộ xã lên miền núi công tác, ông liền xung phong. Của đáng tội, thoạt đầu người ta đánh giá ông quá thấp. Đó là bởi vì thấy ông hình dong xấu xí, thấp bé nhẹ cân nên người ta đã tuyển ông vào cơ quan huyện ủy Pa Kha và giao cho ông công việc giám mã, thuần một việc trông coi mấy con ngựa thôi. Nhưng, sau thì giá trị thật của ông, anh chàng Bật mã ôn nổi dần lên từ công việc ông đảm nhiệm từ phong trào ông tham gia. Nói ông thăng tiến theo các phong trào là có lý!
Nguồn: https://thuviensach.vn