Những năm kháng chiến chống Mỹ đã để lại cho dân tộc Việt Nam nỗi đau khôn xiết, dân chúng cơ cực lầm than, biết bao cảnh chia ly đầy nước mắt, biết bao nỗi đau mất đi người ruột thịt đã diễn ra… Mẫn, một cậu bé mồ côi quê ở Bình Định đã phải tự lăn lộn kiêm sống từng ngày trong hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc, trải qua bao đắng cay tủi nhục, cộng với niềm căm phẫn bè lũ tay sai Mỹ tàn bạo, bất nhân, em đã tham gia cách mạng theo anh Tuấn. Truyện là bài ca về lòng yêu nước của một thế hệ trẻ những năm chống Mỹ, một thông điệp đầy ý nghĩa mà câu chuyện truyền tải đến các bạn nhỏ, các em hãy nhớ rằng: dù trong thời đại nào thì lòng yêu nước vẫn luôn là một thứ vũ khí mạnh, và nó luôn cần được gìn giữ, phát huy. *** Đào Hiếu (sinh năm 1946, tên khai sinh: Đào Chí Hiếu. Các bút danh khác: Biển Hồ, Đào Duy. Hiện ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Đào Hiếu, sinh ngày 10 tháng 2 năm 1946 tại Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Ông sớm gia nhập phong trào sinh viên cách mạng tại Quy Nhơn. Năm 1968 ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1970 ông bị bắt quân dịch và trở thành binh nhì sư đoàn 22 Quân lực Việt Nam Cộng hoà. Sau sáu tháng, ông trốn vào Sài Gòn bắt liên lạc với Tổng hội sinh viên hoc sinh để tiếp tục hoạt động chống Mỹ đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ông tốt nghiệp cử nhân văn chương trước 1975 tại Sài Gòn. Từng làm phóng viên báo Tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ. Hiện Đào Hiếu sống và viết tại TP. Hồ Chí Minh. Truyện dài … Truyện ngắn và tạp văn Thơ *** Mẫn ngồi xếp các giấy bạc, vừa bạc một trăm, vừa bạc năm chục, bạc hai chục vào một gói lớn, hai mươi bảy ngàn. Số tiền nó dành dụm hơn một năm nay. Số tiền vắt ra từ mồ hôi nước mắt. Bao nhiêu ấy nếu xây một ngôi mộ cho mẹ nó cũng không phải là thiếu, nhưng biết làm sao bây giờ? Mẫn chưa thể trở về quê để thực hiện điều mong ước ngay được. Sự căm thù đã choán cả tâm hồn nó. Mẫn sẽ về xây cho mẹ ngôi mộ đẹp sau này, khi mà không còn một thằng giặc Mỹ nào trên đất nước thân yêu. Mẫn ngồi nhìn gói bạc rất lâu rồi quyết định viết một bức thư để lại. Nó cầm bút lên tay, suy nghĩ. Nó có nhiều điều muốn nói, muốn dặn dò gởi gắm lại. Nó muốn viết những lời cám ơn dì Tư, muốn diễn tả tình cảm của mình với Lý. Nó muốn giải thích tại sao nó ra đi nhưng không biết mở đầu thế nào, diễn ý ra sao. Nó bỏ bút xuống bàn, suy nghĩ giây lát rồi cầm bút lên hí hoáy viết: Con nhờ dì trao lại số tiền này cho chị Hợi đề chị ấy trả nợ, lo chôn cất anh Hợi và tìm cách buôn bán lặt vặt chi đó mà nuôi thằng Hà, nếu không nó sẽ trở thành một kẻ trộm cắp vì không có tiền để sống. Con xin cám ơn dì và em Lý Mẫn ký tên nguệch ngoạc rồi xếp thư lại, cột chung trong gói bạc và đem nhét vào vali dì Tư. Xong, nó trở ra chái nhà lấy trái lựu đạn nhét vô túi quần rồi bước ra cửa. Khi ra đến đường cái tự nhiên nó muốn ghé lại đằng chỗ Lý một lát. Nó đứng tần ngần chỗ trạm xe buýt khá lâu. Xế chiều, trời oi bức lạ lùng và cơn mưa giông ở đâu ập tới đột ngột trên mái nhà, trên những trần xe chạy ngang qua phố. Mẫn chạy vô núp dưới mái hiên. Cơn mưa kéo dài, sấm chớp giăng ngang khung trời đục ngầu, gió mạnh tạt qua mặt đường cuốn hơi nước thành từng mảng sương trắng như bông. Đường phố lấp lánh muôn ngàn vết đèn màu. Chiếc xe buýt dài thoòng ghé lại, hành khách đội mưa chạy ra, hấp tấp leo lên xe nhưng Mẫn vẫn đứng im. Có nên gặp Lý một lần trước khi đi không? Nếu biết mình ra đi chắc Lý buồn lắm. Nó sẽ khóc… Mẫn ngửa mặt nhìn vòm trời sáng như bạc. Một chiếc xe buýt nữa lại ghé vào trạm, lần này Mẫn chạy ra và lên xe. Lý ơi! Tạm biệt em, tạm biệt những kỷ niệm êm đềm giữa chúng ta. Chuyến xe đi thật nhanh qua thành phố. Khi cánh cửa căn nhà quen thuộc mở ra, Mẫn chậm rãi bước vào nhà, quần áo ướt sũng, nước chảy ròng ròng xuống sàn gỗ.