Mở Lòng Thì Được Tất Cả

Mở Lòng Thì Được Tất Cả

Tác giả:
Thể Loại: Tâm Lý - Kỹ Năng Sống
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com
PDFĐỌC ONLINE

‘Nội tâm bùng lên của sự tha thứ và vì người sẽ là sức mạnh lớn nhất, làm tan chảy tất cả tật đổ hiềm hận trong bạn trong ta, trong chị trong anh.’ – Trần Huy Minh Phương

Trong cuộc sống, bên cạnh những nhu cầu về vật chất, cơm áo gạo tiền, con người còn có một nhu cầu rất lớn về tinh thần, đặc biệt là những câu hỏi nảy sinh từ các mối quan hệ xã hội. Vì sao chúng ta có cảm giác buồn? Làm thế nào để hết buồn? Vì sao chúng ta đau khổ và làm sao bớt khổ? Vì sao niềm vui thì mau mà nỗi đau thì khó dứt? Làm thế nào để được người khác yêu mình và sao để hết ghét một người?… Tất cả những câu hỏi ấy không chỉ mới đây, không chỉ ở Việt Nam mà nó có ở khắp nơi trên thế giới từ xa xưa. Nhân loại vẫn đã và đang hàng ngày đi tìm lời giải đáp cho những điều ấy bằng nhiều cách thức khác nhau, trong đó có các tôn giáo. Tập tản văn “Mở lòng thì được tất cả của Trần Huy Minh Phương cũng đề cập đến các vấn để ấy. Tuy nhiên, anh không cố ý đi tìm câu trả lời mà chỉ là những giãi bày, những chia sẻ có tính chất chiêm nghiệm của gần 10 năm lăn lộn mưu sinh ở Sài Gòn. Sau một tập thơ và hai tập tản văn, Phương lại tiếp tục cống hiến cho người đọc thêm một tập tản văn nữa. Lần này, biên độ giữa hai lần ra mắt sách được rút ngắn đáng kể.

Dù vẫn trung thành và dấn thân cho lý tưởng hoằng pháp Phật giáo nhưng gần 50 bài tản văn đợt này của Phương lại đậm yếu tố đời thường hơn, hướng nhiều về những gì bình dị gần gũi trong cuộc sống hằng ngày hơn. Nhìn cách bố cục các nhóm bài trong quyển sách cũng thấy rõ điều đó. Ngoại trừ phần 1 (dọn lòng – lời phát đoan cho hành trình giác tỉnh và bừng ngộ) và phần 6 (phát nguyện – thuần túy là những lời tụng nguyện, rải tâm từ của những người con Phật) thì 4 phần còn lại đều tập trung vào những đề tài đời thường: Nghe tiếng thì thầm – những lời dặn và nhắn gửi nhẹ nhàng của người cha, người thân đối với đứa con chuẩn bị đi học; Nghe bạn bên trời – những nỗi buồn, sự trái ngang, éo le của kiếp nhân sinh được nhìn bằng đôi mắt không định kiến; Nghe tiếng cười như hoa – những cảm nhận về quê hương đất nước và gia đình bằng những nét đẹp trong lao động và văn hóa; và Nghe cùng bạn trẻ – những câu chuyện tuổi học trò đầy bỡ ngỡ và khó nói được nhìn nhận giản dị, tinh tế và “hóa giải” hết sức tế nhị.

Có thể bạn thích sách  50 Cách Giải Stress Không Cần Thức Ăn

Gần như đã trở thành một nét riêng, khi đọc hầu hết tản văn của Trần Huy Minh Phương, người ta rất dễ phát hiện ra chất trữ tình trong những câu văn xuôi; khi bàn bạc, khi lai láng, khi tuôn trào trong từng bài viết. “Chừng như hụt hẫng, vạt gió sắp qua thềm rêu. Lòng ta như bụi cứ mịn màng và rắc đầy trong trăng khuya. Trăng đang nhích dần độ tròn đầy viên mãn và cũng sẽ cạn dần, mỏng viền vành cong níu kéo nỗi nhớ lan ra” (Sông quạnh chiều hôm). Cách dùng những hình ảnh rất đơn giản nhưng khéo kết hợp đã tạo nên một khung cảnh vừa thực vừa lãng mạn. Bên cạnh đó, triết lý về những quy luật của cuộc sống, của tâm lý, của tình thương được tác giả sắp đặt khá khéo léo, chỉn chu trong từng đoạn văn, tạo nên những hiệu ứng thú vị: Gió lay hoa hồng nở, bạn hãy nhìn cùng tôi đi. Chúng ta chỉ ngắm nhìn trong hiện tại của sự đẹp tỏa sáng này nhé! Đừng vội phân tích hoa nở to hay nhỏ, thơm hay chưa thơm, hoa này trồng ở đâu, giống, chủng loại,… chao ôi! Bạn lại dắt cái buồn vào trong niềm vui đang hiện có. Kệ nó đi, tính sau…(Nỗi buồn giá bao nhiêu)

Đặc biệt trong tập tản văn này, có lẽ một phần hướng đến đối tượng là độc giả trẻ tuổi nên giọng văn của Phương cũng đôi khi trở nên tưng tửng mà lại rất sâu sắc và đầy trắc ẩn: “Mưa đêm rỉ rả, lát sau mình ngả lưng một chút rồi đến 0 giờ lại thức và giở trang kinh cùng anh bạn đạo tâm sự cùng Như Lai. Lời kinh mải miết, người nhà quỳ mỗi đầu gối, đầu gục lên gục xuống, nghe gõ chuông một tiếng boong thì họ giật mình sụp lạy một cái. Chập chờn qua thời kinh khuya, đóa sen chấp chới, cọng nhang tong teo xì xèo quyện đêm vào lòng xa thẳm…”(Vẫy buồn qua mắt nhau). Ở một bài khác, tác giả bỗng chuyển tông, trở nên hiện đại và đậm chất “teen”: Bạn thấy không, vẫn còn nhiều lắm con mắt thương bên cạnh, khi bạn vấp buồn. Đừng sợ hãi, chớ quay lưng, chẳng nói sầu hẻm cụt nghen, bước tiếp đi, bạn mình ơi! (À, tôi “ơi” nữa mới đủ cung bậc!). Hay là: “phàm, ở đời thì cũng tí danh, chút lợi, cùi chỏ họ cọ sườn làm mình đau”. Đọc tập này, tôi có cảm giác một Trần Huy Minh Phương luôn đổi mới và sáng tạo trong cách viết.

Có thể bạn thích sách  Hôn Nhân Và Gia Đình – Cuộc Sống Và Biến Động

Có thể nói, quyển tản văn này không chỉ hướng đến đối tượng là những người thích văn chương nói chung mà còn muốn người đọc là học sinh, các bậc làm cha mẹ, giáo viên, hay cả Phật tử tại gia. Bởi lẽ nhiều vấn đề của cuộc sống được tác giả xốc lên, xới lại bằng nhãn quan có nét riêng. Dù đã đọc nhiều lần câu ca dao “ Muốn sang thì bắt cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” nhưng khi đọc bài Mình đã qua những chiếc cầu của Phương, tôi thật sự cảm thấy bất ngờ vì cách nhìn nhận các vấn đề trong giáo dục. Có những bài văn tự sự về chính cuộc đời mình, tác giả làm người đọc thật sự xúc động. Những người quen biết Trần Huy Minh Phương đôi khi cũng không thể hiểu hết những trái ngang mà chính anh đã trải qua trong bài Tình yêu cha mẹ nở hoa từ con. Tôi tin rằng, thứ tình yêu mà anh đang xây dựng chính là một trong những động lực quan trọng để anh vượt qua nhiều khó khăn khác trong cuộc sống: “Giờ bên chiếc võng ru con tại gác trọ Sài Gòn, chúng tôi cùng hát ru con. Cha ru con bằng lời của đất, mẹ ru con bằng lời của gió. Con sẽ mơ đến những nơi đẹp nhất. Và con ơi! Tình yêu mẹ cha đã nở hoa từ con… con hãy đi và bay xa, mạnh mẽ, xán lạn con yêu nhé!

Yêu không hối tiếc!

Yêu không hối tiếc!”

Sức viết của Trần Huy Minh Phương thật sự mạnh mẽ và bền bỉ. Một phần vì cuộc sống nhưng phần lớn vì máu văn chương đã hun đúc cho anh một sức càn quét tới nhiều cuộc thi (dĩ nhiên cũng đạt nhiều giải). Trong tập tản văn này, chúng ta gặp lại một số tác phẩm anh đã được bạn đọc đón nhận từ trước qua các cuộc thi ấy. Tuy vậy, đặt trong tổng thể tập sách nó vẫn ăn nhịp với nhau.

Có thể bạn thích sách  Tạo Lập Dấu Ấn Của Bạn - Jocelyn K.Glei

Nhiều người có quan niệm văn chương phải chắc lọc, nhưng lọc quá thì thành ra cạn kiệt, không viết ra được và… không có tác phẩm. Tôi vẫn thích cách suy nghĩ của Phương “Trong ngàn vạn câu chữ kia, bài này bài nọ thì biết đâu lại có câu hay, ý sáng, ngọc giữa đống xà bần cũng ngon ở (Như trời và đất cùng bốn mùa yêu thương). Có thể một số bạn đọc khó tính sẽ cho rằng nhiều bài trong tập tản văn này có vẻ hơi “cố” và hơi “tham” vì nó có vẻ giống giống về ý tưởng ở nhiều tác phẩm. Điều đó cũng hợp lý với lối cảm nhận mang màu sắc cầu toàn. Tuy nhiên, với sự tán thành cách nghĩ của tác giả vừa nêu trên, tôi nghĩ chúng ta sẽ đọc tản văn này với tinh thần đi tìm sự đồng điệu, cái nào chưa trùng nhịp ta cứ lặng lẽ bỏ qua. Có thể một ngày nào đó, ta sẽ tìm lại.

Sau một tập tản văn đậm chất giáo lí của đạo Phật, người đọc sẽ cảm thấy nhẹ nhàng với tập tản văn này. Như tựa đề của tập sách đã viết, “mở lòng thì được tất cả”, vũ trụ tâm hồn con người sẽ mãi mãi u ám và lạnh lẽo khi chúng ta dựng tường đồng lũy sắt với người xung quanh, với gia đình và người thân. Khi chúng ta mở lòng, mọi việc sẽ đơn giản hơn nhiều. Quyển sách này sẽ là bước đầu tiên dẫn dắt chúng ta cách mở lòng với thiên nhiên và con người.

Sóc Trăng, ngày 10/9/2018
Tiến sĩ Huỳnh Vũ Lam
(Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng)