Tôi đã đọc hầu hết các tác phẩm của nhà văn Trần Hoài Dương – một nhà văn tự nguyện suốt đời chỉ viết cho thiếu nhi những dòng văn trong trẻo nhất từ hình thức cho đến nội dung, dẫu đó là chuyện vui nổ trời hoặc buồn thối đất.
Một nhà văn như vậy, theo tôi đánh giá, ở nước ta, và ngay cả trên cõi sống này, thực sự là không có nhiều.
Lần này, tôi lại đọc được cuốn hồi ký tự truyện của anh (do NXB Kim Đồng in năm 2000). Đối với tôi, đây là những trang tuyệt bút của Trần Hoài Dương. Tôi đã phải nhiều lần khóc nấc lên một mình trong phòng văn vắng lặng của mình suốt buổi đọc quyển sách không lấy gì để làm dày dặn về số trang này của anh. Mặc dù không có gì hoàn toàn là “vĩ đại”, là siêu phàm ở trên đây hết thảy. Ngược lại, hết thảy ở đây điều bình dị đến cùng cực, bình dị như khí trời ta thở, bình dị như nước nguồn ta uống, như con cơm tẻ ta ăn hàng ngày. Nhưng là sự bình dị của những trang văn được thể hiện dưới ngòi bút tài năng của một tâm hồn và nhân cách đôn hậu tiên thiên. “Miền xanh thẳm” kể lại một cách trung thực, giải dị những năm tháng tuổi nhỏ của nhà văn, đặc biệt là quãng đời học sinh cấp 2, khi đất nước vừa mới giành được hòa bình sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Do hoàn cảnh hết sức quẫn bách của gia đình, cậu bé Thiện (mà sau này là nhà văn Trần Hoài Dương) ngay từ những ngày mới mười hai, mười ba tuổi đã phải xa nhà, sống một cuộc sống tự lập để có thể tiếp tục theo học tại một ngôi trường ở thị xã Bắc Giang. Tại đây, cậu bé Thiện mặc dù ngày ngày phải vừa làm vừa học hết sức cơ cực về thể xác, nhưng bù lại, cậu đã thực sự có được một môi trường tình bạn, tình thầy trò vô cùng trong sáng, thiêng liêng và cao quý. Cái nhóm học trò nghèo. Nhu, hoàng, bảo, Thiện tuy chênh lệch lứa tuổi chút ít, mỗi người học một lớp khác nhau (ngoại trừ Bảo và Thiện cùng lớp) nhưng họ thực sự thương yêu, đùm bọc, chăm chút lẫn nhau như một gia đình ấm êm và thuận hòa. Học đã cùng nhau chung sức làm đủ nghề để kiếm sống, để có tiền theo học tới cùng; kể từ việc phụ bếp, phụ hồ đến vận chuyển gạch ngói, tre nứa, xi măng cho tư nhân hoặc cho các công trường xây dựng, ngày đất nước mới hòa bình…
Qua những trang viết dung dị và đằm thắm ấy của mình, Trần Hoài Dương đã dựng lại được cả một thời sống động và lạc quan của cả một vùng, của toàn đất nước hăm hở và hăn say vì Tổ quốc, hăm hở và hăng say nuôi dưỡng hoài bão và ước mơ to lớn, đầy tính lãng mạng nhưng cùng tràn trề tính hiện thực sáng tươi.
Trước đây, đọc văn của Trần Hoài Dương, thông qua những tác phẩm viết cho thiếu nhi, bao gồm những truyện ngắn dăm bảy trang viết vế thiên nhiên, cây cỏ, hoa lá… tôi cứ ngỡ là anh chỉ có thể viết được một tạng văn hư hư thực thực đầy ắp chất thơ, kiểu như Anđécxen, như Pautốpxiki ấy. Bây giờ đọc tự truyện “Miền xanh thẳm” của anh, tôi ngỡ ngàng và sửng sốt trước những trang miêu tả hiện thực đời sống lầm lụi của anh hết sức sinh động. Chúng tôi đi thẳng vào trái tim người đọc, khiến người ta phải bật cười sảng khoái hoặc òa khóc đắng cay, tùy theo văn cảnh. Có thể nói, “Miền xanh thẳm” của nhà văn Trần Hoài Dương là đại diện, là tiêu biểu cho tuổi niên thiếu của cả một thế hệ có nhiều mơ ước và hoài bão đẹp đẽ, lớn lao nhưng chẳng may gặp sự nghèo túng của gia đình và bản thân, cho nên con đường học hành để có thể đến tới chân trời mơ ước là một con đườn đầy gian truân, khổ ải. Trong thực tế, đấy chính là cả một lớp người, một thế hệ sau này sẽ là nóng cốt, là rường cột, là lực lượng thể xác và lực lượng tâm hồn trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước trên một mặt trận, mọi lĩnh vực. Xin ngàn vạn lần cảm ơn nhà văn Trần Hoài Dương đã đại diện, đã thay mặt cho vô vàn những cuộc đời, những số phận chẳng lấy gì làm ngọt ngào như chính thời niên thiếu và tuổi ấu thơ của nhà văn!.
Tuy nhiên, điều đặc biệt vô cùng ở tâm hồn và nhân cách tiên thiên trần Hoài Dương là, dù cho hoàn cảnh cay cực đến đâu, thì từ trong thăm thẳm đáy lòng anh – ngay từ thiếu thời – lòng nhân ái, tính vị tha, đức hy sinh vì người khác, lòng nhẫn nại vô bờ bến… vẫn cứ ngời ngời, vẫn cứ xanh thẳm trong từng tế bào, trong từng ý nghĩ thầm kín và lặng lẽ nhất trong con người anh. Chính nhờ cái tố chất đẹp đẽ tiên thiên ấy mà anh đã có được những năm tháng thiếu thời sống trong tình anh em, bè bạn cùng cảnh ngộ – mặc dù đầy lam lũ – nhưng vô cùng ấm áp tình người. Một con người, một tính cách, một nhân cách cao cả và cao thượng như anh Nhu, sẽ là một nhân vật chẳng những sẽ theo suốt cuộc đời chìm nổi của nhà văn Trần Hoài Dương, mà chắc chắn nó sẽ đồng hành với vô số cuộc đời, sau khi chính họ đã đọc “Miền xanh thẳm” của nhà văn. Có rất nhiều, rất nhiều trang trong “Miền xanh thẳm” có thể liệt vào hàng những trang văn toàn bích của văn học Việt Nam, khiến cho người đọc, dù trơ lì, dù vô tấm đến đâu cũng không thể dửng dưng được. Trái lại, dù một tâm hồn có đơn giản đến mất đi chăng nữa cũng phải cồn lên lo lắng, hồi hộp và sợ hãi trước cảnh Thiện, Bảo cùng anh Nhu (đặc biệt là anh Nhu) khi họ kéo chiếc xe bò chất đầy tranh gồi xuống con dốc từ bến sông Thương thơ mộng về cho nhà thuê mướn họ. Có thể nói, dù rất mềm mại và uyển chuyển, “Miền xanh thẳm” của nhà văn Trần Hoài Dương là một tác phẩm đã được viết bởi nhiều trang thực sự tứa máu trong tâm hồn!.
Chúng ta hãy cũng nhau thử đọc vài dòng này, coi thử điều nhận xét của tôi có đúng không: “Chiếc xe vẫn đang chồm chồm lao xuống dốc. Là gồi văng ra tứ tung. Anh Nhu vẫn cố bám càng, ghì chặt chúng xuống, cố hết sức để ghìm bớt tốc độ ghê gớm của xe. Người anh lúc như rà ma sát đất, lúc bị nâng bổng lên không, hai chân khua khoắng chới với. Những người bốc vác gần ấy và khách qua đường kêu la ầm ĩ. Ai cũng nghĩ anh Nhu cầm chết cái chắc trăm phần trăm. Cả tôi và thằng Bảo vừa chạy vừa khóc nức nở…” (trang 60). Hoặc trang 189, đoạn tả cảnh mấy anh em Thiện (Tức Trần Hoài Dương lúc nhỏ), Nhưng, Hoàng, Bảo khuân cốp pha và các vật liệu lên giàn giáo tại công trường nhà máy xay: “Trân vai tôi, tấm ván càng lúc càng nặng, cạnh ván siết vào cổ, vào xương quai buốt rát. Tôi vẫn cố ề ạch đi lên. Có một lúc tôi bất chợt nhìn xuống phía dưới, thấy lạnh người vì choáng ngợp. Xa hun hút. Loáng thoáng bóng người đi lại nhỏ xíu như một thế giới nào… chợt tấm ván trên vai tôi va vào chiếc cọc tre. Chỉ va nhẹ thôi, nhưng tấm ván dài cứ đung đưa mỗi lúc một mạnh, giống như quả lắc đồng hồ, chỉ cần một cú hích nhẹ, theo quán tính quả lắc cứ văng xa ra mãi. Người tôi chao đảo, chỉ một chút xíu nữa là tôi lộn cổ lao xuống. May mắn sao, tay trái tôi túm được một dóng tre thẳng đứng và có ai đó ôm lấy chặt tôi, nhấc tấm ván khỏi bên vai đã tê dại của tôi…” Không thể kể hết, những trang văn đầy nước mắt tuổi nhỏ trong “Miền xanh thẳm” của Trần Hoài Dương. Nhưng, trái lại, cũng không thể kể hết được những trang văn hết sức đẹp đẽ, sâu lắng viết về tình bạn, tình người giữa thầy trò, giữa anh chị em trong cộng đồng gia đình cũng như trong cộng đồng xã hội. Đặc biệt, những trang sở trường của nhà văn về cảnh thiên nhiên Hà Nội, thiên nhiên Yên Thế những năm xa lắc xa lơ của một đời người … là những trang đẹp tuyệt vời, đầy ắp chất thơ.
Đọc “Miền xanh thẳm” của nhà văn Trần Hoài Dương, tự nhiên tâm hồn và mọi cung bậc tình cảm trong ta như được thanh lọc, như được gạn chắt, để giữ lại những gì là cao quý nhất, thiêng liêng và trong trẻo nhất.
Thử hỏi, với thiên chức của mình, văn học có thể làm được gì hơn như phần nào cuốn tự truyện “Miền xanh thẳm” của nhà văn Trần Hoài Dương đã làm được? – và, chả lẽ đó không phải là niềm hạnh phúc lớn lao nhất, giải thưởng tuyệt đỉnh nhất đối với một nhà văn?.
Thưa nhà văn Trần Hoài Dương, dù tuổi thơ anh và cả cuộc đời anh có lầm lụi đến đâu, thì nó vẫn là “Miền xanh thẳm” mãi mãi trong tâm hồn anh, trong tâm hồn mỗi con người biết sống xứng đáng với một số phận người.
Hoàng Cát
Miền xanh thẳm nhận giải sách hay
(SGGP) Sáng 11-9, giải thưởng Sách hay lần thứ 4 đã chính thức công bố kết quả. Đây là giải thưởng do Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) tổ chức với mục tiêu góp phần nâng cao dân trí và khai minh xã hội thông qua các hoạt động đa dạng liên quan đến sách hay.
Giải năm nay vẫn gồm 7 hạng mục, mỗi mục chia làm 2 phần là sách trong nước và sách dịch. Ở hạng mục sách nghiên cứu, giải được trao cho tác phẩm Văn hóa tộc người Việt Nam của nhà nghiên cứu Nguyễn Từ Chi và tác phẩm dịch Bốn tiểu luận về tự do của dịch giả Nguyễn Văn Trọng. Ở mảng sách giáo dục, đoạt giải gồm các tác phẩm: Lý luận giáo dục châu Âu: Từ Érasme tới Rousseau thế kỷ XVI, XVII, XVIII của tác giả Nguyễn Mạnh Tường và cuốn Nghĩa vụ học thuật của các dịch giả Hoàng Kháng, Tô Diệu Lan, Cao Lê Thanh Hải. Mảng sách kinh tế có Báo cáo kinh tế vĩ mô: Cải cách thể chế, chìa khóa cho tái cơ cấu (Nhóm Tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô của Quốc hội) và Quốc gia khởi nghiệp (dịch giả Trí Vương). Giải sách Thiếu nhi trao cho tác phẩm Miền xanh thẳm (Trần Hoài Dương) và Bộ sách Nhóc Nicolas (Trác Phong – Hương Lan). Giải Văn học trao cho Người đi vắng (Nguyễn Bình Phương) và Bắt trẻ đồng xanh (Phùng Khánh). Giải phát hiện mới năm nay trao cho hai tác phẩm của hai nhà nghiên cứu Việt Nam là Chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa (Nguyễn Đình Đầu) và Ngàn năm áo mũ (Trần Quang Đức). Riêng giải sách Quản trị không có tác phẩm trong nước, phần sách dịch trao cho dịch giả Vũ Tiến Phúc với cuốn 7 thói quen để thành đạt.
TƯỜNG VY