Martin Eden

Martin Eden

Tác giả:
Thể Loại: Tiểu Thuyết Phương Tây
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Martin Eden đề cập đến số phận của một văn nghệ sĩ trong xã hội tư sản, số phận của một con người nhằm rút khỏi cái thế giới chật hẹp của những lợi ích riêng tư. Martin xuất thân là một thủy thủ, Martin đã lý tưởng hóa cái “xã hội thượng lưu”, nơi anh cảm thấy dường như có “sự hào hiệp của tâm hồn, những tư tưởng trong sạch và cao thượng, cuộc sống tinh thần khẩn trương…” Trải qua bao nhiêu thiếu thốn, vấp phải những khó khăn gian khổ không kể xiết trên đường đời, cuối cùng, anh đã đạt được vinh quang và giàu có, trở thanh một nha văn nổi tiếng. Nhưng càng gần gũi “thế giới thượng lưu” bao nhiêu anh càng cảm thấy cô đơn bấy nhiêu. Martin càng nhận thấy bộ mặt giả dối của nó. Con đường đời của Martin là cả một chuỗi vỡ mộng cay đắng và cuối cùng đã đẩy anh tới chỗ tự tử. Ngay từ khi còn là một thủy thủ bình thường, Martin đã thấy là kiến thức chân chính dường như chỉ có thể tìm thấy trong “xã hội thượng lưu”. Cái vẻ học thức và tinh tế trong gia đình người chủ nhà băng Morse mà lần đầu tiên anh bước chân vào đã làm anh như mê đi. Nhưng anh càng say mê hơn đối với Ruth cô con gái nhà Morse – anh tưởng thấy tất cả sự trong trắng và cái đẹp tinh thần của cô. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau, anh đã nhận thấy cái vẻ đẹp bên ngoài của những con người này chứa đựng cái ích kỷ, sự buôn bán bẩn thỉu và sự trống rỗng tinh thần. Trước đây, trong thời gian ngắn, anh đã nhìn vào cái xã hội bạn bè nhà Morse một cách thành kính, giờ đây anh thấy họ là những kẻ nhỏ nhen với những tư tưởng nhỏ nhen, té ra cái nền học vấn thực sự của nhà Morse, của bạn hữu và những người quen biết họ chỉ là một nền học vấn mù quáng. Martin Eden là một nghệ sĩ hiện thực chân chính đã nhìn thấy giá trị của nghệ thuật trước tiên là ở tính chân thật của nó. Trong những truyện ngắn của mình, Martin đã vạch trần khuynh hướng sợ sự thực và tô hồng cuộc sống. Nhưng nghệ thuật hiện thực chân chính thù địch với cái xã hội anh đang sống. Trong cái thế giới của đồng tiền, Martin không thể tìm được sự đồng cảm và ủng hộ. Một viễn cảnh đen tối của cái đói rét vẫn chờ đợi con người nghệ sĩ như thế. Và càng xa lánh giai cấp mình, Martin càng cảm thấy một nỗi cô đơn ghê gớm. Anh đã thấy là trong cái xã hội anh đang sống, nghệ thuật không tùy thuộc ở giá trị chân chính của nó mà là ở tên tuổi của nhà văn. Martin đã nói một cách đúng đắn rằng thành công của anh một phần cũng là do tình cờ. Anh không đánh giá quá cao sự nổi tiếng của mình. Sợi dây cuối cùng nối Martin với xã hội thượng lưu là tình yêu của anh với Ruth. Tình cảm cao quý này đã thúc đẩy anh, khiến anh có được sức mạnh sáng tạo. Nhưng sự vỡ mộng của anh càng thêm khủng khiếp khi anh hiểu rằng ngay cả Ruth cũng chỉ là một cô gái nhà giàu tầm thường với những quan điểm hẹp hòi và nhỏ nhen. Cô không thể vượt khỏi cái vòng đai của giai cấp, cô không hiểu nổi Martin, không cảm thông với nguyện vọng sáng tác của anh, xa lánh anh trong khi anh cần sự khuyến khích của cô hơn bao giờ hết. Cô quay lại làm lành với anh khi anh đã trở thành một nhà văn nổi tiếng. Nhưng Martin lại không thể làm lành với cô, cũng như anh không thể làm lành với xã hội thương lưu đã đánh lừa mọi hy vọng của anh. Anh đã hiểu sâu sắc một chân lý: những quan hệ chân chính chỉ có thể tìm thấy trong những người lao động như Lizzie Collonny, Maria Silva và rất nhiều bạn cũ cùng giai cấp anh. Họ không quan tâm tới vinh quang và sự giàu có, họ đánh giá anh trước hết là đánh giá con người anh. Martin hiểu rất rõ sự chịu đựng đau khổ của người lao động và hết sức cảm thông với họ. Chính anh cũng đã sống trong tình cảnh đó và không thể không cảm thấy sự lung lay của lập trường Nietzsche của anh. Cuối cùng, Martin đã vỡ mộng với triết học Nietzsche, nhưng anh không tìm thấy con đường đến với người cùng giai cấp, Martin thấy mình là một người xa lạ trong cái thế giới thượng lưu đầy những giả dối và lọc lừa nhưng anh lại không thể quay về với những người trong giai cấp anh. Cuộc đời của một nhà văn có tài kết thúc bi thảm: chết trong vòng vây của xã hội, và vẫn còn hoang mang trong sự tìm kiếm về triết học và lẽ sống của mình. Tiểu thuyết Martin Eden kết thúc bằng cái chết của nhân vật chính.*** Đề mục câu chuyện gã vừa nêu ra, nàng liền bắt ngay, nói thao thao, dễ dàng. Gã thấy dễ chịu hơn, khe khẽ ngồi lùi vào trong mép ghế, hai tay nắm chắc lấy thành ghế, như bộ nó có thể tuột đi hất gã xuống sàn. Gã đã làm được cho nàng nói theo lối nói của nàng, và trong khi nàng nói thao thao, gã cố gắng theo dõi, kinh ngạc sao cái đầu nhỏ xinh thế kia lại chứa đựng được biết bao vẻ đẹp thanh tao của khuôn mặt nàng. Gã đã theo dõi nàng mặc dù bị lúng túng vì những ngôn từ không quen thuộc vẫn nhẹ nhàng thoát ra từ đôi môi nàng, vì những lời phê bình và phương pháp tư tưởng xa lạ đối với gã nhưng nó vẫn kích thích và làm trí óc gã rung động. Đây là đời sống tinh thần, gã nghĩ, đây là cái đẹp ấm áp, kỳ diệu, gã chưa bao giờ mơ tới cuộc đời có thể như vậy. Gã quên cả mình, nhìn nàng bằng con mắt khao khát. Đây là một cái gì vì nó mà sống, mà chiến thắng, mà đấu tranh, phải, vì nó mà chết nữa. Sách nói đúng. Trên đời này có những người đàn bà như thế. Nàng là một. Nàng chắp thêm cánh cho trí tưởng tượng của gã, những bức họa rộng lớn, sáng ngời trải ra trước mặt gã, trên đó hiện lên những nhân vật mờ ảo, to lớn của yêu thương, của lãng mạn và của những hành động anh hùng vì một người đàn bà – vì một người đàn bà thanh thanh, một đóa kim hoa. Và qua ảo ảnh rung rinh, bập bồng như một mộng cảnh thần tiên, gã chăm chú nhìn người đàn bà thực kia, ngồi đó bàn luận về văn chương, nghệ thuật. Gã cũng có nghe thấy, nhưng mắt vẫn nhìn chằm chằm, không biết rằng mình nhìn chăm chú quá, không biết rằng tất cả những cái gì thực là đàn ông trong bản chất của gã đang ánh lên trong mắt gã. Nhưng nàng, vốn là một phụ nữ ít biết tới cái thế giới đàn ông, đã nhận thấy rất tinh đôi mắt bốc lửa của gã. Chưa bao giờ có người đàn ông nào nhìn nàng như thế và nó làm nàng lúng túng. Nàng vấp váp rồi lắng yên không nói. Dòng tư tưởng trôi đi mất. Gã đã làm nàng sợ, nhưng đồng thời nàng cũng cảm thấy thích thú một cách lạ kỳ khi được ngắm nhìn như vậy. Là một con người có giáo dục, nàng biết rằng đây là một điều nguy hiểm, một điều sai trái tế nhị, bí hiểm, quyến rũ, trong khi bản năng của nàng lại rung vang trong cơ thể như tiếng kèn thúc giục nàng gạt bỏ đi cả giai tầng, cả địa vị để gần gũi người lữ khách từ một thế giới khác tới đây, người thanh niên vụng về này với đôi bàn tay đầy sẹo, cổ đỏ hằn vì chiếc cổ áo cứng mặc chưa quen, người thanh niên mà, không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc sống thô tục đã làm cho nhơ nhớp, hôi tanh. Nàng là con người trong trắng và bản chất trong trắng nàng phản ứng lại, nhưng nàng cũng còn là đàn bà, và nàng bắt đầu thấy tất cả sự mâu thuẫn của một người đàn bà. “Như tôi đã nói… mà tôi đang nói gì ấy nhỉ?” Nàng đột ngột dừng lại và cười vui vẻ vì sự lúng túng của mình. “Cô nói là cái gã Swinburne không trở nên một nhà thơ lớn được và, thưa cô, cô vừa nói đến đấy… ” Gã nhắc, rồi chợt thấy như đói cồn; và một niềm rung cảm nhẹ nhàng dâng tỏa nơi xương sống gã khi nghe tiếng nàng cười. “Như bạc,” gã nghĩ bụng, “như tiếng chuông bạc rung nhẹ” và ngay lúc ấy, trong giây lát, gã như được mang đi tới một miền xa, nơi đấy, dưới những bông anh đào nở rộ, gã ngồi hút thuốc, lắng nghe tiếng chuông từ một tháp chùa cao gọi tín đồ đi hái rơm về cầu nguyện. “Đúng thế, cảm ơn ông,” nàng nói. “Xét cho cùng, Swinburne thất bại là bởi vì, phải, vì ông ta thiếu tế nhị. Có nhiều bài thơ của ông ấy không bao giờ nên đọc. Mỗi dòng thơ của những nhà thơ thực sự vĩ đại phải mang một chân lý đẹp, phải kêu gọi tất cả những gì là tao nhã trong con người. Không một dòng thơ nào của những nhà thơ lớn có thể bỏ qua, mà không vì thế cuộc đời này nghèo nàn đi một chút.” “Tôi nghĩ,” gã ngập ngừng nói, “những cái tôi vừa đọc thật là tuyệt. Tôi không hề biết ông ấy lại là một – một tên đểu cáng – Tôi nghĩ những cái đó chắc là ở trong những cuốn khác của ông ta.” “Ngay trong cuốn ông vừa đọc, có nhiều câu có thể bỏ đi được,” nàng nói, giọng kiên quyết khẳng định. “Hẳn là tôi đã bỏ qua những câu ấy. Những đoạn tôi đọc thực là hay. Nó bừng lên, rạng ngời, rọi vào tâm hồn tôi và tỏa sáng trong tôi như ánh mặt trời hay ánh đèn pha. Nó nhập vào tôi như vậy đấy, nhưng thưa cô, tôi đâu có phải là nhà phê bình thơ.” Gã ngừng lời. Gã bối rối, đau khổ thấy mình không nói nên lời. Gã cảm thấy cái vĩ đại, ánh hào quang của cuộc sống trong những vần thơ gã đọc, những lời gã nói ra không thỏa đáng. Gã không thể nào diễn tả được những điều gã cảm thấy; trong thâm tâm, gã tự ví mình như một thủy thủ trên con tàu lạ, một đêm tối trời, mò mẫm trong mớ dây buồm trơn tuột không quen thuộc. Được, gã quả quyết, làm quen với cái thế giới mới này là tùy gã thôi. Xưa nay chưa có điều gì gã đã muốn mà lại không đạt được; bây giờ là lúc gã muốn học nói những điều ở trong đầu óc gã sao cho nàng có thể hiểu được. Nàng đã choán ngợp trên chân trời của gã. “Bây giờ đến Longfellow 7,” nàng nói. “Vâng, tôi đã đọc ông ta,” gã hấp tấp ngắt lời nàng, trong lòng như có gì thôi thúc, muốn phô bày tất cả kho tàng tri thức sách vở nhỏ bé của mình, muốn tỏ cho nàng rõ, gã không phải hoàn toàn là một thằng đần ngốc. “”Bài ca cuộc sống”, “Vươn lên mãi” và… tôi nghĩ tất cả có thế!” Nàng gật đầu và mỉm cười. Gã cảm thấy nụ cười của nàng có vẻ rộng lượng, thương hại mà tha thứ. Gã định khoe khoang theo kiểu đó thì thật là một thằng ngốc. Cái anh chàng Longfellow này chắc hẳn phải sáng tác cơ man nào là tác phẩm thơ. “Xin cô tha thứ, tôi đã nói liều như vậy. Tôi nghĩ thực ra thì tôi chẳng biết gì nhiều về những chuyện đó. Nó không phải là loại chuyện của tôi, nhưng rồi đây tôi sẽ làm cho nó là loại chuyện của tôi.” Câu nói vang lên như một lời đe dọa. Giọng gã quả quyết, mắt gã lóe sáng lên, đường nét trên mặt đanh lại. Nàng thấy hình như quai hàm của gã đã đổi khác, nó bạnh ra, vẻ khiêu khích một cách khó chịu. Đồng thời một làn sóng mãnh liệt mang tất cả sức cường mạnh của giới đàn ông dường như trào ra từ con người gã, đổ ào tới xâm chiếm cơ thể nàng. “Tôi nghĩ rằng ông có thể sẽ làm nó thuộc loại chuyện của ông được lắm chứ. Ông có sức mạnh rất tốt.” Nàng chấm dứt câu nói bằng một tiếng cười. Ánh mắt nàng ngừng lại trong giây lát trên cái cổ nổi bắp thịt cuồn cuộn như dây chão, như cổ bò tót, nâu sẫm vì ánh mặt trời, tràn trề sức sống và sức mạnh thô bạo – và mặc dầu, gã ngồi kia, vẻ thẹn thùng, nhún nhường, nàng vẫn cảm thấy bị gã lôi cuốn. Nàng ngạc nhiên vì một ý nghĩ không lành mạnh đã xô đến trong đầu. Nàng thầm nghĩ, giá mà đôi tay nàng có thể đặt lên trên cái cổ kia, để cho tất cả sức mạnh và sự cường tráng của nó trào ra, thấm vào nàng. Nàng cảm thấy ngây ngất vì ý nghĩ đó. Nó dường như đã hé lộ cho nàng rõ sự đe dọa không ngờ tới trong bản chất của nàng. Hơn nữa, đối với nàng, sức mạnh vốn là một cái gì trần tục và thô bạo. Vẻ đẹp đàn ông lý tưởng của nàng bao giờ cũng là vẻ thanh tao duyên dáng. Tuy nhiên, ý nghĩ kia vẫn cứ đeo đuổi. Nàng ngạc nhiên hết sức sao mình lại muốn đặt bàn tay lên cái cổ rám nắng kia. Thực ra, nàng đâu phải là một người khỏe mạnh. Nhưng nàng đã không biết điều đó. Nàng chỉ biết từ trước đến giờ, chưa một người đàn ông nào làm nàng rung động như anh chàng này – cái anh chàng đã làm cho nàng lúc lúc lại phải choáng váng với kiểu ngữ pháp khủng khiếp của y. “Đúng, tôi không phải là một người tàn tật,” gã nói. “Những lúc túng quẫn thì ăn sắt cũng tiêu. Nhưng lúc này tôi cứ như bị chứng khó tiêu. Hầu hết những điều cô nói tôi không thể tiêu hóa nổi. Tôi chưa hề được đào luyện theo lối đó, hẳn cô cũng biết. Tôi vẫn thích sách, thích thơ, có thì giờ là đọc nhưng chẳng bao giờ nghĩ về những cái đó theo lối nghĩ của cô. Vì thế, tôi không thể nói những chuyện đó được. Tôi giống như một nhà hàng hải trên một vùng biển lạ, không hải đồ, không địa bàn. Bây giờ tôi muốn xác định phương hướng và vị trí của mình. Có thể là cô cho tôi vài lời khuyên nhủ. Cô làm thế nào mà học được tất cả những điều cô vừa nói nhỉ?” “Tôi nghĩ là bằng cách đến trường và học tập thôi,” nàng trả lời. “Hồi còn bé tôi cũng đã đi học,” gã cãi lại. “Vâng, nhưng tôi muốn nói đến trường trung học, và nghe những bài giảng ở trường đại học kia.” “Cô đã học ở trường đại học?” Gã hỏi, vẻ ngạc nhiên rất thành thực. Gã cảm thấy nàng bỗng trở nên xa cách hơn nữa, ít nhất có đến hàng vạn dặm. “Hiện tôi đương theo học ở đó. Tôi theo những khóa học đặc biệt về tiếng Anh.” Gã không hiểu “khoa tiếng Anh” là gì, nhưng gã nhẩm thầm nhớ lấy tên cái môn mà mình dốt và nói qua chuyện khác. “Thế liệu tôi phải học mất bao lâu thì mới vào được đại học?” Gã hỏi. Nàng mừng rỡ khuyến khích lòng ham học của gã và nói: “Đấy là còn tùy xem ông đã học được đến đâu. Ông chưa qua trường trung học phải không? Chắc hẳn là không rồi. Nhưng ông học hết tiểu học rồi chứ?” “Còn hai năm nữa mới hết khi tôi thôi học,” gã trả lời. “Nhưng khi còn học bao giờ tôi cũng được xếp hạng cao.” Liền ngay đó, gã tự giận mình vì đã khoe khoang, gã nắm chặt lấy tay ghế, điên cuồng đến nỗi đầu ngón tay đau nhói. Đúng lúc ấy gã nhận thấy một người đàn bà bước vào phòng. Gã thấy nàng đứng dậy và nhẹ lướt qua sàn đón người mới tới. Họ hôn nhau, tay quàng lừng nhau tiến về phía gã. Gã nghĩ, chắc đây là mẹ nàng. Bà ta người cao, thân hình thon thả, mái tóc nâu, vẻ đẹp đường bệ. Chiếc áo dài của bà đúng là, gã nghĩ, chỉ có được trong một tòa nhà như thế này. Gã thích thú ngắm nhìn những nếp đẹp của chiếc áo. Bà và chiếc áo của bà nhắc gã nhớ tới những người đàn bà trên sân khấu. Rồi gã nhớ lại đã từng trông thấy những người đàn bà quý phái với những chiếc áo dài tương tự bước vào các rạp hát ở London, gã đứng ngắm và bị những tên cảnh sát đẩy ra ngoài hàng hiên, dưới làn mưa bụi. Rồi trí óc gã lại gợi tới Đại khách sạn ở Iokohama, nơi đây, từ bên kia hè đường, gã cũng đã nhìn thấy các bà quý phái. Rồi thành phố và bến cảng Iokohama, trong muôn vàn hình ảnh hiện lên loang loáng trước mắt gã. Nhưng gã vội xóa đi cái ống kính vạn hoa thu hình của ký ức ấy bởi gã đang bị thôi thúc vì sự khẩn thiết của hiện tại. Gã biết mình phải đứng dậy để được giới thiệu, gã chật vật đứng lên, ống quần phình ra nơi đầu gối, cánh tay buông thõng lố bịch, mặt căng thẳng, đứng chờ sự thử thách sắp tới.