Được xây dựng trên một cốt truyện giả tưởng với chủ đề chống cái không tưởng, “Mãi đừng xa tôi” trước hết gây xúc động sâu xa với mỗi người đọc bởi thân phận của các nhân vật trong tác phẩm: những bản sao vô tính được tạo ra chỉ để hiến tạng.
Câu chuyện về những con người khiếm khuyết, những con người không được làm Người theo đúng nghĩa của từ này đã được Ishiguro khéo léo xâu chuỗi từ những chi tiết nhỏ được đan dệt trong suốt tác phẩm: bài hát mãi đừng xa mẹ và vũ điệu tưởng tượng của Kathy, những con thú được vẽ tỉ mẩn của Tommy, cuộc gặp gỡ với bản gốc của Ruth taị Norfolk…
Sự sáng tạo, những hoạt động thường nhật, những xúc cảm, yêu thương, rồi khao khát ấy được kể lại một cách tỉ mẩn, với giọng điệu bình thản như mặt biển sóng ngầm càng khiến cho cái kết “đã được định đoạt” của mỗi kiếp người khiếm khuyết ấy có sức lay động và ám ảnh người đọc.
Mãi đừng xa tôi (Never let me go) được Time Magazine xếp vào danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất từ năm 1923 tới năm 2005.