Đã có những cuốn sách nói về sự gặp gỡ của Vật lý lượng tử với cốt tủy tư tưởng Phật giáo. Nhưng đến Nguyễn Tường Bách với tác phẩm Lưới trời ai dệt?, thì thế giới quan khoa học Vật lý với những điểm cốt tủy của tư tưởng Phật giáo thực sự được diễn giải sáng rõ, nhất thể bằng một thứ ngôn ngữ uyên bác, thấu đạt thông qua các tiểu luận có thể ví như những tùy bút văn chương-khoa học-triết học đầy hấp dẫn.
Những khái niệm vật lý cơ bản không còn khô khan, những bản kinh cổ Phật giáo không còn xa xăm diệu vợi, mà được kéo lại gần với những chứng nghiệm và sự thông đạt vi diệu.
Độc giả bước vào vũ trụ mênh mông không cô đơn khi nhận ra mình là một phần của bản hòa âm diễm tuyệt của tự nhiên.
Hiện nay người ta cho rằng vật chất trong vũ trụ phần lớn là vật chất tối, thứ vật chất không làm bằng proton, neutron và electron như của chúng ta. Với một khái niệm đó thôi thì nó đã nằm ngoài khả năng nhận thức của cảm quan, nếu có thì nó chỉ được chứng nghiệm một cách gián tiếp. Thực tế là toàn bộ lý thuyết hạt trong bản thân thế giới hạ nguyên tử cũng chỉ được chứng nghiệm một cách gián tiếp và thông qua ngôn từ và khái niệm cổ điển của chúng ta. Nếu ta so sánh nhà khoa học với chàng thám tử tìm cách bắt cướp thì trong thế giới hạ nguyên tử, chàng không bao giờ còng tay được thủ phạm cả.
– Nguyễn Tường Bách