Tục thờ thành hoàng làng là tín ngưỡng phổ biến ở làng quê Việt Nam. Thành hoàng có vị trí khá đặc biệt trong đời sống tâm linh của người Việt. Những ông thành hoàng, bà thành hoàng là biểu tượng của lực lượng bảo vệ cuộc sống của triều đình cho phép dân làng thờ phụng; Đó là những người khai dân, lập ấp được coi như thủy tổ của làng; Đó cũng có khi là các vị tổ sư của các nghề thủ công truyền thống v.v.
Trải qua thời gian với nhiều đổi thay diễn ra trong xã hội, chiến tranh loạn lạc kéo dài nên nhiều làng mạc, thôn xóm không còn giữ được thần tích của các vị thành hoàng. Người ta vẫn thờ phụng nhưng có thể không biết thờ ai? Sự tích vị thần đó như thế nào? Hiện tại, trong kho lưu trữ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam còn lưu giữ được 556 sách chữ Hán, ghi lại nhiều sự tích các vị thành hoàng do Trường Viễn đông bác cổ tổ chức sưu tầm và sao chép lại. Việc giới thiệu sự tích các bà thành hoàng trong kho tàng thần tích nói trên không chỉ là một việc làm có ích, cần thiết để đáp ứng nhu cầu của các địa phương hiện nay mà còn cung cấp thêm những tư liệu giúp các nhà khoa học nghiên cứu về phụ nữ Việt Nam nói chung và các nữ thần nói riêng.