Năm trước báo Patrie annamite ở Hanoi có mở cuộc thi một bài luận-văn bằng chữ Pháp về vấn-đề quốc văn. Tôi có chân trong hội-đồng khảo duyệt. Bài luận văn của ông Lê-văn-Nựu được trúng-cách, cùng với ba bốn bài nữa. Ông đã cho in thành sách, nhờ tôi đề tựa. Nay lại dịch ra quốc-văn xuất-bản lần nữa, cũng cậy tôi viết mấy lời trên đầu sách. Tôi lại vui lòng nhận một lần nữa, vì tôi bình sinh một lòng thờ quốc văn, phàm công-việc quan hệ đến quốc-văn, tôi vẫn thiết-tha lấy làm phận-sự. Tôi cúc-cung tận-tụy với quốc-văn, tin rằng quốc-văn là cái lợi-khí độc nhất vô-nhị để đoàn-luyện quốc-hồn, bảo-tồn quốc-túy. Có hồi thiên-hạ túy-tâm về những chủ-nghĩa đau đâu, cơ-hồ đã xao-lãng những điều cốt-yếu đó. Nay thì ai ai cũng hiểu rõ rằng nước không có quốc-hồn là nước suy-nhược, nước không có quốc-túy là nước bại-vong, nước không có quốc-văn để duy-trì lấy hai mối đó là nước đến ngày tiêu-diệt. Một nước đã sản-xuất được một áng quốc-văn tốt-đẹp tinh-túy như truyện Kiều, là nước không thể tiêu-diệt được. Cho nên năm xưa tôi có câu nói: « Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn ». Muốn cho nước ta còn thì tiếng ta phải còn, mà tiếng ta không thể mất được, vì trước kia đã sản-xuất được truyện Kiều, sau này còn có thể sản xuất được trăm nghìn kiệt-tác nữa. Tôi đốt hương cầu nguyện cho tiền-đồ quốc-văn được vẻ vang rực-rỡ vậy. Nay tựa Viết tại nhà biệt-thự « Hoa-đường » trên sông An-cựu gần Kinh-thành Huế, ngày 17 tháng 2, niên-hiệu Bảo-đại thứ 17 Giáo-dục bộ Thượng-thư PHẠM QUỲNH