Nếu kết cuộc được định sẵn của một kiếp người là trở thành bụi tro “đến theo dòng nước, tàn theo gió” thì ý nghĩa thật sự của đời sống nằm ở đâu? Câu trả lời là: trước khi hóa thành tàn tro, người ta phải là một tia lửa rực cháy. Lấy bối cảnh một trại tập trung Đức Quốc xã vào những ngày cuối cùng của Thế chiến II, Lửa yêu thương lửa ngục tù là câu chuyện xoay quanh cảnh lao ngục của người tù 509 và những bạn đồng cảnh của y. Trong lao tù, họ bị xem là súc vật, là những bộ xương, là những cái xác ốm đói chỉ còn chờ ngày chết. Tuy vậy, dù chỉ thoi thóp chút tàn hơi, họ vẫn nương tựa lẫn nhau, cùng chiến đấu và bảo vệ nhau. Với họ, cuộc đấu tranh này không đơn giản là đấu tranh sinh tồn, mà là đấu tranh để bảo vệ tia lửa sống đang bừng lên trong mình, tranh đấu cho quyền được làm người và quyền sống như một con người trước tội ác vô loại của bọn Đức Quốc xã.*** Remarque (1898 – 1970là nhà văn lừng danh người Đức. Ông nổi tiếng với Phía Tây không có gì lạ, một trong những tác phẩm hay nhất về Thế chiến I. Các tác phẩm tiêu biểu khác của ông như Ba người bạn, Khải hoàn môn, Đêm Lisbon…cũng góp phần không nhỏ trong việc khẳng định tài năng và danh tiếng của ông khắp năm châu. Năm 1931, ông được đề cử cả giải Nobel Văn chương và Hòa bình. Bia mộ đen (Der schwarze Obelisk – 1956một lần nữa cho thấy thiên bẩm của Remarque trong việc nhìn ra được niềm vui, lạc quan và những điều tốt đẹp giữa khổ đau, tuyệt vọng và xấu xí. Nhận xét về tác phẩm này, cây bút F.T. Marsh của tờ New York Herald Tribune từng viết: “Dí dỏm nhưng đượm buồn, vừa nghiêm túc lại có chút giang hồ, tuyệt diệu trong từng câu chữ nhưng vẫn khó nắm bắt vô vùng”. *** Khu vườn chìm trong màu sáng bạc. Không khí thoang thoảng hương hoa tím. Cây ăn trái trồng dài theo bờ tường phía Nam trông như đang bị bao phủ bởi một rừng bướm trắng hồng. Alfred đi đầu, phía sau là ba người mặc quân phục. Họ đi trong im lặng. Alfred chỉ tay về trại nuôi gia súc. Ba người Mỹ tản mác không một tiếng động. Alfred đẩy cửa ra: – Neubauer! Ra đây! Có tiếng càu nhàu từ trong bóng tối vọng ra: – Cái gì đó? Ai vậy? – Ra đây? – Ủa! Alfred đó hả? – Phải. Neubauer lại càu nhàu: – Mẹ kiếp! Lại ngủ nữa! Cứ nằm mơ… Hắn sửa giọng rồi nói tiếp: – Có phải chú mới bảo tôi ra không? Một người Mỹ từ nãy rón rén tới sát bên Alfred bỗng bấm đèn lên: – Đưa tay lên! Bước ra ngay! Trong vòng tròn ánh sáng xanh mờ, Neubauer mình trần vẫn còn ngồi trên một chiếc ghế bố nhà binh. Hắn nhấp nháy mắt: – Cái gì? Các người là ai? Người Mỹ quát: – Đưa tay lên! Có phải tên là Neubauer không? Neubauer vừa đưa tay vừa gật đầu. – Chỉ huy trưởng trại tập trung Mellern hả? Neubauer lại gật đầu. – Bước ra! Neubauer nhìn vào họng súng đang chĩa thẳng vào hắn. – Cho tôi mặc áo đã! – Bước ra ngay! Ngập ngừng, Neubauer bước ra. Một trong ba quân nhân Mỹ nhảy phóc tới kềm chế Neubauer trong khi người kia lục soát căn trại. Neubauer lườm Alfred: – Chú đưa họ tới hả? – Phải. – Đồ Judas! Alfred trả lời từng tiếng một: – Ông không phải là Jesus Christ mà tôi cũng không phải là đảng viên Quốc Xã. Người Mỹ lục soát bên trong đã trở ra. Neubauer hỏi viên Trung sĩ Mỹ biết nói tiếng Đức: – Cho tôi mặc áo vào, được không? Treo ở sau chuồng thỏ. Viên Trung sĩ Mỹ do dự một chút rồi vào trong lấy chiếc áo thường phục ra. Neubauer xuống giọng: – Không phải áo này. Tôi là quân nhân mà. – Không có quân nhân gì cả. Neubaner năn nỉ: – Xin lấy giùm tôi chiếc áo của Đảng.
Nguồn: https://thuviensach.vn