Một chuyện tình làm tan nát cõi lòng được kể dưới hình thức ngụ ngôn cổ điển. Một tấn kịch gợi tình và đầy sống động, khắc họa những dục vọng sâu kín nhất của con người.
Chuyện bắt đầu với Herve Joncour – một thương gia giàu có trong ngành tơ lụa nước Pháp. Năm 1861 cả thế giới phải hứng chịu một dịch bệnh đe dọa xóa sạch việc buôn bán lụa. Đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, Herve quyết định vượt qua những châu lục xa xôi để đến Nhật Bản, nơi sẽ có thứ trứng tằm có thể nhả ra loại tơ tuyệt vời nhất trần gian.
Chàng bắt đầu một cuộc hành trình dài, vượt qua những thung lũng, núi đồi xa xôi, băng qua sa mạc và những vùng băng tuyết khắc nghiệt. Một nơi được gọi là tận cùng thế giới, một bí ẩn của phương Đông với vô số huyền thoại. Đến Nhật Bản, Herve Joncour gặp một lãnh chúa tên Hara Kei. Người này đồng ý bán cho chàng một ngàn kén trứng để mang về.
Nếu mọi chuyện có thể dừng lại ở đó thì đã thực đơn giản, Herve bị ái nữ của Hara Kei “bỏ bùa”. Đó là đôi mắt của một người phụ nữ phương Đông mà không hề phương Đông, một sự hấp dẫn đầy mê hoặc. “Uống nhầm một ánh mắt, cơn say theo nửa đời” quả không sai, cái nhìn ấy như một lời nguyền bám dính lấy chàng.
Herve luôn đau đáu nhớ về Nhật Bản bất chấp đại dịch kia đã tìm được thuốc chữa.Chàng quyết tâm trở lại dù nơi ấy đang trong giai đoạn chính trị rối ren. Tình yêu giữa chàng và ái nữ kia đã vô tình chớm nở, như hai kẻ đồng điệu về tâm hồn. Chuyến đi mua trứng tằm đã thay đổi tất cả…
Và chỉ khi mất đi những điều yêu thương nhất Herve mới nhận ra đâu là điều thực sự trân quý ở đời. Một nghịch lý không khó bắt gặp, khi ta mải mê đuổi theo một “dải lụa” mà vô tình quên đi mất đang có một “dải lụa” khác đẹp đẽ, mềm mại, hơn rất nhiều ngay cạnh bên.
Với Lụa, tên tuổi Alessandro Baricco, nhà văn người Italy sinh tại Turin năm 1958 đã trở nên lừng lẫy trên văn đàn quốc tế. Xuất bản tại quê nhà năm 1996 và tại Pháp năm 1997, Lụa nhanh chóng trở thành một trong những tác phẩm bán chạy nhất châu Âu. Sau thành công vang dội trên khắp thế giới cuốn sách đã được chuyển thể thành phim vào năm 2007.
1.
Dù người cha đã hình dung anh sẽ có một tương lai rực rỡ trong quân đội, Hervé Joncour cuối cùng lại kiếm sống bằng một nghề khác thường, cái nghề không phải xa lạ, như một sự trớ trêu kỳ cục, với các nét sắc sảo dễ thương của tướng mạo anh, để lộ ra một sự đổi giống nữ mơ hồ.
Để sống, Hervé Joncour mua và bán tằm.
Ta đang ở vào năm 1861. Flaubert viết tiểu thuyết Salammbo, đèn điện còn là một giả thuyết và Abraham Lincoln, bên kia bờ Đại Dương, đang tiến hành một cuộc chiến tranh mà ông sẽ không thấy hồi kết thúc.
Hervé Joncour được ba mươi hai tuổi.
Anh mua, và anh bán.
Những con tằm.
2.
Trong thực tế, Hervé Joncour mua và bán tằm khi tằm còn là trứng bé tí xíu, màu xám hay vàng, bất động và tưởng như chết. Chỉ cần một lòng bàn tay đủ nắm hàng ngàn trứng như thế.
“Đó là điều ta gọi là nắm một tài sản trong tay”.
Vào những ngày đầu tháng năm, trứng nở ra con sâu tằm ăn lá dâu để lớn lên thành tằm, ăn suốt ba mươi ngày, ăn rào rào, ăn bỗ bã; tằm chín thì thu mình kéo kén, hai tuần sau thì thân tằm bị tách ra khỏi kén vĩnh viễn để lại đằng sau một di sản tương đương, nếu tính bằng sợi, một ngàn thuộc tơ sống, nếu tính bằng tiền, một số lượng to tát quan Pháp: với điều kiện là mọi sự được tiến hành theo đúng phép tắc, bài bản, và phải ở một vùng miền nam nước Pháp, như trường hợp của Hervé Joncour.
Lavilledieu là tên cái thị trấn nơi Hervé Joncour sinh sống.
Helène, tên người vợ anh.
Họ không có con.
3.
Những trận dịch bệnh càng ngày càng tàn phá ngành chăn tằm ở châu Âu. Để tránh những sự tác hại, Hervé Joncour phải đi mua trứng tằm bên kia bờ Địa Trung Hải, tận Syrie và Ai Cập. Đó là khía cạnh phiêu lưu đặc thù của nghề anh. Hằng năm vào những ngày đầu tháng giêng, anh lên đường. Anh băng qua một ngàn sáu trăm dặm trên biển và tám trăm cây số trên bờ. Anh ra tay chọn trứng, trả giá, thu mua. Rồi anh quay lưng, băng qua tám trăm cây số đường bộ và một ngàn sáu trăm dặm đường biển, về đến cái thị trấn nhỏ Lavilledieu thường vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng tư, thường kịp giờ dự lễ ca trong nhà thờ. Anh còn làm việc suốt hai tuần nữa cho trứng vào bao bì và đem bán.
Thời gian còn lại trong năm, anh nghỉ ngơi.
4.
– Và châu Phi nó ra sao? – người ta hỏi anh.
– Mệt mỏi.
Anh có một ngôi nhà lớn nằm ngoài thị trấn một chút và một xuồng nhỏ ở trung tâm, ngay trước mặt ngôi nhà bỏ hoang của ông Jean Berbek. Jean Berbek, một ngày đẹp trời nào đó bỗng nổi hứng quyết định từ nay về sau không mở miệng nói gì nữa. Ông giữ lời hứa. Vợ và hai đứa con gái bỏ ông ra đi. Ông chết. Nhà ông chẳng ai muốn mua và như thế bây giờ thành nhà hoang.
Mua và bán tằm, nội việc này thôi cũng mang lại cho Hervé Joncour hàng năm một số lợi tức đủ bảo đảm cho anh và vợ một cuộc sống tiện nghi thoải mái mà ở tỉnh lẻ người ta dễ cho là sang trọng, xa hoa. Anh hưởng thụ của cải mình một cách kín đáo, và anh thấy mình hoàn toàn lạnh nhạt trước cái viễn tưởng không xa thực tế lắm là anh có thể trở nên thực sự giàu có. Ngoài ra, anh là một trong những người thích làm khán giả trước chính cuộc đời của mình, mọi tham vọng sống cuộc đời mình được xem là không thích đáng, là lạc lầm.
Ta sẽ nhận ra là những người như thế lặng ngắm số mệnh mình cùng một cách như phần lớn những người khác lặng ngắm một ngày mưa.
5.
Nếu được hỏi, có lẽ trả lời rằng cuộc đời anh sẽ tiếp tục như thế mãi mãi. Tuy nhiên, vào những năm đầu thập niên sáu mươi, trận dịch bệnh tằm gai, sau khi đã làm cho số trứng tằm nuôi ở châu Âu trở thành vô dụng, lan tràn sang bên kia biển, tận châu Phi và ngay sang cả Ấn Độ, theo lời một số người. Năm 1861, Hervé Joncour trở lại quê nhà sau chuyến đi xa thường lệ, mua về một số trứng mà hai tháng sau mới biết bị nhiễm bệnh gần hết. Đối với Lavilledieu cũng như các thành phố khác đã dựa trên nền sản xuất tơ lụa mà làm giàu, năm đó tưởng như báo hiệu sự bắt đầu cho sự suy sụp, tàn cuộc. Khoa học tỏ ra bất lực trong việc tìm hiểu những nguyên nhân gây dịch bệnh. Và khắp mặt đất, tận những vùng xa xôi hẻo lánh, tưởng như bị giam hãm, đày đọa bởi cái phù phép, tai ương không lời giải thích đó.
– Không phải khắp mặt đất đâu – Baldabiou nói nhẹ nhàng – không khắp đâu, và rót một chút nước lạnh vào ly rượu anizét của mình.
…
Mời các bạn đón đọc Lụa của tác giả Alessandro Baricco.
Nguồn: https://ebookvie.com