Lột trần Việt ngữ

Lột trần Việt ngữ

Tác giả:
Thể Loại: Văn Học Việt Nam
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com
PDFĐỌC ONLINE

Từ vài mươi năm nay, nhiều nhà học giả Pháp và Việt đã nghiên cứu lịch trình tiến hoá của Việt ngữ trong vòng ba trăm năm nay, và đã khám phá ra một số sự kiện mới lạ.
Lần này chúng tôi thử đi xa hơn, trong thời gian và không gian, trong thời gian thì đi xa về sáu trăm năm trước, trong không gian thì đi xa từ Đông Bắc Á đến Đông Nam Á, rồi đến Trung Mỹ, thử xem cái Việt ngữ thượng cổ nó ra sao và đã tiến hoá cách nào cho tới ngày nay.
Sở dĩ các bậc đàn anh của chúng tôi chỉ đi có ba trăm năm vì quí vị đó đã thấy Việt ngữ là một ngôn ngữ riêng biệt, không có bà con trong không gian và thời gian, và văn kiện cổ của ta thì không có để các vị nghiên cứu.
Chúng tôi thấy khác rằng chúng ta thuộc chủng Mã Lai, mà có hàng trăm dân tộc khác cũng thuộc chủng Mã Lai, ở khắp thế giới và có cả tài liệu về ngôn ngữ Mã Lai trong sách vở của Trung Hoa, thành thử chúng tôi mới thám hiểm xa được trong không gian và sâu hơn trong thời gian.
Tuy nhiên đây chỉ là công trình của kẻ phá rừng, luôn luôn có khuyết điểm. Nhưng khi nền móng đã đặt ra rồi thì người sau cứ từ đó mà tiến lên, kẻ phá rừng gặp quá nhiều chướng ngại, còn kẻ khai thác một đám đất đã được khai quang sẽ có dịp đào sâu hơn.
Để chứng minh sự đồng chủng giữa hai dân tộc, khoa học dùng nhiều phương pháp trong đó phương pháp đối chiếu ngôn ngữ là một.
Nếu chỉ có hai dân tộc, thì sự đối chiếu đi thật sâu vào toàn thể cơ cấu của cả hai ngôn ngữ, tức một quyển sách thật dày cũng chưa đủ. Nhưng nếu là hai ba chục dân tộc thì không cần phải đi sâu đến thế mà sự giống nhau của một số danh từ là đủ rồi, nhất là khi các dân tộc ấy hoàn toàn không có liên hệ nhau hồi cổ
thời.
Thí dụ chúng tôi cho rằng ta và Nam Dương không hề có liên hệ nhau hồi cổ thời, có nhà phê bình cãi lại rằng có. Mặc dù không có sử liệu chứng minh sự có liên hệ, chúng tôi cũng cố nhượng bộ nhà phê bình, vì sự kiện lịch sử ấy CÓ THỂ xảy ra được.
Nhưng Nhựt Bổn và Nam Dương thì hẳn là không. Chúng tôi có lên xứ của người Sơ Đăng, cả hai lần đều không được, thì ngay như Việt và Sơ Đăng, cùng chung địa bàn mà còn khó có thể tiếp xúc với nhau, thì Nhựt và Nam Dương không làm sao mà trao đổi ngôn ngữ với nhau được, trừ phi vào cổ thời, Nhựt đã di cư đi Nam Dương hoặc Nam Dương đã di cư lên Nhựt Bổn, chứ sự trao đổi ngôn ngữ và văn hoá thì sử không biết, mà lý trí của con người cũng khó lòng chấp nhận.