Loạn Thế Anh Hùng – Tập 3

Loạn Thế Anh Hùng – Tập 3

Tác giả:
Thể Loại: Tiểu Thuyết Trung Quốc
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Giữa những thay đổi mang đặc điểm của thời đại, dòng văn học kiếm hiệp của Trung Quốc phải rất vất vả để tìm lại được đinh cao trước kia của mình. Điều đó trông chờ vào rất nhiều các tác giả trẻ vẫn còn giữ được cái tâm đối với nền văn học truyền thống này. Một trong những cây bút nổi bật trong công cuộc phục hưng này chính là Tiểu Đoạn với tác phẩm nổi tiếng của mình “Loạn thế anh hùng”. Có thể nói, chính tác phẩm đầu tay này của Tiểu Đoạn đã mang lại tiếng tăm cho anh, không chỉ chính thức đưa anh trở thành một cái tên đáng chú ý trong giới tác giả tiểu thuyết võ hiệp mới. Không chỉ vậy, tác phẩm còn định hình và giới thiệu phong cách viết của anh tới với công chúng. Câu chuyện bắt đầu với một bối cảnh “thái bình giả tạo” vào đời Tống. Khi mà tất cả chỉ như một khoảng lặng trước khi bão về. Triều đình thi nhau tô vẽ một nền quốc thái dân an trong khi thực chất là thù trong giặc ngoài, quân Kim nhăm nhe bờ cõi, quan lại thối nát, nhũng nhiêu gây tai ương khiến dân đen khốn khổ. Nhưng như một quy luật thần kì của tạo hóa, loạn lạc sẽ sinh ra những anh hùng cái thế đứng ra giúp dân lành. Đó là Thẩm Phóng nghĩa khí, là Tam Nương Tử dù là phận nữ nhi cũng hiểu lễ nghĩa, thông tường đạo lý với tài trí hơn người. Họ đã cùng nhau kháng Kim cứu nước, mới đích thực là những anh hùng xả thân vì nước vì dân. Tiểu Đoạn đã xây dựng nên các hình tượng nhân vật với những cá tính rõ rệt, được khắc họa qua các trường đoạn kịch tính hồi hộp và sâu sắc qua từng trang sách. Với bút pháp thuần thục và lôi cuốn người đọc bằng việc mang lại một không gian Trung Hoa cổ vừa tráng lệ vừa hào hùng, Tiểu Đoạn đã viết nên một bản anh hùng ca đáng nhớ trong tác phẩm này. Cuốn sách xứng đáng với bất cứ lời khen tặng nào và chắc chắn sẽ là một tác phẩm mà những bạn trẻ yêu thích văn học võ hiệp không nên bỏ qua. *** Tiểu Đoạn, hay còn gọi là Đoạn tử, tên thật là Đoạn Ngân. Tiểu Đoạn là người đắm chìm trong cô độc, tự cho thế là làm hổ thẹn bố mẹ, nên lấy cái bút danh như trên. Tiểu Đoạn sinh năm 1973, sinh ở Tề Tề Cáp Nhĩ – Hắc Long Giang, quê ở Tùy Châu Hồ Bắc, thỉnh thoảng tạm cư ở Thẩm Quyến, hay đi chu du tứ phương. Văn phong của Tiểu Đoạn được mệnh danh là từ thơ hóa thành văn, biểu hiện sự vật ở mức độ nhân tính hóa cao độ. Cách hành văn của Tiểu Đoạn mang phong cách của bậc đại gia, mạch lạc rõ ràng, câu chữ lưu loát trôi chảy, múa bút là như vẽ ra từng đóa hoa, chịu ảnh hưởng thâm sâu của cách hành văn cổ xưa. Quan niệm sáng tác của Tiểu Đoạn rất cao xa bay bổng, thể hiện ẩn bên trong Tác Phẩm Tập Từ của anh. Tác phẩm đại biểu của Tiểu Đoạn có Bôi Tuyết (còn gọi là Loạn Thế Anh Hùng truyện, Lạc Dương nữ nhân hành, Trường an cổ ý, Ma đồng, Thạch Lưu ký, Cung Tiêu duyên, Long thành, Khích Trung câu, Tá hồn đăng…*** Triệu Húc cảm thấy chỉ qua một đêm đại thúc gia dường như đã già đi rất nhiều. Mái tóc bạc của Triệu Vô Lượng lưa thưa trong gió, trong lòng có nỗi đau thật không thể kể ra. Trên sông, lửa thuyền chài lác đác, lão cùng Triệu Húc đang ngồi trên thuyền, ánh đèn chiếu nước, ánh sáng không sao nắm bắt. Muôn thứ ảo tưởng trong đời người có phải giống như ánh đèn này, ta chỉ có thể nhìn, nếu muốn đưa tay xuống nước tóm lấy liền tan đi? Nước nhà là mộng, mộng của lão tan rồi. Lão ngưỡng mộ Viên lão đại cùng Lạc Hàn, những người vẫn còn sức lực để giấc mộng của mình không bị tan vỡ. Lão bỗng nhúng cái đầu tóc bạc của mình vào trong dòng nước, bởi vì lão rơi lệ rồi. Lệ hòa vào nước thì không thấy được nữa, lão không muốn người bên cạnh trông thấy lão khóc, sự kiêu ngạo còn sót lại cũng chỉ có thể bảo hộ chút tôn nghiêm cuối cùng này. Nước sông rất lạnh, lão ở đầu thuyền gập lưng, vùi đầu xuống nước. Triệu Húc sợ ngây ra, nỗi đau thương không lời này làm lay động cõi lòng một gã thiếu niên hơn là đau đớn khóc than. Hắn không dám cử động, thậm chí không dám đưa tay vỗ lưng đại thúc gia. Có thể hận một ai đó thật ra còn đỡ, giống hồi đầu Triệu Vô Lượng hận bọn hôn quân gian thần nọ, cảm thấy bọn chúng là đầu sỏ tội lỗi, hại nước nhà, hại nhân gian, nhưng bây giờ, lão hận cũng không biết hận vào đâu, cái lão một mực lưu luyến chẳng qua là một cái nước nhà đã mất, như lời Hoa Trụ, chẳng qua chỉ là hoa trong gương, bọt trong nước thôi. Một lão già tuổi tác đã lớn, giấc mộng cả đời bị phá, còn cái gì có thể an ủi trái tim tan nát đó? Triệu Vô Lượng kêu gào trong dòng nước, chỉ thấy sóng nước bập bềnh, tiếng gào không có tiếng – Thiên thu giấc mộng quốc gia, cuối cùng còn nước ngập đầu mà thôi. Triệu Vô Lượng ca dài thành khóc, khóc không ai nghe. Tuế nguyệt vô tình, núi sông tịch mịch, tòa Kiến Khang cổ thành này từng chứa bao nhiêu mộng vỡ mộng thành của con người ta đây? Nước mất núi sông còn, mộng tan thân này lắm. Triệu Vô Lượng đêm nay mộng nát. Trên thuyền, Triệu Húc gọi khẽ: “Đại thúc gia, đại thúc gia.” Triệu Vô Lượng ở trong nước lại càng nghẹn ngào, mọi thứ lão kỳ vọng đều đã tan tành, tan rồi, xa rồi. Cái lão làm được, đại khái chỉ còn một việc tự mình lẻn vào thành Ngũ Quốc, trộm về hài cốt của chú, của anh thôi. Việc này lão cũng sẽ không cho ai đi cùng, cho dù là người thân như Triệu Húc hay Triệu Vô Cực, bọn họ nên có được phần đời còn lại tự hưởng thú vui chài lưới. Người sống ích gì, sao sống quá cực? Tịch mịch sao đặng, tịch mịch cùng cực? “Tông thất song kỳ”, danh hủy một đêm. Ở Giang Bắc, mùa đông đã đậm lắm, tuyết rơi hạt lớn, tầm tã không ngừng. Trong tuyết có một thiếu niên và một thiếu nữ mười lăm, mười sáu tuổi đang đi trong cảnh đông khiến khuôn mặt đỏ hồng, đó chính là Triệu Húc và Tiểu Anh Tử. Triệu Húc cuối cùng cũng đợi được tới lúc Lạc Hàn đích thân nói chuyện với mình, mà Lạc Hàn vừa mở miệng đã muốn nhờ hắn một chuyện – nhờ hắn đưa Tiểu Anh Tử và lão mù tới Giang Bắc. Triệu Húc gần như đồng ý ngay tức khắc – mấy ngày nay, đại thúc gia bảo có việc cần làm liền đi lên phương Bắc rồi; nhị thúc gia cũng tan hết hứng thú, một mình quay lại Đại Thạch Pha – Cái để lão có hứng gửi gắm phần đời còn lại chỉ còn trận đại thạch trên Đại Thạch Pha nọ. Lúc đi họ đều xoa đầu Triệu Húc, dường như đang nói: Húc Nhi lớn rồi, đã tới lúc nó một mình bay cao.